Friday, 3 August 2018

TRUNG QUỐC ĐÃ TÍNH TOÁN SAI LẦM TRONG CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI VỚI MỸ? (Mai Vân - RFI)




Mai Vân  -  RFI
Đăng ngày 03-08-2018

Ngày 01/08/2018, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer chính thức loan báo việc tổng thống Donald Trump ra lệnh xem xét khả năng đánh thuế 25% lên 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, thay vì 10% như từng đề xuất lúc ban đầu. Đây mới chỉ là một lời đe dọa vì các sắc thuế mới, nếu được quyết định, sẽ chỉ có hiệu lực vào tháng 9 tới đây mà thôi. Tuy vậy, Bắc Kinh đã lập tức lên tiếng cảnh cáo là sẽ trả đũa nếu Hoa Kỳ tiếp tục kế hoạch “bắt bí” Trung Quốc.

Chính quyền Donald Trump như vậy đã bắn đi tín hiệu là họ sẵn sàng leo thang mạnh mẽ trong cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc, đã mở màn tháng 07 vừa qua với khối lượng khoảng 74 tỷ đô la hàng hóa của cả hai bên bị áp thuế quan.

Điều mà giới quan sát ghi nhận là thế bị động hiện nay của Trung Quốc, chỉ biết ăn miếng trả miếng trước các đòn tấn công của Mỹ, chứ chưa thấy có những biện pháp đối phó mạch lạc, có tính toán kỹ lưỡng như thường thấy trước đây. Bắc Kinh cũng có vẻ bị cô lập trong cuộc chiến thương mại, không lôi kéo được các thế lực kinh tế khác cùng chung sức chống Mỹ, mặc dù quyết định đánh thuế của ông Trump không chỉ nhắm vào một mình Trung Quốc, mà còn nhắm vào cả Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, hay một số nước khác.

Nhật báo Hồng Kông, The South China Morning Post, trong số ghi ngày 30/07/2018, đã đăng tải một bài phân tích của chuyên gia Trương Lâm (Zhang Lin),thuộc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Thiên Tắc (Unirule Institute of Economics) tại Bắc Kinh, đã không ngần ngại cho rằng Bắc Kinh đã phạm phải « Hai sai lầm lớn » trong cuộc chiến tranh mậu dịch với Washington : Đó là đánh giá sai lạc về cả tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn liên minh Mỹ-Liên Hiệp Châu Âu.

Đối với Trương Lâm, vì các sai lầm đó, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt, một cái giá mà tác giả gói trong khái niệm « Bẫy thu nhập trung bình – Middle income trap », một khái niệm của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI, mô tả tình trạng một nền kinh tế thu nhập trung bình bị đình đốn và không còn khả năng vực dậy sau đó.

Bắc Kinh đã đánh giá sai về tổng thống Mỹ như thế nào ?

Về tổng thống Mỹ, chuyên gia Trương Lâm cho rằng sai lầm cơ bản của Bắc Kinh là quá coi thường ông Donald Trump, cho rằng các lời đe dọa đánh thuế hàng Trung Quốc mà ông đưa ra chỉ là đòn gió, nhằm đánh lừa đối phương mà thôi.

Theo tác giả, chính quyền Trung Quốc đã sai lầm khi cho rằng tổng thống Donald Trump chỉ là một doanh nhân và những đe dọa chiến tranh thương mại của ông chỉ là đòn phô trương thanh thế bề ngoài trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà thôi.

Bắc Kinh đã quên là trong thực tế, trong bản Chiến Lược Quốc Phòng công bố trước khi căng thẳng thương mại leo thang, Washington đã xác định rằng họ không thể chấp nhận các hoạt động thương mại và kinh tế của Trung Quốc như hiện nay. Thông điệp được đưa ra là Bắc Kinh sẽ không thể vừa kiếm tiền từ Mỹ vừa thách đố Washington.

