Tuesday, 24 September 2019

BẢN TIN NGÀY 24/09/2019 (Báo Tiếng Dân)




24/09/2019

BÀI MỚI
24/09/2019
24/09/2019
24/09/2019
24/09/2019
24/09/2019
24/09/2019
24/09/2019
24/09/2019
24/09/2019
24/09/2019
24/09/2019
24/09/2019

*
*
BẢN TIN NGÀY 24/09/2019

Chín người trong phái đoàn QHVN thăm Nam Hàn, đã trốn ở lại

Báo MBC News của Nam Hàn đưa tin, trong phái đoàn cấp cao viếng thăm Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Moon Hee-sang hồi đầu tháng 12/2019 do Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, đã có 9 người trong phái đoàn này bỏ trốn ở lại.

Phái đoàn bà Kim Ngân làm việc trong chuyến thăm Hàn Quốc đầu tháng 12/2018. Nguồn ảnh: MBC News

Phía Hàn Quốc không hề hay biết những người này đã bỏ trốn, cho tới đầu năm nay, một trong số chín người này đã ra đầu thú. Hiện có một người đã bị bắt và 7 người còn lại vẫn không rõ đang ở đâu. Cũng theo báo MBC News, sau khi phát hiện vụ việc, Quốc hội và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố rằng họ sẽ chú ý hơn trong việc sàng lọc thị thực ngoại giao.

Vẫn chưa thấy báo chí “lề đảng” đưa tin này, nhưng rõ ràng vụ này là một cái tát vào mặt đảng và nhà nước, bởi “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?” khi mà mọi người đều tìm cách bỏ nước ra đi, thậm chí các quan chức cấp cao trong bộ máy nhà nước cũng đã tìm cách ra đi, dù trốn lại trên đất nước khác bất hợp pháp.

Tội phạm người Trung Quốc ở VN gia tăng

Báo Người Lao Động cập nhật vụ người Trung Quốc thuê trẻ em đóng “phim người lớn”: Sẽ xét xử lưu động để đảm bảo tính răn đe. Sáng 23/9, Đại tá Trần Mưu, PGĐ Công an TP Đà Nẵng cho biết, lực lượng công an đã theo dõi vụ án trên trong thời gian khá lâu và tìm được các cô gái bị hại để vận động họ tố cáo.

Sầm Thị Sen (hàng đầu, phía trên) cùng 5 đối tượng người Trung Quốc bị Công an Ðà Nẵng bắt. Ảnh: TP0

Đại tá Trần Mưu cho biết: “Lực lượng công an đã động viên thậm chí cam kết với cả gia đình họ để đảm bảo về thông tin. Sau đó, được lệnh của Giám đốc Công an TP, tối 14-9, chúng tôi đã ập vào căn nhà trên, giữ tất cả mọi người bên trong cùng thiết bị, cách ly những người Trung Quốc”.

Sáng cùng ngày Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với 5 đối tượng người TQ gồm: Tưởng Đăng Quân, Trương Huệ Mẫn, Phương Tuấn Kiệt, Đới Hồng Hi, Lưu Tiểu Duy và 1 nữ phiên dịch người VN là Sầm Thị Sen, về hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người từ 13 đến dưới 16 tuổi.

Báo Một Thế Giới bàn về tình hình người Trung Quốc phạm tội tại Việt Nam: Thực tế đáng lo ngại. Bài báo tổng hợp một số vụ tội phạm người TQ thực hiện trên lãnh thổ VN trong thời gian gần đây, ngoài vụ thuê trẻ em đóng phim sex, còn có các vụ khác như:
Vụ công an triệt phá đường dây đánh bạc qua mạng với khoảng 400 người TQ tham gia và điều hành ở Hải Phòng; vụ xưởng sản xuất ma túy của người TQ ở Kon Tum, bắt giữ 6 người; vụ Công an TP Vinh bắt 3 tội phạm TQ đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng từ các máy ATM ở VN; vụ Công an tỉnh Sơn La bắt 3 nghi phạm người TQ giết người Việt, ném xác xuống sông, cướp taxi.


Quan to nào đứng sau Sun Group?

Báo Phụ Nữ TPHCM có bài đầu tiên trong loạt bài phóng sự điều tra độc quyền: Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo. Bài phóng sự này cho thấy những thông tin động trời về vị sư trụ trì dâm ô Thích Thanh Toàn và mối quan hệ phức tạp của vị sư này với các quan chức cao cấp, cấu kết với chủ nhân của tập đoàn Sun Group để chiếm đất đai làm dự án ra sao.

Phóng viên bài báo hỏi một quan chức địa phương: “Có thế lực nào che đỡ cho chùa?”. Cô nhận được câu trả lời là: “Công an tỉnh còn chả làm gì được nữa là”, để biết thế lực đứng đằng sau chùa Địa Ngục và Sun Group to như thế nào. Nhìn các đại gia và quan chức lãnh đạo cao cấp hỗ trợ và hợp tác một vị đại đức dâm dục, trụ trì chùa Nga Hoàng và chùa Địa Ngục ở Tam Đảo, có thể nói, tận cùng của sự đốn mạt.

