Monday, 9 September 2019

BÀN VỀ KHAI TRƯỜNG, NHÀ GIÁO, HỌC TRÒ & KHÁCH MỜI (Phùng Hoài Ngọc - VNTB)




09/09/2019

(VNTB) - Biết đến bao giờ nhà giáo Việt Nam mới độc lập suy nghĩ, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn trong nghề dạy học cao quí và nhân văn này?!

“Bộ Giáo dục và Đào tạo” vốn là “Bộ Chữ Nghĩa” nhưng thực ra họ lại coi rẻ con chữ, nói viết tào lao, nói sao cũng được.

1. “Khai Giảng”, “ Khai Học” Hay “Khai Trường” ?

Nhân ngày mở đầu năm học mới, xin bàn chút chữ nghĩa tên gọi.

Tôi nhớ, ngày xưa quen gọi là ngày “khai trường”. Chẳng biết từ bao giờ,  toàn quốc gọi “Ngày khai giảng”, có văn bản nào của Bộ qui định như vậy không

Nào thử so sánh:

Bên Tàu họ gọi “ngày đầu tiên đi học trong năm” thế nào?

Đây bản tin trên Hoàn cầu Thời báo:
“Trường song ngữ Bạt Tụy ở Bắc Kinh tổ chức LỄ KHAI HỌC niên học 2019-2020”.
(北京拔萃双语学校举行2019-2020学年度开学典礼)

Người Trung Quốc gọi là “Ngày khai học”, vì họ chú trọng chữ “học”.
Người Việt Nam gọi là “Ngày khai giảng”, thế là chú trọng chữ “giảng” dạy của giáo viên.

Đây bản tin giáo dục ở Mỹ:

Vậy ở phương Tây là Lễ khai trường: “opening ceremony school”.

Vậy là, phương Tây chính xác nhất. Do người ta có quan niệm đầy đủ mà có tên gọi chính xác nhất.

Phương Tây họ chú trọng tất cả những người có liên quan “khai trường”. “Khai trường” theo nghĩa hẹp là “Mở cổng trường”, theo nghĩa rộng là ngày mở đầu năm học mới. Mở cổng trường cho tất cả thầy và trò và phụ huynh.

Ngày “khai trường” thực tế là niềm vui đặc biệt của cả thầy và trò, kể cả phụ huynh học sinh. Việt Nam  nhấn mạnh thầy và Trung Quốc nhấn mạnh trò, cả hai đều lệch lạc ngay từ trong nhận thức. Phương Tây họ gọi Ngày Khai Trường là chuẩn mực hơn hẳn rồi.

2. Nên mời ai đi dự “khai trường”?

Việc này phải do chính nhà trường quyết định gửi thư mời.
Khách mời là quan chức thì nên mời ai ?  

Nếu Bộ không có qui định thì nhà trường họp bàn mà quyết định chứ?

Theo tôi biết, Bộ GD đều quyết định chỉ định việc mời khách mời lãnh đạo.

Lẽ thường, chủ nhà phải quyết định danh sách khách mời. Ngoại trừ khách tự nguyện có nhu cầu đến dự phải nêu ra lý do chính đáng hợp lý, hợp tình và được sự chấp thuận của nhà trường. Không có một công thức nào cho khách mời. Chỉ có phần nghi lễ là cố định (ngày xưa các cụ gọi là “điển lễ”). Ngoài ra mời khách thì mỗi năm có thể thay đổi tùy theo thực tế từng năm.

Thực tế nhiều năm qua, lãnh đạo cao cấp nhất Đảng nhà nước đều đi dự. Một vấn đề đặt ra: Tại sao họ toàn chọn trường lớn to đẹp? 

Lãnh đạo không bao giờ đến trường nghèo. 
Vì sao vậy? 

- Thứ nhất, đến trường nghèo, phóng viên nó chụp hình đưa lên báo chí thì làm bẩn “gương mặt quốc gia”, bôi nhọ thể chế, rồi thiên hạ sẽ trách móc ngành giáo dục và nhà nước không quan tâm. Trước khi quan chức cấp cao về đến địa phương, quan chức giáo dục ở đó cũng sẽ gợi ý nên đến trường nào cho đẹp mặt địa phương một tý.

- Phải chăng vì  trường lớn đãi đằng chu đáo lịch sự đẹp mặt hơn?

- Phải chăng vì trường lớn có cái trống to đẹp, đứng giang tay gõ, chụp hình ăn ảnh hơn, oai vệ hơn, đẹp hơn?

- Đến trường nghèo, họ sợ phải mang quà, phải  hứa hẹn cấp kinh phí xây dựng và hỗ trợ. Mà không hứa thì mắc cỡ, khó ăn khó nói.

Tôi thách đố mọi người chỉ ra một lý do chính đáng cho việc những cán bộ lãnh đạo cao cấp chọn trường to đẹp để đi tham dự của đấy.

Báo chí chạy theo lãnh đạo chụp hình, năm nay cũng như mọi năm, đủ mặt cao cấp rồi. Tôi chỉ đưa ảnh thủ tướng Phúc và bộ trưởng Nhạ. Cái thảm đỏ phô trương và lãng phí quá! Trường bỏ kinh phí ra sắm thảm đỏ hay mượn tạm của Tỉnh, huyện, thành phố?

Còn ngôi trường nhỏ bé vùng cao thì tấm ảnh tràn ngập MXH mấy hôm nay. Không có bất cứ một quan chức nào đến dự, chỉ có 3 thầy cô và đàn em nhỏ, một số ngồi dưới đất.


