Hôm qua tôi có ý kiến về phát biểu của thủ tướng Phúc:
“đi mãi con đường cũ thì kinh tế không phát triển được”. Sáng nay đọc báo thì
thấy phó thủ tướng Phạm Bình Minh tuyên bố “cần quyết liệt đổi mới tư duy hội
nhập quốc tế”. Thấy là dường như hai ông thủ – phó, ông này tung ông kia hứng.
Ý kiến của thủ tướng Phúc tôi có khai triển hôm qua. Đại khái là thủ tướng đã
“thành khẩn khai báo” rằng kinh tế VN không phát triển với đường lối cũ. Còn
phát biểu của phó thủ tướng, rõ ràng ông Minh chỉ ra VN không thể hội nhập quốc
tế với cái tư duy cũ.
Hai ông tung hứng như vậy mục đích để làm gì?
Theo tôi, hai ông thủ – phó gởi thông điệp manh mẽ
tới ông Trọng: cần phải dẹp bỏ lề lối bắt chước TQ.
Thật vậy, ông Trọng làm cái gì cũng rập khuôn TQ.
Vấn đề là TQ họ biết họ làm cái đó vì mục đích gì. Còn ông Trọng bắt chước
“nguyên con”, bưng tư tưởng của lãnh tụ TQ áp dụng vào VN mà không biết để làm
gì và vì sao phải áp dụng?
Lý thuyết gia, chiến lược gia TQ nghĩ ra sách lược
hành động. Sách lược này có “cao siêu” tới đâu thì cũng chỉ phù hợp cho TQ mà
thôi!
Thủ tướng Phúc nói là “đi mãi con đường cũ thì kinh
tế không phát triển được”. “Đường cũ” này không hề do các lý thuyết gia, các
nhà chiến lược của VN đặt ra. Nó chính là mô hình “xã hội chủ nghĩa với bản sắc
TQ” mà nhiều thế hệ lãnh đạo CSVN đã “bưng nguyên con”, áp dụng ở VN với cái
tên khác là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Dĩ nhiên khi TQ lâm vào khủng hoảng thì VN cũng sẽ
khủng hoảng. Ý kiến của ông Phúc như là “phản xạ” theo kiểu “đi trước đón đầu”.
Gia nhập vào WTO nhưng TQ (và VN) không hề tôn
trọng “luật chơi”, nếu không nói là chơi “ăn gian” đủ thứ.
Nếu chỉ nói về phương diện hàng xuất khẩu thì chính
sách trợ giá và công nhân giá rẻ sao cho giá thành rẻ xuống để cạnh tranh với
các nước khác. Đây là một vấn đề “bể đầu” của TQ trước sự “sửa lưng” gay gắt
của Mỹ.
Ở cái khoản này thì VN còn tệ hại hơn cả TQ. Lương
công nhân VN rẻ như bèo, đời sống công nhân bị áp bức, bị bóc lột một cổ ba bốn
tròng. Một tròng tài phiệt quốc tế, một tròng nhà nước ăn chặn tiền lương, một
tròng thuế má, phí an sinh xã hội, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, một tròng an ninh
“kềm kẹp”… Chưa bao giờ trong lịch sử VN tầng lớp công nhân lâm vào hoàn cảnh
bi đát như vậy.
Cuộc “chiến tranh thương mãi” giữa Mỹ và TQ, viễn
ảnh thất bại của TQ đã khiến thủ tướng Phúc biểu lộ tư tưởng “đi trước đón
đầu”. Hôm qua tôi có “thông điệp gởi thủ tướng Phúc” cũng trong nội dung này.
Bây giờ phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói về “đổi
mới tư duy hội nhập quốc tế”.
Thì phải vậy thôi. Ông Trọng đã rập khuôn TQ ở cái
cách “bắt cóc” đảng viên tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài đem về lục địa xử
tội. Vấn đề là TQ họ làm gì thì cũng “theo luật” mà làm. Không thấy (hay chưa
thấy) quốc gia nào lên tiếng phản đối TQ về các vụ bắt cóc này hết cả.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã khiến cho VN trở
thành một “nhà nước mafia”. Nhân viên ngoại giao VN trở thành “personae non
gratae” ở Đức và Châu Âu.
Vụ này ông Minh lãnh đủ. Tòa đại sứ VN ở Đức (và
Pháp cũng như ở Slovaque) trở thành “ổ mafia”, vì ở các nơi này xuất phát nhân
sự tham gia vụ bắt cóc TX Thanh.
TQ họ làm khéo léo bao nhiêu thì VN làm như mèo rửa
mặt, không ra cái thể thống gì! Lại còn thái độ của bộ ngoại giao qua phát ngôn
nhân Thu Hằng, còn thêm những tiếng nói, những bài viết trên báo, viết bênh vực
hành vi của mật vụ VN, khiến vấn đề như lửa cháy lại đổ dầu thêm.
