Tuesday 6 February 2018

BẢN TIN SÁNG 6/2/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
VOA đưa tin: Trung Quốc gần hoàn tất việc quân sự hóa Biển Đông. Đây là ý kiến bình luận của báo Inquirer của Phillippines và The Straits Times bên Singapore, dựa trên “các bức ảnh chụp từ trên không”. Theo đó, “những bức ảnh này cho thấy các rạn san hô đã được biến đổi thành các hòn đảo nhân tạo trong giai đoạn hoàn thành để phục vụ cho căn cứ không quân và hải quân”.

Ông Eugenio Bito-onon Jr., cựu thị trưởng thị trấn Kalayaan trên đảo Pag-asa, hòn đảo lớn nhất mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, nhận định: “Những bức ảnh này phản ánh đúng sự thật. Tôi đã bay với hãng truyền hình HBO trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào năm 2016. Khi ấy, chúng tôi nhận được cảnh báo từ phía Trung Quốc vì chúng tôi bay vòng quanh các hòn đảo. Còn bây giờ đã có thêm các cơ sở mới”.

Không ảnh Đá Vành Khăn (Mischief) chụp từ máy bay quân sự của Philippines. Nguồn: Reuters

Báo Thanh Niên đưa tin: Tàu hậu cần quân sự Trung Quốc cấp hàng cho Gạc Ma. Tác giả chia sẻ: Cuối tháng 1/2018, “khi đang tác nghiệp trên đảo Len Đao (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) thì chúng tôi nghe hiệu lệnh báo động ‘Tàu quân sự nước ngoài tiếp cận vùng biển Cô Lin – Len Đao – Gạc Ma’. Từ đài quan sát trên nóc đảo Len Đao, chúng tôi phát hiện 1 tàu quân sự rất lớn mang số hiệu 961, mang cờ Trung Quốc”.
Bài viết dẫn lời một số cán bộ hải quân Việt Nam cho biết: “Tàu 961 mới xuống hoạt động tại khu vực Trường Sa khoảng nửa tháng nay và mới chạy từ đá Chữ Thập lên giao nhận hàng hóa, nguyên liệu cho Gạc Ma, sau đó sẽ tiếp tục ngược lên phía bắc cấp hàng cho căn cứ Ga Ven, Su Bi”.

Tàu 961 của Trung Quốc nhìn từ khoảng cách 15 km. Ảnh: Mai Thanh Hải/TN

VOA viết: ‘Bộ tứ’ lên kế hoạch chống Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, nhóm 4 quốc gia gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ “duy trì mở cửa Biển Đông cho quốc tế sử dụng, bất chấp sự kiểm soát ngày càng tăng của Trung Quốc”, đồng thời trợ giúp cho các “đối thủ hàng hải” của Trung Quốc, nhằm tranh nguy cơ xung đột quân sự nhưng vẫn ngăn chặn được tham vọng của Bắc Kinh ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương.

Chuyên gia Ben Ho từ Singapore bình luận: “Điều thực tế nhất họ có thể làm là ban hành một số tuyên bố về tranh chấp Biển Đông. Thậm chí, tôi cho rằng họ cũng sẽ không nêu tên cụ thể Trung Quốc trong một tuyên bố như vậy”.

Cầu nguyện đưa những linh hồn người bảo vệ biển đảo năm xưa. Ảnh: báo TN&MT

Quan hệ Việt – Trung
VOA có bài: Việt Nam-Trung Quốc: “Hai Quốc gia, Một trạm Kiểm soát Cửa khẩu”. Bài viết bàn về hệ thống “Hai quốc gia, một trạm kiểm soát cửa khẩu” mà Bắc Kinh và Hà Nội đang thảo luận. Trong bài có đoạn: “Khái niệm ‘Hai quốc gia, một trạm kiểm tra cửa khẩu’ gây lo ngại, bởi vì… nó gợi nhớ khái niệm ‘Một quốc gia, 2 thể chế’ nối kết Trung Quốc với Hong Kong giữa lúc Bắc Kinh đang có những động thái đi ngược lại cam kết”.

