Monday, 12 February 2018

NHÀ NƯỚC GIÁM SÁT CỦA TRUNG QUỐC ĐE DỌA TỪNG NGƯỜI DÂN (Anna Mitchell & Larry Diamond)




Anna Mitchell & Larry Diamond
Phạm Nguyên Trường dịch
13/02/2018

Hãy thử xem một nhà nước kiểm soát người dân đến tận từng lỗ chân lông như thế mà tên cầm đầu lại có tham vọng sẽ đuổi kịp và vượt qua Mỹ để trở thành kẻ đưa ra những chuẩn mực cho nhân loại noi theo thì sẽ như thế nào? Hắn tưởng thế giới này chỉ rặt những bầy cừu mà các loại chủ chăn tay vấy đầy máu dân chúng, đầu đặc quánh những nguyên lý bạo lực và chuyên chính của họ Mao họ Xít, có thể tha hồ muốn làm gì thì làm sao? Nói thật, cái gã họ Tập này tuy cũng có thớ đấy nhưng y chưa học được một phần nghìn túi khôn của loài người tích lũy trong hàng vạn năm nay đâu. Những ý tưởng gọi là tốt đẹp mà y rêu rao chỉ đủ lót đường cho y nhanh chóng xuống gặp “bác Mao đồ tể” mà y đang phất cờ nối gót thôi. Xem ra cái ngón “thao quang dưỡng hối” của Đặng còn đứng trên y đến một cái đầu.
Bauxite Việt Nam

------------------------

Trung Quốc đang hoàn thiện mạng lưới gián điệp kỹ thuật số cực kì rộng lớn, coi đấy là phương tiện kiểm soát xã hội – đang gây ra những ảnh hưởng đối với chế độ dân chủ trên toàn cầu.

Hãy tưởng tượng một xã hội, trong đó bạn bị Chính phủ đánh giá về mức độ đáng tin của bạn. “Điểm số công dân” của bạn đồng hành cùng bạn mọi lúc, mọi nơi. Điểm số cao cho phép bạn truy cập vào dịch vụ internet tốc độ cao hơn hoặc được cấp chiếu khán tới châu Âu nhanh chóng hơn. Nhưng nếu bạn đăng trực tuyến những bài viết mang tính chính trị mà chưa được phép, hoặc chưa hỏi hay trái ngược với quan điểm của Chính phủ về những sự kiện đang diễn ra, thì điểm số của bạn sẽ giảm. Để tính toán điểm số, các công ty tư nhân làm việc cho Chính phủ liên tục rà soát số lượng lớn các phương tiện truyền thông xã hội và dữ liệu mua sắm trực tuyến của bạn.

Vừa bước chân ra ngoài là hành động của bạn liền bị đưa vào mạng lưới săn lùng tội phạm: Bằng các Video Camera đặt trên từng con phố và khắp thành phố, Chính phủ thu thập một lượng thông tin khổng lồ. Nếu bạn phạm tội – hay chỉ đơn giản là qua đường một cách thiếu thận trọng – chương trình nhận dạng sẽ so sánh khuôn mặt của bạn với ảnh của bạn trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân quốc gia. Chẳng bao lâu sau cảnh sát sẽ xuất hiện trước cửa nhà bạn.

Đây dường như là xã hội không-tưởng-đen (dystopia), nhưng nó không ở quá xa: Đấy có thể là Trung Quốc trong vài năm tới. Nước này đang chạy đua để trở thành nước đầu tiên áp dụng hệ thống giám sát thuật toán rộng khắp. Sử dụng những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khai thác và lưu trữ dữ liệu nhằm xây dựng hồ sơ chi tiết về tất cả các công dân, nhà nước cộng sản Trung Quốc tính “điểm công dân” nhằm khuyến khích những hành vi “tốt”. Mạng lưới camera giám sát khổng lồ sẽ liên tục theo dõi việc đi lại của người dân, được cho là sẽ làm giảm tội ác và nạn khủng bố. Trong khi con mắt theo dõi mở trừng trừng theo kiểu Orwell [ý nói đôi mắt theo dõi trong tác phẩm 1984 của Orwell – ND] có thể cải thiện “mức độ an ninh công cộng”, nó cũng là mối đe dọa lạnh lùng đối với các quyền tự do dân sự ở đất nước với một trong những chính phủ áp chế và kiểm soát gay gắt nhất thế giới.

