Saturday 11 August 2018

NHÀ BÁO BÙI TIN & NHẠC SĨ TÔ HẢI QUA ĐỜI (tin tổng hợp)



Ngọc Thu  -  Báo Tiếng Dân

Thế là hai nhân vật lớn trong giới bất đồng chính kiến đã cùng nhau từ bỏ chúng ta hôm nay: Nhà báo Bùi Tín ra đi lúc 1h25′ sáng ở Paris, tức 6h25′ sáng giờ VN và nhạc sĩ Tô Hải qua đời lúc 19h40 tối nay, 11/8/2018. Cả hai ông hưởng thọ 91 tuổi. 

Hai ông sinh cùng năm, nhà báo Bùi Tín sinh ngày 29/12/1927 ở Nam Định, nhạc sĩ Tô Hải sinh ngày 24/9/1927 ở Hà Nội và ra đi cùng ngày, chỉ cách nhau 15 tiếng.

Nhà báo Bùi Tín khi sống ở Pháp.

Cũng như ông Bùi Tín, ông Tô Hải ra đi trong cô quạnh, không có người thân xung quanh đưa tiễn, mà chỉ có những người bạn cùng chí hướng. Nhưng ông Tô Hải may mắn hơn ông Bùi Tín, là ông còn có người bạn đời là cô Lâm Thị Ái, tận tụy, chăm sóc cho ông trong nhiều năm qua, nhất là trong mấy tuần gần đây, cô Ái luôn túc trực với ông bên giường bệnh.

Cả hai ông Bùi Tín và Tô Hải đều là những người đã từng phục vụ chế độ CSVN và đã phản tỉnh, lên tiếng phản đối chế độ, trở thành những nhân vật bất đồng chính kiến hàng đầu ở Việt Nam và hải ngoại.

Nhạc sĩ Tô Hải lúc sinh thời.

Nhà báo Bùi Tín, bút danh Thành Tín, từng mang quân hàm đại tá. Ông tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 1946-1982. Ông cũng đã từng giữ chức Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân từ năm 1982 đến năm 1990. Tháng 9/1990, ông xin tị nạn ở Pháp, sau khi ông lên tiếng phê phán đường lối lãnh đạo của đảng CSVN, phê phán chế độ Cộng sản và chủ nghĩa xã hội, để rồi đảng CSVN gọi ông là “kẻ thù của nhân dân”.

Nhạc sĩ Tô Hải từng tham gia Vệ quốc đoàn sau Cách mạng Tháng Tám. Ông cũng đã từng giữ chức trưởng Đoàn Văn công khu 5, cũng như nhiều chức vụ khác nhau, trước khi từ bỏ đảng và chế độ mà ông phục vụ. Ngoài những bản nhạc mà ông sáng tác, ông còn nổi tiếng với cuốn “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn“, do NXB Tiếng Quê Hương xuất bản ở Mỹ năm 2009 và đã được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng.

Ông Tô Hải tự nhận mình là “thằng hèn”, mà mọi người gọi ông bằng cái tên thân thương là “Nhát Sỹ Tô Hải”. Cuốn hồi ký của ông kể lại những chuyển biến trong cuộc đời ông từ năm 1945, lúc ông đi theo đảng với một niềm tin mù quáng, cũng như nỗi đau dày vò sau khi ông biết mình đã đi lạc đường, nhưng không thể dừng lại, cho tới lúc ông từ bỏ đảng, lên tiếng chống lại những cái sai của đảng, của chế độ.

Trong cuốn hồi ký, ông Tô Hải viết về sự gian trá, tàn bạo và lưu manh của chế độ mà ông đã từng phục vụ, cũng như nỗi đau khi ông phải sống cuộc sống làm người nhưng không phải là con người. Nỗi đau đó luôn dày vò tâm can ông, nhất là khi ông gặp gỡ những người “đồng chí”, bạn bè cũ của mình, những người luôn vênh váo và tự hào với cuộc sống của họ, với những thứ vật chất mà họ có được do cướp của dân.

