Monday, 9 September 2019

BIỂN ĐÔNG : TÀU TRUNG QUỐC QUAY LẠI BÃI TƯ CHÍNH THÁCH THỨC VIỆT NAM (tổng hợp)




Đăng ngày 08-09-2019

Phải chăng lần này Trung Quốc nhất quyết xâm chiếm khu vực gần Bãi Tư Chính ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Câu hỏi này đã được gợi lên vào lúc giới quan sát tình hình Bãi Tư Chính ghi nhận các dấu hiệu cho thấy hôm 07/09/2019, tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 ở trên đường quay trở lại khu vực. Đây là lần thứ ba, sau khi đã rời đi qua nghỉ vài ngày tại Đá Chữ Thập (Trường Sa) hôm 04/09.

Trong một tin nhắn Twitter gởi đi sáng ngày 07/09/2019, giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Mỹ, người theo dõi sát tình hình tại Bãi Tư Chính, đã ghi nhận: “Sau khi dừng lại vài ngày tại Đá Chữ Thập, chiếc Hải Dương Địa Chất 8 có vẻ đã sẵn sàng để tiếp tục các hoạt động khảo sát tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

Kèm theo tin nhắn là một sơ đồ cho thấy vị trí chiếc Hải Dương Địa Chất 8 lúc 01:47 giờ quốc tế UTC, đang rời Đá Chữ Thập, hướng về khu vực Bãi Tư Chính ở phía tây, với vận tốc 10 nút.

Một tin nhắn Twitter khác từ tài khoản South China Sea News cùng ngày xác định là tàu khảo sát Trung Quốc đang rời Đá Chữ Thập với tốc độ tối đa, cùng với một số tàu hộ tống. Chiếc tàu hải cảnh khổng lồ 3901 của Trung Quốc, chủ lực trong đoàn hộ tống đã bật lại tín hiệu AIS, cho thấy vị trí gần chiếc Hải Dương Địa Chất 8.

Trên hiện trường, giáo sư Martinson ghi nhận sự hiện diện tiếp tục của giàn khoan Hakuryu 5, ở phía tây Bãi Tư Chính. Lần đầu tiên sau nhiều tuần lễ, giàn khoan đang hoạt động cho Rosneft và Việt Nam này đã bật lại tín hiệu định vị AIS.

Dĩ nhiên các thông tin nói trên từ giới quan sát không hề được Việt Nam chính thức đề cập đến, làm dấy lên tranh luận về phản ứng của Việt Nam.

Một loạt tin nhắn từ tài khoản South China Sea News ngày hôm nay, 08/09/2019 nhận định: “Rõ ràng là căn cứ vào luật quốc tế, Trung Quốc đang nhẹ nhàng xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thế nhưng việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế lại không phải là một vấn đề luật pháp, mà là vấn đề quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Liệu họ có sẵn sàng để bị Trung Quốc trừng phạt hay không ? Nếu muốn được quốc tế giúp đỡ, Việt Nam cần công khai cho biết diễn tiến trên hiện trường để cộng đồng quốc tế có thể biết rõ hơn về tính chất nghiêm trọng của tình hình”.

Một tin nhắn khác từ tài khoản IndoPacific_SCS_Info cho rằng việc thông báo về sự vụ là điều mà chính quyền Việt Nam nên làm, nhưng lại không làm vì sợ người dân sẽ xuống đường, với những hậu quả chính trị đáng lo ngại.

--------------------------------------

 BTV Tiếng Dân
09/09/2019

Khoảng 9h sáng ngày 07/09/2019, ông Ryan Martinson, trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ, đưa tin về tàu Hải Dương 8 như sau: “Sau khi dừng ở Đá Chữ Thập vài ngày, tàu Hải Dương Địa Chất 8 có vẻ như sẵn sàng trở lại các hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

Cũng trong ngày 7/9, trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông viết: “Chính thức, và không ngoài dự đoán của chúng ta: Nhóm Hải Dương Địa Chất 8 đã bắt đầu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lần thứ 3 trong vòng gần 3 tháng. Vào lúc 14h38′ ngày 7/9 (giờ Việt Nam), tàu Hải Dương Địa Chất 8 cách bờ biển đất liền Việt Nam 199.8 hải lý và cách đảo Phú Quý khoảng 180 hải lý”.

Nhóm tàu Hải Dương 8 đã quay lại và tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nguồn: DA ĐSK Biển Đông

Ông Phạm Nam Thắng tweet: “Sáng nay, ngày 8/9, Hải Dương 8 đột nhiên đổi hướng và hướng đến khu vực bãi Tư Chính. Nó đang chạy ở tốc độ chậm, có thể tiến hành một cuộc khảo sát mới. Trong khi đó, tàu hải giám Haijing 37111 đang bám sát Hải Dương 8. Tàu Haijing 35111 vẫn đang neo đậu ở Đá Chữ Thập“.

Cùng lúc, một nhóm 5 tàu Trung Quốc chưa rõ danh tính, di chuyển gần chân đế giàn khoan Sao Vàng – Đại Nguyệt. Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho biết trong bản tin nhanh cuối ngày 7/9: “Một nhóm 5 tàu Trung Quốc đã di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ít nhất từ ngày 2/9, và hiện nay đang tiến về khu vực gần mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt nơi đang đặt chân giàn đế công nghệ trung tâm Sao Vàng, và phía xa hơn là lô 06.1 nơi giàn khoan Hakuryu 5 đang hoạt động”.

