Jackhammer Nguyễn
13/09/2019
Ngày
8/9/2019, một số người biểu tình ở Hong Kong mang biểu ngữ viết bằng tiếng Anh
kêu gọi: Tổng thống Trump, làm ơn hãy giải phóng Hong Kong giúp chúng tôi!
Ảnh: Những người biểu tình kêu gọi TT Trump
giải phóng Hồng Kông. Nguồn: AP Photo/Kin Cheung
Cách
đây vài năm, một số nhà hoạt động xã hội, nông dân đòi đất cũng đến tòa lãnh sự
Mỹ ở Sài Gòn, với cờ Mỹ và ảnh Tổng thống Trump.
Đó
là điều mà người ta có thể nói về nước Mỹ rằng đó là CITY ON THE HILL, như là một
đô thành rực rỡ trên đỉnh đồi, mà mọi người đều hướng tới.
Kể
từ khi câu nói đó của Đức Jesus hơn 2000 năm trước, các đô thành rực rỡ đã dời
từ La Mã, sang Paris, … rồi từ thế kỷ 20 cho đến nay người ta cứ ngóng về nước
Mỹ.
Nước
Mỹ, nơi chấp nhận những dị biệt, tạo nên những giá trị tự do, dân chủ, mặc dù
những giá trị đó cũng thoát thai từ đau đớn của nạn diệt chủng người bản xứ, chế
độ nô lệ hà khắc, nạn phân biệt chủng tộc,… Ngay cả ông tổ cộng sản Việt Nam là
Hồ Chí Minh cũng từng ngóng trông tới nước Mỹ qua những lá thư ông ta gửi Tổng
thống Mỹ vào năm 1945.
Có
những lúc, có những nơi, có những ảo ảnh, mà người ta cứ ngỡ là đô thành rực rỡ.
Các
nhà cách mạng Đông Du ngóng nhìn về Đông Kinh (Tokyo) rồi sau bẽ bàng rằng người
Nhật không giúp gì được, mà còn nghe lời người Pháp trục xuất họ về Đông Dương.
Cụ
Phan Bội Châu cũng từng bắt liên lạc với người Đức, mua súng đạn, làm bạo động ở
các thị trấn miền biên giới với nước Tàu, rồi thất bại.
Đô
thành rực rỡ mà ảo ảnh nhất là Moscow bên Nga Soviet với sự thành lập Đệ Tam Quốc
tế, thu hút biết bao nhà cách mạng xã hội, nhà ái quốc ngóng về. Tư liệu vừa được
BBC Việt ngữ tung ra cách đây mấy tuần, tiết lộ rằng: dù bị từ chối công nhận một
cách phủ phàng hồi năm 1945, các nhà cách mạng Cộng sản Việt Nam vẫn mong ngóng
về Mạc Tư Khoa như nơi cứu rỗi linh hồn ái quốc của họ. Để rồi hơn nửa thế kỷ
sau, nhiều đảng viên cộng sản không biết cách nào mà tháo cái ách tự choàng qua
cổ mình.
***
Trở
lại với cái đô thành rực rỡ là nước Mỹ hiện nay, tôi tự hỏi, ánh sáng của nó,
cái mà Đức Jesus nói rằng không thể khuất (hidden) được, đã thật sự soi rọi cho
bao nhiêu dân tộc ngóng trông? Vâng, ánh sáng của Nữ thần Tự do luôn tỏa chiếu
trên hàng đoàn người di dân tìm kiếm cơ hội và hạnh phúc trên đất nước này.
Nhưng hãy cho tôi một ví dụ, rằng sự giúp đỡ vô vụ lợi của nước Mỹ đã tạo nên
những đô thành sáng rỡ dưới chân đồi, mà không trải qua nhiều đau khổ tự thân?
Đài
Loan ư? Hàn Quốc ư? Xã hội dân chủ ngày nay với sự ảnh hưởng của người Mỹ đã
không tránh khỏi hai giai đoạn đẫm máu của Cuộc khủng bố trắng, và cuộc nổi dậy
Quang Du.