Blogger Phạm Thanh Nghiên, cựu tù nhân lương tâm, viết về ông Bùi Tín và Tô Hải như sau:

Ngày hôm nay có hai trái tim của hai con người yêu nước đã ngừng đập: Cựu đại tá Bùi Tín, cũng từng là Phó tổng biên tập báo Nhân Dân và Nhạc sĩ Tô Hải, tác giả cuốn sách nổi tiếng ‘Hồi ký của một thằng hèn’. Cả hai người đều có quá khứ phục vụ cho chế độ Việt cộng. Và cả hai đều phản tỉnh và trở thành những tiếng nói hàng đầu trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ, tự do và nhân quyền cho Việt Nam.

Tôi may mắn từng được chuyện trò với cả hai cụ. Và nợ hai cụ những lời hứa hẹn. Những lời hứa hẹn không bao giờ trả được nữa. Nhưng đâu chỉ có chúng tôi nợ nhau. Núi xương sông máu đấy, ai còn nợ? Tuổi trẻ của hàng vạn con người mang tên Việt Nam đấy, ai còn nợ? Những món nợ mang tên Thời Đại, mang tên Lịch Sử không bao giờ thanh toán được.

Nhưng, có những người đi trả nợ non sông. Họ là những Bùi Tín, Tô Hải, Vũ Cao Quận, Trần Lâm, Lê Hồng Hà, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, Nguyễn Minh Cần … Họ từng là đảng viên cộng sản, góp phần không nhỏ làm nên chế độ này trước khi trở thành những nhân vật bất đồng chính kiến. Gọi những con người ấy là những người trả nợ quá khứ – có lẽ cũng không sai”.

Rồi cả hai ông Bùi Tín và Tô Hải không hẹn nhau mà ra đi cùng ngày. Họ đã thanh thản ra đi sau khi đã viết, đã nói lên thật nhiều điều họ muốn nói về chế độ này, về những điều mà họ băn khoăn, trăn trở, lo lắng cho vận mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc này.

--------------------------

11-8-2018

Bùi Tín: Không quen, cũng chưa có cơ hội gặp. Nhưng tôi vẫn tâm nguyện rằng sẽ tìm ông, nếu dịp nào đó ngao du đến Pháp. Nhưng không kịp. Ông đi mất rồi.

Như nhiều nhân vật bất đồng chính kiến khác đang sống lưu vong, mà tôi đã có cơ duyên trò chuyện. Trong số họ, không phải ai cũng tự tìm đường ra đi, nhiều người thoát khỏi ngục tù là bị trục xuất với đôi dép tổ ong rời tổ quốc.

Khi còn trong tù, Hải Điếu Cày đã từng trằn trọc, đắn đo suốt hai tháng sau khi được đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ vào thăm, và “được” Bộ Công an Việt Nam yêu cầu anh phải rời tổ quốc. Anh thức đến rạc người trong những tính suy, chọn lựa. Và chính tôi, là người khuyên anh nên ra đi. Án anh quá dài, anh không thể chết trong tù. Anh ra đi, để còn có thể trở về, để còn cơ hội gặp lại gia đình, vợ con.

Nghe đâu, Bùi Tín cũng từng thổ lộ rằng ông muốn về để… chết trên quê hương. Song, không phải ai trong số họ cũng trở về được như Phạm Duy.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cũng từng có lần thổ lộ với tôi về cái khao khát, ước ao được ngồi uống cốc cafe bên ghế đá Hồ Gươm, Hà Nội.

Hải Điếu Cày: Tôi đã từng đứng bên anh, người bạn tù thân quí của mình, từ bên kia Thái Bình Dương nhìn ngóng về tổ quốc. Hiểu nỗi lòng anh, tôi buột miệng ước rằng: giá như có một chiếc cầu, hoặc con đường hầm xuyên Thái Bình Dương, để tôi có thể ôm vô lăng chở anh về đất mẹ.