3. Khẩu hiệu ở nhà trường?

Khẩu hiệu ở nhà trường nên viết chữ gì?

Mỗi trường có cách viết riêng, dù gì thì cũng nên gạt bỏ các dòng chữ có chứa “…vĩ đại, quang vinh, muôn năm” vì nó gây nhiễu, phân tâm thầy trò, chẳng có ích gì trong việc dạy- học. Lớp trung học phổ thông các em đã học sơ bộ triết học, sinh vật học, đã biết lịch sử tiến hóa loài người là vô tận và … vô thường. Ông bà lớp trước theo Phật giáo dù có mù chữ cũng biết “vô thường” là gì rồi (vô thường: không giữ nguyên, giữ yên, mà luôn thay đổi). Cớ sao hậu thế tiến bộ hơn lại học chữ “vĩnh viễn, mãi mãi, muôn năm”?

Cũng nên bỏ “có được sánh vai các cừơng quốc năm châu được hay không là nhờ một phần ở công học tập của các cháu”: bởi vì đó là ước mong xa xôi viển vông nằm ngoài cảm xúc của các cháu. Các cháu nhìn khẩu hiệu mà vô cảm, thì viết lên vách làm chi. 

“Tiên học lễ, hậu học văn”

Thành ngữ cổ đã quá quen thuộc ở Việt Nam. Một số diễn đàn hai chiều chưa ngã ngũ. Tạm coi như truyền thống dân tộc cũng được. Có điều, chúng ta nên hiểu đúng ý nghĩa thành ngữ đó. Không nên hiểu theo nghĩa hẹp “học Lễ trước, xong rồi mới học Văn hóa sau”. “Tiên” trong câu thành ngữ có ý nhấn mạnh, coi trọng, hơn “hậu”, chứ không còn nghĩa “trước /sau”. Bởi lẽ, Lễ cũng nằm ngay trong Văn hóa, hoà tan trong văn hóa rồi. 

4. Mấy vấn đề chữ nghĩa như gà mắc tóc của chế độ

Thật ra tên “Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo” chỉ cần là Bộ Giáo Dục cũng đủ, như ngày xưa vẫn gọi.

“Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn”- thừa cái đuôi “và”, phát triển nông thôn cần nhiều bộ, chẳng phải chỉ một bộ này quản lý được.

(Còn vô số tên cơ quan đơn vị nhà nước nghe lủng củng, lằng nhằng, khó xài mà còn không chính xác, kể cả tên nước, tên đảng cũng không ngoại lệ)

Kể sao cho xiết!

Nhìn chung, khẩu hiệu của chế độ cộng sản có bản chất chung là “đại ngôn, khoa trương” nhằm mục đích mị dân. Mặc dù vậy, do nền Hán ngữ vốn chính xác nên Trung cộng ít mắc lỗi chữ nghĩa hơn Việt Nam (Họ đặt tên nước cũng khôn ranh hơn ta “Trung Hoa nhân dân cộng hoà quốc”).


KẾT

Cựu bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận từng chém gió trước mặt quốc hội, ông ta gọi cuộc thay sách giáo khoa, cải cách giáo dục là “trận đánh lớn” (!) đánh ai ? (Gay quá, ám ảnh chiến tranh dai dẳng suốt thể kỷ XX ở Việt Nam, đến giờ này ngôn từ gì cũng vẫn“đằng đằng sát khí”, làm sách vở cho học sinh đi học mà cũng “trận đánh lớn”. Tổ chức đại diện toàn dân thì họ gọi là “mặt trận tổ quốc”, thực ra từ này cũng chỉ dùng trong chiến tranh.

Chưa hết, cựu bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời quốc hội “Triết lý giáo dục là Nghị quyết 29 của Đảng khoá 12”(!?) 

Năm  học 2017-2018 tiếp nhận “triết lý giáo dục” của Phạm Vũ Luận, Bộ GD bèn mở hội thảo bàn về triết lý GD, sau đó im lặng không kèn không trống và không công bố kết quả, chí ít là bản tóm tắt kỷ yếu cũng không! Tại do vậy? Bế tắc hay là  Ban tuyên giáo can thiệp nên bế tắc?

Một nền giáo dục loay hoay không thể xác định được triết lý GD thì phát triển thế nào bây giờ?

Thậm chí báo đài mấy năm nay trước ngày khai trường còn chém gió nói “Ngày 5/9” là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường

- Toàn dân thiệt không ? Gia đình con cháu còn nhỏ xíu chưa đến tuổi đi học thì “đưa đến trường” làm gì? Gia đình con cháu học xong phổ thông rồi còn đưa trẻ đến trường làm gì? Học sinh trung học tự đi được rồi, đâu cần phụ huynh “đưa đến trường”? Đám đài báo chỉ lo chém gió, đại ngôn, quen mồm. Cái gì cũng “toàn dân”!

Kể không bao giờ hết cái sự bất chính danh trong nền chính trị Việt Nam.

Đâu là nguồn gốc của mọi sự lúng túng ngôn từ, lâm vào cảnh bất chính danh tràn ngập các diễn đàn và danh xưng, tên gọi?

Tại sao?

Chính ông tổng chủ Nguyễn Phú Trọng đã vô tình buột miệng “không  biết hết thế kỷ 21 có xây dựng được CNXH hoàn thiện không?”

“Thực và danh” không tương ứng nên cả chế độ còn lúng túng mắc mớ như thế, thì kể chi một cái Bộ giáo dục. Chúng ta đủ hiểu được mọi sự bối rối ngôn từ và làm việc tuỳ tiện.





No comments:

Post a Comment

View My Stats