Một camera an ninh được gắn trước bức chân dung của cựu Chủ tịch Trung Quốc – ông Mao Trạch Đông nằm trên Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh, vào ngày 19 tháng 5 năm 2017.

Hệ thống giám sát kĩ thuật số đang phát triển của Trung Quốc sẽ dựa vào các cơ quan an ninh của đảng cộng sản để lọc, thu thập và phân tích một số lượng dữ liệu có thể làm người ta choáng váng, được truyền qua internet. Để biện hộ cho các biện pháp kiểm soát nhân danh an ninh quốc gia và ổn định xã hội, ban đầu Trung Quốc dự định phát triển hệ thống giám sát “Golden Shield”, tạo điều kiện cho các cơ quan an ninh dễ dàng truy cập vào hồ sơ của từng công dân được thu thập tại địa phương, khu vực và trên toàn quốc. Dự án đầy tham vọng này chủ yếu tập trung vào Vạn lý Hỏa thành (Great Firewall), mục tiêu là ngăn chặn các trang web của nước ngoài, trong đó có Google, Facebook và The New York Times. Theo Freedom House, Trung Quốc là nước có mức độ tự do internet thấp nhất thế giới. Giờ đây, cuối cùng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống thu thập dữ liệu đa dạng, phong phú mà họ đã mơ ước trong suốt hàng chục năm.

Trong khi Chính phủ Trung Quốc từng kiểm tra kỹ lưỡng bằng chứng về sự phản bội chế độ của từng công dân trong suốt một thời gian dài, thì bây giờ họ mới bắt đầu xây dựng bộ hồ sơ toàn diện, liên tục được cập nhật và chi tiết về quan điểm chính trị, những lời bình luận, giao thiệp của từng công dân và thậm chí là thói quen của người tiêu dùng nữa. Hệ thống về mức độ tin cậy xã hội đang được phát triển sẽ hợp nhất các hồ sơ từ các công ty tư nhân và các cơ quan chính phủ vào “điểm số công dân” duy nhất cho từng người dân Trung Quốc. Trong kế hoạch tổng thể năm 2014, Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra mục tiêu là “giữ vững niềm tin và những ràng buộc nhằm chống lại việc phá hoại niềm tin”. Mặc dù, hiện nay, đây là hệ thống tự nguyện, nhưng năm 2020 nó sẽ trở thành bắt buộc. Hiện 100.000 người Trung Quốc đã đăng điểm số cao trên mạng xã hội “Sesame Credit” do Alibaba điều hành – đây là mạng tiên phong trong khu vực tư nhân sẽ kết nối với hệ thống của chính phủ. Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ này tuyên bố rằng ứng dụng của họ chỉ theo dõi hoạt động tài chính và tín dụng của người sử dụng, nhưng hứa sẽ có “đánh giá toàn diện về người sử dụng”. Không khó tưởng tượng rằng chẳng bao lâu nữa nhiều người Trung Quốc sẽ khoe khoang về điểm số của mình.

Mặc dù vẫn chưa rõ những dữ liệu nào sẽ được xem xét, nhưng các nhà bình luận đã bàn rằng phạm vi của hệ thống sẽ rộng lớn đến mức có thể làm người ta lo ngại. Điểm “mức độ tin cậy của công dân” có khả năng ​​sẽ cân nhắc nhiều dữ liệu hơn hẳn điểm số Fico ở phương Tây, tức là điểm số giúp những người cho vay đưa ra quyết định nhanh chóng và đáng tin về việc có cho vay thêm hay không. Trong khi hệ thống Fico chỉ đơn giản là theo dõi xem bạn đã trả nợ và có quản lý hiệu quả vốn liếng của mình hay không, thì các chuyên gia về Trung Quốc và chuyên gia về quyền riêng tư trên Internet nói rằng – dựa trên số lượng lớn các dữ liệu về mua sắm trực tuyến do chính phủ khai thác được, mà không thèm quan tâm tới quyền riêng tư của người tiêu dùng – điểm số tin cậy của bạn có thể gia tăng nếu bạn mua món hàng mà chế độ thích – ví dụ, tã lót và giảm nếu bạn mua những thứ mà chế độ không thích, như trò chơi điện tử hay rượu. Ngoài lĩnh vực mua sắm trực tuyến, việc tham gia vào chính trị của bạn cũng có thể có ảnh hưởng lớn đến điểm số của bạn: Đăng các ý kiến ​​chính trị mà chưa được phép hay đưa những tin tức chính xác, nhưng chính phủ Trung Quốc không thích, có thể làm giảm điểm của bạn.