Trên vấn đề sai lầm trong đánh giá nói trên, hôm 27/07, báo South China Morning Post đã có một bài phân tích dài giải thích vì sao Trung Quốc lại bị bất ngờ trước các động thái quyết đoán về thương mại của tổng thống Donald Trump, đồng thời nêu bật sự thiếu nhạy bén của Bắc Kinh, quá coi thường tâm lý bài Trung Quốc đang dâng cao trong giới ưu tú tại Mỹ.

Đối với nhật báo Hồng Kông, sự kiện chính quyền Trung Quốc siết chặt quyền kiểm soát trên các think tank, tức là các cơ quan tham vấn, và việc đẩy mạnh chiến dịch chống lãng phí có dấu hiệu là đã tác hại đến cách thức giới lãnh đạo Trung Quốc xử lý các vấn đề đối ngoại - và làm suy yếu sự hiểu biết của Bắc Kinh về chính trị Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump.

Một cựu cố vấn về chính sách Mỹ, xin giấu tên, đã cho rằng cả giới lãnh đạo lẫn các nhà nghiên cứu Trung Quốc đều không thấy được là tâm lý chống Trung Quốc ở Mỹ đã lên cao như thế nào, mà chỉ cho rằng tổng thống Mỹ chỉ tung đòn gió để tìm thắng lợi cho phe ông nhân cuộc bầu cử giữa kỳ, và mọi thứ sẽ thay đổi sau đó.

Đối với nhà quan sát này, thì cái nhìn trên hoàn toàn sai lạc, và Bắc Kinh hoàn toàn hiểu lầm về tình hình. Nguyên nhân, theo ông, đến từ việc giới lãnh đạo Trung Quốc đã tự cô lập mình nhiều hơn, trong lúc không một ai trong nước dám nói với giới lãnh đạo Bắc Kinh rằng họ đang sai.

Nhiều nguồn tin ngay tại Trung Quốc và một sô quan sát viên đã xác nhận với tờ South China Morning Post rằng chính sách mà Bắc Kinh đang áp dụng nhằm củng cố quyền lực của đảng Cộng Sản, đã khiến cho các cố vấn chính sách Trung Quốc tránh thảo luận sâu với các đối tác Mỹ, điều có thể giúp họ hiểu rõ hơn về tư duy mới nhất ở Washington. Chính sách đó cũng làm cho họ ngần ngại, không dám nói lên suy nghĩ của mình.

Chính sự thiếu vắng thông tin đó đã khiến cho Bắc Kinh không ra được một chiến lược toàn diện để đối phó với chính quyền Trump, ít nhất là trên mặt trận thương mại, tại một thời điểm mà quan hệ hai bên đang rất căng thẳng.

Bắc Kinh ngộ nhận về quan hệ đồng minh Mỹ-Liên Âu

Theo chuyên gia Trương Lâm, sai lầm lớn thứ hai mà Trung Quốc đã phạm phải là không thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, và đã hy vọng một cách thiếu thực tế rằng có thể hình thành liên minh thương mại với Châu Âu để đối phó với Washington.

Ông Trương Lâm thẩm định : Dù quan hệ xuyên Đại Tây Dương có nhiều bất đồng – như việc Anh, Pháp và Đức đều tham gia Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á do Trung Quốc dẫn đầu bất chấp phản đối từ Mỹ – nhưng nhìn chung, các nước phương Tây đều cùng chia sẻ một số giá trị chung cốt lõi.

Tuyên bố mới nhất về thương mại giữa Mỹ và Liên Âu EU đã gửi thêm một thông điệp đến Bắc Kinh, cho biết là Washington và Bruxelles sẽ « làm việc chặt chẽ với nhau, cũng như với các đối tác cùng chí hướng » để giải quyết một loạt vấn đề như « đánh cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp, tình trạng thị trường bị các công ty nhà nước bóp méo, và tình trạng sản xuất dư thừa ».

Đối với ông Trương Lâm, chẳng khó chút nào khi trả lời cho câu hỏi là Trung Quốc có nằm trong số các “đối tác cùng chí hướng” nói trên hay không.

