Saturday 11 August 2018

CHÚNG TÔI SẼ HOÀN THÀNH GIẤC MƠ CỦA ÔNG BÙI TÍN VÀ CŨNG LÀ KHÁT VỌNG CỦA DÂN TỘC (Nguyễn Văn Đài - RFA)




RFA
2018-08-10

Nhà báo Bùi Tín trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFA ở Washington DC.  RFA

Nhà báo Bùi Tín, cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Việt Nam, vừa qua đời vào lúc 1 giờ 25 phút sáng ngày 11/8 tại bệnh viện Andre Gregoire ở Montreuil, ngoại ô Paris, Pháp. Ông thọ 91 tuổi.

Nhà báo Tường An cho biết bệnh viện thông báo cho bà tin này vào lúc 1 giờ 32 phút sáng ngày 11/8.

Theo nhà báo Tường An, người rất thân với nhà báo Bùi Tín, sức khoẻ của nhà báo Bùi Tín đã xấu đi từ cách đây khoảng 1 tháng. Ông phải nhập viện vào ngày 13/7 do thận bị yếu. 3 tuần sau đó, tình trạng của ông xấu đi và ông phải chuyển sang bệnh viện Andre Gregoire để điều trị, nhưng theo nhà báo Tường An thì sức khoẻ của ông lúc này đã quá yếu, ông gần như hôn mê.

Ngoài bệnh thận, nhà báo Bùi Tín cũng bị các vấn đề sức khoẻ khác như tim và cao huyết áp. Cách đây khoảng 2 năm ông cũng đã phải nhập viện vì tình trạng sức khoẻ của mình.
Nhà báo Tường An cho biết, từ năm 2011 nhà báo Bùi Tín đã viết tâm thư cho các bạn bè, người thân và viết di chúc. Trong di chúc của mình ông muốn khi chết được hoả thiêu. Tuy nhiên vào lúc này nhà báo Tường An, người được nhà báo Bùi Tín tin tưởng thực hiện di chúc chưa thể cho biết tro của ông sẽ được đưa đi đâu.

Nhà báo Bùi Tín vốn là cựu đại tá quân đội Nhân dân Việt Nam và là người có mặt sớm nhất tại dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 khi kết thúc cuộc chiến Việt Nam.

Vào tháng 9 năm 1990, khi sang Pháp dự hội hàng năm của báo L’Humanite của đảng Cộng sản Pháp, ông đã quyết định xin tị nạn tại Pháp.

Nhà báo Bùi Tín là người có nhiều bài viết chỉ trích đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ cộng sản. Ông tham gia viết blog đều đặn cho Đài VOA của Hoa Kỳ. Theo nhà báo Tường An, trong những ngày nằm trong bệnh viện, dù sức khoẻ còn rất yếu, ông vẫn cố gắng viết trên giấy và nhờ người khác đánh máy lại.

Nhà báo Bùi Tín hiện còn hai người con: một con trai ở Canada và một con gái còn ở Việt Nam. Hai ngày trước khi qua đời, nhà báo Tường An đã gọi điện thoại cho con gái ông để ông có thể nghe. Dù không nói được nhưng theo nhà báo Tường An, khi nghe con gái khóc ‘bố ơi đừng đi, bố phải đợi con’, đôi mắt ông hấp háy dường như ông nghe và hiểu được những gì con gái nói với mình.

*
VIDEO :
Đảng CSVN trước thời cơ lịch sử
Published on May 29, 2014
Bộ Chình Trị ĐCSVN còn bàn cãi gay go vấn đề tách khỏi Trung Quốc để giữ biên cương, biển đảo, hay mãi mãi quy phục bá quyền. Cựu Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Bùi Tín tiết lộ điều này trong cuộc phỏng vấn với RFA. http://www.rfa.org/vietnamese

-------------------------------------


RFA
2018-08-11

“Bùi Tín là một nhà báo trọn đời!”, nhà báo Tường An, một người thân thiết với nhà báo Bùi Tín nói như vậy với chúng tôi vào rạng sáng ngày 11-8 từ Paris.
Như tin chúng tôi đã loan, nhà báo Bùi Tín - cựu Đại tá Quân đội nhân dân, người bất đồng chính kiến với đảng cộng sản VN, vừa qua đời vào lúc 1 giờ 25 phút sáng ngày 11-8 tại bệnh viện Andre Gregoire ở Montreuil, ngoại ô Paris hưởng thọ 91 tuổi.
Ông Bùi Tín còn một người em gái ở California, Hoa Kỳ; một người con trai ở Canada, và một người con gái ở Việt Nam.

