Nguyễn Đạt Thịnh
September 14, 2019
Hôm 11 Tháng Chín, 2019, Quốc Hội tiểu bang
California thông qua một đạo luật bắt các công ty như Uber và Lyft phải coi những
người tài xế tham gia thương vụ của hãng như những công nhân chứ không như những
“cộng tác viên” làm khoán nữa.
Quốc Hội California muốn bênh vực những người lao động
phục vụ trên thị trường thường được gọi là “gig economy”; chữ “gig job” có
nghĩa là nghề làm khoán, không giờ giấc ấn định, mà cũng không có mức lương tối
thiểu; làm nhiều, lãnh tiền nhiều, không làm không lương. Quy chế “gig job” đối
nghịch với quy chế “công nhân thường xuyên (permanent jobs).
Nghề làm khoán lại không được hưởng quyền lợi lao động
nào cả.
Đạo luật mới được Thượng Viện tiểu bang California
thông qua với 29 phiếu thuận, 11 phiếu chống, và sẽ được áp dụng tại mọi công
ty, mặc dù nhiều công ty đang vận động xin được miễn.
Thống đốc California, ông Gavin Newsom, đã đồng ý dự
luật trong Tháng Chín này và dự kiến sẽ ký ban hành ngay sau khi dự luật được
Quốc Hội thông qua (việc lưỡng viện thông qua đó được coi như chỉ là một hình
thức) không chuyên chở một trở ngại nào cả.
Luật mới sẽ được áp dụng kể từ ngày đầu năm tới, 1
Tháng Giêng, 2020; mọi người làm việc trong cơ sở mọi thương vụ đều được coi là
công nhân chứ không còn là tư nhân độc lập, làm khoán nữa, nếu công ty kiểm
soát cách họ làm việc, hoặc công việc họ làm là một phần thương vụ của công ty.
Đạo luật mới của California có thể gây ảnh hưởng đến
nhiều tiểu bang khác, nhất là 3 tiểu bang New York, Washington State, và
Oregon, tại đó đã có sẵn những cuộc vận động tương tự nhưng chưa kết quả.
Thành phố New York đã ấn định lương tối thiểu cho
tài xế lái xe chở mướn, tuy nhiên tài xế Uber vẫn làm khoán chứ chưa được hưởng
quy chế công nhân, với những quyền lợi nghỉ phép hàng năm, hưởng lương những giờ
làm phụ trội, và quyền lợi y tế,…
Tại California, đạo luật mới sẽ ảnh hưởng đến ít nhất
một triệu công nhân, những người đã kết thúc việc làm gia công và nhượng quyền
thương mại kéo dài hàng thập niên, khiến mối quan hệ giữa người lao động và chủ
nhân trở nên mật thiết hơn.
Cho đến nay, nhiều công nhân bị xếp vào hạng làm
khoán (contractor), không được hưởng quyền lợi “lương tối thiểu” và bảo hiểm thất
nghiệp (unemployment insurance).
Nhật báo The New York Time viết, “Kể từ nay, những
người lái tắc xi, lái xe giao đồ ăn, lao công, thợ nail, công nhân xây cất, và
chủ sở hữu nhượng quyền thương mại (franchise owners) đều có thể được hưởng quy
chế công nhân (employees). Tờ báo Mỹ không nêu lên nghề thợ tóc (nhưng quy chế
của hai nghề đó giống nhau) thợ tóc, thợ nail đều theo quy chế làm khoán; làm
nhiều hưởng lương nhiều, làm ít lãnh ít tiền.”
Tuy nhiên những cô thợ tóc vẫn hy vọng là luật mới
không liên quan đến họ.
Việc California ban hành luật mới tạo thuận lợi và mở
rộng phán quyết năm 2018 của Tòa Án Tối Cao California, nhưng lại tạo khó khăn
cho các công ty có quy chế làm khoán như Uber và Lyft – chuyên cung cấp dịch vụ
chuyên chở; hoặc những công ty giao thực phẩm, sửa chữa nhà,… những công ty đó
xây dựng dịch vụ của họ trên những nhân lực tự do, làm thêm một vài tiếng đồng
hồ và tính giá rẻ.
