Hoàng Thủy Ngữ
18/09/2019
“Khi chọn
tin vào những gì bạn muốn nghe hơn là nhìn vào sự thật, bạn cúi
đầu trước bạo quyền”.
Lời dối trá lớn (The big lie)
Khi đề cập đến lời dối trá lớn, trước tiên
có lẽ chúng ta cần nhắc đến một đoạn trong quyển sách Mein Kampf
(cuộc tranh đấu của tôi) của Adolf Hitler, nhà độc tài có cái nhìn
đáng sợ về tâm lý con người và đã khai thác nó vô cùng hiệu quả.
Trong lời dối trá lớn luôn có một sức mạnh
đáng tin cậy nhất định. Đa số quần chúng luôn dễ dàng bị lung lạc
vì cảm xúc hơn là vì có ý thức và tự nguyện. Từ bản năng đơn giản
nguyên thủy đó, họ dễ trở thành nạn nhân của lời dối trá lớn hơn
là lời dối trá nhỏ, bởi lẽ chính họ vẫn thường nói dối nhỏ trong
những vấn đề nhỏ nhưng lại xấu hổ khi phải nói dối lớn. Do đó, họ
không dám bịa đặt quá mức và không tin là có những người có thể trơ
trẽn xuyên tạc sự thật một cách vô liêm sỉ. Ngay cả khi sự thật đã
phơi bày, họ vẫn nghi ngờ, lưỡng lự và tiếp tục cho rằng sẽ có
những lối giải thích khác. Vì thế, những lời dối trá trắng trợn
luôn để lại dấu vết dù chúng đã bị lột mặt – một sự kiện mà
những kẻ nói láo điêu luyện và những người lập thuyết âm mưu đều
biết trong nghệ thuật dối trá. Họ biết rất rõ cách tận dụng dối
trá cho những mục tiêu bỉ ổi (1).
Trong các chế độ độc tài toàn trị cổ điển,
từ những đồ tể chính trị tiêu biểu như Lenin, Stalin, Hitler, Mao và
hiện nay nước Nga với Putin, Trung Quốc với Tập, Việt Nam với Trọng –
những quốc gia độc tài hậu toàn trị – dối trá là sách lược để duy
trì chế độ, và cũng là điều kiện bắt buộc người dân phải chấp
nhận. Điều bất ngờ lớn nhất là nước Mỹ, đầu tàu của các quốc gia
dân chủ trên khắp thế giới, hiện cũng có một tổng thống đã thể
hiện nhiều thái độ độc đoán: đó là Donald Trump.
Lẽ tất nhiên Trump không phải là nhà độc tài,
hay đúng hơn, không thể độc tài trong một quốc gia có truyền thống dân
chủ và thể chế pháp quyền vững chắc. Trump không thể hành xử giống
như Putin hay Tập. Ông ta cũng không có một hệ tư tưởng, tính tình lại
bất nhất, thay đổi ý kiến và quan điểm chính trị liên tục. Điểm tương đồng chính giữa
Trump và các nhà độc tài là khả năng vượt trội trong việc khai thác
nghệ thuật dối trá. Trong 928 ngày tại chức, Trump đã nói dối
hay đưa thông tin sai lệch hơn 12019 lần, trung bình khoảng 13 lần mỗi
ngày, theo Washington Post, Fact Checker (2).
Vaclav Havel, chính trị gia người Séc và là
nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, trong tiểu luận nổi tiếng “Power of
the Powerless” năm 1978 đã viết:
“Hệ thống hậu toàn trị va chạm con người ở
mọi tầng lớp nhưng bằng găng tay ý thức hệ. Đây là lý do tại sao
cuộc sống trong hệ thống này mang đậm tính chất đạo đức giả và dối
trá: chính quyền quan liêu được gọi là chính quyền nhân dân, công nhân
làm việc như nô lệ được nhân danh là giai cấp công nhân, chà đạp hoàn
toàn giá trị cá nhân được trình bày như cuộc giải phóng, tước đoạt
thông tin được gọi là sẵn sàng cung cấp thông tin, thao túng quyền lực được
gọi là quyền lực kiểm soát công cộng, tùy tiện lạm quyền được gọi là bảo
vệ luật pháp, đàn áp văn hóa được gọi là phát triển nó, mở rộng ảnh hưởng đế
quốc được biện minh là trợ giúp những người bị áp bức, thiếu biểu hiện tự do
trở thành hình thức tự do cao quý nhất, trò hề bầu cử trở thành hình thức
dân chủ đúng nghĩa nhất, cấm tư tưởng độc lập trở thành thế giới quan có
tính khoa học nhất, xâm lược quân sự trở thành trợ giúp anh
em.
