Friday, 16 February 2018

NHỮNG NỖI BUỒN LỊCH SỬ (FB Luân Lê)





Vào ngày này 39 năm trước, ngày 17/02/1979, Trung Quốc đã phát động cuộc tấn công đánh vào 06 tỉnh phía Bắc Việt Nam chỉ để “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Với lực lượng được huy động một cách nhanh chóng và chỉ được luyện tập ít ngày trước khi lên đường chiến đấu, số quân nhân lên tới khoảng 200.000 đến 300.000 người (20 - 30 sư đoàn), đã được lệnh đánh vào biên giới các tỉnh như Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Quảng Ninh, với phương châm “chiến tranh biển người” nhằm trừng trị Việt Nam sau sự kiện liên quan đến Polpot ở Campuchia năm 1978.

Cuộc chiến bắt đầu từ ngày 17/02/1979 kéo dài cho đến 16/03/1979 (27 ngày) thì Trung Quốc tuyên bố rút quân và lớn tiếng thừa nhận đã “giành chiến thắng vĩ đại”. Và họ thống kê phía Trung Quốc thiệt hại chỉ khoảng gần 10.000 quân và bị thương khoảng 21.000 người, trong khi Việt Nam bị chết khoảng 50.000 quân và 20.000 người bị thương.

Tuy nhiên, đối chiếu với các thông tin và nguồn tư liệu trong các bài báo dưới đây (từ báo Việt Nam cho đến châu Á (atimes.com) và báo Mỹ (time.comnytimes.com)) thì có thể thấy được rằng, phía Việt Nam chỉ bị chết khoảng hơn 10.000 quân, còn phía Trung Quốc bị chết khoảng 25.000 quân và bị thương khoảng 40.000 người.

Trong thời gian đó, phía Chính phủ Việt Nam đã có lệnh tổng động viên toàn quốc để “đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc”. Báo Nhân Dân thời đó còn gọi Trung Quốc là “bọn phản động” với một lòng căm thù sôi sục đến tột cùng. Hiến pháp năm 1980 của Việt Nam còn nêu rõ Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam.

Tuy đến ngày 16/03/1979, phía Trung Quốc (cuộc chiến thảm bại này do Đặng Tiểu Bình phát động) đã rút quân về nước. Nhưng trên thực tế, cuộc chiến tranh biên giới vẫn còn diễn ra lẻ tẻ và thành nhiều đợt kéo dài cho đến năm 1989 mới chấm dứt. Cho đến năm 1990 thì diễn ra Hội nghị bí mật Thành Đô và tới năm 1991 thì Hà Nội bình thường hoá quan hệ với Bắc Kinh.

Cũng không hiểu lý do vì sao, trong Sách Giáo Khoa từ đó cho đến nay vẫn không xuất hiện dòng chữ nào về cuộc chiến bảo vệ tổ quốc này trước kẻ xâm lược Trung Quốc. Và thậm chí nó còn bị lãng quên đi trong nhiều thế hệ đã qua mà không được nhắc tới hay tổ chức kỷ niệm thường niên.

Ngược lại, đối với chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậu tết Mậu Thân năm 1968, năm xảy ra cuộc thảm sát (khiến khoảng 5.000 người dân thường vô tội bị giết) ở Huế sau khi hai bên là VNDCCH và VNCH cam kết ngừng bắn cho nhân dân hai bên ăn tết sau vĩ tuyến 17, lại được tổ chức khá là giòn giã và hoành tráng, trong khi đây là những nỗi đau thương, mất mát của chính đồng bào ruột thịt của cùng một dân tộc và trong cùng một tổ quốc. Chúng ta phải nhìn nhận lại dứt khoát đối với những sự việc này.

Mặt khác, cần phải nhấn mạnh thêm rằng, hiện nay Trung Quốc đã xây dựng và hoàn thành 7 căn cứ quân sự trên quần đảo Trường Sa và tuyên bố sẽ không dừng lại những hành động này của chúng. Trước đó, chúng cũng đã bồi đắp và xây dựng một số căn cứ cũng như mang vũ khí quân sự ra quần đảo Hoàng Sa nhằm mục đích tuyên bố chủ quyền một cách đơn phương và bất chấp đối với các quần đảo cưỡng chiếm bằng vũ lực này.

Link tham khảo:

1) Về việc bành trướng của Trung Quốc trên Biển đông:
••• https://www.google.com.vn/…/my-to-cao-trung-quoc-xay-dung-7…
••• https://tuoitre.vn/trung-quoc-xay-them-can-cu-moi-o-hoang-s…









---------------------------------------------------------

XEM THÊM


Mỹ Lan - RFA
2018-02-16

Rạng sáng 17/2/1979, Bắc Kinh ồ ạt xua quân tấn công Việt Nam, mở màn cho cuộc chiến khốc liệt 30 ngày liên tục và kéo dài 10 năm trên địa bàn 6 tỉnh biên giới Tây Bắc. Cuộc chiến không cân sức cũng đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều dân thường và hơn 4000 bộ đội Việt Nam, chủ yếu trong độ tuổi từ 18 đến 35. Mặc dù giành chiến thắng, cuộc chiến tranh vệ quốc này lại ít khi được nhắc tới và thậm chí đã có một thời gian rất dài, nó bị chìm sâu vào quên lãng.

