Wednesday, 14 February 2018

HỎI HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG : "AI LÀ 'QUÂN NỔI DẬY'?" (Nguyễn Văn Lục)




Nguyễn Văn Lục
Posted on February 14, 2018 by editor_

Cái này để dân Huế hỏi tội ông. Ai và những ai là quân nổi dậy ở Huế? Thưa ông Hoàng Phủ Ngọc Tường?

Cách đây gần 3 năm, ngày 16/9/2015, cũng trên DCVOnline.net này, tôi đã viết một bài với nhan đề “Trường hợp Hoàng Phủ Ngọc Tường” để cho thấy rằng: một mặt ông khẳng định ông không có mặt ở Huế trong dịp tết Mậu Thân qua bài phỏng vấn của Thụy Khuê nhân dịp ông đến Paris (“Nói chuyện với Hoảng Phủ Ngọc Tường về biến cố Mậu thân Huế”, RFI, 12 tháng 7, 1997). Nhưng năm 1982, trên đài truyền hình WGBH– TV ở Boston của Mỹ trong chương trình “Vietnam: A Television History” đoạn “Tet, 1968; Interview with Hoang Phu Ngoc Tuong” ông đã xác nhận ông có mặt ở Huế và nói như với tư cách một người đại diện chính quyền cộng sản.

Để chứng tỏ rằng, người ta không vu khống cho Hoảng Phủ Ngọc Tường, mời bạn đọc theo dõi nguyên đoạn phim 15 phút của WGBH-TV Boston phỏng vấn HPNT ngày 29 tháng 2, 1982, “Interview with Hoang Phu Ngoc Tuong, 1982” sau đây để thấy rõ ai là nạn nhân của ai?

Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời WGBH-TV Boston

Trích đoạn:

“Tôi đã đi trên những, những đường, đường hẻm mà ban đêm. Tôi tưởng là bùn, thì tôi mở ra, bấm đèn lên thì toàn là máu, lầy lội như vậy…Nhất là những ngày cuối cùng khi chúng tôi rút ra…” 5’57”- 6’14”

Cái lỗi lầm của ông là đã mạo danh hay ông nghĩ rằng muốn làm vừa lòng đảng, ông phải nói như thế ở ngôi thứ nhất, xưng tôi, như người trong cuộc để lên án Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.

Bài viết của tôi khi ấy chỉ nhằm chứng tỏ ông nói mâu thuẫn “tiền hậu bất nhất” nếu không nói thẳng ra là ông đã nói dối. Tôi không đặt vấn đề ông giữ vai trò gì ở Huế hoặc ông đã làm gì ở Huế và không có một lời kết án ông một cách vô bằng cớ.

Thái độ của tôi đối với ông cũng như của đa số dân miền Nam, trong đó có dân Huế coi ông là người thuộc phía bên kia. Chúng tôi chống cộng sản cũng như ông chống phá miền Nam – những người Quốc gia – mà trước đó ông là một thành phần. Và đó là sự chọn lựa của ông.

Những thành phần đi theo cộng sản như ông đã dẫn đường, chứa chấp, cung cấp và nhất là làm chi điểm cho quân “giải phóng” để giết hại quân dân cán chính miền Nam. Phải gọi ông là gì cho xứng đáng đây khi các ông miệt thị gọi chúng tôi là bọn Mỹ– Ngụy? Cùng lắm có những người có sự xung động tình cảm gọi ông là thành phần “phản bội” hay “ăn cơm Quốc Gia thờ ma cộng sản”. Điều đó cũng không sai lắm đâu.

Điều đó làm tôi thắc mắc mãi. Trong đợt tổng công kích đợt hai, tháng 5, tại khu Ngã Tư Bảy Hiền. Một anh Việt cộng bị tiểu đoàn 7 nhảy dù bắt làm tù binh. Tay anh bị trói ra đằng sau. Không ai ra lệnh, môt anh lính nhảy dù đã đút cho người linh Việt cộng ăn hết một cái bánh chưng! Chuyện giết chóc tạm gác lại và trước mắt chỉ là một người lính bị thương và đang đói.

