Monday 12 February 2018

BẢN TIN SÁNG 12/2/2018 (Báo Tiếng Dân)





Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo Người Việt có bài tổng hợp: Trung Quốc đưa chiến đấu cơ tàng hình tuần tra Biển Đông. Về thái độ của lãnh đạo CSVN trước sự kiện “bạn vàng” liên tục triển khai máy bay chiến đấu đời mới trên Biển Đông, bài báo cho biết: “Không thấy Hà Nội có hành động gì dù là lên tiếng suông về sự thách đố ngang ngạnh của Bắc Kinh”.

Về chuyện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chúc Tết TBT Nguyễn Phú Trọng trong lúc Bắc Kinh tiếp tục gia tăng áp lực lên các vùng tranh chấp lãnh hải, tác giả bình luận: “Bắc Kinh vừa chúc tết lãnh tụ đảng CSVN trong khi vẫn đưa các chiến đấu cơ tàng hình xuống Biển Đông để dằn mặt Hà Nội”.

Chiến đấu cơ Su-35 Trung Quốc mua của Nga đang bay huấn luyện. Nguồn: Tân Hoa Xã


“Lỗi hệ thống”
Nhân dịp trang Nhà Báo và Công Luận dẫn lời Thủ tướng: Cán bộ phải liêm chính mới tạo được niềm tin trong nhân dân, báo Giáo Dục Việt Nam “hưởng ứng” với bài: “Tôi từng nói trước Quốc hội về các kiểu chạy trong xã hội”. Trao đổi với PV báo GDVN, cựu ĐBQH Lê Văn Cuông nhận định về hiện tượng “chạy” chức, “chạy” quyền: “Tôi thấy vấn nạn này ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, thậm chí cấp cao hơn cũng có hiện tượng này”.

Trong buổi nói chuyện với các cựu cán bộ của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không quên tuyên truyền về vai trò sự “liêm chính” của cán bộ để tạo “niềm tin” trong nhân dân. Tuy nhiên, sự thật không như lời ông Phúc, theo thông tin từ ông Cuông: “Người ta muốn chạy vào chức ngon phải tăng cấp độ chạy, cạnh tranh đấu thầu cán bộ”.


Công nhân Việt Nam
Báo Nhân Dân có bài: Tránh tình trạng doanh nghiệp nợ lương và bảo hiểm xã hội. Bài báo lưu ý, hiện tượng các doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH của công nhân đã và đang tiếp diễn, “tính đến tháng 10/2017, cả nước có 102.900 đơn vị đang nợ BHXH của 2,6 triệu lao động, tương đương 14.700 tỷ đồng”. Chuyện doanh nghiệp nợ BHXH nhưng vẫn trừ phí BHXH vào lương công nhân đã dẫn đến “nhiều vụ công nhân bức xúc tụ tập phản đối”.

Không phải tỉnh Đồng Nai dùng ngân sách tạm ứng lương cho công nhân là xong chuyện: Công nhân công ty Texwell Vina vừa nhận tiền Tết vừa lo thất nghiệp, theo VOV. Bài báo cho rằng, điều đáng lo nhất hiện nay là vấn đề việc làm của “gần 2.000 công nhân sau kỳ nghỉ Tết trong trường hợp công ty Texwell Vina không tiếp tục hoạt động tại Việt Nam”. Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tại toàn bộ tài sản của công ty Texwell Vina “đã được niêm phong, giữ nguyên hiện trạng để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Căn nguyên dẫn đến nghịch cảnh của những công nhân bị nợ lương chính là hệ thống công đoàn “hữu danh vô thực” do đảng CSVN kiểm soát, như nhà hoạt động Đoàn Huy Chương từng phân tích. Công ty Texwell Vina “luôn có công đoàn cơ sở cũng như công đoàn tỉnh Đồng Nai giám sát”, nhưng những cơ quan này đã rất bị động trong chuyện bảo vệ quyền lợi công nhân.


Hiện tượng “lạm phát” giáo sư
Báo Tuổi Trẻ bàn về căn nguyên ‘bùng nổ’ giáo sư. Thêm thông tin về “chất lượng” của các tân GS, PGS: “Không ít người chưa hề giảng dạy đại học và không có các công trình nghiên cứu khoa học thực sự”. Theo bài viết, gốc rễ của hiện tượng này là Quyết định số 162/CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/9/1976. Lúc “lý tưởng cộng sản” vẫn chưa nhạt, người ta chọn GS, PGS dựa trên thành tích chứ không phải nghiên cứu.

