Wednesday, 14 February 2018

BẢN TIN SÁNG 14/2/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
VOA đưa tin: Tàu chiến Anh hướng về Biển Đông. Về chuyện tàu khu trục HMS Sutherland của Anh sẽ đi qua Biển Đông vào tháng tới, nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng phát biểu: “Tất cả các nước thuân thủ luật pháp quốc tế đều được hưởng quyền tự do đi lại và bay qua Biển Đông. Không có bất đồng về chuyện này”.

Trung Quốc xây khu thử nghiệm tàu thuyền không người lái gần Biển Đông, theo VOA. Tin từ nhật báo Khoa học và Công nghệ của Trung Quốc xác nhận: “Các đảo nằm trong vùng thử nghiệm sẽ được trang bị thiết bị định vị vệ tinh, các thiết bị định vị tàu hay liên lạc để hướng dẫn tàu thuyền”.

Khu thử nghiệm nằm ở Biển Đông. Ảnh: Reuters


Nhân quyền cho Việt Nam
Facebooker Huynh Nghia viết: Ngày nay các ông xử tôi, ngày sau nhân dân sẽ xử các ông. Bài viết tổng kết ý kiến của các LS xung quanh phiên xử sinh viên Trần Hoàng Phúc. Theo LS Nguyễn Văn Miếng, phía an ninh và tòa án đã có hành vi bức cung, ngược đãi các bị cáo và làm giả chứng cứ. Theo LS Lê Văn Luân, HĐXX đã tìm cách buộc tội Phúc bằng những chứng cứ không liên quan đến vụ án.

LS Hà Huy Sơn cho rằng, tòa phải xét xử lại vì đã không dám trình chiếu 17 video clip của nhóm Chấn Hưng Nước Việt. Gia đình Phúc nhắn gửi đến cơ quan điều tra, VKS và tòa án: “Đây là một phiên tòa không có nhân chứng, vật chứng”“cháu Trần Hoàng Phúc không có tội”.

Báo Một Thế Giới đưa tin: ‘Cung đàn số phận’ của ông Lộc Vàng bị tạm dừng phát hành. Quyển hồi ký của nghệ sĩ Lộc Vàng đã bị tạm dừng phát hành do công văn số 15/NXBHNV của NXB Hội Nhà văn. Thập niên 60 của thế kỷ trước, nhóm bạn của ông Lộc Vàng thường lén lút hát “nhạc vàng”. Đến khi chính quyền biết được, ông Lộc Vàng bị xử tù 10 năm, sau được giảm còn 8 năm nhân sự kiện hiệp định Paris được ký kết.

Công văn của NXB Hội Nhà văn gửi cho Alphabooks về việc tạm dừng phát hành quyển “Cung đàn số phận”, hồi ký của nghệ sĩ Lộc Vàng. Ảnh: MTG

Nhà báo Võ Văn Tạo gọi vụ kiểm duyệt này là: “Nỗi sợ của quân vô học”. Ông Tạo viết: “Không ai thù dai, xuẩn ngốc, ti tiện, bảo thủ sĩ diện hão bằng cộng sản. Bỏ tù oan trái Lộc Vàng từ nửa thế kỷ trước. Nay lại sợ hồi ký của ông”.

RFA đưa tin: Ngoại trưởng Úc trả lời về vấn đề nhân quyền Việt Nam. Trong thư gửi Dân biểu Úc Chris Hayes ngày 5/2/2018, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết, Chính phủ Úc sẽ làm việc với chính phủ Việt Nam “và các tổ chức nhân quyền để thúc đẩy tình hình nhân quyền tại Việt Nam”. Ngoại trưởng Bishop lưu ý các trường hợp người đấu tranh ôn hòa bị tù oan, như blogger Mẹ Nấm, bà Trần Thị Nga và ông Nguyễn Văn Oai.

Facebooker Phạm Lê Vương Các đưa tin: Nhà báo Phạm Đoạn Trang vừa được tổ chức People In Need trao giải thưởng Homo Homini vì “sự dũng cảm không mệt mỏi khi theo đuổi một sự thay đổi dân chủ cho đất nước của mình, bất chấp sự sách nhiễu và khủng bố”.

