Thứ Ba, 08/21/2018 - 08:01 — Kami
Báo Tiền Phong ngày 26/7/2018 cho biết, phát biểu
tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 quốc
gia, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm bày tỏ nỗi lo lắng về tình trạng gian lận
thương mại, hàng giả, buôn lậu không chỉ ảnh hưởng đến trật tự xã hội mà còn
đến cả vấn đề an ninh quốc gia. “Vấn đề này ảnh hưởng đến lòng tin của
người dân đối với chế độ, gây mất trật tự khi cái gì cũng thấy giả”.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc “cái gì cũng giả”
khiến không ai biết đâu là ranh giới chuẩn mực của xã hội, không dám tin ai cả.
Thượng tướng Tô Lâm cảnh báo, “Hàng hóa giả, buôn bán giả, học hành
giả, chứng chỉ giả thì đây là vấn đề ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội”.
Phát biểu của Bộ trưởng Công An Tô Lâm kể trên đã
buộc người ta phải đặt câu hỏi, "Việc nghi can Thịnh Xuân Thanh tự nguyện
từ Đức về Việt Nam, đến thẳng trực ban Bộ Công An xin tự thú như báo chí nhà
nước đưa tin, là thật hay giả?". Trong lúc Chính quyền Đức khẳng định
không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy, ông Trịnh Xuân Thanh rời khỏi CHLB Đức
một cách hợp pháp.
Khi trực tiếp tham gia chỉ đạo vụ bắt cóc nghi can
Trịnh Xuân Thanh, Bộ trưởng công An Tô Lâm một lãnh đạo ngành An ninh đối ngoại
có thể không ngờ và không lường hết hậu quả của việc làm tai hại này. Hành động
đưa mật vụ ngang nhiên bắt cóc Trịnh Xuân Thanh giữa trung tâm Berlin, đã
gây ra một hậu quả vô cùng xấu trong quan hệ quốc tế của nhà cầm quyền CSVN vốn
đã lem luốc. Đây được ví như là một hành động thời chiến tranh lạnh và chắc
chắn hành vi này sẽ tác động rất lớn trong việc thông qua Hiệp định thương mại
tự do Việt Nam - châu Âu’ (EVFTA). Một cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam trong
điều kiện nguồn thu ngân sách từ Dầu thô đã và đang giảm sút đáng kể.
Nhiều tướng lĩnh trong ngành Công An tỏ ra ngạc
nhiên trước quyết định của Bộ trưởng Tô Lâm, trong việc trực tiếp tham gia phi
vụ bắt cóc này. Vì theo họ, sự có mặt trực tiếp của ông Bộ trưởng cũng không
giúp được gì nhiều cho chiến dịch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam.
Vì với danh sách tướng lĩnh và sĩ quan nghiệp vụ của hệ thống tình báo Việt Nam
tham gia điệp vụ này, họ có thừa khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí, sự
tham dự của tướng Tô Lâm còn có thể chính là nguồn cơn của sự chủ quan vô trách
nhiệm của toán điệp báo khiến điệp vụ này bị vỡ lở.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao Bộ trưởng công An Tô Lâm
lại phải trực tiếp tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh? Và điều này có liên
quan gì đến chiếc ghế Bộ trưởng công An của tướng Tô Lâm vốn đã lung lay tại
thời điểm đó?
Bộ Công An thời của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
được coi là một tổ chức Nhà nước bất khả xâm phạm, nhiều người cho rằng đó là
một siêu Bộ hay Bộ siêu quyền lực. Theo một số liệu thống kê mới nhất cho biết, nhân sự của Bộ Công An
hiện có khoảng 600 ngàn người, chiếm tới 12% tổng chi ngân sách Nhà nước. Tham
vọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó thể hiện rõ qua việc chính quy, hiện
đại hóa lực lượng Cảnh sát Cơ động để trở thành một lực lượng có thể đối trọng
với lực lượng Quân đội, nơi mà Nguyễn Tấn Dũng không có khả năng nắm và điều
hành được.