Nhà báo Nguyễn Thu Trang, một trong những người thực hiện loạt bài phóng sự điều tra về Sun Group, viết: “Mọi bài báo tiêu cực về Sun đều bị gỡ xuống. Những nhà báo đã đi nghỉ dưỡng không mất tiền, thậm chí đi nước ngoài cùng Sun… làm sao có thể mở mồm được nữa. Thậm chí họ còn đang đứng sau lưng chúng tôi, dùng ngòi bút đâm lại chúng tôi… Chúng ta cứ hình dung… nếu một ngày, ông chủ thật sự của SUN là người nước ‘lạ’ thì sẽ ra sao?


Tin nhân quyền

VOA đưa tin: Việt Nam y án 11 năm tù đối với 2 tiểu thương ‘chống phá nhà nước’. Ngày 23/9, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên y án đối với hai người phụ nữ tổng cộng 11 năm tù về các hoạt động “chống phá” nhà nước VN. Bà Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương cùng bị truy tố về tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước XHCN Việt Nam”.

Bà Dung và bà Sương bị bắt ngày 13/10/2018, 3 ngày sau khi rải truyền đơn kêu gọi mọi người tham gia biểu tình ở Nhà thờ Fatima Bình Triệu, TP HCM nhằm chống lại dự luật đặc khu. LS Miếng cho biết, bà Dung và bà Sương đã “thật thà khai báo rằng chúng tôi chỉ muốn kêu gọi mọi người xuống đường biểu tình để nói lên tiếng nói cho nhà nước biết về tâm tư, nguyện vọng của người dân”.

TNLT Nguyễn Văn Hóa tố cáo bị cán bộ quản giáo dọa cắt gân chân, theo RFA. Bà Nguyễn Thị Huệ, chị gái ông Hóa kể: “Vào thời điểm tháng 7, khi mà Hóa đang ở bên K1 thì có cán bộ ở đây cũng có hành động dọa nạt, đòi cắt gân chân của Hóa. Giam riêng thì Hóa có nói thì bị ở một mình trong phòng từ 15-20m2. Trong phòng họ giam cả ngày lẫn đêm, vệ sinh và ăn uống đều ở trong phòng giam riêng”.


Vụ chiếm rừng Sóc Sơn

Zing đưa tin: 39 lãnh đạo, cán bộ bị kỷ luật liên quan vi phạm đất rừng Sóc Sơn. UBND Hà Nội đã quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Đỗ Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cảnh cáo cựu Chủ tịch UBND huyện Vương Văn Bút và cựu Phó chủ tịch UBND huyện Tạ Văn Đạo, cách chức Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Đội Thanh tra trật tự xây dựng đô thị huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020 đối với ông Đào Văn Sửu.

Trong 80 lãnh đạo, cán bộ thuộc diện cần kiểm điểm có 39 lãnh đạo, cán bộ bị kỷ luật với các hình thức từ khiển trách đến buộc thôi việc. Trong số đó, có 11 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, 18 trường hợp công chức, lao động hợp đồng bị kỷ luật khiển trách, 6 trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo, 2 trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý bị kỷ luật cách chức, 2 trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc.

Hàng trăm công trình vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn vẫn chưa bị tháo dỡ. Ảnh: Việt Linh/Zing

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi vụ xẻ thịt rừng Sóc Sơn: Vì sao 22 cán bộ thoát kỷ luật? Vụ đất rừng Sóc Sơn bị xâm phạm, “xẻ thịt”, có 22 trường hợp cán bộ không bị kỷ luật vì “hết thời hiệu (ốm, chữa bệnh), trong đó có 7 trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý; 15 công chức, lao động hợp đồng”.

Bài báo nhắc lại kết luận của Thanh tra TP Hà Nội cho biết, chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng tại Sóc Sơn, đã có tới 797 công trình vi phạm, có những công trình vi phạm lâu năm, quy mô lớn như Việt phủ Thành Chương, nhà ca sĩ Mỹ Linh, Hoàng Lê Gia garden… đến nay vẫn chưa rõ hướng xử lý.


“Người đốt lò” chỉ đạo xử lý bê bối ở Bộ Y tế

Ngày 23/9/2019, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ thông báo, tiếp tục thanh tra tại Bộ Y tế theo chỉ đạo của Tổng bí thư, báo Thanh Niên đưa tin. Cơ quan này công bố Quyết định số 656, của Tổng TTCP, về thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, Bảo hiểm y tế và một số bệnh viện thuộc Bộ này, cùng một số Sở Y tế địa phương.

Bài báo tiết lộ, từ lúc đầu năm, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có văn bản chỉ đạo TTCP làm rõ một số vấn đề trong ngành y gây bất bình trong dư luận hiện nay. Lần thanh tra này sẽ nhắm vào vấn đề đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, BHXH VN và một số cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế.

VN Pharma: xử lần 2

Phiên tòa sơ thẩm lần 2 vụ VN Pharma dự kiến được tổ chức hôm nay 24/9 và kéo dài tới 30/9. TAND TP HCM đã triệu tập 9 thành viên trong hội đồng giám định của bộ Y tế, đại diện Công ty VN Pharma, viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM, cục Quản lý được và gần 200 người tham gia tố tụng, trong đó có Thứ trưởng Bộ Y tế.

