Nguyễn Đình Cống
03/08/2018
1-
Giới thiệu
Trong
vài chục năm trở lại đây Nguyễn Trần Bạt nổi lên như một trí thức làm kinh
doanh rất thành đạt. Ông sinh năm 1946 tại Nghệ An, năm 1963 vào quân đội, năm
1973 tốt nghiệp Đại học Xây dựng. Năm 1984 thôi việc nhà nước, năm 1989 thành lập
Công ty tư vấn về đầu tư và chuyển giao công nghệ – InvestConsult Group. Hiện
nay Công ty hoạt động trên nhiều nước, có doanh thu nhiều triệu đô la mỗi năm.
Ông
Bạt là người nổi tiếng trong các lĩnh vực: doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, học
giả. Ngoài thành tích về kinh tế, ông được giới trẻ rất hâm mộ vì những buổi
nói chuyện hấp dẫn, những cuộc trả lời phỏng vấn thông minh, và in hơn chục quyển
sách về rất nhiều vấn đề nhằm hướng dẫn, động viên thanh niên trên con đường lập
nghiệp.
Tôi
kính phục kiến thức, ý chí, quan hệ và sự đóng góp của ông Bạt. Tôi đã từng say
sưa đọc các sách của ông bàn về văn hóa, con người, tri thức, kinh tế, đạo đức,
tự do, dân chủ, khoa học, giáo dục, cải cách v.v… và công nhận rằng sách của
ông đã giúp tôi hệ thống hóa một số suy nghĩ còn rời rạc, giúp phát hiện một
vài nhận thức mới. Thế nhưng gần đây đọc sách “SỨC MẠNH CỦA CÁI ĐÚNG”, NXB Hội
nhà văn – 2018, tôi gặp một vài quan điểm khó chấp nhận, liên quan đến chính trị,
thời cuộc. Những vấn đề này không mới, chắc rằng có xuất hiện trong những sách
tôi đã đọc, nhưng trước đây tôi không để ý tới.
Ông
Bạt luôn nhận mình “không phải là người đối lập”. Khi viết sách ông chủ trương
“vì sự tiến bộ, vì trăn trở với tương lai đất nước, làm hết mình để giải độc
cho thế hệ trẻ v.v”… Nhưng tôi nhận thấy trong sách ông có vài điểm bất đồng,
đó là nhận thức về Mác, về cách mạng, về sự lãnh đạo của ĐCS VN, về vai trò của
trí thức và vài điều lẻ tẻ. Tôi xin nêu ra một cách vắn tắt để những ai quan
tâm có thể tham khảo và thảo luận. Riêng với ông Bạt, nếu ông vui lòng chấp nhận
trao đổi kỹ hơn, tôi xin sẵn sàng gặp trực tiếp để nói chuyện như giữa những
người bạn.
Trong
các phản biện dưới đây tôi có trích vài câu trong sách “Sức mạnh của cái đúng”,
con số đặt trong ngoặc (…) ghi số trang có câu được trích.
2-
Về Mác và chủ nghĩa Mác – Lê
Ông
Bạt tỏ ra vẫn một lòng tin vào Mác và Chủ nghĩa Mác Lê (CNML). Ông nhận xét “Chủ
nghĩa Mác hấp dẫn ở phương pháp luận của nhận thức (386)”. Về vấn đề này
ông còn viết: “Tôi có hai hệ thống tín hiệu để suy nghĩ tạo cảm hứng. Một là
luận lý…(187)”.
Rất
nhiều người cũng một thời bị hấp dẫn bởi những lập luận rất hay, rất chặt chẽ của
Mác, nhưng rồi đã phát hiện ra sự ngụy biện trong đó. Luận lý ông Bạt nói đến,
theo cách hiểu thông thường gồm Luận cứ, Luận chứng và Luận đề. Dựa vào luận cứ,
dùng luận chứng để chứng minh nhằm rút ra kết luận, là luận đề. Lập luận rất
hay, rất chặt chẽ, rất hấp dẫn của Mác nằm ở phần luận chứng. Đó là phần được
nhiều người quan tâm và Mác, bằng phép biện chứng đã mê hoặc được nhiều người.
