Tui nghe mấy bác To Đầu bên nhà ưa khoe nước mình
đang phát triển từng ngày, rồi còn hứa hẹn là chẳng bao lâu nữa sẽ đuổi kịp, có
ông còn nổ là sẽ qua mặt Singapore nữa kia. Trong con mắt mấy bác ấy, thì Nam
Hàn, Đài Loan, và ngay cả hai thằng bé tẹo như mắt muỗi là thằng Mã Lai và
thằng Thái Lan thì thực không đáng được các bác ấy nhắc đến ở những lời hứa …
cuội.
Thực tình mà nói, trên đời này ai mà chả có lúc mơ
mộng, ai mà chả có khi ước mơ, cứ như tui đây mà còn mơ, có ngày mình được làm
… Tổng Bí Thơ nữa cơ đấy.
Năm 1993 tôi đi Việt Nam lần đầu, còn nhớ như in
100 đô la Mỹ đổi được gần 1.2 triệu tiền cụ. Thời đó mới vừa qua thời Bao Cấp,
Việt Nam còn nghèo lắm, vì vẫn còn “đang phải khắc phục hậu quả của chiến tranh
và tàn dư của Mỹ Ngụy để lại”, nên đi ra ăn ngoài hàng quán rất sợ và rất đau
lòng, vì ăn chưa xong, đã có những bọn trẻ con đói khát nhảy vào dành nhau tí
nước phở thừa, vài hạt cơm dư, mấy muỗng canh còn bỏ dở. Nhìn thấy mà xót xa
trong ruột nên chỉ dám ăn lanh quanh ở nhà. Đổi một trăm đô bao hơn 20 người ăn
tiệm vẫn còn dư. Ta nói ngay cả đồng tiền cụ thuở đó cũng còn có giá lắm.
Sau khi đi Việt Nam tôi lại ghé Bangkok chơi vài
ngày, lúc ấy đổi 100 đô la Mỹ được 3700 Baht. Ta nói xài cũng mệt nghỉ, ăn uống
thỏa thích mấy ngày mới hết 100 đô. Thuở đó, tiêu xài, ăn uống ở Việt Nam cũng
ngang ngửa với Thái Lan, với 100 đô, ăn hải sản mệt nghỉ. Ở Việt Nam lúc này,
chỉ có những loại hàng hóa nhập cảng từ Thái, toàn hàng cao cấp, chưa thấy bóng
dáng bất kỳ món hàng nào của Trung Quốc.
Đến năm 1999, tôi lại đi Việt Nam lần nữa, lúc đó
tiền cụ bắt đầu tuột giá, đổi 100 đô đã được hơn 1.5 triệu cụ rồi. Lúc này vật
giá đã tăng vọt, tuy nhiên, nếu so sánh với Thái Lan thì giá cả đồ ăn cũng như
hàng hóa cũng vẫn còn chưa đến nỗi tệ, một 8 một 10, Việt Nam đắt hơn Thái Lan
một chút. Lúc này một đô Mỹ đổi được gần 40 Baht, lúc đó kinh tế Thái xuống
dốc. Tuy vậy, đổi 1 trăm đô xài cũng còn khá mệt nghỉ mới hết.
Cứ thế theo thời gian, tiền cụ nhanh chóng tuột giá
như trò chơi trượt cầu tuột nước, không đạp thắng lại được. Càng ngày cái tỷ
giá hối đoái giữa đồng đô la và tiền cụ mỗi cách nhau xa vời hơn, và nạn lạm
phát lại càng khủng hoảng hơn. Hàng hóa, đồ xài nhập từ Trung Quốc mỗi ngày một
nhiều hơn và cứ như thế, hàng Trung Quốc lặng lẽ nhưng chắc chắn, từ từ đẩy
hàng Thái ra khỏi đất nước Việt Nam, để rồi gần như người ta không còn tìm thấy
hàng Thái ở đâu nữa. Đồng tiền tuy mất giá khá nhiều, nhưng dân Việt vẫn còn
tạm đủ xài vì từ hàng xịn của Thái, chuyển xuống hàng đểu của Trung Quốc. Và
bẵng đi một thời gian khá lâu, tôi không ghé Thái Lan.
Đến năm 2015, tôi đi về Việt Nam và đã có ý định
ghé thăm Thái Lan lần nữa. Lúc này đồng tiền cụ giờ chẳng còn tí giá trị nào
cả, một trăm đô đã đổi được hơn 2.1 triệu tiền cụ. Vật giá đã trở nên hết sức
đắt đỏ, đổi một trăm đô quay qua quay lại là hết. Bây giờ nếu dẫn cả nhà hơn 20
chục người đi ăn tiệm, chưa nói là ăn hải sản, cũng phải mất vài trăm đô.