Lực lượng công nhân của Uber và Lyft là vài trăm
ngàn người lái xe tại California, việc làm khoán của họ – không cần quyền lợi
lao động, như lương tối thiểu, nghỉ phép thường niên,… nhưng lại thích hợp với
cả chủ nhân, lẫn người làm công. Hai hãng này cảnh cáo chính phủ là sự can thiệp
không đúng cách của luật pháp chỉ đưa đến việc giết chết thương vụ họ tạo ra với
sự hưởng ứng của tài xế, những người không đòi hỏi lương tối thiểu, không cần
quyền lợi của công nhân, vì họ đã là công nhân của một hãng xưởng khác, chỉ lái
xe mướn trong giờ nghỉ việc, hoặc là những người lớn tuổi, đã hồi hưu, làm thêm
để có chút lợi tức phụ trội
Đạo luật mới, còn được gọi là Assembly Bill 5 (Luật
Số 5 của Quốc Hội), nguyên là dự luật do nữ Dân Biểu Dân Chủ Lorena Gonzalez thảo
ra, vì bà Gonzalez cho là công nhân bị bóc lột. Đồng ý với “tác phẩm” của bà
Gonzalez, bà Nghị Sĩ Maria Elena Durazo nhận định, “Những công ty tự xưng là
gig companies hãnh diện với quan niệm của họ,” làm khoán, giá rẻ, để cung cấp
tiện nghi xê dịch nhanh chóng, với giá nhẹ nhàng cho công chúng,… nhưng việc họ
không đóng thuế Social Security hay thuế Medicare, thì quả là không đúng. Hơn nữa,
việc họ trả rẻ công sức của người lao động cũng không có gì đáng hãnh diện cả.”
Hãng Uber không được quyền hãnh diện, nhưng bà
Durazo hãnh diện. Bà nói, “Hôm nay, chúng ta đang vẽ ra tương lai cho nền kinh
tế California.”
Anh tài xế Rebecca Stack-Martinez lái xe Uber thuộc
nhóm “Gig Workers Rising,” (nhóm công nhân làm khoán) viết trên mạng, kêu gọi
các bạn đồng nghiệp của anh lên tiếng trả lời quý vị nghị sĩ, dân biểu tiểu
bang.
Hãng Uber chưa có phản ứng, nhưng anh Adrian Durbin,
phát ngôn viên của hãng Lyft viết, “Quý vị lãnh đạo chính trị California đã
không hiểu, không ủng hộ tiện nghi chuyên chở mà một khối rất lớn người Cali
đang thấy rất tiện, rất nhanh, và rất rẻ, đó là tiện nghi ‘đi quá giang’. Người
đi quá giang được việc mà không phải trả một giá quá đáng; trong lúc người chở
khách quá giang, có được chút tiền đổ xăng, ăn sáng mà không phải mua sắm xe có
tiện nghi chở khách, không cần đầu tư quá đáng.”
Cái khó của quý bà, quý cô làm nail, làm tóc không
khó đến mức mất nghiệp như những người lái xe của 2 hãng Uber và Lyft, nhưng
cũng không dễ. Cho đến giờ này nghề làm tóc, làm nail của người gốc Việt được tổ
chức theo lối “gig business,” làm khoán, làm “ăn chia.” Cô thợ kiếm được trăm bạc,
chia cho cô chủ 50% hay một tỉ lệ nào đó, để cô chủ trả tiền mướn tiệm, tiền điện
nước, tiền thuế tiệm…; sau đó thuế cá nhân của ai, nấy lo.
Sang năm các tiệm tóc, tiệm nail tại California phải
đổi từ công thức ăn chia sang công thức chủ nhân và công nhân, với những luật lệ
lương tối thiểu, bảo hiểm công nhân trong lúc làm việc, bảo hiểm công nhân khi
họ thất nghiệp,…
Những tốn kém đó khiến chủ nhân không dám mướn nhiều
người, như giờ này họ đang mướn, và họ cũng dè dặt trước trách nhiệm trả lương
tối thiểu cho công nhân, khiến người thợ nail, thợ tóc không kiếm được nhiều tiền
như hiện nay.
Họ có xin miễn áp dụng luật mới vào nghề của họ như
2 hãng Uber và Lyft đang xin không? Việc đó rất công phu và tốn kém, lại không
dễ thực hiện, vì khó khăn trong việc mưu tìm sự đồng thuận của hàng ngàn tiệm
tóc, tiệm nail đang hoạt động tại California.
Dù sao thì hai nghề làm tóc, làm nail vẫn tiếp tục
nuôi sống vài ngàn gia đình tại tiểu bang California, nhưng chắc chắn lợi tức của
cô thợ tóc, thợ nail sẽ giảm xuống, vì có thêm một nhân vật khác đứng giữa số
tiền khách trả và số tiền cô thợ được lãnh, nhân vật đó là ông hay bà chủ tiệm.
Đành chịu thôi. Mỹ là xứ sở của luật pháp mà! (Nguyễn
Đạt Thịnh)
No comments:
Post a Comment