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường nghĩ gì, các bạn đọc nghĩ gì về hai cách ứng xử của đôi bên. Cảnh ấy còn gặp nhiều lần ở những nơi khác

Cứ theo lẽ thường, như một người bạn tôi tâm sự cho biết, nếu anh ấy biết được các ông làm chỉ điểm để giết hại bố của anh ấy thì chắc hẳn, anh sẽ tìm đủ cách để giết lại kẻ đã giết hại cha mình. Chuyện ấy xem ra cũng là chuyện bình thường, có vay có trả.

Những người dân Huế chạy qua cầu Tràng Tiên trên Sông Hương để trốn quân cộng sản trong cuộc Tổng tấn công  Tết Mậu Thân 1968  tại Huế. Nguồn: © CORBIS / Corbis qua Getty Images.

Nhưng xem ra dân Huế, nhất là những người có bố mẹ anh em bị cộng sản giết hại trong dịp tết Mậu Thân mà nay để cho bọn nằm vùng ấy sống phởn phơ ở Huế thì tỏ ra người dân Huế “hiền” quá.

Đáng lẽ phải có chuyện trả thù và nếu phải có đổ máu thì giờ này ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đang ở đâu?

Tuy nhiên, những người bênh vực ông, cũng như ông, dù biết có gian trá, không một người nào có can đảm nói thẳng, nhìn nhận ông đã nói dối. Vì thế, lập luận của họ cứ quanh co, úp mở, không thuyết phục được ai. Đã mấy chục năm có lẻ, ông vẫn cố tình che giấu sự thật để cho người đời nguyền rủa, chửi bới, lăng mạ, bôi nhọ đủ kiểu.

Cho nên, ông đã khổ sở bị bạn bè nghi ngờ, bị người đời nguyền rủa, sống trong sự nhục nhã, hiểu lầm. Và nếu có một cái được gọi là bi kịch thì bi kịch ấy do chính ông dựng lên.
Nay thì ông đã nhìn nhận mình đã nói dối. Sao ông hèn và thiếu can đảm như vậy? Nếu ngay từ đầu ông dám nói thật thì đâu đến nỗi bị người đời nguyền rủa. Ông cũng sẽ giống như Lê Văn Hảo, Thích Đôn Hậu, bà Tuần Chi, Trần Vàng Sao, chẳng ai thèm đá động tới.

Vì thế, tất cả những ai bênh vực ông đặt vấn đề như “Bi kịch đao phủ Mậu Thân”, “Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường” như của Ngô Minh. Hay như “Hội chứng chính nghĩa” hay “Bi kịch của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là bi kịch của chúng ta” trong Tiếng chim báo bão của Tiêu Dao Bảo Cự, hay Nguyễn Quang Lập, viết sau “Lời cuối cho câu chuyện quá buồn” đều rơi vào tình trạng đồng lõa gián tiếp, toa rập với Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Cộng đồng người Việt hải ngoại đã lên tiếng về trường hợp Hoàng Phủ Ngọc Tường và tùy theo mức độ hiểu biết, mức độ hận oán đôi khi quá cực đoan, kết án nhiều khi vô bằng. Điển hình là ông Liên Thành, một cựu thiếu tá cảnh sát ở Huế. Phần lớn những lời kết án của ông Liên Thành đều thiếu bằng cớ, đặt những người như Hoàng Phủ Ngọc Tường ở một vai trò quá quan trọng mà thực sự nếu họ có vai trò gì thì chỉ là vai trò “bù nhìn”, vai trò tay sai, vai trò chỉ điểm, vai trò dẫn đường.

Trong lá thư của ông, ông tỏ vẻ khinh miệt ông Liên Thành. Điều đó, tốt hơn hết, ông nên nhìn lại tự bản thân mình đã làm được điều gì? Cái mà ông đã làm, dưới mắt tôi, ông chỉ là một tên phá hoại.

Vì Hoàng Phủ Ngọc Tường nay đã nhận lỗi, nghĩa là có tội nên những chữ dùng như Bi Kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là bi kịch của chúng ta, Hội chứng chính nghĩa, Một câu chuyện quá buồn đều trở thành vô nghĩa.

Nếu có bi kịch là bi kịch của mấy người, của những kẻ đã trót theo cộng sản rồi bị lừa. Nào phải bi kịch của chúng tôi? Và làm thế nào bi kịch của Hoàng Phủ Ngọc Tường lại chuyển sang bi kịch của chúng ta được? Buồn cười thật!