Vì những sai lầm trên đây, Bắc Kinh đã bị đẩy vào một cuộc đọ sức thương mại với cường quốc kinh tế số một thế giới hiện nay, với hệ quả là “thời đại vàng son của ngành xuất khẩu” Trung Quốc kể từ khi nước này gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế giới WTO năm 2001 được cho là đang trên đà cáo chung.

Một tín hiệu đáng ngại cho Bắc Kinh : Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, công bố hôm 31/07 vừa qua, hoạt động thương mại của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm đi rõ rệt, giá cả tăng lên, cho thấy là căng thẳng thương mại với Mỹ đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Rơi vào cái « bẫy thu nhập trung bình »

Chuyên gia Trương Lâm đánh gía là  ngoại thương giảm sụt – hệ quả từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ - có thể tác hại sâu đậm bất ngờ đến nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí đẩy Trung Quốc rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình, một khái niệm lần đầu tiên được Ngân Hàng Thế Giới đưa ra vào năm 2006 để chỉ một nền kinh tế thu nhập trung bình trì trệ và không thể khôi phục đà phát triển cao hơn.

Đối với ông Trương Lâm, « Phép mầu kinh tế » của Trung Quốc trong vòng 4 thập kỷ qua dựa vào hai yếu tố: Một là một khối kinh tế nhà nước hoạt động không hiệu quả mở đường cho nền kinh tế tư nhân sinh động, bên cạnh đó là tiến trình hội nhập của kinh tế Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu thông qua thương mại và đầu tư.

Từ năm 1978, khi Trung Quốc cải cách và mở cửa theo chủ trương của Đặng Tiểu Bình, kinh tế Trung Quốc đã trải qua 4 chu kỳ tăng trưởng. Lẽ ra, kinh tế nước này có thể được hưởng một chu kỳ tăng trưởng thứ năm, nếu tiếp tục tự do hóa nền kinh tế trong nước, và mở rộng thêm cửa ra nước ngoài. Điều đó tuy nhiên đã không xẩy ra, và từ năm 2013 đến nay kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại

Trong mô hình phát triển kinh tế hiện nay, với nhà nước đóng vai trò chủ đạo, các doanh nghiệp nhà nước lấn lướt trong khi khối tư nhân lùi bước, làm cho một trong hai trụ cột tăng trưởng bị phá hủy. Cuộc chiến thương mại với Mỹ bắt đầu làm lung lay trụ cột còn lại. Kết quả là cả hai trụ cột tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đều lỏng lẻo, đe dọa đến triển vọng kinh tế Trung Quốc.

Nếu Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu, và thậm chí Nhật Bản, hình thành một khối tự do thương mại mới trong thời điểm kinh tế Trung Quốc đang chững lại, Bắc Kinh sẽ càng bị khó khăn trong việc phục hồi đà tăng trưởng…

Trung Quốc đang cố gắng giải quyết tình hình bằng cách đẩy mạnh mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời bổ nhiệm phó Thủ tướng Lưu Hạc – người đã có những bước đi táo bạo để cải tổ khu vực kinh tế nhà nước gần đây – lãnh đạo một cơ quan cải cách các doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Trương Lâm, rõ ràng là Trung Quốc phải nhanh chóng hành động, và không được phép có thêm sai lầm.

--------------------------

XEM THÊM
04/08/2018

Chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung có nguy cơ khiến thêm một ngành công nghiệp đang bùng nổ của Mỹ, xuất khẩu dầu khí, chới với trong khi Bắc Kinh có thể chuyển sang mua dầu của Iran khiến lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia Trung Đông này gặp trở ngại, theo nhận định của các chuyên gia.

Xuất khẩu dầu của Mỹ đã tăng hơn bốn lần kể từ khi Quốc hội hồi cuối năm 2015 rút lại một lệnh cấm kéo dài 40 năm. Mức tăng trưởng thần tốc của ngành này đã đưa sản lượng dầu của Mỹ lên mức cao kỷ lục và dẫn tới việc xây dựng những cơ sở xuất khẩu khổng lồ.