TS Nguyễn Quang A nhận định: “Dự án này có lợi cho Trung Quốc để thực hiện cái gọi là chiến lược ‘tằm ăn dâu’ lấn chiếm đất, bởi vì nó tạo điều kiện dễ dàng cho người Trung Quốc vào Việt Nam hơn là người Việt Nam vào Trung Quốc, kể cả dưới chiêu bài du lịch”.

Thủ tướng thăm Lào
Trang Nhà Báo và Công Luận đưa tin: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thoonglun Sisulith đồng chủ trì kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ. Bài báo cho biết: “Trong năm 2018, hai bên thống nhất tập trung thực hiện tốt các Tuyên bố chung và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước; các thỏa thuận giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, trong đó có thỏa thuận tại kỳ họp này; thúc đẩy quan hệ chính trị- đối ngoại- an ninh quốc phòng”.


50 năm Mậu Thân
BBC bàn về 4 điều bạn cần biết về Trận Mậu Thân 1968. Bốn điều đó là: Chủ trương tấn công từ khi nào? Mậu Thân gồm mấy đợt? Tổn thất của Bắc Việt và Mặt Trận? Và các con số đưa ra từ các nguồn nước ngoài.

Bài viết lấy dữ liệu từ tài liệu “Lịch sử Ðảng Cộng sản Việt Nam, tập 2 – 1954-1975” về tổn thất của quân CS Bắc Việt và Mặt trận dân tộc “giải phóng” miền Nam Việt Nam: “111.306 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và chính trị ở miền nam đã hy sinh và bị thương, hàng vạn quần chúng cách mạng đã ngã xuống”. Hãng tin AFP cho rằng: “Chừng 58 nghìn quân cộng sản đã thiệt mạng trong đợt tấn công”.

Theo phóng viên Peter Arnett của hãng AP, người đã đưa tin trực tiếp từ Sài Gòn ngày 21/02/1968, đã có khoảng “140 nghìn người bị giết chỉ sau 10 ngày chiến sự”. Ông Arnett bình luận: “Con số chính thức, cho thấy vụ đổ máu này phải thuộc tầm tàn sát lớn nhất trong lịch sử vốn đã đau thương 4000 năm của Việt Nam”.

                                https://www.youtube.com/watch?v=YLO4rrvjGOo

Trong khi các báo nước ngoài thống kê số người thiệt mạng ở cả 2 phía, thì báo chí trong nước, như trang Kinh Tế Đô Thị vẫn nhìn sự kiện Mậu Thân như bài học lịch sử cần ghi nhớ. Bài báo có đoạn bàn về mục đích của chiến dịch Mậu Thân: “Làm cho nước Mỹ rúng động, từ đó ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris”. Bài không đề cập tới chuyện lãnh đạo CS Bắc Việt đã không tiếc mạng người dân lẫn binh lính của cả 2 miền Nam, Bắc để tạo ra chuyển biến có lợi cho họ.

Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài: 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 – Tri ân và tiếp bước. Bài báo bình luận: “Cả miền Nam, cả Sài Gòn trở thành cứ điểm. Ngay giữa lòng đô thành, ngay tại trung tâm đầu não của kẻ thù, cách mạng đã gầy dựng nên một chiến lũy của lòng dân”, nhưng không giải thích được tại sao có “chiến lũy của lòng dân” mà quân CS Bắc Việt vẫn phải thảm sát dân thường để có “chiến công”.
Không có tờ báo trong nước nào nhìn vào con số hơn 100.000 lính thương vong của phía Bắc Việt và Mặt trận, như các báo “lề dân” và các báo nước ngoài nói tới. Bởi chính họ hiểu, nếu họ viết, dù chỉ vài dòng về những con này, thì chẳng khác nào họ thừa nhận thất bại quân sự trong chiến dịch Mậu Thân.