Ít người để ý phân tích luận cứ. Có phân tích sâu vào luận cứ mới tìm ra sai lầm
và ngụy biện của Mác, từ đó dẫn tới sai cơ bản về luận đề (Tôi đã trình bày
trong loạt bài: Một số nhầm lẫn của Mác; Ngụy biện của CNML; Chất đất sét trong
các hòn đá tảng của Mác).
Ông
Bạt viết: “Mác là nhà triết học xây dựng được hệ thống tư tưởng toàn diện và
chắc chắn đến mức những ai trở thành đệ tử của nó đều không ra khỏi nó được (362).
Và: “Trần Đức Thảo là người rất mê Marxist… (386)”. Viết như thế phải
chăng là chủ quan vì có thể dẫn ra nhiều người nổi tiếng trong nước và trên thế
giới đã từng là đệ tử của CN Mác, nhưng rồi đã phản tỉnh khi nhận ra những sai
lầm cơ bản của nó. Riêng Trần Đức Thảo, vào cuối đời, ông Thảo đã phản tỉnh và
cho rằng Mác là thủ phạm chính của mọi tai họa cho nhân loại do cách mạng vô sản
gây nên. (Theo “Trần Đức Thảo – Những lời trăng trối”, chương 14 –
Nêu đích danh thủ phạm – Sách của Phan Ngọc Khuê).
Ông
Bạt cho rằng ông đã thành công lớn trong việc giải thích Mác khi viết: “Nhiều
anh em nói với tôi rằng họ đọc nhiều về Mác, nhưng cũng không hiểu lắm, đến khi
họ đọc những phân tích của tôi về Mác là họ hiểu ra ngay.” Ông còn viết:
“Chúng ta còn cái vướng là chưa Việt hóa được cả các nguyên lý của
CNML…(25)”.
Sau
khi Liên xô và Đông Âu sụp đổ, sau khi Quốc hội Châu Âu kết tội phong trào cộng
sản và quan trọng nhất là thực tế nhem nhuốc của xã hội Việt Nam do ĐCS gây ra
mà ông Bạt, một trí thức có hiểu biết rất rộng vẫn ca ngợi hết lời CN Mác làm
tôi khó hiểu. Tôi đề ra 2 giả thuyết sau
1-
Ông Bạt hiểu CN Mác rất kỹ, ông nguyện bảo vệ và phát triển nó. Như vậy thì
đáng khâm phục, đáng tôn trọng. Tôi cũng nghiên cứu CN Mác và cho rằng nó phạm
sai lầm ngay từ gốc. Tôi ao ước có được dịp trao đổi với một người nào rất giỏi
về CN Mác để tham khảo ý kiến của họ, đặng tìm ra chỗ sai của mình. Tôi đã vài
lần đề nghị được đối thoại với Hội đồng Lý luận Trung ương, nhưng không được chấp
nhận. Nếu ông Bạt vui lòng đối thoại với tôi thì tôi vô cùng biết ơn.
2-
Ông Bạt đã phần nào biết được những thiếu sót, sai lầm của CN Mác, nhưng vì một
lý do nào đó mà chưa tiện nói ra. Hoặc giả ông cho rằng: “Trong mọi xã hội đều
tồn tại tầng lớp dưới thấp kém, nghèo đói, luôn có nguy cơ trở thành giai cấp
vô sản, cho nên CN Mác vẫn có giá trị, nó chính là công cụ triết học của tầng lớp
dưới (363)”.