“Giờ phút cuối ông vẫn là một nhà báo rất tận tâm”
Bà Tường An cho hay, thời gian ông Bùi Tín vào bệnh viện ngày 13-7 thì tình trạng còn tương đối ổn định, thận hoạt động khoảng 15%.
Trong 2 - 3 tuần lễ sau đó thận suy yếu chỉ còn 3% nên bác sĩ đã chuyển ông sang một bệnh viện khác để trị thận.

“Bài viết cuối cùng mà bác gửi đi là cho VOA, Tiếng Dân. Khi tôi vào nhà thương thăm bác thì bác hỏi là ‘bài của tôi được đăng chưa cô Ca Dao’.
Bác vẫn luôn nghĩ đến những bài viết của mình. Khi bác còn khỏe, mỗi khi bác viết bài là bác đưa cho tôi và luôn hỏi là cô Ca Dao đã đăng bài của tôi chưa.
Có lẽ đó là bài bác viết trong sự sáng suốt cuối cùng, sau đó thì sức khỏe yếu đi.
Bác cũng nằm trên giường bệnh và viết bằng tay một bài báo để cho người khác đánh máy lại, dĩ nhiên lúc đó tinh thần của bác không còn sáng nữa.
Bác viết trên một tờ giấy lau tay. Cái tờ giấy đó tôi vẫn còn giữ ở đây, chữ viết rất là hỗn loạn”, nhà báo Tường An hay còn có bút danh khác là Ca Dao nói với chúng tôi qua điện thoại.

Nữ nhà báo này khi tường thuật lại vẫn không giấu được dòng nước mắt:
“Ông nhớ rất là rõ, ông đã viết bao nhiêu bài cho báo nào, ông đã trả lời bao nhiêu cuộc phỏng vấn, ông đã đi đến những đâu ông đều nhớ hết, và ông có một sức viết phải nói là ‘kinh khủng”.
Tôi không biết ông viết cho bao nhiêu báo đài tất cả, nhưng tôi biết ông có viết cho đài VOA, ông viết rất thường - hình như một tuần ông viết 2 bài hoặc hơn nữa.
Ông có sức viết rất mạnh và ông là một nhà báo đúng nghĩa.
Cho đến giờ cuối cùng, sau khi ở nhà thương về qua nhà ông, thì trên bàn đầy những tờ giấy, ông ghi chú lại những tin ông đọc được trên Internet, để sau đó viết thành bài.”

Người viết cáo phó cho chính mình
Ông Bùi Tín sống đời tị nạn tại Pháp một mình, ông chỉ có một người con gái nuôi ở nước này nên có lẽ vì thế ông đã chuẩn bị từ lâu cho sự ra đi của mình.
“Năm 2011 bác đã viết một tâm thư cho bạn bè, rồi bác viết thư gửi cho 2 đứa con yêu quý nhất của bác một người con trai ở Canada, một người ở Việt Nam.
Bác biết là bác không có thân nhân ở đây, cho nên bác đã chuẩn bị hết: mua bảo hiểm, viết di chúc, và bác viết sẵn một tờ cáo phó, bác để trống những khoảng trống.
Bác dặn tôi khi nào bác mất, thì điền vào những chỗ trống đó.
Bác giao cho tôi nhiệm vụ là phải liên lạc với chùa Khánh Anh và bác mong ước được hỏa thiêu sẽ được đem… tạm thời tôi sẽ không nói phần tro của bác sẽ đem đi đâu, nhưng bác có ghi kỹ lưỡng những phần tro của bác, ai sẽ đem đi đâu, bác ghi lại hết”, nữ nhà báo được ông Bùi Tín tin tưởng kể lại.

Bà Tường An giải thích, không phải vì thân thiết mà bà nói tốt cho ông Bùi Tín nhưng thật sự ông là một người rất bao dung.
“Chúng ta cũng biết cái quá khứ của ông là một cựu Đại tá Quân đội thì ông cũng có nhiều người không thích ông, mặc dù ông đã đứng về phía những người chống lại độc tài cộng sản.
Tuy nhiên, mỗi lần nói về vấn đề đó ông đều rất là độ lượng, ông nói rằng: ‘Trong chiến tranh người ta có gia đình chết nên người ta hận thù, điều đó thì cũng dễ hiểu thôi.’
Thí dụ như có người hỏi rằng ông Bùi Tín để cho những người khác nhục mạ ông như vậy, thì ông Bùi Tín nói rằng: ‘Không sao cả, bởi vì tôi tin vào những việc gì mà tôi làm là đúng và tôi tha thứ cho tất cả mọi người...’
Hàng mấy chục năm nay nói chuyện với ông và tôi không bao giờ thấy ở ông một sự hận thù, bực tức với những người không thích ông.”