People in Need là tổ chức nhân quyền quốc tế “có trụ sở tại Cộng hòa Séc, hàng năm thường vinh danh những nhân vật có đóng góp đáng kể vào việc quảng bá cho nhân quyền, dân chủ, và các giải pháp bất bạo động đối với các xung đột chính trị”.

Vụ Hải quan Đà Nẵng tịch thu sách của nhà báo Đoan Trang, RFA đặt câu hỏi: Chính trị bình dân hay nhạy cảm chính trị? Lý do chính quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng khái niệm “nhạy cảm chính trị” để cấm đoán người dân tiếp cận tri thức dân chủ, TS Nguyễn Quang A nói với RFA: “Những gì mà họ (chính quyền Việt Nam) không thích thì họ gọi là nhạy cảm”.


Công an “nhân dân”
Trang Tin Nhanh 24h có video clip cho thấy, một số công an đang diễn cảnh “quét dọn” đường phố: https://www.facebook.com/TinNhanh24hOnline/videos/883385908510412/

Facebooker Nguyễn Lượng bình luận: “Có cảnh này là một trong hai lý do: 1. Làm màu diễn cho thằng quay phim đi bấm máy theo chỉ đạo của trên (vì dạo này tiếng ác trong dân đi quá xa…) 2. Mấy chú, mấy thím này đóng không đủ sở hụi, chưa hoàn thành chỉ tiêu nghĩa vụ tài chính với sếp nên bị phạt cho chừa”.

Vụ Hoàng Phủ Ngọc Tường kêu oan
RFA bàn về thư Mậu Thân của Hoàng Phủ Ngọc Tường: ‘Lời xin lỗi chưa trọn vẹn’. Sau khi dư luận “lề dân” lên tiếng về thái độ thiếu trung thực của ông Tường trong thư kêu oan, nhà văn Nguyễn Quang Lập chia sẻ: “Tôi không còn gì để nói thêm nữa. Tôi không muốn nói về chuyện này nữa. Tôi muốn chấm dứt chuyện này”.

Về lá thư kêu oan, Linh mục Phan Văn Lợi cho rằng ông Tường đã bịa ra chi tiết: Người Mỹ ném bom làm chết 200 người trong một bệnh viện. Linh mục Lợi nói: “Thời đó tôi đã 17, 18 tuổi rồi. Tôi biết rằng cả cái khu Đông Ba đó không có cái bệnh viện nào lớn cả”.

VNTB đặt câu hỏi: Quân nổi dậy đã tàn sát người dân Huế vào 50 năm trước là ai? Dẫn tin từ tham luận “Vai trò của lực lượng an ninh thành phố Huế – nguyên nhân và bài học kinh nghiệm” của Thiếu tướng Phan Văn Lai, tác giả cho rằng: “Quân nổi dậy” mà ông Tường nói đến chính là 500 tù chính trị đã được tự do khi nhà lao Thừa Phủ bị phá, lúc quân CS Bắc Việt tấn công TP Huế.

VOV có bài: Mậu thân 1968: Từ lời chúc Tết của Bác trên làn sóng phát thanh. Trong bài có câu: “Lời thơ chúc Tết của Bác chính là hiệu lệnh, là nguồn cảm hứng bất tận để các anh bước chân vào chiến dịch“. Có lẽ nên gọi đó là hiệu lệnh giết người, thay vì “lời chúc Tết”.

Thông Tấn Xã VN viết về mặt trận Đường 9-Khe Sanh trong cuộc tổng tiến công Xuân 1968. Tiếp tục ca ngợi cái gọi là “bản lĩnh và tầm cao trí tuệ” lừa dối để giết người của CS trong sự kiện Mậu Thân: “50 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức toàn diện, sâu sắc hơn về tầm vóc và ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Trong chiến công lịch sử chung ấy, cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên Mặt trận Đường 9-Khe Sanh (Xuân Hè 1968) trở thành một trong những chiến trường tiêu biểu, góp phần khẳng định sức mạnh của ý chí, của bản lĩnh và tầm cao trí tuệ Việt Nam trong ‘cuộc đụng đầu lịch sử’.”

