Maijoyeuse Nguyễn
23/09/2019
Sau khi đọc bài “Tư chính không phải là vấn đề “khó”, cái khó cho Việt Nam là
vùng cửa vịnh Bắc Việt“ của nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn, tôi xin
phép có một số ý kiến đóng góp như sau:
1. “Tư chính không phải là vấn đề ‘khó’. Cái khó cho Việt Nam là vùng cửa
vịnh Bắc Việt“
Cái khó không phải là vấn đề vịnh Bắc Việt, mà là ý
chí chính trị của Việt Nam có muốn kiện Trung Quốc hay không, Việt Nam có bản
lãnh để kiện Trung Quốc hay không.
Việt Nam và Trung Quốc có ràng buộc nhau qua các văn
kiện ký kết tuyệt mật mà không ai biết. Các nhà nghiên cứu hay dân chúng không
có điều kiện để tham khảo. Thí dụ mới nhất là hai nước ký hiệp ước dẫn độ mà
không công bố. Dân có phản đối, Đảng cũng không quan tâm, thì ai làm gì? Ai có
khả năng xác định Việt Nam có đặt thành vấn đề kiện Trung Quốc hay không, và nếu
có, theo phương thức nào.
2. “Việt Nam yêu cầu Tòa cho ý kiến về việc ‘giải thích và cách áp dụng
Luật biển” của phán quyết 11-7-2016, ở các vấn đề “đường 9 đoạn’, ‘danh nghĩa lịch
sử’ và ‘tư cách pháp lý các đảo’ có hiệu lực trên toàn vùng biển Việt Nam, đặc
biệt vùng biển Hoàng Sa”
Vấn đề tranh tụng giữa Phi và Trung Quốc đã sáng tỏ
và chung quyết (le jugement definitif). Các toà ITLOS hoặc ICJ không có thẩm
quyền giải thích lại hay mở rộng vấn đề tranh tụng hay tư vấn. Vấn đề là Trung Quốc phủ nhận thẩm
quyền Tòa PCA và Phi tự nguyện không thi hành án. Việt Nam là một thành
phần đệ tam. Vấn đề nội dung (la decision sur le fond) không thuộc tố quyền của
thành phần đệ tam. Không có vấn đề xin ý kiến tư vấn về nội dung cho thành phần
đệ tam ở đây. Các học giả có thể nêu lên vấn đề qua hình thức phê bình án lệ,
mà hậu quả là có ảnh hương đến việc phát triển các học thuyết liên hệ trong
tương lai.
3. “Biện pháp phòng ngừa” nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của Việt
Nam không bị xâm phạm một các không thể phục hồi.
Mục đích Việt Nam kiện (nếu có) để xin Tòa kết án
(le jugement de condammation) hành vi đã và đang vi phạm chủ quyền lãnh thổ, việc
xin phòng ngừa là không đúng mục tiêu.
4. “Việc xin ‘ý kiến tư vấn’, Việt Nam nên sử dụng Tòa Công lý quốc tế
vì cơ quan này trực thuộc LHQ mà Hội đông Bảo an là cơ quan cưỡng chế.”
Ý kiến tư vấn của Tòa không có hiệu lực ràng buộc
pháp lý (effet contraignant), không có liên quan về tính cách cưỡng chế của
HDBA. Hai cơ quan không liên hệ gì nhau. Phán quyết của PCA là một phán quyết
có giá trị tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ của Phi, không liên hệ đến Việt Nam,
(le jugement declaratif de droit).
5. “Nếu hiệu lực của phán quyết 11-7-2016 của PCA được
“mở rộng” qua Hoàng Sa”
Tòa khác không thể mở rộng thẩm quyền khi dựa trên
phán quyết của PCA. Trong thủ tục phúc thẩm trong cùng một hệ thống pháp lý thì
có thể xảy ra nhưng điều kiện vô cùng nghiêm ngặt. Lĩnh vực luật quốc tế thì
không thể xảy ra, vì mỗi toả giải quyết trong phạm vi thẩm quyền của mình,
không dựa vào phán quyến của Tòa khác để bổ sung hay thu hẹp (theo chiều hướng
của rendre un jugement interlocutoire ở trong cùng một nước).
Tác giả cần nghiên cứu các vấn đề luật thủ tục (le
droit de la procedure) trong nước cũng như quốc tế, trước khi đề cập đến các hậu
quả pháp lý khác nhau của một bản án. Các vấn đề này đều có trong bất cứ một
sách giáo khoa ở các nước trên thế giới. Sách giáo khoa của Pháp có nói đến các
khái niệm này. Các từ khoá mà tác giả có thể tìm là le jugement confirmatif,
conditionel, attributif, declaratif …
Cần phân biệt các khái niệm căn bản về luật thủ tục
và hậu quả pháp lý của các loại phán quyết trước khi đề cập vấn đề tố tụng cho
vụ Bãi Tư chính, và ý chí chính trị để khởi động tố quyền của Việt Nam đóng một
vai trò quan trọng.
Hy vọng ý kiến trình bày trên đây là một đóng góp
khiêm tốn cho tác giả và cho các bạn khác quan tâm khía cạnh luật tố tụng cho vấn
đề sôi bỏng này.
Trân trọng.
No comments:
Post a Comment