Những tâm trạng của Đặng Tiến, Ngô Minh, Tiêu Dao Bảo Cự thì không thể bắt người khác chia xẻ một cách ngây ngô và lố bịch như vậy.

Các ông cứ việc buồn, nhưng chúng tôi không thể chia xẻ cái buồn ấy được. Đó là việc của các ông và đừng chủ quan tưởng rằng chúng tôi cũng chia xẻ cùng tâm trạng ấy.

Nay thì ván bài đã lật ngửa! Vào lúc cuối đời – tuổi đã 81, biết mình không qua khỏi – ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, bí danh là Thuyết, đã nhận lỗi trong một lá thư đề ngày 1– 2– 2018. Nhận lỗi vì ông đã hăng hái “bảo vệ cách mạng”! Nhận lỗi vì “hành động giết oan” của quân nổi dậy.

Đối với tôi thì ông “không đủ tư cách” gì để đứng ra xin lỗi thay cho quân “nổi dậy” “giết oan”. Cái bi kịch của đời ông là do chính ông với cá tính hoang tưởng và cao ngạo, tưởng mình “ngon” khi được Hà Nội phong tước Tổng thư ký trong Liên Minh các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ và Hòa Bình bên cạnh Lê Văn Hảo và bà Tuần Chi cũng như những người khác như Thích Đôn Hậu, Nguyễn Đóa và Tôn Thất Dương Tiềm.

Có người bênh vực ông với bài viết “Cái họa của người nổi tiếng”. Thiếu gì người nổi tiếng. Cái nổi tiếng của Hoàng Phủ Ngọc Tường tuyền là tiếng xấu chứ nào có tiếng tốt.

Vì thế, tôi không nghĩ như vậy. Cái họa nổi tiếng của ông nếu có của ông là cái họa vạ miệng.

Nói cho cùng, cái tổ chức của Hoàng Phủ Ngọc Tường do cộng sản dựng lên tồn tại được bao lâu? Hai tháng? Nó cũng chỉ là một sản phẩm được Hà Nội ngụy tạo như trước đây với MTGPMN.

Cho nên, sự có mặt hay không có mặt của ông ở Huế không làm thay đổi số phận của những người dân Huế vô tội.

Trong một dịp sang Montréal, tôi không nhớ năm nào, nhưng chỉ biết là nhân dịp lần đầu tiên ông Thích Nhất Hạnh về Việt Nam – một cán bộ cộng sản đã từng tập kết ra Bắc rồi trở lại Huế nằm vùng từ năm 1965, cũng là bạn đồng chí của Hoàng Phủ Ngọc Tường – nhà văn Tô Nhuận Vỹ với tư cách một người cầm bút phía bên kia đã nói với tôi tại nhà:

“Các anh ở ngoài này đã đánh giá sai vai trò của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Khi họ nhảy núi, chính tôi là người tiếp đón họ.”

Tôi nghĩ, ông Tô Nhuận Vỹ có cái lý của ông vì ông hiểu rõ tổ chức, cơ cấu của Đảng cộng sản.

Những tước vị được phong chỉ là truyện “phong thần”, chuyện bánh vẽ. Chỉ những kẻ ngu muội mới tin là thật. Hoàng Phủ Ngọc Tường lại ngây thơ tin là thật. Nguyễn Đắc Xuân cũng tin là thật vênh váo với hai chữ Ủy viên của Mặt trận.

Đám đông tụ tập tại nghĩa trang trong lễ tưởng niệm các nạn nhân bị thảm sát trong cuộc tấn công của cộng sản dịp Tết Mậu Thân 1968, Huế, Việt Nam, ảnh thập niên 1970. Nguồn: PhotoQuest/Getty Images.

Ngày hôm nay, cần khẳng định việc xin lỗi của ông chỉ là lời tự bào chữa, xin lỗi cho cá nhân ông. Ngay cả ý kiến của ông Lê Minh, người trực tiếp có mặt trong trận đánh Mậu Thân ở Huế cho rằng cần giải oan cho những nạn nhân ở Huế cuối cùng cũng chẳng có tác dụng gì.

Mọi quyết định giết ai, tha ai đều đến từ Hà Nội. Nên muốn giải oan hay không cũng đến từ Hà Nội và chỉ Hà Nội mới có quyết định. Nguyễn Đắc Xuân đòi giải oan thì đó là việc của cá nhân ông. Hà Nội vẫn quyết định ăn mừng chiến thắng Mậu Thân kể chi đến cuộc thảm sát ngoài Huế. Đó là trách nhiệm tinh thần mà người Huế phải làm cho bằng được.