Báo Pháp Luật VN đặt câu hỏi về vụ VN Pharma nhập thuốc “không sử dụng cho người”: Ai phải chịu trách nhiệm? Đáng lưu ý, ngay từ phiên tòa phúc thẩm lần 1 vào tháng 10/2017, HĐXX đã yêu cầu hủy án sơ thẩm, làm rõ trách nhiệm của Cục quản lý Dược, Bộ Y tế khi để “lọt” lô thuốc “không dùng để chữa bệnh cho người”, đồng thời đề nghị làm rõ số tiền 7,5 tỷ đồng “hoa hồng” để bán thuốc, nhưng tới nay mới được làm rõ. 

VnExpress có bài: Cựu chủ tịch VN Pharma suy sụp trước ngày ra tòa. LS Nguyễn Đình Hưng, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Hùng, cựu Chủ tịch VN Pharma, cho biết: “Ông ấy nhận thức rất rõ về sai phạm của mình trong việc làm thủ tục xin cấp phép nhập thuốc. Bị cáo cũng thừa nhận kết quả điều tra của Bộ Công an là thuyết phục, chỉ mong muốn vụ án khép lại, chấp hành hình phạt và sớm về với gia đình”. Nhưng các “đồng chí” của ông Hùng chưa tha cho ông, có lẽ họ muốn ông nêu đích danh Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong phiên xử lần này.  

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi cho bà Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ Y tế đã ‘hết sức trách nhiệm’ trong vụ VN Pharma ra sao? Bài báo lưu ý, vụ Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng ngày 29/8/2017, “Bộ trưởng khẳng định Bộ Y tế đã quyết liệt chủ động phát hiện, phối hợp chặt chẽ, hết sức trách nhiệm, kịp thời ngăn chặn không để một viên thuốc H-Capita nào được lưu thông ra thị trường”. Dù đó là báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ “nhưng hầu như không có cá nhân cụ thể nào được nhắc tên”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Nguồn: VTC

Không chỉ thế, Bộ Y tế ban hành Thông tư 22 về đăng ký thuốc có hiệu lực từ ngày 24/5/2010, nhưng đến tận ngày 11/4/2013, bộ này mới quyết định thành lập Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành thuốc, đến 14/11/2014 mới ban hành quy chế hoạt động của hội đồng nói trên. Bộ Y tế giải thích, sự chậm trễ này do “sắp xếp lại… cơ cấu tổ chức”

Viet Times cũng góp sức phê phán Bộ Y tế trong vụ VN Pharma: Cấp phép cho thuốc ung thư giả và cấp trùng số visa thuốc – Cục Quản lý Dược sơ hở hay cố tình? Bài báo chỉ ra, “những người cùng chịu trách nhiệm là các lãnh đạo Bộ Y tế qua các thời kỳ, gồm ông Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, cựu Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến”. Bộ này khẳng định hồ sơ nhập lô thuốc H-Capita đã được làm giả “tinh vi” nhưng VKSND Tối cao phản bác luận điểm này.


Đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Báo Thanh Niên đưa tin: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại chậm, Hà Nội xin ý kiến Ban Bí thư. Thành ủy Hà Nội vừa công bố thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tiến độ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Hội nghị diễn ra sau khi dự án này liên tục trễ hẹn, dù đã hoàn thành đến hơn 99%, chạy thử nhiều lần, thậm chí đã có phương án giá vé, nhưng suốt gần nửa năm qua vẫn chưa thể vận hành chính thức.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho rằng, những khó khăn vướng mắc hiện nay của dự án thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của các bộ, ngành có liên quan, nên phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định, đồng thời báo cáo Ban Bí thư về những khó khăn, vướng mắc nêu trên và xin ý kiến chỉ đạo.


Ô nhiễm không khí trong Nam, ngoài Bắc

Những ngày qua, không chỉ ở TPHCM ô nhiễm không khí nghiêm trọng, mà ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng không khá hơn. VTC đặt câu hỏi: Vì sao không khí Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ô nhiễm kéo dài? Không chỉ khí thải từ các phương tiện giao thông và thời tiết gây ra ô nhiễm, mà còn do các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục đốt rơm rạ, góp phần gây ô nhiễm không khí.

Ở Saigon, theo dữ liệu từ website Airvisual.com ghi nhận, chỉ số chất lượng không khí ở Thảo Điền, quận 2 là 152, là chỉ số cao nhất so với các khu vực khác ở Saigon. Zing có bài: Vì sao không khí ở Thảo Điền ô nhiễm nhất TP.HCM?

Bụi trong không khí nhìn giống như sương mù ở Saigon. Ảnh: Zing

Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho biết, không khí không đứng yên mà liên tục di chuyển theo hướng gió. Ô nhiễm không khí ở Thảo Điền nặng nề, không phải do hoạt động trong khu vực này gây ra, mà do các hoạt động từ nơi khác được gió đưa đến, có thể là từ ngã tư Hàng Xanh.


***




No comments:

Post a Comment

View My Stats