Ông
Bạt chủ trương viết sách vì sự tiến bộ và giải độc cho thế hệ trẻ. Không rõ ông
quan niệm thế hệ trẻ đang bị đầu độc như thế nào. Tôi nghĩ rằng họ đang bị đầu
độc nhiều thứ mà nguy hiểm nhất là về chính trị.Trong trường học và sinh hoạt
đoàn thể, họ bị tẩy não, bị nhồi sọ, bị đầu độc bằng CNML đã tỏ ra có nhiều sai
lầm, có nhiều độc hại. Thế thì việc ca ngợi CNML tiến bộ ở đâu, giải độc ở đâu
hay là phản lại những ý tưởng tốt đẹp do ông đề ra.
3-
Về thể chế chính trị, sự lãnh đạo của ĐCS
Nhiều
nhà hoạt động dân chủ, bất đồng chính kiến ở trong và ngoài nước cho rằng ở VN
hiện nay đang tồn tại thể chế độc tài toàn trị của ĐCS. Thể chế này làm phát
sinh và nuôi dưỡng tham nhũng, mua quan bán tước, từ đó lại sinh ra rất nhiều tệ
nạn nguy hiểm khác. Vì vậy muốn cho xã hội phát triển thì việc cần thiết đầu
tiên là cải cách (hoặc đổi mới) thể chế, xây dựng nền dân chủ với tam quyền
phân lập. Ông Bạt hình như cũng nhận thấy điều này và thỉnh thoảng có nhắc đến.
Ông viết: “Đầu tiên là cải cách kinh tế…, sau đó đến cải cách chính trị(20)”.
Ông còn dẫn lời của TBT: “đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế (32)”.
Tuy
vậy trong nhiều chỗ ông Bạt tỏ ra bảo vệ thể chế, bảo vệ và ca ngợi sự lãnh đạo
của Đảng. Xin đọc những câu sau: “Không có sự thay đổi thể chế mà chỉ có sự
cải cách để thay đổi dần dần các mặt tiêu cực của thể chế mà thôi (23)….Dù
chúng ta có một xã hội chưa trong sạch lắm, nhưng rõ ràng Đảng ta có một ý chí
trong sạch (30)…Ý chí chính trị của Đảng và Nhà nước thống nhất với ý chí chính
trị của xã hội, đó là điều quan trọng nhất (31)” … Đề cao vai trò lãnh đạo của
Đảng, kêu gọi mọi tầng lớp xã hội đoàn kết xung quanh Đảng và coi đó là tiền đề
của mọi thành công trong bối cảnh đất nước hiện nay (8) … Nếu quần chúng không
còn gắn bó với Đảng thì họ trở thành những người dân không đáng yêu, tức là một
xã hội không đáng yêu (240)…Việc TBT Nguyễn Phú Trọng tự tin nói về nhân quyền
trên đất nước Mỹ làm người dân VN vô cùng tự hào (30)… (Tổng thống Phi lip pin)
Duterte làm sao ứng xử giỏi bằng các nhà lãnh đạo VN… làm sao so được với các
nhà chính trị buộc phải xử lý vấn đề Trung quốc cho hàng nghìn năm sau (268)… Quyết
đoán về lý luận thì chúng ta đã có những nhà chính trị quyết đoán, kiên nhẫn
(384).