Nỗ lực “cải cách” thể chế
Trang VietNamNet bàn về vụ loại bỏ giấy phép con: Từ lơ mơ đến quyết liệt: Hết thời ‘trên nóng dưới lạnh’. Theo đó, Chính phủ Việt Nam và Bộ Công thương đang cố gắng cắt giảm các điều kiện kinh doanh, những yếu tố đã sản sinh ra rất nhiều “giấy phép con”, “giấy phép cháu”. Lãnh đạo CSVN hy vọng rằng, chuyển biến này có thể giảm tải các gánh nặng trong mối quan hệ kinh tế – thể chế, để giúp đất nước phát triển.

Hình minh họa. Nguồn: internet

Tuy nhiên, vấn đề then chốt để đổi mới thể chế theo ý kiến của nhà báo Bùi Tín trong bài: Cần một lộ trình và một mô hình dân chủ. Tác giả cho rằng: Chỉ có lộ trình thay đổi từ gốc rễ của thể chế, là mô hình nhà nước độc đảng toàn trị, mới có thể giúp đất nước thật sự phát triển.


Việt Nam trên trường quốc tế
RFA đưa tin: Việt Nam phản đối Ả Rập Xê Út về lệnh cấm nhập hải sản. Ả Rập Xê Út cấm nhập khẩu hải sản của Việt Nam, với lý do bệnh chân trắng ở tôm nuôi từ Việt Nam. Việt Nam phản biện với lý lẽ: Bệnh chân trắng này xuất hiện cả ở tôm nuôi tại Ả Rập Xê Út. Theo tin từ tạp chí hải sản Seafood Source của Mỹ, “phía Việt Nam đã gửi thư phản đối cho Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Hà Nội”.

Trước đó, VTV đưa tin: Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) bức xúc trước lệnh cấm nhập khẩu thủy hải sản Việt Nam của Ả Rập Xê Út. Theo đó, từ ngày 1/3/2018, các nước Ả Rập Xê Út sẽ tạm dừng nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản Việt Nam với lý do: “Nhiều cơ sở nuôi trồng thủy hải sản không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch (SPS)”.

Trong tình hình các nước Ả Rập cấm nhập thủy hải sản từ Việt Nam, báo Asia Times dẫn nguồn từ giới quan sát an ninh, cho biết: Bắc Hàn lách lệnh cấm xuất than qua ngả Việt Nam, theo RFA. Báo cáo vận tải biển quốc tế xác nhận: Có những “chuyến tàu chở than của Bắc Hàn cặp cảng Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, giáp ranh với Trung Quốc”. Hành động này vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với chế độ Bắc Triều Tiên.

Bài báo cho biết thêm: “Giới quan sát nghi ngờ than Bắc Hàn được chuyển đến Việt Nam rồi tái xuất với nhãn than Việt Nam nhằm tránh lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Bình Nhưỡng về chương trình vũ khí nguyên tử của nước này”.


Giáo dục Việt Nam: Tiếp tục cải cách
Báo Dân Trí bàn về 5 đề xuất cải cách giáo dục gây tranh cãi năm 2017. Đó là: Nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ của ông Bùi Hiền, đề xuất của ThS Nguyễn Sóng Hiền nhằm loại truyện “Chí Phèo” khỏi SGK Ngữ văn lớp 11, đơn của phụ huynh một học sinh trường Tiểu học Hòa Bình gửi Chính phủ đề nghị giải tán Hội Phụ huynh, đề xuất của thầy giáo Bùi Nam về chuyện bỏ Phòng Giáo dục quận, huyện trên cả nước, đơn của phụ huynh một học sinh ở Hà Nội phản ánh chuyện nhà trường thu tiền bảo hiểm.


