RFA
9-2-2018
Với
sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội Facebook trong những năm gần đây, nhiều
nhà hoạt động tại Việt Nam sử dụng công cụ mạng xã hội để công khai bày tỏ quan
điểm, chính kiến, hay tố cáo những viên chức sai trái. Những trình bày như thế
thu hút được sự quan tâm theo dõi của nhiều cư dân mạng. Tuy nhiên, việc bày tỏ
tự do ngôn luận này đang bị nhà cầm quyền đàn áp bằng biện pháp bắt bớ và tuyên
án nhiều năm tù.
'Góp
phần xây dựng một đất nước cường thịnh và giàu có'
Vào
ngày 9 tháng 2 năm 2018, Ông Nguyễn Văn
Trường, một người dùng mạng xã hội Facebook phát hình trực tiếp để nói về
các vấn đề nóng của xã hội vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái
Nguyên khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do, dân chủ
xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
theo Điều 331 – Bộ luật Hình sự 2015’
Cơ
quan An ninh điều tra ghi lời khai ông Nguyễn Văn Trường. Courtesy of Báo
công an nhân dân
Bản
tin báo Công an Nhân dân ngày 9 tháng 2 năm 2018 cho rằng ông Nguyễn Văn Trường
đã ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ trong việc khiếu nại tố cáo, quay các video
clip, viết bài phát tán trên mạng xã hội Facebook với nội dung bôi nhọ, hạ uy
tín, vu khống, công kích, xúc phạm một số cá nhân, cơ quan Nhà nước làm công
tác tố tụng ở Trung ương và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.’ Vụ bắt giữ ông Trường
có thể xem là vụ bắt giữ đầu tiên trong năm 2018 vì điều 331 Bộ luật Hình sự
2015 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018.
Ngoài
ông Nguyễn Văn Trường, hiện còn có các nhà hoạt động khác tại nhiều nơi vẫn sử
dụng công cụ phát hình trực tiếp trên mạng xã hội để trình bày chính kiến của
mình. Một người trong số đó là ông Ngô Văn Dũng ngụ tại thành phố Buôn Mê Thuột,
tỉnh Đắk Lắk. Ông Dũng hiện là chủ tài khoản Facebook Dung Van Ngo, được sử dụng
để phát video trực tiếp bàn luận về những vấn đề nóng trong xã hội.
Ông
Dũng cho biết lý do vì sao ông muốn thể hiện quan điểm của mình thông qua công
cụ phát hình trực tiếp trên mạng xã hội.
Ông
Ngô Văn Dũng: Là
một người công dân Việt Nam và tư cách là một nhà báo tự do sống trên quốc gia
này thì tôi mong muốn rằng tất cả người dân Việt Nam kể cả cơ quan công quyền của
nhà nước thực hiện theo Hiến pháp và luật pháp một cách đúng và chuẩn mực, để
góp phần xây dựng một đất nước cường thịnh và giàu có, sánh vai cùng các cường
quốc năm châu. Đó là mong muốn của nhân dân cả nước cũng như của bản thân tôi.
Hiện
tại, tài khoản Facebook có tên Nguyễn Văn Trường, được cho là của ông Nguyễn
Văn Trường, người vừa bị bắt có tổng cộng 165 video phát trực tiếp được đánh số.
Các video này có số lượng người xem, tương tác và chia sẻ rất cao, lên đến hàng
ngàn lượt.
Cũng
giống như tài khoản của ông Nguyễn Văn Trường, kênh truyền hình có tên CHTV
phát trên tài khoản Facebook của Ông Ngô Văn Dũng cũng đã có hơn 120 video. Các
video này được đánh số và chiếu cảnh chính ông bàn luận hoặc phỏng vấn người
khác về các vấn đề thời sự. Ông Dũng cho biết thêm bản thân ông cũng từng bị
công an mời lên trao đổi về các sản phẩm trên mạng xã hội của mình.
Ông
Ngô Văn Dũng: Bản
thân tôi cũng bị mời hai lần. Lần đầu tôi không đi, nhưng lần sau tôi đi thì họ
đối xử với tôi một cách chuẩn mực. Phía công an cũng rất tôn trọng, và thực sự
họ đã tôn trọng Hiến pháp.