Nguyễn
Trần Bạt chắc có nhận thấy sự mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ của đa số người
dân nên tỏ ra lo ngại. Ông viết: “Thách thức lớn nhất là sự mất mát ý chí chính
trị, và cần phải lấy lại ngay (31)…Tôi xin chúc những nhà lãnh đạo của chúng ta
giữ vững ý chí chính trị (34)…
Người
VN đã trưởng thành và khôn ngoan đến mức độ, anh là ai, không quan trọng, miễn
là anh ủng hộ VN 2 thứ: phát triển và ổn định chính trị, tức là không động chạm
đến địa vị cầm quyền của ĐCS VN (271)… Chúng ta không thừa nhận ĐCSVN là người
cầm quyền chính trị và là chủ sở hữu nhà nước của nó thì chúng ta không còn
chuyện gì để nói (283)… Tuyệt đối không đùa với sinh mệnh chính trị của Đảng
(222)…Đảng này mà sụp đổ thì mọi lẽ phải lặt vặt không có xu nhỏ giá trị nào
(224)…”
Ông
Bạt nhận là người không phải đối lập, viết sách vì trăn trở với tương lai đất
nước, một cách phi chính trị (287). Tôi tôn trọng sự không đối lập, nhưng cho rằng
đối lập hay không đối lập không quyết định phẩm chất và giá trị con người. Điều
quan trọng hơn là tuệ giác và trung thực. Tôi cảm phục khi ông Bạt cho rằng cần
phi chính trị hóa nền giáo dục. Tôi tán thành ý kiến rằng ĐCS VN đang tạm giữ
được ổn định chính trị. Họ cho rằng đó là điều kiện vô cùng quan trọng để phát
triển. Nhưng tôi nghĩ hơi khác, cho rằng ổn định chính trị là một phần cần thiết
để ổn định xã hội và để phát triển thì ổn định xã hội là quan trọng hơn nhiều.
Thế mà dưới sự lãnh đạo của ĐCS VN xã hội đang mất ổn định nhiều mặt.
Tôi
đồng ý rằng giữ được ổn định chính trị là tốt, nhưng để có sự ổn định tạm thời
đó ở VN người ta đã gây ra bao tai họa. Có một câu sau, tưởng là nghịch lý,
nhưng lại là chân lý “Tốt là kẻ thù của cái tốt hơn”. Ông Bạt nghĩ đến cái tốt
tạm thời cho dân tộc, sao không nghĩ đến cái tốt hơn. Phải chăng như thế là
trăn trở với tương lai đất nước?
Chắc
rằng ông Bạt cũng thấy không thể kéo dài mãi thể chế toàn trị của đảng, nhưng
ông dự đoán (hoặc mong ước) nó còn kéo dài. Ông viết: “Tôi cho rằng…để ra khỏi
những khó khăn về chính trị phải mất một thế ký (276)… Hai trăm năm nữa người
Việt mới có đủ điều kiện để ý thức được về các giá trị ấy (254)…” (các
giá trị nhân bản).
Tôi
nhận thấy ông Bạt khá bằng lòng và có phần ca ngợi chế độ hiện hành và thế lực
lãnh đạo. Tôi nghĩ, để làm người đối lập, phản biện thì nhất thiết phải có ý kiến
phản bác lại một cái gì đó của chính quyền. Còn làm người không đối lập, chỉ cần
không phản bác là đủ, liệu có cần ca ngợi những điều mập mờ?
*
*
Nguyễn Đình Cống
03/08/2018
4-
Về trí thức
Bàn
về trí thức VN, có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, khen chê đủ cả. Văn bản chính
thức có NQ 27-NQTƯ tháng 8 năm 2008 về xây dựng đội ngũ trí thức. Trong năm
2018 nhiều tổ chức của Đảng mở hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện NQ 27. Tôi có
một số ý kiến phản biện NQ này, nhưng ở đây chỉ xin bàn đến vài ý kiến trong
sách của Nguyễn Trần Bạt.
Ông
Bạt cho rằng quan trọng phải có tiêu chuẩn để nhận diện trí thức, vì nếu tiêu
chuẩn không rõ ràng thì: “tức là cổ vũ cho một bộ phận trí thức nhạy cảm và
đủ năng lực để biến hình, biến màu, trở thành kẻ cơ hội sớm nhất và giỏi nhất.
Những người cầm quyền nếu không đủ tinh khôn, không đủ kinh nghiệm sẽ rất dễ nhầm
lẫn những kẻ đội lốt trí thức với trí thức chân chính (350)”.