Tuy nhiên, mặt hàng xuất khẩu này của Mỹ đang gặp họa. Trung Quốc hiện đang là nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai của Mỹ, sau Canada. Bắc Kinh đã đe dọa áp thuế lên dầu thô của Mỹ để trả đũa các biện pháp thuế quan của Tổng thống Donald Trump lên hàng hóa Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc áp thuế thì xuất khẩu dầu của Mỹ sẽ chùn lại, giá dầu nội địa của Mỹ sẽ bị tổn thương và hoạt động của ngành công nghiệp năng lượng sẽ bị chậm lại.

“Tổng thống Trump có lý về những hành vi lạm dụng giao thương của Trung Quốc tuy nhiên thuế quan là một trò chơi nguy hiểm vốn có thể dễ dàng vượt ra khỏi tầm kiểm soát,” ông Dan Eberhart, giám đốc điều hành của công ty dịch vụ dầu khí Canary LLC với 400 nhân công, được CNN dẫn lời nói.

Ông Eberhart nói rằng các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc sẽ tác động xấu đến công ty của ông và những công ty dầu khí khác vốn dựa vào các hoạt động khoan dầu để tăng trưởng.

“Cuộc chiến mậu dịch ăn miếng trả miếng ngày càng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington sẽ tác động đến ngành năng lượng,” ông Eberhart nói thêm.

Do Trung Quốc chỉ nhập có 130 tỷ đô la hàng hóa Mỹ trong năm ngoái nên nếu chiến tranh mậu dịch giữa hai nước leo thang toàn diện thì Bắc Kinh sẽ nhanh chóng không còn mặt hàng Mỹ nào nữa để đánh thuế.

“Họ sẽ đánh thuế tất cả hàng hóa nhập từ Mỹ, trong đó có dầu thô,” ông Abudi Zein, CEO của công ty nghiên cứu ClipperData, được CNN dẫn lời nói.

Hoa Kỳ xuất khẩu hơn 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày hồi tuần trước, theo số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ được công bố hôm 1/8. Hồi cuối năm 2015, con số này là khoảng 500.000 thùng dầu mỗi ngày.

Canada là nước nhập khẩu dầu của Mỹ nhiều nhất. Sau Canada, Trung Quốc nhập dầu Mỹ nhiều hơn gấp đôi so với bất cứ nước nào khác trên thế giới trong năm nay, cũng theo số liệu chính phủ.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể trả đũa vào dầu khí Mỹ và tìm mua dầu từ nước khác, trong đó có Iran, vốn đang tuyệt vọng tìm khách hàng mua dầu của họ do lệnh trừng phạt hà khắc của Mỹ.

Đây sẽ là một kết cục đáng lo ngại cho các công ty dầu khí Mỹ vốn dựa vào xuất khẩu.
Chẳng hạn như công ty dầu khổng lồ Pioneer Natural Resources đã tăng sản lượng dầu thô xuất khẩu của họ lên khoảng 90.000 thùng một ngày trong quý một năm nay. Mục tiêu của họ là nâng sản lượng xuất khẩu lên 150.000 thùng một ngày vào cuối năm nay.

Ông Timothy Dove, CEO của công ty này, đã nói tại một hội thảo mới đây rằng mục tiêu cuối cùng của công ty ông là xuất khẩu toàn bộ dầu hoặc đưa tới các cơ sở lọc dầu ở vùng Vịnh Mexico.

Ích lợi của việc xuất khẩu dầu là dầu có thể được bán theo giá quốc tế, vốn cao hơn giá Mỹ 4 đô la một thùng.

