12/09/2019
Sau rất nhiều lần bị dư luận nghi ngờ về tính dối
trá của số liệu kiều hối về Việt Nam trong những năm gần đây, lại vừa nảy nòi một
mâu thuẫn lớn giữa số kiều hối về Việt Nam được công bố bởi Ngân hàng Thế giới
và số kiều hối về TP.HCM được công bố bởi Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM.
Gần 18 tỷ USD hay chỉ dưới 8,5 tỷ USD?
Đó là bối cảnh khi năm 2019 đã lặng trôi được hai phần
ba quãng thời gian, hệ thống tuyên giáo đảng và một số tờ báo quốc doanh một lần
nữa dựa vào tổng kết và dự báo của Ngân hàng Thế giới để ghi điểm cho một chế độ
chuyên nghề lợi dụng ‘khúc ruột ngàn dặm’ nhằm hút đô la.
Bởi theo Ngân hàng Thế giới, kiều hối Việt Nam đạt
13,8 tỷ USD trong năm 2017, và lên đến 15,9 tỷ USD trong năm 2018, có mức độ
tăng trưởng mỗi năm khoảng 10%.
Từ đó có thể ước tính số kiều hối về Việt Nam trong
năm 2019 sẽ vọt đến gần 18 tỷ USD!
Nhưng theo quan chức Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc
Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP. HCM, người chuyên theo dõi và thông tin cho
báo giới về kết quả kiều hối ở thành phố này, lại cho biết ước tính 8 tháng đầu
năm 2019, nguồn kiều hối chảy về TP. HCM chỉ đạt 3,45 tỷ USD và dự kiến cả năm
2019, nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM chỉ đạt con số trên 5 tỷ USD.
Nếu mức 5 tỷ hoặc nhỉnh hơn một chút là số liệu cuối
cùng về kiều hối về TP.HCM trong năm 2019, kết quả này là không có gì vượt hơn
so với 5 tỷ USD kiều hối về thành phố này trong năm 2018, thậm chí còn thua cả
số 5,2 tỷ USD kiều hối về TP.HCM trong năm 2017.
So sánh trên phản ánh một diễn biến quan trọng của đồ
thị kiều hối về TP.HCM: sau khi tạo đỉnh vào những năm 2016 và 2017, kiều hối về
TP.HCM có xu hướng giảm dần, bất chấp Sài Gòn là nơi tập trung hàng triệu gia
đình có thân nhân ở nước ngoài và là địa chỉ ‘giàu có’ nhất’ về nhận kiều hối,
chủ yếu từ thị trường Hoa Kỳ chiếm 55-60% tổng kiều hối từ các nước gửi về Việt
Nam.
Kết quả kiều hối về Sài Gòn lại là phác thảo cho bức
tranh kiều hối về Việt Nam, bởi đã hình thành một quy luật: Sài Gòn thường nhận
khoảng 60% trong tổng số kiều hối về Việt Nam - theo thống kê của Ngân hàng nhà
nước chi nhánh TP.HCM về cơ cấu địa phương tiếp nhận kiều hối trong nhiều năm
qua.
Như vậy nếu căn cứ vào con số 5,2 tỷ USD kiều hối về
Sài Gòn trong năm 2017 và tỷ lệ 60% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều
hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và
2018 chỉ vào khoảng 8,5 tỷ USD chứ không thể lên đến 13,8 tỷ USD cho năm 2017
và 15,9 tỷ USD cho năm 2018 như Ngân hàng Thế giới công bố.
Tương tự, nếu căn cứ vào con số khoảng 5 tỷ USD kiều
hối về Sài Gòn trong năm 2019 và tỷ lệ 60% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng
lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2019
cũng chỉ vào khoảng 8,5 tỷ USD chứ không thể lên đến gần 18 tỷ USD.