Trong
đoạn vừa trích có 3 loại trí thức: Trí thức chân chính, trí thức nhạy cảm (thiếu
chân chính) và kẻ đội lốt trí thức (trí thức dỏm hoặc kém chất lượng). Ông Bạt
đưa ra tiêu chuẩn để nhận diện trí thức là “Tính độc lập” (351), thể hiện trên
4 khía cạnh. Độc lập đối với nhau tạo nên sáng tạo, tranh luận. Độc lập với nhà
cầm quyền tạo nên phản biện. Đối lập với văn hóa ngoại lai tạo nên sự lựa chọn.
Độc lập, đối diện với quá khứ tạo ra động lực của sự phát triển và năng lực phỏng
đoán tương lai.
Tôi
không phản bác những ý kiến trên, chỉ bổ sung vài ý. Ông Bạt cho rằng những người
cầm quyền nếu không đủ tinh khôn…, tôi lại thấy hiện nay lắm kẻ cầm quyền thừa
ranh ma, lắm thủ đoạn tạo ra và sử dụng bọn trí thức dỏm. Ông Bạt cho rằng cần
dựa vào tính độc lập…, tôi thấy đó chỉ mới là một phần của điều kiện đủ, trong ấy
còn cần thêm sự trung thực. Ngoài ra còn điều kiện cần mà chủ yếu là khả năng
trí tuệ. Chỉ dựa vào tính độc lập là chưa đủ để đánh giá trí thức chân chính.
Ông
Bạt viết: “Trí thức là những người chịu trách nhiệm lớn nhất đối với sự phát
triển, đối với vận mệnh của dân tộc (354)… Việc tạo ra cuộc cách mạng là của giới
chính trị, nhưng hàn gắn vết nứt của CM để tạo ra sự đồng thuận xã hội là việc
của giới trí thức (13)… Phát triển gắn liền với việc tìm kiếm ra phương thức
thay đổi một cách từ tốn tất cả các nhược điểm của một nền chính trị. Đấy là
công việc của giới trí thức (20)…”. Việc giới trí thức có và cần đóng góp
vào các công việc vừa kể là đúng, nhưng cho rằng đó là trách nhiệm chính của họ
là không chuẩn. Nếu trí thức phải gánh phần trách nhiệm chính thì phải chăng
chính quyền, lãnh đạo chỉ chịu trách nhiệm phụ hoặc phối hợp mà thôi. Không phải!
Trách nhiệm chính phải là của chính quyền, của lãnh đạo.
Ông
Bạt có nhận xét: “làm giàu kho trí tuệ của dân tộc là nhiệm vụ của giới
trí thức, còn lựa chọn cái gì trong đó để đưa ra dùng là nhiệm vụ của giới
chính trị (359). Đúng ra, lựa chọn cái gì là nhiệm vụ của giới chính trị cầm
quyền. Giới này mới chịu trách nhiệm chính. Khi cho rằng trách nhiệm chính thuộc
về trí thức là đã làm nghiêng lệch vai trò của họ.
Khi
đưa ra khẩu hiệu: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, có người đã bình
luận: Thế chính quyền và lãnh đạo làm gì, phải chăng là ngồi chơi, xơi nước.
5-
Vài lời bình luận
Trong
quyển sách Sức mạnh của cái đúng, ngoài các điều đã trình bày ở các mục trên,
tôi còn phát hiện một số chi tiết bất đồng khác, chưa viết ra đây. Ngoài ra tôi
cũng biết có vài người phản biện ông Bạt. Phạm Hồng Sơn nhận xét: Đọc Nguyễn Trần
Bạt, xen kẽ những điểm tích cực, có lợi cho xã hội và người dân là những ý kiến,
quan điểm không đúng, nguy hiểm cho tiến bộ xã hội hiện nay. Ví dụ quan điểm của
ông về Nhà nước toàn trị, về nhân quyền, về chỗ đứng của NCKH XH. (Bài: Hơn hai sai lầm nguy hiểm
của ông Nguyễn Trần Bạt – Pro & Contra ngày 4/9/2012).
Trung Nguyễn viết bài “Phản hồi Nguyễn Trần Bạt về hòa giải và hòa hợp”, đăng
báo Tiếng Dân ngày 15/5/2018.