Bên cạnh đó, hàng hóa từ đồ ăn qua đồ xài, tới máy
móc gia dụng, ngoài một số ít những loại sản phẩm cao cấp, có giá cao bán cho
dân có tiền được nhập từ Korea và Đài Loan ra, thì còn lại, chỉ rặt những loại
hàng hóa rẻ tiền đến từ Trung Quốc. Ngày nay, đi rảo các chợ, có lẽ hàng của
Trung Quốc chiếm đến 70% hay hơn tổng số hàng trên thị trường. Càng đi xa thành
phố, càng về nhà quê, thì hàng Trung Quốc lại càng nhiều hơn nữa.
Mấy tuần sau, tôi rời Sài Gòn đi Bangkok, lúc đó
mới chưng hửng, vì ở Thái, một đô vẫn chỉ đổi được hơn 33 Baht, đồng tiền Thái
vẫn giữ nguyên giá, mà lại còn có vẻ giữ giá hơn tiền đô. Ngạc nhiên hơn nữa,
là thức ăn và đồ xài, các mặt hàng hóa đều giữ cái giá của hơn 15 trước, vào
năm 1999 lần sau cùng khi tôi đã ghé lại đây.
Vô cùng ngạc nhiên vì với 100 đô, tôi vẫn có thể
mua sắm rất nhiều thứ, đồ ăn vẫn như thế, một bữa ăn cho một người ở một quán
ăn trung bình, vẫn chưa tới 3 đô la. Ăn uống ở vỉa hè, ở các quán đường phố,
thì chỉ phải trả khoảng 1.5 đô la là đủ. Tính tôi thích ăn vặt, vào chuỗi cửa
hàng 7/11 ở đây, mua đồ ăn vặt, cỡ 20 đô là có 2 bao đầy, ăn mệt nghỉ, mà lại
còn bảo đảm hàng sản xuất ở Thái 100%, thơm, ngon, rẻ, đẹp, bền dủ tiêu chuẩn,
và đốt đuốc cũng không tìm thấy đồ ăn Trung Quốc. Rất khó tìm được đồ xài gia
dụng nhập từ Trung Quốc.
Tháng 4 năm nay, tôi lại đi Việt Nam, lại một lần
ngạc nhiên nữa, mà không chỉ là ngạc nhiên nhưng sững sờ, vì đồng tiền cụ lại
tiếp tục mất đi cái gía trị dù chỉ còn tí xíu của nó. Năm 2015, tôi vẫn còn tìm
thấy ở một số nơi hàng quán đàng hoàng ở Sài Gòn một tô phở với giá khoảng
25-30 ngàn, ở tiệm ăn khá thì cũng chỉ có giá 50 ngàn tiền cụ. Giờ ở Việt Nam,
không ai có thể tìm được tô phở nào ở một hàng quán đàng hoàng có giá dưới 50
ngàn. Nhiều nơi đã có bảng giá 70-80 hoặc 100 ngàn cho một tô phở, mặc dù 100
đô nay đã nhảy vọt bằng 23 triệu tiền cụ. Đổi 100 đô, quay qua quay lại hết cái
vèo. Mà thực thế, một trăm đô bây giờ không sắm sửa được mấy, từ đồ ăn tới đồ
xài.
Khốn nạn một cái là hầu như chỉ toàn là những mặt
hàng nếu không là hàng Trung Quốc, thì là hàng đểu.
Mấy năm gần đây, tôi thấy người dân ta thán về
những loại thực phẩm bẩn, thịt thà tẩm hóa chất, gia súc nuôi bằng thuốc tăng
trọng, rau rợ tưới bón bằng những loại thuốc thải công nghệ, trái cây được tẩm
thuốc … vân vân. Nói tóm lại người dân phàn nàn, “bức xúc” với nhau về mọi thứ
thực phẩm được bán trên thị trường ngày nay. Cái câu nói ở cửa miệng mọi người
là “Ở Việt Nam giờ ăn gì cũng chết!”.
Và cứ thế, người có tiền thì tìm mọi cách để tránh
né bằng cách đi tìm những thứ hàng “sạch” nhập cảng đắt tiền, người nghèo thì
lấy sinh mạng mình ra đánh cuộc như chơi lô tô, ông trời kêu ai thì người ấy …
kênh. Người ta bắt buộc phải tin nhau “vì bà ấy đã bán ở chợ này hơn 10 năm
nay” đơn giản có thế.