Đáng lo ngại hơn nữa là, về mặt kĩ thuật, Chính phủ sẽ có thể cân nhắc hành vi của những người bạn và người thân của công dân Trung Quốc trong khi cho điểm họ. Ví dụ, một bài viết mang tính chống chính phủ về mặt chính trị của người bạn của bạn có thể làm giảm điểm của chính bạn. Do đó, hệ thống chấm điểm có thể cô lập các nhà bất đồng chính kiến, không cho họ tiếp xúc với bạn bè và phần còn lại của xã hội, biến họ thành những người sống bên lề xã hội. Điểm của bạn thậm chí có thể quyết định quyền tiếp cận của bạn đối với một số quyền lợi mà ở Mỹ được coi là đương nhiên, ví dụ, chiếu khán để đi du lịch ra nước ngoài hay thậm chí là quyền đi lại bằng tàu hỏa hoặc máy bay ở trong nước. Một chuyên gia về bảo mật Internet cảnh báo: “Việc Trung Quốc đang làm là giáo dục theo lối chọn lọc dân chúng để họ phản ứng tiêu cực đối với tư duy mang tính phê phán và độc lập”.

Trong lúc người phương Tây và đặc biệt là các nhóm ủng hộ quyền tự do dân sự như ACLU (American Civil Liberties Union – Liên minh bảo vệ quyền tự do dân sự Mỹ) cảm thấy choáng váng trước viễn cảnh đó – một nhà bình luận gọi khả năng này là “chủ nghĩa độc tài, đã biến thành trò chơi” – một số người khác thì khẳng định rằng, thiếu vắng niềm tin là vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc, cho nên nhiều người Trung Quốc hoan nghênh hệ thống này. Tuy nhiên, hệ thống giám sát trên cơ sở dữ liệu, do nhà nước điều hành, được Đảng khuyến khích, đặt ra trước phương Tây những vấn đề sâu sắc về vai trò của các công ty tư nhân trong việc giám sát của Chính phủ. Việc các công ty tư nhân giúp đỡ trong việc giám sát quần chúng và chuyển dữ liệu của họ cho Chính phủ có phải là hành động đạo đức hay không? Alibaba (công ty Trung Quốc tương tự như Amazon) và Tencent (chủ sở hữu chương trình tin nhắn WeChat được nhiều người sử dụng) có dữ liệu về từng người Trung Quốc mà Chính phủ sẽ khai thác để tính điểm. Mặc dù hiện nay người ta đã yêu cầu các công ty Trung Quốc giúp đỡ trong việc theo dõi, còn các công ty Mỹ thì không, nhưng có thể tưởng tượng Amazon nằm ở vị trí của Alibaba, hay Facebook ở vị trí của Tencent. Mặc dù các công ty tư nhân, như các văn phòng chấm điểm tín dụng, luôn sử dụng dữ liệu nhằm đánh giá mức độ tin cậy của người tiêu dùng, trong những xã hội tử tế người ta phải phân biệt rõ giữa cơ chế chấm điểm của khu vực tư nhân và khu vực công, tức là khu vực có thể quyết định quyền tiếp cận các quyền và các đặc quyền của công dân.