Nguyễn
Trần Bạt, ngoài doanh nhân thành đạt còn là một học giả nổi tiếng, có rất nhiều
người hâm mộ, đặc biệt là các bạn trẻ. Phương châm của ông khi viết là trong
sáng, tốt đẹp, đáng phục. Thế nhưng sao lại có những phản biện không mong muốn.
Tôi chép lại nhận xét của Phạm Hồng Sơn: “Đọc Nguyễn Trần Bạt, xen kẽ những
điểm tích cực, có lợi cho xã hội và người dân là những ý kiến, quan điểm không
đúng, nguy hiểm cho tiến bộ xã hội hiện nay”. Xin bổ sung rằng về số lượng
câu, chữ, phần tích cực có lợi chiếm trên 95%, phần nguy hiểm chỉ là số ít và rải
rác, nhưng gây tác dụng không nhỏ. Trong rất đông người hâm mộ ông Bạt liệu đã
có mấy ai phát hiện ra các quan điểm mà phản biện cho là không đúng, nguy hiểm.
Phản biện cho là không đúng, nhưng bản thân ông Bạt thì sao. Ông có thực sự tin
những điều viết ra là hoàn toàn đúng, là kết quả của sự chiêm nghiệm sâu sắc,
là xuất phát từ trái tim, hay là ông viết như vậy vì một áp lực nào đấy về tâm
lý?
Nếu
như ông Bạt từ trong sâu thẳm của tâm hồn, từ nhận thức chính xác, chặt chẽ, đã
qua thử thách mà cho rằng Mác đúng, rằng con đường mà ĐCS VN đang dẫn dắt dân tộc
là không thể khác, rằng lãnh đạo ĐCS thực sự có tài năng… thì đó là quyền cá
nhân của ông, xin được tôn trọng. Chỉ muốn cảnh báo để ông biết, có những phản
biện không đồng tình, cho rằng nó nguy hiểm cho tiến bộ xã hội. Những điều đó nếu
do tuyên giáo của Đảng phổ biến thì người ta cho là chuyện bình thường, nhưng
khi do học giả nổi tiếng Nguyễn Trần Bạt nói ra thì tác dụng sẽ khác. Nó vừa
tác động trực tiếp đến người nghe, người đọc, vừa được dư luận viên lợi dụng
làm luận cứ để tuyên truyền cho Đảng.
Về
áp lực tâm lý. Tôi không phải nhà kinh doanh nên không dám nói đã hiểu hết những
áp lực từ phía chính quyền mà nhà kinh doanh phải chịu, đặc biệt là đối với những
nhà kinh doanh lớn, trong phạm vi rộng như ông Bạt. Tôi chỉ liên hệ cá nhân
mình đã chịu áp lực như thế nào. Tôi đang giảng dạy rất thành công các môn
Phương pháp luận NCKH và sáng tạo, Kết cấu công trình cho các lớp đào tạo thạc
sĩ và tiến sĩ, dạy môn Phong thủy và Các kỹ năng mềm cho nhiều đối tượng. Tôi
được nhiều nơi mời dạy, ký họp đồng làm khoa học. Thế nhưng chỉ vì tôi có vài
việc làm Đảng không vừa ý mà mọi lời mời, mọi hợp đồng đều bị đơn phương hủy bỏ
do áp lực của Đảng, của an ninh. Thậm chí khi Trường ĐH Xây Dựng kỷ niệm 50 năm
thành lập vào năm 2016, bảo vệ còn không cho tôi vào trường khi tôi mang vài
quyển sách để tặng hoặc bán cho các sinh viên cũ về dự. Đấu tranh mãi họ mới
cho tôi vào gặp sinh viên cũ với điều kiện chỉ được đi tay không. Trong suốt buổi
tôi ở trường luôn có một bảo vệ theo dõi sát.
