Tổ chức
Y tế Thế giới (WHO) vừa có thư khuyến cáo Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế Việt Nam
sớm đặt định các giải pháp hạn chế sử dụng bia, rượu.
Những
thông tin mà ông Shin Young-soo, Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO
nêu ra không có gì mới (Lượng tiêu thụ bia, rượu ở Việt Nam không chỉ quá cao –
mức cồn nguyên chất mà mỗi người Việt từ 15 tuổi trở lên sử dụng hàng năm trung
bình là 8,3 lít – mà còn tăng rất nhanh – trong năm năm từ 2010 đến 2015 tăng
khoảng 15%. Lạm dụng bia, rượu đã trở thành lý do dẫn tới nhiều vấn nạn trầm trọng
về y tế, xã hội: Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 79.000 người chết vì rượu bia,
hàng trăm ngàn người cần điều trị những chứng bệnh do bia, rượu gây ra. Bia, rượu
gia tăng tai nạn giao thông, các vụ bạo hành. Bia, rượu ngốn từ 1,3% đến 3,3%
GDP để giải quyết hậu quả) vì đã được các chuyên gia, báo giới Việt Nam lập đi,
lập lại hàng chục năm! Điểm mới của thư khuyến cáo vừa kể chỉ là lạm dụng bia,
rượu tại Việt Nam khiến WHO phải tiếp tục cảnh báo (1).
***
Nếu đã
từng ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, người ta sẽ rất khó quên những gì
mà chương trình giảng dạy văn học và lịch sử bậc phổ thông từng đề cập đến tội
ác của thực dân Pháp trong giai đoạn Việt Nam bị đặt dưới sự bảo hộ của Pháp
(1884 – 1945). Một trong những tác phẩm thuộc loại “kinh điển” về vấn đề này là
“Bản án chế độ thực dân Pháp” do Nguyễn Ái Quốc (sau này trở thành Hồ Chí Minh,
Chủ tịch đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) viết và công bố trong
hai năm 1925, 1926.
Nguyễn
Ái Quốc đã dành hẳn một chương (chương 2) trong 12 chương của “Bản án chế độ thực
dân Pháp” để chứng minh, hệ thống công quyền của Pháp tại Đông Dương đã “đầu độc
người bản xứ” bằng thuốc phiện và rượu. Theo Nguyễn Ái Quốc, chuyện không ngừng
tăng sản lượng và mức tiêu thụ thuốc phiện, rượu vì “lợi ích tối cao của ngân
khố”, số lượng đại lý phân phối thuốc phiện, rượu tại các địa phương gấp hàng
trăm lần số lượng trường học là bằng chứng rõ ràng nhất về sự tàn bạo, thâm độc
của hệ thống công quyền mà Pháp thiết lập tại Đông Dương (Việt Nam, Lào,
Campuchia). Nguyễn Ái Quốc ví von, việc tổ chức sản xuất, phân phối thuốc phiện,
rượu tại Đông Dương, khiến dân chúng Đông Dương trở thành “con nai béo mập bị
trói chặt và đang hấp hối dưới những cái mỏ quặp của một bầy diều hâu rỉa rói
mãi không thấy no” (2).
Cứ thử
nhìn bia, rượu bằng nhãn quan… Nguyễn Ái Quốc, so sản lượng và mức tiêu thụ rượu
trên dân số thời Việt Nam thuộc Pháp với sản lượng và mức tiêu thụ bia, rượu đã
qui ra lượng cồn nguyên chất trên dân số tại Việt Nam hiện nay và so tương quan
về số lượng các cơ sở phân phối rượu trên số lượng trường học thời Việt Nam thuộc
Pháp với tương quan về số lượng các cơ sở phân phối bia, rượu trên số lượng trường
học tại Việt Nam hiện nay, ai
cũng có thể thấy, hệ thống công quyền Việt Nam tàn bạo, thâm độc hơn nhiều so với
hệ thống công quyền của Pháp tại Đông Dương ngày xưa.
Có thể
cũng vì cảm được điều ấy, cách nay năm năm, ông Nguyễn Quang Thân – một nhà văn
– viết “Rượu ta nấu nó cho rượu lậu” (3). Ngoài việc dẫn một câu
trong “Á tế Á ca” của cụ Phan Bội Châu vừa để làm tựa cho tâm sự của mình, vừa
để so sánh, bình phẩm về chuyện bia, rượu xưa – nay, ông Thân còn dẫn “Tuyên
ngôn Độc lập”, trong đó, ông Hồ Chí Minh chỉ trích thực dân Pháp không tiếc lời
bởi: “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc
phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”!
Theo
ông Thân: Cụ Phan lên án thực dân cấm dân để bán rượu của mình, Tuyên
ngôn Độc lập lên án dùng “rượu cồn” (rượu không tốt) để làm nòi giống suy nhược.