Cây cầu chính bắc qua Sông Hương, thành phố Huế bị Việt Cộng đánh sập hôm 6/2/1968. Nguồn: AP/RFA


Xây lăng mộ 1.400 tỷ
Kế hoạch xây lăng mộ 1.400 tỷ dành cho các lãnh đạo đảng đang bị dư luận lên tiếng chỉ trích mấy ngày qua. VietNamNet có bài: Sống, gần dân; về, giữa lòng dân. Bài viết so sánh: “Sống, một lòng vì nước vì dân. Chết, vì cách mạng, vì dân, vì nước, người cộng sản đến với cái chết thật thanh thản, nhẹ nhàng, chẳng chút so đo hơn thiệt! Người chiến sỹ cộng sản thời kỳ đầu cách mạng vô sản với người đảng viên cộng sản bây giờ, có gì khác?

Báo Người Lao Động bình luận về chuyện xây nghĩa trang 1.400 tỷ đồng: Lãng phí, chưa cần thiết! Bài viết lưu ý: “2017 là năm mà Việt Nam phải chịu rất nhiều tổn thất từ thiên tai… thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng, sản xuất đình trệ”. Tuy nhiên, quan chức CSVN vẫn tính làm dự án “lăng mộ” nghìn tỷ, có lẽ vì họ tin rằng dân chúng “được” chứng kiến công trình như vậy sẽ quên cái đói, cái nghèo.

VOA đặt câu hỏi: Phản ứng mạnh có làm dừng dự án nghĩa trang 1.400 tỷ? Bài viết ghi nhận: “Trong năm ngày liên tiếp, dư luận Việt Nam không ngừng bày tỏ phản đối, thất vọng và chán nản trên mạng xã hội và báo chí chính thống về một dự án xây nghĩa trang tốn kém cho cán bộ cao cấp”.

Nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi, “một nhà đấu tranh nhân quyền dù trước đây phục vụ nhiều năm cho cuộc cách mạnh của Đảng Cộng sản”, bình luận: “Cuộc sống của dân quá trời khổ rồi thì không lo, lại đi lo cho mấy ông bà to đã chết rồi. Lo cho người sống mà không lo. Các đây vài năm thì làm tượng đài ở vùng dân tộc thiểu sổ, trong khi người miền núi đói rách”.

GS Trần Hữu Dũng bình luận: “Tôi xin phép ‘hỗn hào’ nói nhỏ với các nhà lãnh đạo đương quyền một nhược điểm ‘chết người’ của dự án này: Mai sau, “rủi” chế độ bị lật đổ thì việc đầu tiên mà dân chúng sẽ làm là đem xe… ủi đất vào nghĩa trang này!!! Tụ họp chôn một chỗ chỉ khiến ‘công việc’ của họ dễ dàng, nhanh chóng hơn! Hạ sách! Đại hạ sách, các lãnh đạo ơi! Tôi trộm nghĩ, tốt hơn hết là chôn vị nào ở vườn nhà vị ấy, hoặc hỏa táng“.

Mô hình Nghĩa trang Yên Trung dự trù kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng dành cho các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Ảnh: VN Finance/ VOA

BBC có bài: Việt Nam: Dư luận ‘dậy sóng’ về nghĩa trang cho cán bộ cao cấp. Bài viết dẫn lời nhà báo Huy Đức nhận định: “Tôi cứ ngỡ đây chỉ là sản phẩm của dân ‘chạy dự án’, té ra nó đã được phê duyệt. Một chính thể giành được chính quyền bởi những người theo ý tưởng ‘thế giới đại đồng’, không lẽ, từ tem phiếu đến ‘nơi an nghỉ’ đều phân chia đẳng cấp”.

Facebooker Nguyễn Tiến Đạt bình luận: “Chi ra hơn 1.400 tỷ đồng để xây nghĩa trang dành cho lãnh đạo cao cấp thì càng thể hiện một nhà nước chỉ của đảng mà không phải của dân và vì dân. Tiền ngân sách quốc gia thì cũng là tiền do người dân đóng thuế hoặc tiền phải đi vay mượn của các quốc gia khác”.