Dịp ngao du Mỹ 2 năm trước, anh Mặc Lâm, cựu Tổng biên tập RFA Việt ngữ đã rất thật với tôi rằng: ước sao được một lần về lại, chỉ để nấu vài món nhậu mời Bọ Lập (nhà văn Nguyễn Quang Lập) và văn hữu Sài Gòn.

Rồi Vũ Thư Hiên. Tôi thầm ước một lần được ôm ông. Vẫn giữ khư khư cuốn “đêm giữa ban ngày” để chờ được chính tay ông ký tặng. Cuốn “hồi ức chính trị của một người không làm chính trị”, chúng tôi bí mật truyền tay nhau đọc từ khi còn là một bản photo nhàu nát, gần hai chục năm trước.

Chưa có cơ duyên gặp ông. Nhưng tôi đã gặp, trò chuyện nhiều với em gái ông, cháu ông, và nhiều bạn viết thân quí của ông. Khi tôi vừa ra tù, biết được ý định lập “bảo tàng kỷ vật tù” của tôi, chính ông là người đầu tiên gửi góp về cho cái “bảo tàng kỷ vật” ấy chùm ảnh bộ quần áo tù của ông. Tôi khóc, khi nhận được seri ảnh này. Một bộ đồ tù không phải loại kẻ sọc Juventus lành lặn như thế hệ tù chúng tôi sau này. Đó là một bộ đồ tù rất đặc biệt, màu nâu gụ, vá chằng vá đụp.


Thế đấy. Hỏi sao họ không đau vì đất mẹ. Khát vọng trở về trong họ là có thật. Ai chẳng thế. Có người con nào lại dứt bỏ mẹ tổ quốc? Họ, trong nhiều hoàn cảnh, ra đi cũng chỉ bất đặng đừng, để đấu tranh cho mục tiêu dân chủ hoá đất mẹ, và cũng là để tìm hướng trở về.

Bao giờ, để tất cả họ, lớp người ra đi như giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Mặc Lâm… và người bạn tù thân quí Nguyễn Văn Hải Điếu Cày của tôi được trở về? Hoặc họ chưa được trở về, thì tôi còn kịp để một vòng khắp nơi giang tay ôm mỗi người trong số họ một lần. Không để trễ như hôm nay, khi tôi phải viết những dòng này thay nén nhang tiễn biệt anh Bùi Tín. Vâng, một người anh khả kính, dù chưa kịp gặp một lần.

------------------------------

Thứ Bảy, 08/11/2018 - 12:47 — nguyenlanthang

Tôi gặp cụ Tô Hải lần đầu tiên vào đầu năm 2012. Đó là thời điểm khi tôi vừa mới trải qua cả một mùa hè biểu tình chống Trung Quốc rực lửa năm 2011 ở Hà Nội. Tuy chưa từng gặp nhau, nhưng tôi nhớ như in cuộc gặp ấy cụ đã ôm chầm lấy tôi như một đứa con đi xa trở về. Có chuyện đó là bởi vì tuy tôi là thế hệ trẻ, nhưng đã biết cụ rất lâu qua các bài viết trên blog, facebook... còn cụ thì biết đến tôi vì những tấm hình biểu tình nóng hổi tôi chụp hồi đó. 

Rồi bẵng đi 2 năm, lần thứ 2 tôi gặp cụ Tô Hải chính là ở đám tang thầy giáo yêu nước Đinh Đăng Định. Lúc này cụ đã yếu và phải ngồi xe lăn rồi, nhưng cụ vẫn nhất quyết phải đến bằng được trước linh cữu, tự tay châm nén nhang cho một thầy giáo chỉ vì những hành động yêu nước đã bỏ mình vì những bệnh tật gặp phải trong nhà tù cộng sản.