Câu hỏi đặt ra (cho phó thủ tướng Phạm Bình Minh)
là “tư duy mới” đó là tư duy nào?
Theo tôi không có tư duy cũ hay mới, mà chỉ có tư
duy “làm cái gì cũng phải làm trong vòng luật lệ cho phép”. Luật quốc gia và
luật quốc tế.
Vụ bắt cóc TXT nhà nước VN vi phạm luật quốc tế,
xâm phạm chủ quyền quốc gia Đức. Nguyên nhân là quyền lực của đảng bao trùm mà
không có cái gì chế ngự hay kiểm soát quyền lực này cả.
Vụ TXT theo lẽ ông Trọng phải ra tòa trả lời trước
pháp luật.
Luật lệ VN không có khoản nào chế tài tổng bí thư,
cũng không có qui định cái gì về hành vi của đảng.
Vì vậy theo tôi, đổi mới tư duy là không phải.
VN phải “pháp trị hóa nhà nước”, phải xây dựng đúng
đắn “Etat de Droit” (mà VN gọi là nhà nước pháp quyền) phù hợp với trào lưu
quốc tế, trên nền tảng các giá trị phổ cập về nhân quyền. Quyền lực nhà nước
phân lập 3 nhánh (độc lập) rõ rệt.
Quyền lực của đảng phải hạn chế và kiểm soát bằng
một định chế pháp lý. Quyền hạn của tổng bí thư phải được xác định rõ rệt, bằng
luật. TBT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.
Thưa ông Phạm Bình Minh, không có tư duy mới nào
hết cả. Ra “biển lớn”, “hội nhập quốc tế” thì không có vụ “đi đêm” hay sử dụng
tiền bạc mua chuộc người này người nọ.
---------------------
Thông điệp gởi thủ tướng Phúc.
Đọc báo thấy thủ tướng Phúc than rằng "đi mãi
đường cũ thì kinh tế không thể phát triển được".
Mọi người nghĩ sao ? Cá nhân tôi thì thấy là thủ
tướng đã "chân thành khai báo" rằng "kinh tế VN đã không phát
triển" với mô hình "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa".
Theo tôi, nhìn thấy được vấn đề cũng là rất khá !
Câu hỏi đặt ra, thủ tướng muốn "đi đường khác" hay trở lại
"đường xưa" ?
Đường xưa đã biết, là đường lên xã hội chủ nghĩa.
"Đường khác" là đường nào ?
TQ hiện thời cũng đang đặt lại câu hỏi: tiếp tục
theo đường mới khẳng định của Tập đại đại hay quay lại đường cũ của Đặng gia
gia ?
Đối với TQ, đường nào e rằng cũng khó, đi lên kẹt
núi trở lại kẹt sông!
Cái "thê lương" của học giả TQ là họ ảo
tưởng về "sự phát triển thần kỳ" của TQ. Họ không thấy rằng sự phát
triển này tương tự như chơi cờ gian bạc lận. Nhưng sai lầm của học giả TQ không
đến đỗi. Dầu sao thì TQ hôm nay cũng đã "có vốn". Nhiều khả năng cho
thấy TQ sẽ "chịu thua" trong chiến tranh thương mãi với Mỹ. Trường
hợp này TQ sẽ phải nhượng bộ, như cho phép xí nghiệp Mỹ cạnh tranh "tay
ngang" với các xí nghiệp nội địa. TQ bãi bỏ chính sách "trợ giá"
đồng thời tư hữu hóa các xí nghiệp nhà nước và cho phép tư bản nước ngoài mua
lại các xí nghiệp này. TQ mở cửa thị trường "tài chánh" vốn xưa nay
chịu sự chỉ đạo, nếu không nói là lãnh vực độc quyền của nhà nước. TQ cam kết
không sử dụng, không "ăn cắp" sở hữu trí tuệ. TQ bãi bỏ quan niệm
"chủ quyền không gian mạng" để các xí nghiệp Google, Facebook... tự
do kinh doanh. TQ cam kết tôn trọng nhân quyền v.v...
Thì chắc chắn trong một hai thập niên TQ sẽ trở
thành một cường quốc tư bản như Nhật, Đức, Pháp...
Nhưng sẽ không hề đơn giản cho VN. Lời thú nhận của
thủ tướng Phúc cho phép học giả VN nghĩ lại về "thân phận của mình".
VN không phải là TQ nhưng áp dụng mô hình của TQ, từ chế độ chính trị cho tới
mô hình phát triển kinh tế.
Mô hình TQ khủng hoảng đưa tới VN khủng hoảng.
Trở lại vấn đề, theo tôi, sẽ đơn giản cho VN nếu
thủ tướng đặt lại "trọng tâm" cho việc phát triển.