“Lỗi hệ thống”
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Ông Lê Phước Thanh bị cách chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Để xử lý những sai phạm của ông Phước Thanh, gồm chuyện “nâng đỡ” quý tử nhà ông là Lê Phước Hoài Bảo, “Ban Bí thư quyết định kỷ luật ông Lê Phước Thanh bằng hình thức cách chức bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015”, trong khi bây giờ là năm 2018!?


Ông Trương Ngọc Phước là người không có bằng đại học nhưng vẫn được làm Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Kiên Giang. Qua đó có thể thấy, ông Phước đã làm đúng như tinh thần trong bài viết bên báo Quân Đội Nhân Dân: Chỉ cần “hết lòng phục vụ cách mạng” là đủ, cần gì bằng cấp!?


“Ơn dảng”, “ơn bác”
Bài đầu tiên trong loạt bài trên báo Thanh Hóa: Tiền hỗ trợ lũ lụt của người dân đi về đâu. Bài tiết lộ thông tin liên quan đến “thảm họa kép” gồm thiên tai và nhân tai mà người dân xã Yên Khương, huyện Lang Chánh phải hứng chịu: “Đã gần 4 tháng qua, các gia đình bị thiệt hại nặng nề do lũ gây ra vào trung tuần tháng 10-2017 ở xã Yên Khương (Lang Chánh) đang rất bức xúc, bởi họ có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, nhưng quà không đến tay”.

Tác giả cho biết thêm về “một sự việc nữa đang gây bức xúc cho người dân xã Yên Khương. Đó là gia đình chị Nguyễn Thị Linh ở bản Xắng và chị Nguyễn Thị Thủy, bản Khon bị thiệt hại do lũ nhưng chính quyền địa phương lại không lập danh sách để được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước”. Có lẽ cán bộ ở địa phương này muốn nhân dịp thiên tai để “rèn luyện” cho người dân “bản lĩnh” của người cách mạng “chuyên chính vô sản”?!

Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng
Trang VietNamNet đặt câu hỏi về tình tiết “lạ nhưng đúng quy trình” trong vụ xử Trịnh Xuân Thanh: Tại sao điều tra viên sửa lời khai Trịnh Xuân Thanh? Theo bài viết, trong lúc tuyên án vào sáng hôm qua, HĐXX cho biết: Điều tra viên Trịnh Quang Thái đã giải trình về chuyện “sửa chữa từ chữ “có” thành “không” trong biên bản lấy lời khai của bị cáo Trịnh Xuân Thanh ngày 21/10/2011”.

Mặc dù HĐXX có thông tin chứng minh: Trịnh Xuân Thanh khai rằng “anh ta không gọi điện cho Đào Duy Phong” trong lần khai ngày 13/12/2017, LS Trần Hồng Phúc vẫn khẳng định: “VKS vừa chấp nhận chính biên bản lấy lời khai này của Trịnh Xuân Thanh, sau đó lại bác bỏ những nội dung mà Thanh đã khai trong biên bản”.

Báo Pháp Luật TP HCM viết: Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh ‘bất ngờ về bản án’. LS Nguyễn Văn Quynh chia sẻ: “Chúng tôi rất bất ngờ với bản án hôm nay tòa tuyên, kể cả bản án tuyên hôm 22-1 cũng vậy… Quá trình diễn biến phiên tòa, chúng tôi đều đề nghị không có căn cứ để buộc tội ông Trịnh Xuân Thanh trong cả hai vụ án”.

VOA đưa tin: Vợ con ông Trịnh Xuân Thanh ‘không muốn về Việt Nam’. Dẫn lời bà Petra Isabel Schlagenhauf, LS người Đức của Trịnh Xuân Thanh bàn về bản án chung thân thứ 2 mà ông Thanh vừa nhận: “Đây là phiên tòa không công bằng, không có sự độc lập về tư pháp và bản án đã rõ ngay cả trước khi diễn ra phiên xử… Việt Nam đang tìm cách che giấu việc bắt giữ thân chủ của tôi bằng những phiên tòa dàn dựng và phô diễn”.