Theo đánh giá, Bộ trưởng Công An Tô Lâm là một tướng
An ninh có năng lực tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh đối ngoại. Tô Lâm
vốn là thư ký của Thượng tướng Công An Nguyễn Văn Hưởng, một cố vấn đặc biệt
của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề an ninh quốc gia. Đây cũng là một
trong những lý do mà Thượng tướng Tô Lâm giành được chiếc ghế Ủy viên Bộ Chính
trị, trong cuộc đua với Thượng tướng Bùi Văn Nam tại Đại hội Đảng CSVN lần thứ
12. Trong cuộc đua đó, Thứ trưởng Bùi Văn Nam được sự ủng hộ của Ban Bí thư,
Ban Tổ chức TW... thuộc ngạch đảng thuộc quyền kiểm soát của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng; còn Bộ trưởng Tô Lâm được sự ủng hộ của Chính phủ, Nhà nước mà đứng
sau là các ông Nguyễn Tấn Dũng và Trần Đại Quang. Kết quả phần thắng thuộc về
đương kim Bộ Trưởng Công an Tô Lâm, tuy vậy đây cũng chính là cái họa đã và
đang đeo đẳng ông Tô Lâm đến ngày hôm nay.
Cũng cần nhắc lại, về nhân sự lãnh đạo Bộ Công an
trong thời gian trước Đại hội 12 (12/2015), thì ngoài Bộ Trưởng Tô Lâm thì có
tới 4/6 Thứ trưởng là người của Ba Dũng. Có 02 Thứ trưởng Bộ Công An được coi
là cứng đầu mà Ba Dũng thấy cần phải loại bỏ, đó là tướng An ninh Bùi Văn Nam
và tướng Cảnh sát Lê Quý Vương. Có một thời tướng Bùi Văn Nam đã bị đẩy về làm
Giám đốc Công An tỉnh Ninh Bình - quê của ông Trần Đại Quang, với hy vọng sẽ
dùng đàn em Ninh Bình vô hiệu hóa. Cuối cùng ông Quang cũng đành bất lực. Hai vị tướng này còn trụ lại
được đến hôm nay và trở thành cánh tay đắc lực của ông Trọng vì họ rất giỏi về
nghiệp vụ công an và tương đối sạch. Do vậy, Tô Lâm cũng đã biết thân,
biết phận bản thân mình sẽ khó thể trụ lại được nếu như có một cuộc chỉnh đốn
tổ chức.
Một lý do khác liên quan đến việc chạy ghế Ủy viên
Bộ Chính trị của ông Tô Lâm, nguồn thạo tin Nội chính cho biết với chi phí
không ít hơn 3 triệu USD
để chạy một xuất Ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12.
Nó cũng tương tự như việc ông Đinh La Thăng đã chia, phát công khai các phong
bì nặng trịch cho các Đại biểu dự đại hội để "mua" phiếu vào Bộ Chính
trị. Tại thời điểm mà theo các nhà phân tích thì, Đinh La Thăng nếu kiếm được
một xuất Ủy viên TW còn là điều khó chứ đừng nói đến ghế Ủy viên Bộ Chính trị.
Dù rằng, xuất thân từ một gia đình có gia thế, ông
Tô Lâm là con trai Đại tá Công An Tô Quyền, cựu Giám đốc Công an tỉnh Hải Hưng,
cựu Cục trưởng Cục Cảnh Sát Giao thông. Là Bộ trưởng Công An, song Tô Lâm thuộc
dạng ít tiền hơn so với các quan chức khác, đó là cái kẹt nhất đối với ông Tô
Lâm tại thời điểm khi chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị đang ở thời điểm "ngàn
cân treo sợi tóc". Không có khoảng 3 triệu USD thì mất ghế. Và vị cứu tinh
của Tô Lâm vào thời điểm đó đã xuất hiện. Không ai khác chính là Thứ trưởng Bộ
TT&TT Trương Minh Tuấn và "món quà" AVG, những tài liệu
"Mật" (Yêu cầu duy nhất Mobifone được phép mua AVG), nhanh chóng được
hợp thức hóa một cách nhanh chóng theo yêu cầu của Trương Minh Tuấn và đã được
gấp rút ký trước thềm đại hội Đảng 12. Nhờ khoản tiền hơn 3 triệu USD như thế,
không chỉ có Tô Lâm vào Bộ Chính trị, Trương Minh Tuấn trúng Ủy viên TW trót
lọt mà còn một lô một lốc những lãnh đạo khác cũng được ăn theo.