“Bố đừng đi, bố đừng bỏ con!”
Khi chuyển qua bệnh viện Andre Gregoire, tình trạng của ông Bùi Tín bắt đầu xấu đi nhiều và đi vào hôn mê, tuy nhiên ông vẫn nhận ra con gái của mình ở Việt Nam.
“Tôi có gọi điện thoại về Việt Nam để cho cô con gái nói chuyện với bác. Khi mà cô ấy khóc và nói rằng:
‘Bố ơi, con là con gái bố đây, bố đừng đi, bố đừng bỏ con!’
Lúc đó cô ấy gào lên thì có vẻ như bác Bùi Tín nhận ra được vì mắt của bác lúc đó nhấp nháy và miệng của bác lúc đó cũng cứng rồi, nhưng mà phát ra được những âm thanh ‘ừ ừ’ như là ‘bố nhận ra con rồi’.
Và có lúc bác cũng hơi gật được đầu 1 tý, cô con gái cũng được nhìn thấy bác Bùi Tín qua điện thoại của tôi và được nhìn thấy bác lần cuối cùng cách đây 2 ngày”, theo nhà báo chuyên đưa tin về đời sống người Việt ở Pháp cho biết.

Ông Bùi Tín sinh năm 1927, có bút danh là Thành Tín, thường viết blog bày tỏ quan điểm và những phân tích về tình hình Việt Nam cho Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA.
Theo Wikipedia, ông từng là Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, Đại tá Quân đội nhân dân VN.
Ông là con của ông Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế và nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tháng 9 - 1990 ông Bùi Tín sang Pháp dự hội hàng năm của báo L'Humanité (Nhân Đạo, báo của Đảng Cộng sản Pháp), rồi quyết định xin tỵ nạn tại Pháp, với lý do là để đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền theo cách của ông.

Tờ An ninh Thế giới từng dẫn lại một câu chuyện cho rằng từng xảy ra ở Pháp tại cuộc triển lãm Mùa xuân Việt Nam, Đại diện sứ quán Việt Nam khẳng định: “ông Bùi Tín là kẻ thù của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi không chấp nhận sự có mặt của ông ta ở tất cả các hoạt động mang tính quốc gia giữa Pháp và Việt Nam".

--------------------------------------

Nguyễn Ngọc Già
2018-08-11

Ba tôi sinh trước nhà báo Bùi Tín 14 năm.

Một hôm, như thường lệ, ba tôi trở về nhà sau một buổi "sinh hoạt đảng" - vào những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước - với vẻ mặt buồn buồn, ông dựng chiếc xe đạp cũ kỹ sát vào vách tường loang lổ vết vôi tróc.

- Có gì vậy ba? Tôi hỏi.
- Nhà báo Bùi Tín đi rồi! Ông trả lời với giọng hiu hắt.
- Chết à? Tôi hơi sửng sốt.
- Không! Đi Pháp rồi. Ông thở hắt ra và đi vào bếp...

Lúc bấy giờ, những thông tin "cỡ như vậy" hoàn toàn là một điều vô cùng bí mật và ít người biết được, trong bối cảnh xã hội cách đây gần 30 năm về trước. Có thể gọi đó là may mắn của tôi, khi biết sớm về những "tin động trời" lúc đó.

Không ai có thể ngờ, một nhà báo "đỏ từ đầu đến chân" lại... dứt áo ra đi như thế. Cũng ít người biết - đặc biệt thế hệ trẻ ngày nay - nhà báo Bùi Tín là con trai của Thượng Thư Bộ Hình triều Nguyễn - Bùi Bằng Đoàn, với tài năng và lòng yêu nước thương dân vẫn được nhắc nhớ trong lịch sử.
Nhà báo Bùi Tín, với nhân thân, với gia thế và với cả quá trình "theo Cộng Sản" như vậy, ắt hẳn ông có một cuộc sống, nếu không là "đế vương" cũng chẳng việc gì phải ngượng ngùng để gọi rằng: Ông được sinh ra trong một gia đình "Danh Gia Vọng Tộc". Tiếc thay! Những kẻ suy đồi nhân cách, bán rẻ lương tri đến mức "cha truyền con nối" đã làm hoen ố!