Thân phận công dân của hai nước “CS anh em”
Một câu chuyện tình cảm động: Ngày lễ Tình nhân và chuyện tình Việt – Triều. Cậu chuyện kể về bà Lý Vĩnh Hỷ, người công dân Bắc Hàn duy nhất được các nhà lãnh đạo đất nước cho phép kết hôn với ông Phạm Ngọc Cảnh, một người đàn ông Việt Nam.
Họ gặp nhau năm 1971, mãi tới năm 2002, tức 31 năm sau họ mới được phép kết hôn, dù cả hai người đều xuất thân từ hai nước “cộng sản anh em”. Clip của BBC: “Mối tình Việt-Triều đậm sâu theo năm tháng”:

***


Tin thế giới

Chuyện nước Mỹ
BBC có bài: ‘Nước Mỹ trên hết’ – cách giành quyền hay nhất? Bài này tóm lược bài phân tích của Benn Steil đăng trên Foreign Affairs. Bài viết kết luận: “Trật tự toàn cầu hiện nay được xây dựng dựa trên sự hiểu biết rằng có các đồng minh – trái ngược với việc có thuộc địa hoặc các nước chư hầu – đòi hỏi nhất thiết phải có sự thỏa hiệp với các quốc gia có chủ quyền khác.
Hoa Kỳ giờ đây phải quyết định liệu sự thỏa hiệp như vậy có đáng được duy trì để đạt được trật tự thế giới đang có hay không, hoặc chỉ cần cạnh tranh với Trung Quốc và Nga để giành lấy ảnh hưởng của các quốc gia và các khối khác. Lựa chọn một cách khôn ngoan ngày nay có nghĩa là bạn đã hiểu cách thức và lý do tại sao Hoa Kỳ đã chọn chiến lược mềm dẻo từ trước đến giờ“.


Bán đảo Triều Tiên
BBC đưa tin: Cổ động viên Bắc Hàn ‘hoạt náo’ ở Pyeongchang. Trong một trận đấu khúc côn cầu tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, các cổ động viên Bắc Hàn gây tranh cãi khi đeo mặt nạ mà nhiều người cho rằng giống Kim Nhật Thành, là người lập ra nước CHDCND Triều Tiên, ông nội của Kim Jong-un.

Các nhóm bảo thủ lên tiếng phản đối, Bộ Thống nhất Đất nước của Hàn Quốc nói rằng, đó là bức ảnh của một người đàn ông “phong độ”. Một người viết trên MXH: “Mặt nạ của một người đàn ông đẹp trai? Thật nực cười. Chính phủ Hàn Quốc đối xử với công dân như thể họ ngu ngốc như heo và chó vậy. Làm sao có thể nói ra những lời dối trá như thế mà không biết xấu hổ?

Các cổ động viên Bắc Hàn cũng có những màn cổ vũ làm náo động cả sân vận động Pyeongchang. Một clip ghi lại hình ảnh của các cổ động viên Bắc Hàn: https://www.youtube.com/watch?v=9rj-bMBZmNo



Tin Trung Quốc
Về chiến dịch “diệt ruồi, đả hổ” của Tập Cận Bình: Cựu Bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài bị truy tố vì nhận hối lộ. “Hổ lớn” Tôn Chính Tài, từng là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, đã bị sa lưới hồi tháng 7 năm ngoái và bị truy tố hôm qua.

“Đồng chí” của ông là Trần Mẫn Nhĩ, là người ngồi vào ghế bí thư khi ông bị sa thải, đã bồi cho ông một đá sau khi Tập Cận Bình quật ông ngã. Trần Mẫn Nhĩ nói rằng, “Tôn Chính Tài có dã tâm chính trị và cá nhân rất lớn, xem thường chiến dịch chống tham nhũng, làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của đảng và lợi ích quốc gia, nên phải xử nghiêm theo luật”.

Ngoài Tôn Chính Tài, còn có một nhân vật khác cũng sa lưới: Hai quan chức cao cấp Trung Quốc bị điều tra tham nhũng. Người thứ hai là Lỗ Vĩ (Lu Wei), cựu giám đốc cơ quan tuyên truyền, cũng đã bị khai trừ Đảng và điều tra về tội hối lộ.

RFI cho biết, ông Lỗ Vĩ là “người từng phụ trách việc kiểm duyệt internet Trung Quốc với bàn tay sắt, đã bị cáo buộc ‘tùy tiện và độc tài’. Cơ quan chống tham nhũng của đảng trong thông cáo hôm nay cho rằng Lỗ Vĩ ‘lạm dụng quyền lực để thủ lợi cá nhân, giả vờ chấp hành quy định nhưng thực tế làm trái lại’, và ‘không biết xấu hổ’.”


***

***

***









No comments:

Post a Comment

View My Stats