'Sẵn
sàng đón chờ mọi hậu quả'
Ngày
31 tháng 1 năm 2018, tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét
xử ba nhà hoạt động Nguyễn Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, và Trần Hoàng Phúc với
cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Phiên tòa kết thúc với các mức án 8 năm tù và 5 năm quản chế đối với ông Nguyễn
Quang Thuận, 6 năm tù và 4 năm quản chế đối với anh Nguyễn Văn Điển, và 6 năm
tù cùng 4 năm quản thúc tại gia cho anh Trần Hoàng Phúc. Cả ba người bị Hội Đồng
Xét Xử buộc tội ‘tàng trữ tài liệu, làm, đăng tải các video có nội dung tuyên
truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet.’
Tại
phiên tòa, các luật sư của các bị cáo đã yêu cầu thẩm phán chủ tọa phiên tòa
cho phép trình chiếu các video được cho là chứng cứ buộc tội họ. Tuy nhiên, Hội
Đồng Xét Xử từ chối với lý do không đủ cơ sở vật chất.
Chúng
tôi liên lạc với luật sư Hà Huy Sơn, người trực tiếp tham gia bào chữa cho các
bị cáo tại phiên tòa để hỏi về các quy định về hành vi vi phạm pháp luật liên
quan đến các video phát trực tiếp trên mạng xã hội. Luật sư Hà Huy Sơn cho biết
như sau.
LS.
Hà Huy Sơn: Pháp
luật Việt Nam có điều 25 của Hiến pháp là có quyền tự do ngôn luận, nhưng điều
này lại được thực hiện theo luật pháp quy định, nên ranh giới thế nào là vi phạm
pháp luật đối với quyền tự do ngôn luận thì theo tôi chưa biết chưa có văn bản
luật hóa nào của Hiến pháp quy định.
Mặc
dù đối mặt với sự không rõ ràng về mặt luật pháp trong những quy định về việc tự
do ngôn luận cũng như tình trạng bắt bớ và các bản án nhiều năm tù dành cho những
Facebooker bất đồng chính kiến, ông Ngô Văn Dũng chia sẻ quan điểm của mình.
Ông
Ngô Văn Dũng: Bản
thân tôi không phải là một dân oan, cũng không phải bất kỳ trường hợp nào oan
sai nhưng tôi nhận xét xã hội này cần phải lên tiếng để xây dựng. Chính vì vậy
tôi có một tinh thần rất lạc quan và sẵn sàng đón chờ mọi hậu quả hay một tình
huống nào đó đến với mình.
Luật
sư Hà Huy Sơn nhận xét về thực tế ở Việt Nam khi thực hiện việc tự do ngôn luận.
LS.
Hà Huy Sơn: Theo
tôi thì trong khi pháp luật chưa rõ ràng, mọi người bày tỏ quan điểm nên đưa ra
các chứng cứ dựa trên quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam để bày tỏ quan
điểm.
Bản
thân ông Ngô Văn Dũng quả quyết rằng ông luôn tôn trọng Hiến pháp và luật pháp
của nhà nước, và đó cũng là cơ sở mỗi khi ông lên tiếng.
Ông
Ngô Văn Dũng: Tất
nhiên lúc nào tôi cũng tôn trọng hiến pháp và luật pháp và những gì tôi nói lên
cũng dựa trên cơ sở hiến pháp và luật pháp, vì tôi không thể thoát khỏi những
gì mà luật pháp cấm.
Ngoài
trường hợp của ông Ngô Văn Dũng, vẫn còn nhiều những người dân, những nhà đấu
tranh, nhà bất đồng chính kiến khác hiện đang thể hiện chính kiến của họ bằng
công cụ phát hình trực tiếp trên mạng xã hội Facebook cũng như thực hiện các
video clip tải lên Youtube. Liệu trong thời gian tới những người này có thể tiếp
tục được phép bày tỏ quan điểm cá nhân như hiện nay hay không? Hay chăng họ sẽ
bị buộc phải dừng lại qua biện pháp bắt giam và khởi tố của nhà cầm quyền?
Tin,
bài liên quan
No comments:
Post a Comment