Cụ Tô Hải trong mắt anh em đấu tranh trẻ ở Việt Nam là một tượng đài vĩ đại. Không chỉ là những bức hình, những đoạn phim ghi lại cảnh một ông già bé nhỏ kiên cường chống gậy đi biểu tình giữa đường phố, cụ Tô Hải đã đi vào lòng người trẻ chúng tôi bằng những bài viết sắc sảo lật mặt chế độ cộng sản trên trang blog của cụ, bằng cuốn "Hồi ký của một thằng hèn" chấn động dư luận một thời. Hôm nay, nhạc sỹ Tô Hải, người tự nhận là MỘT THẰNG HÈN đã ra đi rời bỏ thế gian, nhưng với tôi hình ảnh cụ sẽ còn sống mãi. Chính cụ là một trong những người đã trực tiếp tác động làm lớp trẻ chúng tôi sống thôi hèn, dám đứng lên xuống đường đòi hỏi những điều thuộc về dân tộc này.

Xin vĩnh biệt cụ, MỘT THẰNG HÈN VĨ ĐẠI


--------------------------------------

Thứ Bảy, 08/11/2018 - 20:58 — nguyentuongthuy

Tối 10/8/2018, khi những thông tin đầu tiên của chị Tường An, anh Từ Thức ở bên Pháp về sức khỏe rất xấu của Nhà báo Bùi Tín nhưng tôi vẫn cứ hy vọng. Không phải là tôi không biết khi đã hôn mê thì tình hình đã nguy kịch. Nhưng sự hy vọng của tôi là một sự ngoan cố, cố chống lại một sự thật phũ phàng. Với bệnh tật hiểm nghèo, người ta có câu “còn nước, còn tát” và vẫn có những trường hợp qua khỏi.

Cho đến sáng dậy, nhìn vào bản tin, tôi chỉ biết lặng người đi và thở dài. Một lúc sau, tôi mới thốt được một câu với người nhà: Bác Bùi Tín mất rồi!

Cố nhà báo Bùi Tín

Tối 10/8/2018, khi những thông tin đầu tiên của chị Tường An, anh Từ Thức ở bên Pháp về sức khỏe rất xấu của Nhà báo Bùi Tín nhưng tôi vẫn cứ hy vọng. Không phải là tôi không biết khi đã hôn mê thì tình hình đã nguy kịch. Nhưng sự hy vọng của tôi là một sự ngoan cố, cố chống lại một sự thật phũ phàng. Với bệnh tật hiểm nghèo, người ta có câu “còn nước, còn tát” và vẫn có những trường hợp qua khỏi.

Cho đến sáng dậy, nhìn vào bản tin, tôi chỉ biết lặng người đi và thở dài. Một lúc sau, tôi mới thốt được một câu với người nhà: Bác Bùi Tín mất rồi!

Tôi chưa một lần được diện kiến NB Bùi Tín, điều đó với tôi là không may mắn. Phải chi tôi đã có một lần đi Pháp. Tôi lại ngẩn người ra tiếc thời gian tôi đi Mỹ tháng 4, tháng 5 năm 2014. cháu Đỗ Xuân Trầm (chị gái tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh) mời tôi đi Châu Âu vài tháng. Cháu bảo chú không phải làm gì cả, cháu lo tất cả cho chú, kể cả làm visa. Cháu sắp xếp cho chú đi khắp các nước Châu Âu. Lần này chú về Việt Nam họ sẽ không cho chú xuất cảnh nữa đâu, vì "tội"của chú to lắm. Nhưng rồi tôi đã về thằng Việt Nam và sau đó quả nhiên đã bị chặn xuất cảnh tại ga hàng không Nội Bài trên đường đi Myanmar vào ngày 6/12/2015.