Nhưng con số 8,5 tỷ USD trên vẫn có thể là lạc quan,
bởi phản ánh chung của báo chí và giới chuyên gia tài chính là trong những năm
gần đây, kiều hối đổ về Việt Nam có khuynh hướng ngày càng tập trung về Sài
Gòn, trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác, trong đó cần phải tính đến yếu tố sụt
giảm kiều hối từ lực lượng xuất khẩu lao động của Việt Nam do ngày càng nhiều
quốc gia hạn chế hoặc đóng cửa với lao động Việt. Nếu tỷ lệ kiều hối về Sài Gòn
vượt trên 60% nhưng vẫn giữ giá trị tuyệt đối là khoảng 5 tỷ USD thì dĩ nhiên
con số tổng kiều hối quốc gia sẽ phải giảm dưới mức 8,5 tỷ USD.
Ngân hàng Thế giới có tiếp tay cho chính thể độc tài Việt
Nam?
Kết quả kiều hối về Việt Nam liên tiếp thấp hơn mức
8,5 tỷ USD là tồi tệ nếu so với đỉnh kiều hối về Việt Nam trong năm 2015 là
13,5 tỷ USD.
Kết quả tồi tệ đó cũng phá vỡ đường cong tăng tiến
trong 23 năm liên tiếp của kiều hối về Việt Nam, và hẳn là đó nguồn cơn bỉ bôi
sâu xa khiến các cơ quan Việt Nam như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Tổng cục Thống kê… cố giấu diếm công bố về kiều hối của ‘kiều bào ta’ vào
các năm 2017 và 2018, và rất có thể sẽ lại giấu biến số kiều hối về Việt Nam vào
năm 2019.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới đã trở thành một hiện
tượng chính trị rất đáng được mổ xẻ và truy xét nguồn cơn, khi tổ chức được xem
là rất có uy tín quốc tế này đã làm thay phần việc của các cơ quan ở Việt Nam
trong việc công bố kết quả kiều hối về Việt Nam mỗi năm.
Vậy là những năm gần đây, năm nào các tờ báo đảng và
‘thân đảng’ ở Việt Nam cũng dẫn tin từ Ngân hàng Thế giới để khoa trương thành
tích nhờ có nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước
ngoài và các chính sách nhân văn nhân bản của đảng và nhà nước ta mà Việt Nam
đã thu hút được ngày càng nhiều kiều hối từ ‘khúc ruột ngàn dặm’ hay từ ‘kiều
bào ta’.
Thậm chí đích thân ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng còn
xuất đầu lộ diện trong một bài phát biểu tại sự kiện có tên “Xuân quê hương
2019” ở Hà Nội để nói theo… Ngân hàng Thế giới.
Khi đó, ông Trọng thông báo rằng người gốc Việt sinh
sống tại các nước trên thế giới gửi về Việt Nam gần 16 tỷ đôla trong năm 2018
và không quên nhấn mạnh rằng con số đó “tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993”.
Tuy nhiên, công bố của Ngân hàng Thế giới về lượng
kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 lại chỉ thuần túy là con số tổng
nhưng đã không kèm theo bất kỳ một liệt kê chi tiết nào cần có về cơ cấu khu vực
và quốc gia trên thế giới gửi kiều hối về Việt Nam, cơ cấu khu vực và ngành nghề
ở Việt Nam nhận kiều hối, phương pháp tính kiều hối của Ngân hàng Thế giới…
Trong thực tế, số liệu của Ngân hàng Thế giới về kết
quả kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 là rất đáng nghi ngờ về
tính chính xác, nếu không muốn nói là đáng nghi ngờ về tính trung thực.
Có lẽ nhiều quan chức quản lý tiền tệ ở Việt Nam đã
phải ngơ ngác khi nhìn vào bảng kết quả kiều hối về Việt Nam do Ngân hàng Thế
giới thống kê: với số thống kê của Ngân hàng Thế giới vượt gấp nhiều lần số liệu
được công bố bởi Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP. HCM, dấu hỏi rất lớn đọng lại
là Ngân hàng Thế giới đã làm cách nào để ‘vẽ’ thêm từ 7 - 8 tỷ USD kiều hối về
Việt Nam mỗi năm?