Trường
hợp ông Bạt chịu áp lực tâm lý mà buộc lòng phải ca ngợi Mác và cộng sản thì vừa
đáng trách, vừa đáng thương. Chắc ông nghĩ rằng công việc tư vấn của công ty
ông đang làm mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, muốn làm được trôi chảy phải
có quan hệ tốt với chính quyền VN hiện hành, và như vậy không được có ý gì chống
lại Mác và cộng sản.
Từ
chỗ không chống lại đến chỗ ca ngợi là khá xa. Thấy điều sai trái, bạn có chống
lại được hay không, chống lại đến mức nào là tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh
của bạn. Nếu vì hoàn cảnh mà buộc phải chấp nhận sự sai trái thì cũng đành chấp
nhận một cách vui vẻ, im lặng, nhưng đừng ca ngợi.
6-
Vài lời cuối
Nhân
chuyện ông Bạt, tôi cứ lan man nghĩ về nghề tư vấn. Trong xã hội VN trước đây, ở
đâu cũng có một số người làm tư vấn và môi giới về hôn nhân, gọi là Làm Mai
(mai mối), một mặt họ được xem như Nguyệt Lão xe tơ hồng, mặt khác bị liệt vảo
1 trong 4 thứ ngu (Thế gian có 4 thứ ngu. Làm Mai, gánh nợ, bẫy cu, cầm chầu).
Rồi khi các dịch cụ công và tư phát triển thì sinh ra lắm loại “cò” khắp các
nơi, trong mọi lĩnh vực. Cò là dạng tư vấn cấp thấp, bình dân, sống nhờ vào việc
khai thác thông tin và quan hệ, nhờ chủ yếu vào khách hàng không nắm được thông
tin chính xác, hoặc muốn nhanh chóng. Công ty tư vấn xuyên quốc gia cũng hoạt động
dựa vào khai thác thông tin và quan hệ. Khách hàng càng sộp và càng ngu dốt thì
tư vấn càng kiếm được nhiều lợi lộc. Mà theo Brzezinski thì lãnh đạo cộng sản
có nhược điểm lớn là kém trí tuệ. Không biết những ai đã làm tư vấn cho lãnh đạo
ĐCS VN để làm những khu công nghiệp có tác hại phá hủy môi trường, làm các quả
đấm thép và nhiều công trình gây thiệt hại nhiều trăm ngàn tỷ.
Ông
Bạt là ngôi sao sáng trong hoạt động tư vấn, nhưng ông thu hút được nhiều người
hâm mộ chủ yếu là nhờ con người học giả. Ở VN cũng có một vài học giả, về tri
thức ngang tầm hoặc trên tầm ông Bạt, nhưng tiếng nói của ông Bạt hơn hẳn họ vì
ông có sự thành đạt về kinh tế bảo lãnh. Miệng người sang có gang có thép.
Tôi
là một người hâm mộ ông Bạt, xin có vài lời tâm sự với các bạn hâm mộ khác.
Trong các bài nói hoặc viết của ông Bạt mà nhiều người thấy “Lời lời châu ngọc,
hàng hàng gấm thêu” thì cũng đã có những phản biện, vạch ra sự nguy hiểm cho tiến
bộ xã hội. Vậy khi đọc, khi nghe ông Bạt chúng ta nên để ý, xem xét, đối chiếu
để chỉ tiếp thu những điều hay và ngăn ngừa được những độc hại lẫn vào.
Xin
chớ vội cho rằng ông Bạt nói, viết cái gì cũng đúng, cũng hay. Xin hãy suy nghĩ
và phân tích bằng đầu óc của mình. Tiêu chuẩn của chân lý là thực tế.
TB: Tôi không có địa chỉ
để gửi bài này cho ông Bạt, Tôi xin tỏ lòng biết ơn bạn nào giúp tôi chuyển nó
cho ông. Số ĐT của tôi 01689 578 620. Email: ndcong37@gmail.com
No comments:
Post a Comment