Cho nên, tất cả những bi kịch của Mậu Thân ở Huế không nên đổ lên đầu Hoàng Phủ Ngọc Tường vì một lẽ giản dị ông không có một chút quyền hành gì ở mặt trận Huế và không thể nào một mình Hoàng Phủ Ngọc Tường gánh cho nổi.

Nó là cả một chiến dịch chuẩn bị từ 3 năm trước. Mà người quyết định chính là Lê Duẩn, nằm ở Hà Nội. Trên chiến trường, quyết định đánh hay không đánh, giết hay không giết là từ những người như tướng Trần văn Quang, Lê Chương và Lê Minh.

Và cái người đáng nguyền rủa, đáng kết tội là những người chỉ huy ở trên. Cho nên, Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt ở Huế hay không ở Huế thì điều đó chẳng thay đổi được gì.

Nếu kết án Hoàng Phủ Ngọc Tường thì phải kết án luôn cả một tập đoàn đông đảo trí thức Huế cộng với các thầy tại Từ Đàm. Họ là những Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đính, Trần Thị Ngọc Dư, Nguyễn Thị Đoan Trinh, Lê Văn Tài, Lê Văn Hảo, Đào Thị Yến, tức bà Tuần Chi, Nguyễn Thiết, Thich Đôn Hậu, Phạm Thị Xuân Quế, Nguyễn Đóa, Tôn Thất Dương Tiềm.

Rồi chẳng bao lâu nữa sau khi ông nằm xuống người ta có thể tha thứ cho ông, nhưng quên thì không thể nào quên được

Vài lời cuối

Đối với đa số dân chúng miền Nam cũng như dân chúng Huế, họ coi những thành phần đi theo cộng sản như ông, những người đã dẫn đường, đã chứa chấp, đã cung cấp và nhất là làm chi điểm cho quân “giải phóng” để giết hại quân dân cán chính miền Nam tại Huế năm 1968, như kẻ thù mới phải. May là họ đã không coi các ông là kẻ thù. Điều đó mới là lạ.
Đáng lẽ, phải có một cuộc “tắm máu” những bọn nằm vùng.

Phải lấy làm lạ, hay là may mắn người dân Huế vô tội đã không hành xử như vậy. Phải nghĩ, đó là cái may mắn cho các ông. Như trường hợp của người bạn tôi, nếu biết được các ông đã chỉ điểm để giết hại bố của anh ấy thì chắc hẳn anh sẽ tìm đủ cách để giết lại kẻ đã giết cha mình.

Xem ra dân Huế, nhất là những người có bố mẹ anh em bị cộng sản giết hại trong dịp tết Mậu Thân mà nay để cho bọn “nằm vùng” ấy sống phởn phơ ở Huế cho thấy dân Huế “hiền” quá.

Ông còn được thong thả ngồi xe lăn là một điều may mắn cho ông rồi.

Nhưng chứng nào vẫn tật ấy. Gần đất xa trời rồi mà ông vẫn chưa biết thực sự hối cải. Ông vẫn cúi đầu, bợ đỡ đảng, thờ lạy một thần tượng đã mục rữa ở hang Pắc Pó khi ông cho rằng những người dân Huế bị giết oan do quân nổi dậy, chứ không phải do quân “giải phóng”.

Ngoài bọn nằm vùng như ông, làm gì có quân nổi đậy. Thêm một lần nữa, đây là một thái độ hèn nhát, bỉ ổi chạy tội cho đảng.

Cái này để dân Huế hỏi tội ông. Ai và những ai là quân nổi dậy ở Huế? Thưa ông Hoàng Phủ Ngọc Tường?

Tết Mậu Thân, một toán quân Việt Cộng trong đợt Tổng tấn công-không có nổi dậy của cộng sản ở miền Nam Việt Nam, năm 1968. Nguồn:  Ảnh: Sovfoto / UIG qua Getty Images)

© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

*
Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline minh hoạ và hiệu đính. Nguyen304 đề tựa video clip “Hoàng Phủ Ngọc Tường, The Butcher of Huế”







No comments:

Post a Comment

View My Stats