Cả hai sự lên án ấy đều đúng. Song còn một điều ít ai chú ý và thừa nhận. Đó là
thực dân Pháp quản lý rượu rất chặt chẽ. Vì mục đích “cạnh tranh không lành mạnh”
đồng thời cũng để đồng hóa luật giữa thuộc địa, bảo hộ bản xứ với chính quốc, nấu
rượu không được phép là tội rất nặng có thể bị tù mọt gông. Thù ai chỉ cần quẳng
vào nhà họ một vò rượu lậu là chủ nhân khuynh gia bại sản. Cái chặt chẽ nghiêm
khắc ấy hạn chế được rất nhiều tệ uống rượu. Dù uống bất cứ loại rượu nào, nếu
không kiềm chế mà đổ nghiện thì cũng tan nát đời trai và làm “nòi giống suy nhược”
cả. Ngày nay tình hình uống rượu tệ hơn thời thuộc Pháp rất nhiều!..
So với
thời điểm ông Thân viết “Rượu ta nấu nó cho rượu lậu” thì chuyện sản xuất, tiêu
thụ bia, rượu ở Việt Nam tệ hơn năm 2013 rất, rất nhiều. Ngoài chuyện gia tăng
sản xuất, tiêu thụ rượu bia, ở một số nơi như Hà Tĩnh, chính quyền cấp tỉnh còn
buộc chủ các cơ sở kinh doanh ăn uống phải cam kết ưu tiên sử dụng, tích
cực mời chào để người tiêu dùng uống “Bia Sài Gòn”, song song với việc chỉ
đạo chính quyền nhiều xã, dùng hệ thống truyền thanh cổ vũ dân chúng uống “Bia
Sài Gòn” vì đó là cách thiết thực “tăng thu ngân sách cho tỉnh nhà, chung tay
xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới” (4).
***
Trong
thư ngỏ vừa gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế Việt Nam, Giám đốc Khu vực Tây Thái
Bình Dương của WHO đề nghị chính phủ Việt Nam cố gắng trình Dự luật Phòng chống
tác hại của rượu, bia để Quốc hội Việt Nam khóa này xem xét tại Kỳ họp lần thứ
sáu, sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. Chẳng phải tự nhiên mà ông Shin Young-soo nêu
ra đề nghị hết sức cụ thể như vậy.
Dự luật
Phòng chống tác hại của rượu, bia đang bị chỉ trích kịch liệt vì dự trù đặt định
một số giải pháp nhằm giảm mức tiêu thụ bia, rượu (ấn định địa điểm, thời điểm
được phép mua – bán bia rượu…). Phía chống đối Dự luật Phòng chống tác hại của
rượu, bia mạnh mẽ nhất tất nhiên là Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt
Nam (VBA). Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, cảnh cáo, dự luật có nhiều nội
dung vừa làm ngân sách thất thu, vừa khiến người dân tìm mọi cách để lách luật,
nhậu “chui” nhiều hơn. Ông Việt nhấn mạnh, sản xuất và kinh doanh bia, rượu
đóng góp cho ngân sách khoảng 50 ngàn tỉ đồng/năm và tạo ra việc làm cho hàng
triệu lao động cả lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Vậy mà Dự luật
Phòng chống tác hại rượu, bia không ghi nhận những đóng góp tích cực của ngành
sản xuất – kinh doanh bia, rượu, cũng như chưa làm rõ được các ảnh hưởng tiêu cực
khi dự luật này thành luật. Theo ông Việt, phần lớn tác hại của bia, rượu đến từ
rượu dân tự nấu, rượu giả, rượu lậu. Không thể đánh đồng vì không công bằng cho
các doanh nghiệp đang đóng góp tích cực cho ngân sách.
Theo hướng
đó, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch VBA, lưu ý, tổng giá trị của thị trường
bia, rượu bất hợp pháp (rượu dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ) hiện
vào khoảng 910 triệu Mỹ kim và hoạt động của thị trường này khiến ngân sách thất
thu khoảng 441 triệu Mỹ kim. Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vừa có
thể kích thích bia, rượu giả, buôn lậu rượu, bia phát triển, vừa khiến nhiều
người thất nghiệp và hệ thống công quyền phải lo cho đối tượng này (5)!?.
Với Việt
Nam, sức khỏe cộng đồng, đạo đức – tinh thần xã hội và ngân sách, thứ nào quan
trọng hơn? Thực tế cho thấy, đến nay, cái sau luôn luôn quan trọng hơn cái trước,
còn trong tương lai, muốn biết thứ nào quan trọng hơn thì phải chờ số phận Dự
luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và diện mạo thực của dự luật này khi nó
trở thành luật.
Chú thích
No comments:
Post a Comment