Friday, 17 August 2018

CHỈ LÀ MỘT CƠN CHẤN ĐỘNG NÃO (FB Pham Doan Trang)





Tôi đã về nhà từ 2h sáng nay (17/8) và không còn chóng mặt hay buồn nôn, chỉ hơi nhức đầu. Bác sĩ nói đó là một cơn chấn động não và cần theo dõi thêm.

Xin chân thành cảm ơn tất cả bà con cô bác, anh chị em, bạn bè đã quan tâm, hỗ trợ, thăm hỏi hoặc trực tiếp chăm sóc tôi.

Nhân viên an ninh lởn vởn rất nhiều trong phòng bệnh, gần như lúc nào mở mắt, tôi cũng thấy họ đứng đó, có lúc đeo khẩu trang, có lúc đang chụp hình bằng điện thoại, mặc dù bệnh viện có nhắc là mỗi gia đình chỉ một người thân ở lại trông bệnh nhân. Điều đáng nói là họ vẫn gây sự và đuổi đánh một số người vào thăm tôi, chẳng hạn đá anh Tuất, tát Dương Lâm, và đuổi, đe dọa em Cao Trần Quân.

Chiếc mũ bảo hiểm bị vỡ mà các bạn thấy trong hình hôm qua là cái mà họ dùng để đánh người. Nửa đêm 15/8, công an chở tôi từ đồn phường 7, quận 3 về bằng taxi. Tới đoạn đường tối họ thả tôi xuống, nói tôi phải tự đi về vì họ có việc phải vào viện gấp thăm người nhà bị tai nạn; tôi vẫn đủ quan tâm để hỏi thăm họ người bị tai nạn có làm sao không. Họ không trả lời mà bảo tài xế táp xe vào lề đường, và cho tôi 200.000 đồng để gọi xe khác. Tôi đương nhiên là cảm ơn và cầm tiền; thật sự là ngoài 200.000 đó, tôi cũng chẳng còn xu nào, họ đã lấy hết mấy trăm ngàn đồng, cả thẻ ATM và chứng minh thư.

Sau đó tôi xuống và đứng bên vỉa hè vẫy xe khác về nhà. Chỉ vài phút sau, có 6 “đồng chí” to cao đi ba xe máy lao đến, bỏ xe xông vào đánh hội đồng. Mũ bảo hiểm bị vỡ là mũ của họ. Khi tôi ngồi dậy được để giữ tay vào vết thương trên đầu cho bớt chảy máu, thì thấy chiếc mũ vỡ một mảng to bị vứt lại trên đường, quanh đó là chi chít mảnh vụn.

Ở Hà Nội, tôi có thói quen đi lại thường đeo đàn guitar, ngoài việc để tiện chơi thì còn vì một lý do quan trọng là để... đỡ bị tấn công bất thình lình - tôi nghĩ là dù sao công an cũng khó đánh một người đeo đàn. Bây giờ mới biết là công an có xu hướng dùng đồ của chính nạn nhân để đánh nạn nhân, ví dụ như dùng giày của kỹ sư Nguyễn Đại để quật vào mặt anh (anh Nguyễn Đại - kỹ sư xây dựng - là người bị đánh nặng nhất trong liveshow Nguyễn Tín 15/8, cùng với ca sĩ Nguyễn Tín). Tôi cũng được biết là đêm đó, công an đã dùng luôn cây guitar của quán (mà tôi có chơi trước giờ biểu diễn rồi bỏ quên không cất) để đập vào đầu Tín. Đâm ra lại thấy may mà mình không mang đàn theo người.

Cầm chiếc mũ vỡ nát, tôi nghĩ hoặc là đầu tôi quá cứng, hoặc là công an xài mũ rởm. Càng về sau tôi càng ngả về khả năng thứ hai hơn.

Tôi cũng muốn xin lỗi cả những người đã vì tôi mà gặp phiền lụy; sự thực là tôi không bảo vệ nổi chính mình thì làm sao bảo vệ nổi ai! Để khỏi có chuyện không hay xảy ra, kính mong bà con cô bác, anh chị em, bạn bè hạn chế đến thăm, gặp tôi thời gian này. Tấm lòng của tất cả mọi người, tôi xin ghi nhận và không bao giờ quên ơn.

(Hình chỉ có tính minh họa. May mà tôi không mang đàn theo những ngày qua).


-------------------------------


Rõ ràng Ban tổ chức biết buổi biểu diễn sẽ có thể bị phá bất cứ lúc nào, làm sao có chuyện những kẻ bịt mặt sẽ để yên cho mọi người ngồi lại với nhau, dù chỉ là để thưởng thức một bản nhạc xưa.

Nhưng họ vẫn phải tổ chức, bởi nếu đến một buổi biểu diễn nhạc đơn thuần để hỗ trợ lẫn nhau về tinh thần, những người hoạt động không dám làm và không làm được cho nhau thì chúng ta sao có thể mơ đến một ngày mai tự do trên đất nước mình?

Chỉ là sự man rợ vượt quá mức khi chúng không những chỉ phá mà còn cướp bóc, đánh đập người dân tàn nhẫn, công khai.

Tưởng rằng là phụ nữ thì sẽ dược nương tay? Đó không phải ở Việt Nam. Ở một đất nước, đàn bà từng cầm gươm thay chồng đánh trận, phụ nữ đi đấu tranh là một hình ảnh rất chướng mắt đối với kẻ thống trị, những người anh em thân thiết của Trung Cộng.

Nhìn những bản án bất nhân với phụ nữ hôm nay, Như Quỳnh 10 năm, Thuý Nga 9... chúng ta sẽ thấy án dành cho phụ nữ thường rất nặng. Trong những lần biểu tình, xuống đường, hay sự kiện, những cô gái trẻ thường bị đánh không chút nương tay.

Chế độ này ghét đàn bà, thù và không muốn đàn bà tranh đấu. Những người phụ nữ càng mạnh mẽ, càng "cứng đầu" thì họ càng muốn "trị".

Đánh Đoan Trang đến chân không còn lành lặn, chẳng làm cho chị sợ hãi hay dừng lại. Nó càng khiến chị quyết tâm hơn, hy sinh cả cuộc đời mình để đòi lại quyền được sống tự do.
Dọa rằng, 258 quá nhẹ và phải áp cho chị một bản án thật nặng chỉ làm chị thấy mình cần phải cố gắng hơn để "xứng" với bản án tương lai.

Sự “bất chấp” của người phụ nữ yếu đuối khiến chế độ này càng muốn đàn áp chị.

Hôm qua chị bị đánh nặng nhất trong những số người có mặt tại phòng trà. Máu từ đầu chị chảy ra cũng không làm họ ngưng lại cơn khát máu.

Bằng tay, rồi bằng đồ, đánh từ trận này đến trận khác. Chiếc mũ đập vào chị đến nát ra.
Chị đâu có làm gì có lỗi với những người đó? Chị cũng không có oán thù với họ.

Thế nhưng những người đó họ không những căm thù chị mà còn căm thù trí tuệ của nữ nhà báo.

Tối hôm qua họ nói với chị rằng "Tao mà bắt được cuốn nào, mày chết với tao". Ý họ là cuốn sách Chính Trị Bình Dân mà chị đã viết.

Cuốn sách với những kiến thức hết sức thiết thực và cơ bản về chính trị.

Cuốn sách dạy người dân biết về quyền của mình. Cuốn sách càng bình dân bao nhiêu thì những kẻ luôn ngồi trên đầu dân càng căm ghét nó và căm thù chị bấy nhiêu.








No comments:

Post a Comment

View My Stats