Nếu đặt trọng tâm ở đảng, ở việc "hoàn thành
chỉ tiêu do đảng giao phó" thì đi đường nào cũng vậy, kết quả cũng
"loanh hoanh". Người dân hết thế hệ này sang thế hệ khác, "mõi
mệt", rồi chết đứng.
Theo tôi, VN "quay đầu là tới bến", dễ
hơn TQ.
Chỉ cần đặt lại mục tiêu phục vụ, từ chế độ chính
trị cũng như mọi chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội.... Người dân phải luôn là
trọng tâm phục vụ.
Thay vì thủ tướng ao ước "đầu tàu" này
kia, thì thử một lần bắt chước các lãnh đạo Âu, Mỹ. Nói chi xa, lấy thí dụ ông
Trump. Lời hứa lúc tranh cử của ông này là gì ? Nói là "Make America Great
Again", mà thực chất là hứa hẹn tạo công ăn việc làm cho mọi người.
Các nước giẫy chết, thủ lãnh chính trị nào khi ra
tranh cử cũng cam kết việc tạo ra công ăn việc làm cho mọi người dân. Cam kết
"khả năng mua sắm" của người dân ngày càng gia tăng. Cam kết đời sống
an sinh xã hội mọi người dân ngày càng bảo đảm...
Nhìn cuộc chiến tranh thương mãi giữa Mỹ và TQ hiện
nay ta càng thấy VN không thể "đi lại đường xưa". VN phải "đi
trước đón đầu" từ việc thay đổi chế độ chính trị cho tới việc bãi bỏ nhận
thức XHCN trong kinh tế.
Cái quán tính về những nhận thức "tư bản bóc
lột", "giai cấp vô sản"... khiến cho VN như người bị dị tật về
trí tuệ, thường làm, hay phát biểu những điều đi trên mây. Đòn bánh tét dài
nhứt thế giới, cái bánh chưng lớn nhứt thế giới, tô hủ tíu, tô phở... hoặc tỉnh
này tỉnh nọ là đầu tàu phát triển, là trung tâm điện tử... nọ kia là những thí
dụ điển hình.
Thủ tướng Phúc hãy giải tán hết những "cố
vấn" vô dụng chung quanh. Một lần bắt chước các lãnh tụ Phương Tây, cam
kết tạo công ăn việc làm cho từng người dân. Cam kết đem lại an sinh xã hội cho
từng người dân.
Mà hứa thì ai hứa cũng được. Làm thì làm cách nào ?
Nói là chế độ xã hội chủ nghĩa, là "con đường
xưa em đi", xây dựng công bằng cho mọi người. Xã hội chủ nghĩa là gì ? Là
xã hội trong đó nhà ở miễn phí, học sinh đi học miễn phí, bịnh nhân đi nhà
thương, được chăm sóc sức khỏe không tốn tiền, thất nghiệp được trợ cấp xã hội,
người nghèo được trợ cấp xã hội...
"Con đường xưa em đi" của VN "cào
bằng" tất cả, không nhìn nhận tư hữu, chủ trương công hữu. XHCN càng xây
dựng thì càng sụp đổ. Càng "tiến lên" thì càng thấy "đi
xuống" địa ngục.
Giật mình XHCH sụp đổ tứ phương, VN "đổi
mới", pha trộn vào "kinh tế thị trường". Nhưng xã hội ngày càng
hỗn mang, mọi trật tự đảo lộn. Công bằng xã hội không có mà chỉ thất bất công
ngày càng sâu sắc. Nhà cửa giá bong bóng bay lên trời. Công nhân làm việc nhịn
ăn ba đời không mua được căn nhà. Học trò đi học đóng học phí cao ngất ngưỡng.
Trong khi "khả năng mua sắm" của VN đứng hàng gần chót trên thế
giới...
Trong khi bọn "tư bản giẫy chết" Tây Âu,
Bắc Âu lại kiến tạo được mô hình "nhà nước phúc lợi" mà Mác đã ước
mơ, gọi là "xã hội chủ nghĩa".
Bọn Tây Âu, Bắc Âu phát triển ra sao ? Chẳng có ông
thủ tướng nào hô hào "đầu tàu" nọ kia hết cả. Tất cả chỉ hứa
"tạo công ăn việc làm cho mọi người".
Chỉ khi mỗi người dân có công ăn việc làm thì
"kho thuế" của nhà nước mới đầy, các quĩ an sinh xã hội mới đủ, kinh
tế nội địa mới phát triển...
Thì thủ tướng Phúc chần chờ gì nữa mà không
"đi theo con đường phát triển" của các nước Tây Âu, Bắc Âu ?
Thách thức của thủ tướng Phúc túm lại là đa nguyên
hóa chính trị, bãi bỏ chủ trương "chuyên chính" của đảng cộng sản.
Nếu không làm được hai việc này thì thủ tướng ơi, "đi đâu loanh hoanh cho
đời mõi mệt" !
No comments:
Post a Comment