Khu vực biên giới Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi được coi là chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh biên giới nổ ra từ ngày 17/2/1979 và kéo dài 10 năm sau đó với những “lò vôi thế kỷ” hay “thung lũng gọi hồn”.

Đây là nơi hơn 4.000 liệt sĩ đã hy sinh khi chiến đấu giành lại từng tấc đất biên cương với quân đội Trung Quốc. Trong đó, có hơn 2.000 liệt sĩ, hài cốt vẫn nằm lại trên chiến trường xưa.

Trở về từ chuyến thăm và dâng hương các đồng đội cũ đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, ông Phạm Xuân Thanh, một cựu chiến binh chia sẻ:

Đến thời điểm hiện tại thì cuộc chiến gần như đã đi vào quên lãng. Tôi cũng là một thương binh từ mặt trận trở về. Hơn 30 năm qua, lúc nào tôi cũng nghĩ đến những người thanh niên tuổi ngoài đôi mươi đã nằm lại ở mặt trận. Có nhứng gia đình vẫn chưa được công nhận là gia đình liệt sỹ cho nên là chúng tôi cũng thấy rất là tủi thân. 

Trên thực tế, mặc dù đã  cản trở thành công sự tấn công của quân đội Trung Quốc, giành chiến thắng về mặt quân sự,  đối nội cũng như đối ngoại, cuộc phản công vệ quốc của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ đó đã không được công nhận và tôn vinh một cách xứng đáng. Cũng theo ông Thanh, rất nhiều những người lính cho đến thời điểm này vẫn chỉ được xác nhận là mất tích chứ chưa biết chính xác họ đã hy sinh hay còn sống. Bên cạnh đó, gần bốn chục năm đã qua, nhà nước CSVN vẫn chưa có một thống kê chính thức về số lượng người hy sinh hay mất tích trong trận chiến này cũng như tổ chức những sự kiện mang tầm cỡ quốc gia nhằm ca ngợi những đóng góp và hy sinh của họ. Thậm chí, nhiều trường hợp mang thương tật từ mặt trận trở về nhưng do mất hết giấy tờ nên cũng không được công nhận là thương binh để có thể được hưởng những chế độ, chính sách ưu đãi. Ông Thanh cho biết thêm:

Chúng tôi cũng đã đặt ra những câu hỏi ví dụ như là cuộc chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng trị, lượng người hy sinh ở đó được ca ngợi. Còn riêng ở mặt trận Vị Xuyên, lượng người hy sinh nhiều như thế tại sao không được nhắc đến. Đến bây giờ thì chúng tôi biết là vì mục đích ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc nên mọi thông tin về cuộc chiến có thể nói là không muốn được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước láng giềng.

Khi được hỏi về thái độ im lặng này của chính quyền CSVN, giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc cho biết:

Thực tế về cuộc chiến tranh này đã được cắt bỏ khỏi sách lịch sử và khỏi những lễ kỷ niệm phổ biến ở Việt Nam cho đến tận năm 2014.. Tôi không nghĩ là bởi vì các lãnh đạo Việt Nam muốn giảm nhẹ một thời kỳ quan hệ của Việt Nam. Bạn có thể tìm đến viện bảo tàng chiến tranh và không thấy có một trưng bày nào về cuộc chiến này với Trung Quốc. Nó là một lỗ đen. Nhưng tất nhiên với hàng ngàn người dân Việt Nam đã mất người thân trong cuộc chiến thì cuộc chiến này đã tồn tại .

Trên thực tế, trong thời kỳ Cải cách ruộng đất, chính quyền CSVN học tập Cách mạng văn hoá Trung Quốc đã tìm cách phá huỷ hàng vạn ngôi đình, chùa, miếu mạo vốn là nơi người dân Việt Nam thờ các vị vua qua các triều đại Đinh, Lê, Lý Trần cùng những vị anh hùng dân tộc đã có công đánh đuổi giặc Tàu. Bên cạnh đó là rất nhiều những tài liệu lịch sử lưu lại những chiến công hiển hách của dân tộc Việt trong trong suốt chiều dài 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước cũng bị chính quyền CSVN lúc bấy giờ tìm cách thiêu huỷ. Lý do theo nhiều người là để làm vừa lòng người anh em láng giềng Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho dù chính quyền CSVN có tìm cách làm cho lịch sử bị lãng quên thì trong lòng mỗi người dân Việt Nam, niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và hơn cả là sự đề phòng đối với Trung Quốc thì chưa bao giờ bị dập tắt. Cũng tương tự như cuộc chiến tranh biên giới đầy mất mát đã xảy ra 39 năm trước đây, dù lịch sử Việt Nam không muốn nhắc nhiều nhưng với sự phát triển của internet và mạng xã hội, sự kiện này đã và đang được cộng đồng xã hội quan tâm nhiều hơn. Chắc chắn rằng, những hy sinh dường như bị lãng quên của những người lính trong chiến tranh biên giới năm nào, một ngày nào đó sẽ đền đáp một cách xứng đáng hơn










No comments:

Post a Comment

View My Stats