Những năm đầu lưu vong trên xứ người, nhà báo Bùi Tín vất vả như tất cả những ai phải đành lòng ly hương, trốn chạy chế độ Cộng Sản.
Ở Ông, sự đau đớn đến khôn cùng về tâm cang khó kể hết - như tôi đã từng nghe ba tôi kể, bởi đơn giản, ông từng là... "một người Cộng Sản". "Lai lịch" đó như chiếc roi làm bằng đuôi cá đuối: dài, bén và... ngọt lịm mỗi khi vung lên và quất xuống. Quất thẳng tay vào lưng, vào mặt và vào... đầu, từ nhiều phía, kể cả những "cây viết" dữ dội nhất, nhẫn tâm nhất. Thế cho nên, ba tôi từng nói rằng: "Chữ nghĩa có thể giết người thật êm ái"!

Nhà báo Bùi Tín từng phải cúi đầu, sau khi nhận một bãi nước bọt phun thẳng vào mặt, từ một người Việt hải ngoại, khi họ vô tình nhìn thấy ông, tựa như phát hiện ra một tên tội đồ đã phá nát hết cuộc đời họ!
Nhà báo Bùi Tín vẫn kiên trì lặng lẽ mài giũa từng con chữ cho quê hương này. Ông vẫn khắc khoải trong từng suy tư cho dân tộc Việt Nam, suốt gần 30 năm xa xứ. Trên hết, ông vẫn đau đáu và trông ngóng đến một ngày, được ngồi trên chuyến bay đưa ông về lại cội nguồn.

Nay, nhà báo Bùi Tín đã ra đi trong lặng lẽ, sau 91 năm "làm kiếp con người".
Trịnh Công Sơn từng "thí dụ về cái chết" nghe thật ngậm ngùi, trong cõi nhân sinh!
"Thí dụ" tôi có dịp cất giọng hát khàn đục này, tôi sẽ hát cho Ông nghe:

Thí dụ bây giờ tôi phải đi
Tôi phải đi
Tay chia ly cùng đời sống này
Có chiều hôm đưa chân tôi
Về biên giới mới
Nghe ra
Quanh tôi đêm dài
Có còn ai trong yên vui về yêu dấu
Ngồi rơi lệ ru người từ đây...

Ở Việt Nam, cho tôi thầm thì vĩnh biệt Nhà Báo Chân Chính bằng nhạc phẩm "Rơi Lệ Ru Người"  như một nén nhang lòng... cho Ông - Bùi Tín!

"Xin được, xin nằm yên
Đất đá hân hoan một miền"

Nguyễn Ngọc Già

*
Nhạc phẩm "Thí Dụ" (còn có tựa là "Rơi Lệ Ru Người") của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

-----------------------------

Nguyễn Văn Đài
2018-08-11

Chúng tôi sẽ hoàn thành giấc mơ của ông Bùi Tín và cũng là khát vọng của dân tộc.

Nhà báo Bùi Tín (trái) và luật sư Nguyễn Văn Đài ở Đức.   Blogger Nguyễn Văn Đài

Vào lúc 1.25 ngày 11/8/2018, trái tim của nhà báo, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Bùi Tín đã ngừng đập. Ông đã đến nơi bình an nhất mà mỗi con người cuối cùng phải đi tới. Sự ra đi của ông để lại nỗi buồn, sự thương tiếc cho những người Việt Nam đang đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế.

Nhà báo Bùi Tín sinh năm 1927, ông nguyên là đại tá quân đội, phó tổng biên tập báo Nhân dân. Ông là con của cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên là chủ tịch Quốc hội của nước Việt Nam DCCH.

Tháng 9 năm 1990, ông Bùi Tín sang Pháp dự hội nghị hàng năm của báo L’Humanité(báo Nhân đạo của đảng cộng sản Pháp). Và ông đã đưa ra quyết định xin tị nạn với lý do đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Tại sao khi đang có vị trí khá cao trong hệ thống chính trị của CSVN, và với vị thế của gia đình, chắc chắn ông còn tiến thân cao hơn trong sự nghiệp chính trị của mình. Nhưng ông lại quyết định từ bỏ và chống lại chính cái đảng CSVN mà ông đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình để phục vụ nó.