Việc mua bán
phiếu bầu cho các chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên TW đảng tại Đại hội khóa
12 diễn ra phổ biến và công nhiên giữa ban ngày ban mặt. Người ta nói rằng Đại hội Đảng CSVN khóa 12 kết thúc triều đại Nguyễn
Tấn Dũng là một đại hội mang tính Kinh tế thị trường, nghĩa là lãnh đạo đảng
thả sức "thuận mua, vừa bán" ghế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các
tay chân bên phe đảng khi ấy biết rõ điều đó, hết sức phẫn nộ song đành bất
lực. Công cuộc chỉnh đốn đảng của Tổng Bí thư Trọng khởi xướng ngay lập tức sau
đại hội 12 và Đinh La Thăng bị tống vào tù một phần cũng từ lý do "cho bõ
tức" đó.
Đại hội Đảng CSVN khóa 12 kết thúc, với thắng lợi
của phe nhóm Tổng Bí thư Trọng với sự hà hơi tiếp sức của Bắc Kinh. Ngay lập
tức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chọn Bộ Công An làm điểm đột phá, thông
qua Dự án sắp xếp và chấn chỉnh cơ cấu tổ chức và Nhân sự của Bộ Công An, hay còn
gọi là "Đề án tái cấu trúc Bộ Công an". Đáng chú ý, kế hoạch chi tiết
này do chính Bộ trưởng Công An Tô Lâm trực tiếp soạn thảo đề xuất. Với nội dung
bao gồm, bãi bỏ 6 tổng cục hiện có và giảm số đơn vị cấp cục từ 126 như hiện
nay xuống còn 60 và theo các nhà phân tích thì, chỉ riêng việc sắp xếp này đã
đụng chạm đến 300 - 400 tướng, tá công an đang tại chức. Với mục đích tiêu diệt
và quét sạch tàn dư và tay chân của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây và
Chủ tịch Nước Trần Đại Quang hiện nay.
Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng Công An Tô Lâm
biết rõ âm mưu của Tổng Trọng hơn ai hết. Nhất là vào thời điểm, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng phá lệ tham gia trực tiếp Đảng Ủy Công An Trung ương, chấp
nhận dưới quyền một Ủy viên Bộ Chính trị. Chính vì thế, đang ở vị thế tay chân
thân tín của Ba Dũng, đàn em của Trần Đại Quang nên Tô Lâm đột ngột quay ngoắt lại phản thầy Dũng,
đành anh Quang để hầu hạ chủ mới là Nguyễn Phú Trọng hòng để thoát thân.
Với 2 cái án treo lơ lửng vì 2 tội: mua ghế Ủy viên
Bộ Chính trị và ký văn bản yêu cầu duy nhất Mobifone được phép mua AVG, vì liên
quan đến an ninh quốc gia. Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố,
"Phải bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh bằng mọi giá!" thì Tô Lâm thấy
rằng cơ hội đã đến và quyết định bằng mọi giá làm toại nguyện đồng chí Tổng Bí
thư.
Thượng tướng Công an, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ
trưởng Công An Tô Lâm một người phụ trách An ninh Đối ngoại thừa kiến thức để
hiểu rằng, hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin sẽ gây những tổn thất
to lớn cho Việt Nam ra sao? Nhưng để thoát thân và lấy lòng Tổng Bí thư, ông Tô
Lâm đã nhắm mắt làm càn. Cũng nhờ vậy mà Đại án Mobifone mua AVG, làm thất
thoát của nhà nước 7.086 tỷ VNĐ đã chìm xuồng một cách ngoạn mục đến khó hiểu.
Người Trung Quốc xưa có câu "Điểu tận
cung tàng", nghĩa là: "Khi chim đã hết thì người ta vác
cung đi một nơi mà không dùng đến nữa". Nguyên câu Hán văn: "Giảo
thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần
vong". Nghĩa là: "Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt;
chim bay cao hết, cung tốt vất bỏ; nước địch phá xong mưu thần bị giết".
Bây giờ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể bỏ qua
tội trạng của Bộ trưởng Công An Tô Lâm vì đã đền ơn, song các tướng trùm An
ninh Bùi Văn Nam và tướng trùm Cảnh sát Lê Quý Vương chắc chắn sẽ không thể bỏ
qua, nhất là chiếc ghế Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng Công An mà Thượng
tướng Tô Lâm đang ngự.
Hãy chờ xem.
Ngày 21 tháng 08 năm 2018
©
Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không
thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
No comments:
Post a Comment