Chuyện thực phẩm bẩn ở Việt Nam thì xin miễn bàn vì
cái “bẩn” đến từ khắp nơi, mở Youtube lên chỗ nào chẳng có, rau, trái, củ, quả,
gà, vịt, heo, bò, cá, tôm, gia cầm, gia súc “bẩn”, không thứ nào thiếu trong
danh sách. Hơn 90 triệu dân Việt đều mang sinh mạng của mình ra đánh ván bài
Ngã Về Không, chỉ có là sớm hay muộn phải giũ chiếu đứng dậy mà thôi.
Hai tuần trước tôi ghé sang Thái, đến một vùng đất
cao nguyên khá yên bình có cái tên Chiang Mai ở miền Bắc. Lại càng vô cùng khâm
phục chính quyền Thái, mặc dù những năm gần đây có rất nhiều biến động trên hệ
thống lãnh đạo của họ. Tuy nhiên, giờ đây nhìn bên ngoài thì thấy đã khá yên
ổn. Điều ngạc nhiên nữa là sau hơn 3 năm, thì 1 đô vẫn đổi được có 33 Baht. Và
lại ngạc nhiên vô cùng là sau hơn 3 năm, đồng tiền vẫn có giá trị như xưa, nếu
không nói là hơn xưa. Ăn ở vỉa hè, vẫn chỉ hơn 1 đô la có cả thức uống, ăn
trong tiệm vẫn thế 3 đô la cho một bữa no nê. Một dĩa Pad Thai 3 năm trước giá
25 Baht, giờ cũng giá 25 Baht. Đổi 100 đô 3 năm trước tiêu mệt nghỉ, giờ đổi
100 đô cũng tiêu mệt xỉu luôn. Vô tiệm 7/11 mua cỡ 20 đô la cũng vẫn hai bao to
tướng đồ ăn vặt, chất lượng vẫn là hàng Thái, đóng bao bì cẩn thận.
Chẳng biết giới lãnh đạo Thái làm ăn kiểu gì mà
tuyệt nhiên không thấy những mặt hàng gia dụng, đồ ăn thức uống hàng ngày, có
bất cứ thứ gì mang tên hay nhãn hiệu của Trung Quốc. Người Thái không nói ra
nhưng họ tuyệt đối tẩy chay hàng Trung Quốc thật sự, chứ không tẩy chay bằng
miệng như dân mình. Chẳng biết nhà cầm quyền Thái làm ăn ra sao, mà tuyệt nhiên
không có chút gì lệ thuộc hay để Trung Quốc o ép, nhất là không có bất kỳ một
hợp đồng xây dựng, một công trình xây cất nào có tên Trung Quốc ở bất cứ nơi
nào trên đất nước họ.
Một điều lạ lùng mà chắc chắn người Thái không bao
giờ đuổi kịp Việt Nam là BIỆT PHỦ CỦA CÁC QUAN NHỚN. Ở Thái, ngoài ông vua ra,
tuy là vua nhưng ở cái biệt phủ cũ đã cả trăm năm, ngoài ra chẳng có thằng lãnh
đạo nào có DINH CƠ như CÁC ÔNG VUA Ở VIỆT NAM.
Việt Nam có hơn 330 ngàn km2 diện tích với hơn 92
triệu dân. Thái có hơn 513 ngàn km2 diện tích với gần 70 triệu dân, nhưng hai
cái quốc gia, hai cái thể chế nó thật là khác biệt trong cuộc chạy đua để sống
còn. Mặc dù hơn 43 năm trước đây, Thái Lan đã từng lẽo đẽo chạy theo sau miền
Nam Việt Nam như anh xe ôm chạy xịt khói, ráng đuổi theo sau chiếc Mercedes
trên đường cao tốc. Vậy mà họ đã chỉ mất có độ hơn một chục năm để rượt kịp
Việt Nam và nay đã bỏ xa Việt Nam hơn 10 thập kỷ.
Thái Lan đã bỏ xa Việt Nam trên mọi lãnh vực, từ
gia đình, con người, môi trường, xã hội, cuộc sống, kinh tế, và quan trọng hơn
cả, họ có độc lập thực thụ.
Một điều có thể quả quyết rằng, trong một vài chục
năm nữa, Thái Lan chắc chắn sẽ vẫn còn đó, nhưng liệu Việt Nam, có còn tồn tại
được nữa hay không?
Buồn!
***
Thái Lan còn thua Mã Lai 1 bậc, chẳng lẽ lại tiếp
tục so sánh Việt Nam với Mã?
No comments:
Post a Comment