Châu
Mỹ Latin, cái sân sau của người Mỹ, gần gũi hơn châu Á rất nhiều về sắc tộc và
ngôn ngữ, sau bao năm được chiếu rọi đến nay vẫn còn trong cảnh hỗn mang, mà Tổng
thống Trump luôn hô hào đóng cửa biên giới.
Gần
chúng ta nhất là Indonesia, với việc thiết lập nền cộng hòa Suharto hơn 50 năm
trước với sự ủng hộ của Mỹ, hóa ra để tạo thành một xã hội đầy tham nhũng và
gia đình trị, mà vị đương nhiệm đang phải nỗ lực giải quyết.
Trong
15 năm trở lại đây, xã hội dân sự Việt Nam được tự do hơn, nhiều người mong
ngóng một thứ ánh sáng từ đô thành trên đồi, xua tan cái tối tăm và rối loạn cộng
sản.
Chẳng
phải là nước Mỹ luôn nghe ngóng và thăm viếng các nhà bất đồng chính kiến? Chẳng
phải là nước Mỹ bỏ tiền ra để lập đài Á châu Tự do, nhằm cổ súy tự do ngôn luận
cho Việt Nam?
Cách
đây hơn 2 năm, khi Hiệp ước Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có
cơ được hình thành, một số nhà hoạt động xã hội bên trong Việt Nam nói với người
viết rằng, đó là áp lực cần thiết để Việt Nam tự cải cách, trong đó điều quan
trọng nhất là tự do nghiệp đoàn cho công nhân.
Một
nhà phân tích người Việt khác thì nói với tôi, ông không tin rằng ánh sáng từ
trên đồi đó có thể làm thay đổi Việt Nam.
TPP
được khai tử vào ngày 21/1/2017, một ngày sau khi Donald Trump cầm quyền.
Tuy
vậy niềm hy vọng về đô thành trên đồi vẫn không tắt, khi người ta chứng kiến cuộc
chiến tranh thương mại Trump – Tập tưng bừng hai năm qua.
Nhiều
người đã nhầm lẫn giữa dân chủ hóa xã hội Việt Nam và chủ nghĩa dân tộc chống kẻ
bá quyền phương Bắc. Người ta cho rằng “ánh sáng từ trên đồi”, lần này qua tay
Donald Trump, có khi còn được tụng ca như đấng cứu thế, sẽ đập tan Bắc Kinh, và
sau đó thì cái gì cũng có cả: dân chủ, nhân quyền, độc lập, tự do, hạnh phúc,…
Donald
Trump không bàn gì tới lời kêu gọi của vài trăm người Hong Kong, không rõ là
ông ta có nghe nói tới nó hay không, nhưng chắc chắn ông phải đang tìm cách bán
đậu nành của dân quê miền heart land của nước Mỹ cho người Tàu.
Ngày
12/9 người Tàu đồng ý mua đậu nành, và Donald Trump tuyên bố trì hoãn chuyện
thuế quan.
Đã
lâu rồi, tôi nghĩ thế giới hiện đại đã không còn ranh giới quốc gia nữa, cho
nên tụng ca một đô thành rực rỡ trên đồi là không có gì sai, vì nó, nếu đúng,
là những giá trị của nhân loại ở thời điểm đó, lúc đó. Nhưng điều đó không đủ,
khi chúng ta không có ánh sáng tự thân chúng ta.
Mà
hơn nữa, ánh sáng từ trên đồi có vẻ như đang yếu đi sau khi Tòa Tối cao cho
phép Donald Trump hạn chế việc tị nạn (chứ không phải di dân nhé) vào nước Mỹ.
Và hai năm qua nước Mỹ cũng chẳng bình luận, quan ngại gì về những vụ bắt bớ,
đàn áp nhân quyền bên trong Việt Nam.
Vâng,
nước Mỹ vẫn là đô thành rực rỡ, nhưng nó có thể tạo nên cảm hứng cho chúng ta
mà thôi, điều còn lại là của chúng ta. Mà cũng đừng nhầm lẫn Donald Trump và nước
Mỹ, ông ta cũng chỉ là, như lời ông Nguyễn Gia Kiểng, “cái ngoặc đơn của lịch sử”.
Jackhammer Nguyễn, từ
San Francisco
No comments:
Post a Comment