*
Khi còn là lính binh nhì, binh nhất, tôi đã biết đến Nhà báo Bùi Tín với bút danh Thành Tín.
Đến thời kỳ ký và thi hành Hiệp định Paris 1973 thì Thành Tín là một bút danh sáng giá nhất trong làng báo miền Bắc hồi ấy. Ông đưa tin và trả lời phỏng vấn các đoàn quốc tế trong Ban liên hiệp quân sự bốn bên, liên tục có bài đăng trên mặt báo. Hoạt động của ông sôi nổi tới mức, ông được coi như phát ngôn viên của phái đoàn miền Bắc. Tôi hai mươi tuổi đời, vài tuổi lính, hòa với không khí sôi động của phe chiến thắng chứ nào đã biết gì ngoài các bài giảng của chính trị viên hay tuyên huấn.

Là đảng viên 24 năm trong lòng chế độ CS, lên đến cấp đại tá quân đội rồi Phó tổng biên tập báo Nhân dân và nghề nghiệp làm báo với óc quan sát tinh nhạy, NB Bùi Tín biết rất nhiều chuyện thâm cung, bí sử của chế độ.

Sau khi NB Bùi Tín tị nạn chính trị ở Pháp, có một số tranh cãi như trong biến cố 30/4/1975, Bùi Tín là thượng tá hay đại tá, Bùi Tín có mặt ở Dinh Độc Lập khi nào... Nhưng điều đó có nghĩa lý gì khi ông đã quyết rời bỏ hàng ngũ cộng sản để đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Nhắc nhiều đến “thành tích” phục vụ chế độ của ông, có khi còn làm cho ông phiền lòng. Vì vậy, tôi chỉ lướt qua vài dòng như thế để nói lên rằng, với tài năng của ông, nếu tiếp tục chấp nhận phục vụ chế độ thì con đường thăng tiến của ông sẽ còn dài.

*
Năm 1990, thông tin Bùi Tín xin tị nạn chính trị ở Pháp đã kích thích sự tò mò của tôi, truyền cảm hứng cho tôi trong quá trình đi tìm sự thật phía sau các bài giảng ở nhà trường cũng như ở đơn vị. Hồi ấy chưa có Internet, tôi thường tìm cách nghe lén “đài địch” như BBC, RFI, VOA để xem ông nói gì, viết gì. Qua đó, tôi mở mang thêm về nhãn quan chính trị. Những bài viết, bài trả lời phỏng vấn của ông củng cố cho tôi thêm cách nhìn toàn diện, khách quan với nhiều góc độ khác nhau về một sự việc, hiện tượng. Những thứ mà người ta đã kết luận về nó, đã đóng dấu chất lượng, đã tán ốc vít vào khung thép cần phải được tháo tung ra, xem xét lại. Đó là cách đánh giá, nhìn nhận lại về học thuyết Mác - Lê nin, về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, về nhân vật Hồ Chí Minh... Tôi đã ngộ ra nhiều điều sau khi bộ não lười biếng, thụ động đã biết hoạt động theo một cơ chế khác. Thì ra nó không phải như vậy. Tất nhiên, sự thay đổi nhận thức của mỗi con người là cả một quá trình chứ không phải từ sự tác động của riêng một sự việc hay nhân vật nào.

*
Sức viết của NB Bùi Tín thật đáng khâm phục. Ông viết đều đặn kể cả khi ở tuổi 91. Tại Paris, ông viết hai cuốn sách "Hoa Xuyên tuyết" (1991) và "Mặt thật" (1995). Với "Hoa Xuyên tuyết", ông lấy tên một loài hoa đặt tên cho tác phẩm của mình để nói lên khát vọng tự do. Một loài hoa mỏng manh, yếu ớt nhưng nó cố xuyên qua lớp tuyết dày để thấy được mặt trời. Còn trong “Măt thật”, ông vạch ra sự giả dối của đảng CSVN, bóc nó ra để thấy cái mặt thật như tên gọi của tác phẩm. Các tác phẩm in bằng tiếng nước ngoài của ông có 'From Enermy to Friend' (Từ Thù Đến Bạn), 'Following Ho Chi Minh' (Đi theo Hồ Chí Minh), 'Vietnam - Face Cachée du Régime' (Việt Nam - Bộ mặt Che dấu của Chế độ)