Bà Schlagenhauf cho biết thêm: “Gia đình ông ấy biết rằng họ không thể hy vọng gì từ lãnh đạo Việt Nam hiện nay và hy vọng rằng chính phủ Đức cũng như cộng đồng quốc tế có thể giúp đỡ bằng cách nói rõ cho Việt nam rằng điều này không thể chấp nhận được”.
RFA bàn về án chung thân thứ hai cho Trịnh Xuân Thanh. Bài báo dẫn tin từ hãng AFP: “Các nhà quan sát cho rằng chính phủ độc đảng tại Việt Nam kết án giới doanh nhân và chính trị bởi lý do đấu đá chính trị… Trịnh Xuân Thanh là một trong những tên tuổi lớn nhất như một phần của cuộc thanh trừng, phản ánh tình trạng tương tự ở nước láng giềng Trung Quốc”.


“Siêu” ủy ban
Trang VnEconomy đưa tin: Chính thức lập “siêu” ủy ban quản trên 5 triệu tỷ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP chính thức “thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp… là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật”.

Theo bài viết, “siêu” ủy ban này sẽ can thiệp cả vào chuyện “bán lúa giống” của đảng và nhà nước: “Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn”.


Dự án cáp treo Sơn Đoòng
RFA có bài phỏng vấn: Tìm hiểu về chiến dịch Save Sơn Đoòng. Bà Thiên Hương, đại diện của chiến dịch Save Son Doong, chia sẻ: “Mục tiêu lúc đầu của bọn mình đơn giản chỉ là minh bạch hóa những thông tin liên quan đến Sơn Đoòng… Thứ nhất là các thông tin về dự án cáp treo vào, đến gần hoặc xung quanh Sơn Đoòng… Thứ hai là bình dân hóa các thông tin khoa học về hang Sơn Đoòng”.  

Bà Hương cung cấp thêm thông tin về lý do phản đối dự án cáp treo: “Hang Sơn Đoòng nằm trên đoạn nứt gãy Bắc Nam… thì những công trình xây dựng lớn như vậy có thể đem lại sự nguy hiểm cho cấu trúc của hang Sơn Đoòng. Bản thân hang Sơn Đoòng đã có hai hố sụp… Hai hố sụp đó cho ta thấy địa chất khu vực này yếu”.


Giáo dục Việt Nam
Báo Thanh Niên viết về 5 tiêu chuẩn và 21 tiêu chí mà Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông: Hiệu trưởng ‘chuẩn’ phải đủ 21 tiêu chí?. Năm tiêu chuẩn gồm: “Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học; năng lực quản trị nhà trường; năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ; và năng lực phát triển quan hệ xã hội“.

“Phẩm chất chính trị” của Hiệu trưởng “chuẩn” ra sao, không thấy bài viết nhắc đến. Liệu có cần phải tốt nghiệp chương trình sơ cấp, trung cấp, hay cao cấp lý luận chính trị ở trường chính trị cấp tỉnh, hay Học viện Chính trị – HCQG Hồ Chí Minh mới đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng? Riêng “đạo đức, lối sống” như thế nào, cũng không thấy nhắc tới.

Không riêng tiêu chuẩn chọn hiệu trưởng, mà những tiêu chuẩn chọn cán bộ lãnh đạo xưa nay đều thấy “đảng ta” đưa ra và áp dụng rất nghiêm ngặt, nhưng vì sao vẫn bị “lọt lưới” rất nhiều con cá lớn như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và hàng trăm ngàn con sâu mọt khắp nơi, đụt khoét của công?

Vấn đề không nằm ở tiêu chuẩn, tiêu chí hay quy định này nọ, mà nó nằm ở cái thể chế này. Khi thể chế không cho phép minh bạch, thì có bao nhiêu tiêu chuẩn quy định, người ta vẫn “chạy” được để làm hiệu trưởng và các chức vụ khác.