Liệu giữa Ngân hàng Thế giới và chính quyền Việt Nam
liệu có tồn tại âm thầm một thỏa hiệp chính trị nào để tô hồng cho chế độ độc đảng
này? Liệu Ngân hàng Thế giới có tiếp tay, hoặc đã có một hành động hoàn toàn
không khách quan và trung thực, cho chính thể độc trị ở Việt Nam khi ‘vẽ’ con số
thống kê lượng kiều hối về Việt Nam năm 2017 là 13,8 tỷ USD, lên đến 15,9 tỷ
USD cho năm 2018 và có thể vọt đến gần 18 tỷ USD của năm 2019?
Thành tích chính trị Nguyễn Xuân Phúc
Kiều hối là một nguồn quan trọng đã giúp duy trì
“máu” để chính quyền Việt Nam vẫn có thể tạm ung dung về “đà tăng trưởng kinh tế
không ngừng”, đồng thời khi cần thiết có thể gia tăng in tiền mặt để “gom” USD
trôi nổi từ dân chúng, đặc biệt từ các gia đình được thân nhân ở nước ngoài gửi
ngoại tệ về, giúp bổ sung kho dự trữ ngoại hối và có thêm ngoại tệ để dễ bề trả
số nợ nước ngoài đang lên đến hàng chục tỷ USD hoặc hơn mỗi năm.
Nếu vào thời hoàng kim của kinh tế Việt Nam vào những
năm 2006-2007, kiều hối có giảm cũng khó có tác động tiêu cực đến nền kinh tế
này. Nhưng khi kinh tế Việt Nam đã trải qua 11 năm suy thoái liên tiếp tính từ
năm 2008, bất cứ một sự giảm sút nào về luồng tài chính ngoại vận cũng khiến nền
kinh tế phải chịu thêm áp lực khủng hoảng.
Sau chuỗi năm tăng trưởng liên tục, năm 2016 thực sự
là một cú sốc dành cho chính thể cầm quyền tại Việt Nam: lượng kiều hối trong
năm đó chỉ còn có 9 tỷ USD, sụt giảm rất mạnh - đến 30% - so với lượng kiều hối
của năm 2015. Với hơn 4 tỷ USD bị sụt giảm từ lượng kiều hối vào năm 2016, GDP
danh nghĩa của Việt Nam khi đó đã bị giảm khoảng 1,5% trong năm đó và cũng giảm
theo tỷ lệ đó trong những năm sau.
Còn vào hai năm 2017 và 2018, với mức giảm từ 6 - 7
tỷ USD so với mức đỉnh 13,5 tỷ USD của năm 2015, GDP danh nghĩa của Việt Nam
còn có thể sụt giảm nặng nề hơn.
Nếu kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài
ba năm tới, ngân sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các
khoản đến hạn với quốc tế.
Hẳn những con số chẳng hề đẹp đẽ ấy là nguồn cơn khiến
Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc không thể an tâm với bảng thành tích
điều hành kinh tế trên cung đường chinh phục cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13
- diễn ra vào đầu năm 2021. Và rất có thể chính vì nỗi thất vọng khó nói ra ấy
nên chính Thủ tướng Phúc đã phải chỉ đạo cho Tổng cục Thống kê đưa cả ‘kinh tế
ngầm’ - hay còn gọi là nền kinh tế không chính thức - vào GDP, để vào tháng 8
năm 2019, mỗi đầu dân Việt bỗng dưng giàu thêm 400 USD, còn Tổng sản phẩm nội địa
của Việt Nam bỗng phình thêm 40 tỷ USD!
Trong khi đó, đời sống dân tình ngày càng khó khăn,
gánh nặng thuế chồng thuế còn tệ hơn cả thời Pháp thuộc ‘chúng bóc lột dân ta đến
tận xương tủy’…
No comments:
Post a Comment