Sự hấp dẫn của giá cao đã khiến cho công ty Continental Resources, một đối tác chính tại giếng dầu Bakken thuộc bang Bắc Dakota, phải tìm đến thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các công ty vận chuyển, vốn đang lao đao trong những năm gần đây, cũng hưởng lợi từ xu thế xuất khẩu dầu này do nhu cầu những tàu chở dầu khổng lồ để vận chuyển dầu thô.

Các hải cảng trên khắp vùng vịnh của Mỹ đã đổ rất nhiều tiền của nâng cấp cơ sở vật chất để có thể tiếp nhận những con tàu dầu khổng lồ này.

Hồi tháng trước, cảng Corpus Christi, bang Texas, đã phê chuẩn gói trái phiếu trị giá 217 triệu đô la để có tiền trang trải cho việc xây dựng thêm bến bãi và nâng cấp đường sắt và vịnh bốc dỡ hàng để đón đầu nhu cầu xuất khẩu năng lượng tăng vọt.

Các đường ống dẫn cũng được xây dựng để chuyển dầu từ các giếng dầu Bakken và Permian Basin ở Tây Texas đến Vùng Vịnh Mexico, nơi chúng sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài.

Các nhà sản xuất Mỹ đang hy vọng rằng nếu như Mỹ áp thuế lên dầu khí của Mỹ thì họ có thể bù lại bằng cách tìm kiếm thị trường thay thế.

“Nguy cơ là họ không thể tìm được thị trường khác,” ông Brian Youngberg, một chuyên gia phân tích năng lượng cao cấp của Edward Jones, cảnh báo. “Khi đó, dầu sẽ tồn lại ở Vùng Vịnh.”

Trong khi đó, Bắc Kinh có thể bỏ dầu Mỹ mà chuyển sang nhà cung cấp khác, chẳng hạn như Iran, theo Wall Street Journal.

Việc Trung Quốc mua dầu của Iran sẽ làm suy giảm áp lực của lệnh trừng phạt kinh tế mà Washington đe dọa tái áp đặt lên nước này sau khi Tổng thống Trump quyết định rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Nó cũng sẽ giúp đưa Tehran lại gần với Bắc Kinh hơn.

Đón đầu lệnh trừng phạt của Mỹ với việc các ngân hàng quốc tế đã từ chối cấp tiền cho các giao dịch dầu, một số nước đã giảm lượng dầu họ mua của Iran, trong đó có Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Trung Quốc, vốn là khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran, đang chuẩn bị mua thêm, tờ Wall Street Journal cho biết.

“Ý định của chúng tôi là thực thị lệnh trừng phạt lên hoạt động dầu khí của Iran đối với bất cứ ai, bao gồm cả Trung Quốc,” Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện hồi tuần trước.

Nhu cầu sụt giảm do lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến dầu của Iran trở nên rẻ hơn đối với Trung Quốc. Trong khi đó, hai nhà cung cấp truyền thống của Trung Quốc là Libya và Venezuela đang gặp cảnh khốn đốn. Theo báo cáo hàng tháng mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế thì Trung Quốc nhập thêm khoảng 500.000 thùng dầu một ngày trong năm 2018 và sẽ nhập thêm 400.000 thùng một ngày trong năm 2019.

Để lách lệnh trừng phạt của Mỹ, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mua dầu Iran thông qua một ngân hàng mà họ đã từng sử dụng trong các vụ giao dịch trước đây với Iran.

Các ngân hàng toàn cầu rất ngại cấp vốn cho các giao dịch với Iran do lo sợ họ không thể tiếp cận với đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, Ngân hàng Côn Luân trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc có sự tiếp xúc rất hạn chế với hệ thống tài chính quốc tế.

Ngân hàng Trung ương Iran có tài khoảng tại Ngân hàng Côn Luân mà các khách hàng Trung Quốc có thể thông qua đó để trả số tiền tương đương hàng tỷ đô la Mỹ để mua dầu. Số tiền này sau đó sẽ được Iran dùng để mua hàng hóa của Trung Quốc.

(CNN, WSJ)











No comments:

Post a Comment

View My Stats