Trang này cũng cho biết thêm, “thông tin về các tàu này hầu như rất ít và khó kiểm chứng. Chúng ta cũng chỉ có thể đợi và quan sát liệu các tàu có thực sự đến để gây hấn ở những khu vực mà Việt Nam và các đối tác đang tiến hành hoạt động dầu khí”.

Nhóm 5 tàu Trung Quốc chưa rõ danh tính lại gần mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt. Nguồn: FB ĐSK Biển Đông

Cũng trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cập nhật tin lúc 8h sáng ngày 8/9/2019. Nhóm 5 tàu nói trên “đã đi xa khu vực Bãi Tư Chính về phía nam. Sơ đồ đường đi của nhóm tàu cũng không cho thấy có điều gì bất thường”. Còn về nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 thì: “Tình hình hiện chưa có gì mới hơn. Hải Dương Địa Chất 8 vẫn đang tiếp tục đan áo trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

Sơ đồ đường đi của Hải Dương Địa Chất 8 trong ngày đầu tiên quay trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nguồn: DA ĐSK Biển Đông

Sơ đồ đan áo của Hải Dương Địa Chất 8 trong 1 tháng vừa qua, gồm thời gian nghỉ từ ngày 2 – 6/9. Nguồn: DA ĐSK Biển Đông.

Chuyện ở Quảng Bình: Quê nhà đưa tiễn Thiếu tá Hải quân qua đời ở nhà giàn DK1, theo báo Một Thế Giới. Thiếu tá Nguyễn Xuân Tài qua đời khi đang làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1. Chính quyền địa phương cho biết, đơn vị thông báo Thiếu tá Tài qua đời do “nhồi máu cơ tim”, chứ không phải do đụng độ với Trung Cộng ngoài bãi Tư Chính?

Trang Viet-Studies có bài của cựu bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam Vũ Ngọc Hoàng: Trao đổi nhanh về chuyện Biển Đông. Bài viết phân tích: “Đồng chí anh em gì mà vô cớ bất ngờ đem 60 vạn quân sang VN để bắn giết dân chúng và đốt phá các làng mạc, nay lại quyết dùng mọi thủ đoạn để độc chiếm Biển Đông. XHCN gì mà đi xâm lược VN. Nhân dân ta chắc không ai cần cái kiểu XHCN xâm lược ấy. Đừng có nhân danh XHCN để lừa phỉnh nhau. Không có CHXH chân chính nào lại như thế cả”.

Tin không lạ: Putin ủng hộ Trung Quốc

Báo Thanh Niên đưa tin: Ông Putin tuyên bố ủng hộ Trung Quốc về vụ kiện Biển Đông. Phát biểu trước báo giới tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, ngày 5/9, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định: “Chúng tôi thống nhất và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này, không công nhận quyết định mà tòa đưa ra. Đây không phải là lập trường chính trị mà hoàn toàn về mặt pháp lý”.

Về “niềm tin” của các lãnh đạo đảng rằng, Nga sẽ ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông vì dù gì cũng là cựu “đồng chí”, một số người đã lên tiếng cảnh tỉnh: Hiện nay, Trung Quốc không muốn làm mất lòng Nga, còn Nga càng không muốn làm mất lòng Trung Quốc, một đồng minh hiện rất quan trọng trong tình hình áp lực từ các nước châu Âu lên Nga vẫn nặng nề, khi Tổng thống mới của Ukraine quyết không nhân nhượng Nga.

Hơn nữa, Nga cũng là kẻ cướp như Trung Quốc. Sau khi cướp bán đảo Crimea, Nga đã tuyên bố sẽ không bao giờ trả lại vùng đất này cho Ukraine. Nga còn ủng hộ và ngầm tiếp viện vũ khí, nhân lực cho các thế lực phiến quân ở miền Đông Ukraine. Bây giờ nếu Nga công nhận các phán quyết quốc tế thì chẳng khác gì tự bắn vào chân mình.

Nhà báo Huy Đức bình luận: “Hãy cám Ơn Puttin, hy vọng ông đã làm cho không chỉ lãnh đạo mà cả nhiều triệu người VN – vốn vẫn thần tượng ông – nhận ra ngưu – mã (tin không mới nhưng chẳng bao giờ cũ – Nga là quốc gia được lợi nhiều nhất từ biển Đông và họ đang có liên doanh [dầu] khí ở Tư Chính)”.

Một số người bình luận, chưa chắc các tuyên truyền viên thần tượng nước Nga đã chịu thức tỉnh. Vì chính nước Nga đã cung cấp vũ khí cho các lãnh đạo trước bắn vào đồng bào mình. Chuyện nước Nga thể hiện lập trường ủng hộ Trung Quốc đã có từ những năm gần đây, nhưng thái độ thần tượng nước Nga của các tuyên truyền viên của đảng CSVN vẫn không đổi.
_____






No comments:

Post a Comment

View My Stats