Câu trả lời chính xác nhất là ông đã nhận ra bản chất phản cách mạng, phi dân chủ và phản động của đảng CSVN và chế độ CSVN.

Tôi còn nhớ cuối năm 1990, khi tôi từ nước Đức trở về và biết tin ông Bùi Tín đã xin tị nạn chính trị tại Pháp. Tôi tìm đọc lại những tờ báo Nhân dân khi ông còn là phó tổng biên tập. Mỗi khi có cuộc bầu cử tự do, dân chủ ở các nước cựu cộng sản ở Đông Âu vào năm 1990, báo Nhân dân của CSVN đều đưa bản tin ngắn với nội dung đây là lần đầu tiên sau hơn 40 năm, người dân của Ba Lan, Bungari,…, được tham gia bầu cử tự do dân chủ. Ký tên bên dưới bản tin là nhà báo Bùi Tín.

Những người quan tâm hay là nhạy cảm với chính trị khi đọc nội dung bản tin như vậy sẽ hiểu ngay ra rằng hơn 40 năm dưới chế độ cộng sản, người dân các nước cộng sản đó đã không có tự do, dân chủ. Và chỉ khi nào xoá bỏ được chế độ cộng sản, người dân mới được hưởng các quyền tự do, dân chủ đích thực.

Tôi rất khâm phục và ngưỡng mộ ông Bùi Tín, và mơ ước có một dịp nào đó được gặp ông. Hơn mười năm sau, vào cuối năm 2004, trong một lần đi hội nghị ở Hoa Kỳ. Tôi tới thăm thành phố Houston, Texas. Tôi đã thoả mãn ước mơ được gặp ông Bùi Tín ở đó.

Trong gần 30 năm phải sống tị nạn ở nước ngoài, ông Bùi Tín đã có những đóng góp lớn cho phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Những nhận định, những bài biết của ông đã giúp nuôi dưỡng tinh thần của những người đấu tranh cho tự do, dân chủ trong nước, trong đó có tôi.

Lần cuối cùng tôi có được may mắn gặp lại ông Bùi Tín khi tới dự Họp Mặt Dân Chủ thường niên tại thành phố Stuttgard, CHLB Đức vào cuối tháng 6 năm 2018, chỉ ít tuần sau khi tôi thoát khỏi ngục tù cộng sản sang tạm lánh nạn tại Đức. Khi đó ông Bùi Tín đã ngoài 90 tuổi, sức khoẻ yếu, nhưng ông vẫn vượt qua tuổi tác để tới dự hội nghị, động viên những người trẻ tuổi và đưa ra những nhận định sáng suốt về tình hình Việt Nam.

Nhà báo Bùi Tín ở Paris, Pháp hôm 4/4/2000.   AFP

Bài học có ý nghĩa mà ông Bùi Tín để lại dành cho những người cộng sản là hãy dũng cảm từ bỏ cái đảng phản cách mạng, phi dân chủ, và cực kỳ phản động để đứng về phía Nhân dân đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và văn minh.

Phải xa tổ quốc của mình, nơi ông đã sinh ra và trưởng thành, ông vẫn luôn nhớ về đất nước. Trong cuộc nói chuyện với ông Hà Minh Huệ, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam được tờ Công an nhân dân trích dẫn vào năm 2012, ông Bùi Tín nói:

"Có, mình nhớ nước lắm. Có đêm mình mơ được về nước. Sướng quá mình vất dép đi chân trần chạy dọc theo bờ Hồ, thỉnh thoảng dừng lại đưa tay với những rặng liễu đang rủ bóng xuống mặt hồ xanh biếc. Có lần mình mơ được chạy mấy vòng quanh Hồ Tây lộng gió. Ôi những giấc mơ đó sao mà hạnh phúc. Tôi nói thật 100%".

Nay, ông đã thanh thản ra đi, linh hồn của ông có thể trở về thăm quê hương, tổ quốc, không ai, không kẻ thù nào có thể cản ông được nữa.

Ông Bùi Tín chưa hoàn thành được giấc mơ đem lại tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Chúng tôi, những thế hệ tiếp theo, sẽ bước tiếp con đường mà ông đã chọn, đã đi trong suốt gần 30 năm qua. Chúng tôi sẽ giúp ông hoàn thành giấc mơ của ông và cũng là giấc mơ, niềm khao khát của hơn 90 triệu Nhân dân Việt Nam.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do







No comments:

Post a Comment

View My Stats