***
Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Bản ghi nhớ mật của dân biểu Nunes được công bố hôm 02/02/2018 với sự đồng ý của TT Mỹ, nhằm hạ uy tín của FBI, đảng Dân chủ trong Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Mỹ cũng đang xem xét kế hoạch phản công. RFI đưa tin: Đọ sức Trump-FBI: Đảng Dân Chủ Mỹ dự trù phản công.

“Bên đảng Dân Chủ muốn ăn miếng, trả miếng. Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Mỹ trong vài giờ nữa sẽ quyết định có nên hay không cho công bố một văn bản do các dân biểu của đảng Dân Chủ soạn thảo. Tài liệu này gồm 10 trang, lên án bên đảng Cộng Hòa chọn lọc thông tin nhằm mục đích duy nhất là làm mất uy tín công tố viên đặc biệt Robert Mueller trong nhiệm vụ điều tra về nghi án Nga đã can thiệp vào bầu cử Mỹ”.

Tác giả Bùi Văn Phú có bài viết về những người phụ nữ xuống đường chống TT Trump nhân một năm ông ta nhậm chức: Chị em ơi hãy vùng lên. Hàng trăm ngàn phụ nữ xuống đường vào ngày 20/1/2018, có tên là “Women’s March”, Ngày Phụ nữ Tuần hành chống lại TT Mỹ. Bên cạnh việc phản đối TT Trump “ăn nói bỗ bã, khinh miệt phụ nữ”, họ còn kêu gọi nhiều phụ nữ tham gia chính trường, vì hiện tại Mỹ chưa từng có nữ tổng thống, cũng như phụ nữ Mỹ tham chính còn thấp so với các nước khác.

Bài viết có đoạn: “Với một tổng thống khinh miệt những phụ nữ không đồng quan điểm với mình, gọi đối thủ, cựu ngoại trưởng và ứng viên tổng thống là ‘Crooked Hillary’, có lời nói khiếm nhã với người dẫn chương trình hội luận truyền hình Megyn Kelly thì đã đến lúc phụ nữ cần xuống đường, tham gia bầu cử và ứng cử nhiều hơn“.


Quan hệ Nga – Mỹ
RFI đặt câu hỏi: Quan hệ Nga-Mỹ sẽ đi đến đâu? Mặc dù TT Trump rất muốn có quan hệ thân thiết với TT Nga Putin sau khi lên làm tổng thống, nhưng hơn một năm qua, ông không thể thực hiện được vì ông và các cộng sự đang bị vướng vào cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Nhưng nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ chỉ là một trong 5 điểm chia rẽ sâu sắc nhất mối quan hệ giữa hai nước. Các mâu thuẫn khác gồm hồ sơ Ukraina, hồ sơ hạt nhân Bắc Hàn, chiến sự tại Syria và hồ sơ hạt nhân Iran.

Tranh Putin và Trump hôn nhau trên tường ở thủ đô Vilnius, Litva, ngày 3/05/2016. Ảnh: Petras Malukas / AFP


Quan hệ Mỹ – Trung
Trung Quốc đang chuẩn bị ra đòn trả đũa Mỹ về mặt thương mại khi chuẩn bị đánh thuế cao lương của Mỹ, RFI đưa tin. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, họ đang mở điều tra chống bán phá giá nhắm vào mặt hàng cao lương của Mỹ sau khi Mỹ thông báo tăng thuế nhập khẩu nhắm vào pin mặt trời và máy giặt Trung Quốc.

Trang Diễn đàn Doanh nghiệp có bài: Căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ- Trung bùng phát. Căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nước Mỹ – Trung gia tăng. Nếu không giải quyết ổn thỏa, có khả năng dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nước.

Viet Times có bài cảnh báo Mỹ, Trung Quốc đại chiến: Những kịch bản ác mộng (P.1). Dẫn nguồn từ bài phân tích trên trang National Interest đưa ra dự đoán về các khả năng, mục tiêu chiến lược trước, trong và sau khi xảy ra các cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.


***

***

***







No comments:

Post a Comment

View My Stats