Những bài báo của ông thì nhiều vô kể, xuất hiện hàng tuần liên tục trên các trang báo nổi tiếng. Ví dụ, bài viết của ông trên VOA trong tháng 6 là 7 bài. Cứ vài ba ngày, goup mail của Hội nhà báo Độc lập lại nhận được bài mới của ông (ông là Hội viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ngày 15/7/2014, ngay sau khi Hội thành lập). Theo Người Việt online thì Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương (Hoa Kỳ) đã cùng với tác giả Bùi Tín chọn lựa 200 bài báo, in trong tuyển tập Thao Thức Cùng Quê Hương, sẽ ra mắt cuối Tháng Tám hay đầu Tháng Chín năm nay. Ngòi bút của ông sắc sảo, già dặn và đầy tính phát hiện.

Bài viết gần đây nhất của ông có lẽ là bài "Vụ án lớn giả danh quân đội giữa thủ đô" đăng trên Tiếng Nói Hoa Kỳ ngày 27/6/2018.

Hình :
Trước khi qua đời, NB Bùi Tín vẫn liên tục viết bài trên VOA Tiếng Việt

*
Ở Pháp, ông vẫn thường xuyên theo dõi và liên hệ chặt chẽ với giới đấu tranh trong nước, nhất là từ khi phong trào xã hội dân sự độc lập phát triển mạnh. Ông đặc biệt chú ý đến tầng lớp trẻ mới xuất hiện. Sau khi nghe tin ông mất, trong những dòng chia sẻ tin buồn, nhiều người còn nhắc lại gần đây còn được ông nói chuyện hay gửi thư.

Hình :
Một bức thư điện tử NB Bùi Tín gửi cho tác giả bài viết

Điều đáng khâm phục của NB Bùi Tín là ông dám từ bỏ vinh hoa do nhà nước cộng sản đem lại để dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền. Chính lúc ở vào đỉnh cao của vinh quang, ông đã từ bỏ nó để cống hiến phần đời còn lại cho quê hương, đất nước. Điều đó nói lên ông vừa có tư duy nhạy bén, vừa là một nhân cách lớn.

NB Bùi Tín vĩnh viễn ra đi trong sự thương tiếc không nguôi của giới đấu tranh cho tự do.  Ông sống thế, kể cũng đã thọ nhưng tôi và hẳn là còn rất nhiều người muốn ông sống thọ hơn. Nhưng ông đã làm việc vì đất nước liên tục trong 28 năm không ngưng nghỉ, chúng ta không thể đòi hỏi ở ông nhiều hơn.

Theo một bài viết đăng trên báo Việt Nam thì NB Bùi Tín nói ông nhớ quê hương đến da diết: “Có đêm mình mơ được về nước. Sướng quá mình vất dép đi chân trần chạy dọc theo bờ Hồ, thỉnh thoảng dừng lại đưa tay với những rặng liễu đang rủ bóng xuống mặt hồ xanh biếc. Có lần mình mơ được chạy mấy vòng quanh Hồ Tây lộng gió. Ôi những giấc mơ đó sao mà hạnh phúc”.

Vậy mà từ khi đi tị nạn chính trị, ông không được một lần trở về Việt Nam. Bây giờ ông không bao giờ còn cơ hội nữa. Nghĩ mà càng thấy thương ông thêm. Hẳn trước khi nhắm mắt, ông không khỏi ngậm ngùi nghĩ về quê hương xứ sở. Nhưng hình ảnh ông, kỷ niệm về ông và những việc ông làm vì tương lai của đất nước sẽ mãi ghi sâu vào tâm khảm của những người Việt Nam yêu tự do.

11/8/2018








1 comment:

  1. Xin được chia buồn cùng gia quyến hai cụ nhà báo Bùi Tín và thằng hèn vĩ đại Tô Hải

    ReplyDelete

View My Stats