Hệ thống đánh giá độ tin cậy dựa trên dữ liệu chỉ là một mặt của hệ thống giám sát kĩ thuật số đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc. Mạng lưới khác: dựa vào công nghệ đang mở rộng khắp nơi, đặc biệt là các camera giám sát, để theo dõi việc đi lại của người dân. Năm 2015, lực lượng cảnh sát quốc gia Trung Quốc - Bộ Công an - đã kêu gọi thành lập “mạng lưới giám sát video quốc gia có mặt khắp nơi, kết nối liên hoàn, lúc nào cũng nằm dưới quyền kiểm soát”. Bộ Công an và các cơ quan khác tuyên bố rằng lực lượng thực thi pháp luật phải sử dụng công nghệ nhận dạng nét mặt, kết hợp với các máy quay video để bắt những người vi phạm pháp luật. Theo ước tính của IHS Markit (Information Handling Services Markit – công ty chuyên cung cấp thông tin và phân tích), hiện Trung Quốc có 176 triệu camera, kế hoạch là năm 2020 sẽ có 450 triệu chiếc được lắp đặt khắp nơi. Theo Văn phòng An toàn Công cộng Bắc Kinh (Beijing Public Safety Bureau), 100% dân chúng Bắc Kinh hiện đã nằm trong tầm giám sát của hệ thống camera này.

Mục tiêu đề ra của hệ thống này là bắt và ngăn chặn bọn tội phạm. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những nguy cơ to lớn và hiển nhiên đối với quyền riêng tư và một ít quyền tự do mà công dân Trung Quốc đã giành được từ thời Mao. Hình phạt đối với các tội ác nhỏ dường như không hợp lý: Các nhà chức trách ở Phúc Châu công bố trên các phương tiện truyền thông địa phương tên của những người sang đường một cách thiếu thận trong và thậm chí còn gửi cho những người đang thuê họ. Nhưng, đáng lo ngại hơn là những người có quan hệ với các nhà bất đồng chính kiến ​​hoặc những người chỉ trích, tức là người lan truyền những bản kiến ​​nghị hay tung ra biểu tượng phản đối hay chỉ đơn giản là vô tình có mặt tại địa điểm và thời điểm không nên có mặt ớ đó, cũng bị trừng phạt. Do đó, việc cài đặt giúp chính phủ bộ máy có thể nhìn thấy hết làm cho những người bảo vệ quyền tự do dân sự và quyền riêng tư trên toàn thế giới lo ngại. Chính phủ Trung Quốc đã thường xuyên theo dõi điện thoại di động và các phương tiện truyền thông xã hội của các nhà hoạt động nhân quyền nhân danh “giữ vững ổn định”. Hệ thống giám sát bằng video sẽ cho phép giám sát một cách sâu rộng và triệt để hơn nữa. Đưa công khai những đoạn băng lên mạng đe doạ quyền riêng tư của mọi người dân: Một người hàng xóm bận rộn có thể dễ dàng theo dõi các hoạt động của gia đình bên cạnh khi họ làm việc vặt hoặc đi nghỉ.

Các thí nghiệm của Trung Quốc với việc giám sát công nghệ số tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng mới đối với tự do ngôn luận trên internet và các quyền con người khác ở Trung Quốc. Ngày càng có nhiều công dân phải kiềm chế việc thể hiện một cách độc lập hoặc phê phán vì sợ dữ liệu hoặc việc đi lại của mình bị Chính phủ ghi lại và trừng phạt. Và đó chính là mục đích của chương trình này. Hơn nữa, những hiện tượng xuất hiện ở Trung Quốc sẽ không chỉ nằm mãi ở Trung Quốc. Công nghệ đàn áp của nước này có thể lan sang các chế độ độc tài khác trên khắp thế giới. Vì thế – chưa nói tới sự lo lắng cho hàng trăm triệu người ở Trung Quốc mà quyền tự do ít ỏi của họ sẽ bị teo đi – các chế độ dân chủ trên toàn thế giới phải theo dõi và tố cáo những hành động nham hiểm đang trượt dần tới cái thế giới mà Orwell đã mô tả.

A.M. & L.D.
Anna Mitchell là nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu ở Stanford University.
Larry Diamond là công tác viên cao cấp ở Hoover Institution và ở Stanford University.

Bản gốc The Atlantic








No comments:

Post a Comment

View My Stats