Vì bị giam cầm trong những dối trá của chính mình,
chế độ phải ngụy tạo tất cả mọi thứ. Nó ngụy tạo quá khứ, hiện tại,
tương lai và số liệu thống kê. Nó giả vờ không có một bộ máy công an trị bất
lương, tôn trọng nhân quyền. Nó giả vờ không hãm hại ai, không sợ hãi gì cả
và giả vờ như không hề giả vờ” (3).
Đặc điểm của hình thức dối trá này là nó
có mục đích rõ ràng: đưa ra một hệ tư tưởng và bắt buộc người ta
phải trung thành sống chung với nó.
“Các cá nhân không cần phải tin tất cả những trò
lừa gạt này nhưng phải hành xử như thể họ đã tin, hoặc tối thiểu cũng phải
im lặng chịu đựng chúng và hòa đồng với những người làm việc chung với
mình. Vì vậy, họ phải sống với dối trá. Họ không cần phải chấp nhận dối
trá. Nó đủ để họ chấp nhận sống chung và ở trong đó với nó. Vì trên thực
tế, họ xác nhận hệ thống, hoàn thành hệ thống, làm việc cho hệ thống và
cũng là hệ thống”(4).
Trong hoàn cảnh đó, người dân vô tình xác
nhận đã chấp nhận dối trá. Đây là điều kiện lý tưởng để các lừa
lọc chính trị tiếp tục gia tăng, chế độ độc tài càng được củng cố
và các thế lực phản dân chủ có cơ hội trỗi dậy ngay trong các quốc
gia đã có nền dân chủ lâu đời.
Thủ đoạn chính trị trong xã hội hậu sự thật
ngày nay
Trước hết, để hiểu hậu sự thật là gì,
chúng ta có thể nhắc lại chuyện Trump tuyên bố Obama không sinh ra ở
Mỹ . Mặc dù đã có chứng cứ xác minh là Trump vu khống nhưng cho đến
nay, nhiều người hãy còn hoài nghi hay vẫn tin chắc là Trump nói
đúng. Họ đã để cảm tính thương ghét chế ngự lý trí phán đoán và
không cần quan tâm đến sự thật. Đây là trường hợp được gọi là hậu
sự thật.
Thuật ngữ hậu sự thật thường gắn liền với
cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ và cuộc trưng cầu dân ý về việc nước
Anh ly khai khỏi Liên hiệp châu Âu (Brexit). Nó được hiểu là các dữ
kiện khách quan (sự thật) ít có ý nghĩa bằng cảm xúc và niềm tin
cá nhân trong việc định hình dư luận. Nó bật đèn xanh cho việc hợp
thức hoá dối trá như công cụ chính trị. Và Trump đã thực hiện việc
này. Ông ta khởi đầu sự nghiệp chính trị bằng dối trá, biết cách
khai thác cảm xúc của nhóm cử tri bất mãn vì tình trạng nhân khẩu
học hay thua thiệt kinh tế.
Cùng với những làn sóng thông tin dồn dập
xuất hiện trên mạng trong thời đại tin học, Trump và Steve Bannon, cựu
cố vấn của ông, đã áp dụng những thủ đoạn chính trị vô cùng hiểm
hóc. Bên cạnh việc đả phá báo chí, gọi báo chí là “kẻ thù của nhân
dân”, và đấu võ mồm với những người chỉ trích mình, Trump liên tục
tung ra thật nhiều tin tức, không cần biết thật giả, hay cứ tuyên bố
sai lệch nhằm đánh lạc hướng báo chí, làm rối loạn thông tin và phá
vỡ khả năng phán đoán của quần chúng. Nhà lãnh đạo độc đoán này
rất vui mừng khi tin tức trong ngày luôn thay đổi, khi báo chí chưa kịp
kiểm chứng những gì vừa mới xảy ra hôm qua nhưng lại phải vội vã
chạy theo các sự kiện tiếp theo. Và chỉ cần một câu trên Twitter, ông
ta trở thành tâm điểm của dư luận trong và ngoài nước .
Khi tin tức tràn ngập ngoài mức kiểm soát
thật giả, nó có thể dập tắt mối quan tâm và khả năng của người dân
trong việc theo dõi và đánh giá thông tin. Từ đó, họ không hiểu được
các biến cố chính trị thật sự diễn ra như thế nào. Rồi hoặc họ sẽ
thờ ơ với chính trị hoặc có thể trở thành nạn nhân của sự dối
trá. Phản ứng của họ không dựa vào các dữ kiện khách quan để phân
định đúng sai mà thuần túy chỉ vì cảm tính. Họ chọn tin vào những
gì họ muốn nghe hơn là sự thật. Cuối cùng là một xã hội với rất
nhiều người tích cực đồng lõa với dối trá, thách thức các nguyên
tắc cơ bản của sự thực, gạt bỏ chứng cứ và luận lý và rất dễ bị
sách động. Vô tình họ đã mở đường cho quyền lực độc đoán.
Khó có thể tìm thấy động lực ý thức hệ
phía sau những lời nói dối của Trump. Ông ta tấn công sự thật chỉ vì
tham vọng quyền lực. Trump không có một hệ tư tưởng. Nhưng dù bị phát hiện đã dối
trá hay đưa thông tin sai lệch, ông ta vẫn được nhiều người tin vì họ
muốn nghe những gì họ thích, sai không thành vấn đề. Và ông ta
cũng không buồn đính chính.
Trump hưởng lợi khi phá vỡ sự ổn định của
nền dân chủ bằng cách làm người Mỹ không còn tin tưởng vào các thể
chế dân chủ, triệt hạ uy tín báo chí, tấn công những người dẫn
chứng sự thật, gây xung đột chính trị trong và ngoài nước, tiếp tục
mạnh miệng nói dối và tung thông tin sai lệch vì biết rằng lời nói
dối khó bị bác bỏ hoàn toàn một khi nó đủ lớn và được liên tục
lặp lại. Cũng như Putin, ông ta biết rõ cơ cấu dân chủ phương Tây dễ
bị tổn thương như thế nào. Nước Nga của Putin đã thao túng cuộc bầu
cử tổng thống Mỹ năm 2016 khi tung ra hàng loạt tin giả, gây ảnh hưởng
đến kết quả bầu cử. Robert Mueller, công tố viên đặc biệt, đã xác
định chuyện này trong bản báo cáo của mình.
Trump tái định nghĩa sự thật, gọi tất cả
các dữ kiện khách quan là fake news, đơn giản chỉ vì chúng không vừa
ý ông. Đây là chỉ dấu cuối cùng của sự độc đoán. Nó xác định vị
trí quyền lực thực sự. Ông
ta đã thành công trong việc chia dân tộc Mỹ thành ba nhóm: những người
theo ông, phủ nhận sự thật; những người chống ông, tôn trọng sự thật
và những người chán ngán, không còn quan tâm đến chính trị. Hơn
một triệu người Mỹ không đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống
năm 2016 là ví dụ điển hình cho trường hợp sau cùng này.
Hậu sự thật là bước đầu của chế độ độc tài
toàn trị kiểu mới
Hiện nay, chế độ độc tài toàn trị cổ điển
khó có thể xuất hiện ở Hoa Kỳ hay Âu châu nhưng tại vài quốc gia đã
có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại. Ai cũng biết sự dối trá và thông
tin sai lệch đã tác động đến nền chính trị Mỹ. Ở Âu châu, đặc biệt
tại các quốc gia Đông Âu và Nga, thông tin sai lệch được sử dụng để
khích động quan điểm chống dân chủ. Tuyên truyền đặt nặng vào dối
trá và cố ý phổ biến thông tin sai lệch. Ở Á châu, Trung Quốc và
Việt Nam là phù thủy trong lãnh vực này.
Với mục đích phá vỡ niềm tin vào nền dân
chủ Tây phương, Putin dập tắt tiếng nói của truyền thông và các cuộc
thảo luận dựa trên dữ kiện khách quan trong nước, đồng thời phổ biến
thông tin sai lệch, châm ngòi hay gây thêm căng thẳng các biến động
chính trị trên thế giới và tìm cách khai thác các yếu điểm của thể
chế dân chủ để chống phá. Bằng cách này, ông ta cho người Nga thấy
nền dân chủ Tây phương “què quặt” như thế nào.
Cách đây không lâu, Internet được xem là kỷ
nguyên của nền dân chủ, theo đó tiếng nói của mọi người đều được
lắng nghe và loài người có thể vượt biên giới liên lạc với nhau.“Tôi
đã xem thế giới web như một nền tảng mở, nơi mọi người, ở khắp mọi nơi, nên
chia sẻ thông tin, tiếp cận được cơ hội và cùng cộng tác vượt qua
ranh giới địa lý và văn hóa”, Tim Berners-Lee (5).
Từ một ý tưởng dân chủ cởi mở, nó đã trở
thành công cụ hoàn hảo cho các chính phủ hay chính trị gia lợi dụng
phát tán thông tin sai lệch. Steve Bannon đã sớm biết chuyện này và
bắt tay thực hiện trong chiến dịch vận động bầu cử cho Trump. Nga
cũng dùng công nghệ hiện đại này của Mỹ để quậy phá Mỹ. Thế giới
mà Aldous Huxley từng lo sợ, trong tác phẩm Brave New Word (6), nay đã
hiện nguyên hình.
--------------------------
Ghi
chú:
(5) 129 Tim Berners-Lee (2017) Web Foundation https://webfoundation.org/2017/03/web-turns-28-letter/
No comments:
Post a Comment