Từ đó đến nay, quy trình xác định “học hàm” ở Việt Nam vẫn bám vào tư duy thời Liên Xô, như GS Hoàng Tụy đã phân tích: “Các tiêu chuẩn định lượng bằng cách tính điểm như của ta có vẻ chặt chẽ khoa học, song kỳ thật là máy móc, hình thức và phi khoa học”.

Báo Giáo Dục Việt Nam viết về sự việc, người có tên trong danh sách chuẩn giáo sư chưa phải là giáo sư. Từ sự kiện Thủ tướng Phúc yêu cầu Bộ trưởng GD-ĐT xem lại chất lượng của hơn 1200 tân GS, PGS năm 2017, ông Trần Xuân Nhĩ, cựu Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phân tích: Các cơ sở giáo dục đại học mới là nơi đưa ra quyết định bổ nhiệm, nên “nếu thấy cá nhân nào không đạt tiêu chuẩn thì trường sẽ không công nhận nữa”.

LS Trần Vũ Hải viết: Thông tin thêm về ông Phùng Xuân Nhạ và chức chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước. Theo tin từ một quan chức trong Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, hồi giữa tháng 4/2016, Bộ trưởng BGD Phùng Xuân Nhạ khi đó chưa là giáo sư, nhưng đã được làm chủ tịch của “hội đồng” này. LS Hải cho biết: Tài liệu xác nhận thông tin này có đóng dấu “mật” nên không thể công bố.

LS Lê Văn Luân bình luận“Đây chính là lúc cấp thiết và phù hợp nhất cho việc các giáo sư, phó giáo sư (và tiến sỹ) thật lên tiếng về và đấu tranh với những bất cập trong việc phong hàm từ Hội đồng chức danh nhà nước để loại bỏ ra khỏi lực lượng và đội ngũ trí thức những kẻ học giả bằng thật”.

Hình minh họa. Nguồn: TT


Giáo dục Việt Nam: Loay hoay “cải cách”
VOV dẫn lời TS Giáp Văn Dương: “Đại học của Việt Nam giống như trường phổ thông cấp bốn”. Từ chuyện Việt Nam không có trường đại học nào trong Bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2018 của Times Higher Education, với hơn 350 trường được xếp hạng, TS Dương phân tích: Nghiên cứu chiếm đến 60% các tiêu chí xếp hạng đại học, “mà nghiên cứu của các đại học Việt Nam thì vô cùng yếu”.

Thầy giáo Nhật Khoa viết: “Tích hợp” 5 không, Bộ Giáo dục đang xây lâu đài trên cát. Bộ Giáo dục đang gấp rút làm SGK mới, dự kiến triển khai SGK chương trình mới theo kiểu “cuốn chiếu” “từ năm học 2019 – 2020 ở lớp 1, 2020 – 2021 ở lớp 2 và 6, 2021 – 2022 ở lớp 3,7,10”. Thầy Khoa cho rằng: Dừng lại bây giờ vẫn còn kịp, chương trình tích hợp môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử – Địa lý, nếu được áp dụng, sẽ thành “thảm họa” cho giáo viên và học sinh.

Báo Giáo Dục Việt Nam đưa tin: Phụ huynh phản ánh giáo viên ép học thêm, phòng giáo dục kiểm tra nói không có. Theo phản ánh của một phụ huynh, giáo viên ở trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã “đe dọa, bắt ép học sinh tham gia học thêm ngoài giờ hết sức nghiêm trọng”. Tuy nhiên, đến khi kiểm tra, lãnh đạo Phòng giáo dục quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng phủ nhận chuyện này.


***


Tin thế giới

Tin nước Mỹ
Báo New York Times có bài: Lịch sử của Trump về việc bảo vệ những người đàn ông bị cáo buộc tấn công phụ nữ. Bài viết liệt kê những người đàn ông như Rob Porter, Roy Moore, Bill O’Reilly, Roger Ailes… đã bị cáo buộc có các hành vi sai trái hoặc tấn công tình dục phụ nữ, nhưng đã được ông Trump lên tiếng bảo vệ, bởi họ chính là hình ảnh của ông ta.

Tạp chí Time viết về cô Jennie Willoughby, một trong hai người vợ cũ của Rob Porter, thư ký tòa Bạch Ốc, đã từ chức vài ngày trước vì bị cáo buộc bạo hành hai người vợ cũ. Do ông Trump bênh vực ông Porter về vụ bạo hành vợ cũ, nên cô Willoughby nói rằng, “TT Trump sẽ không làm giảm sự thật của tôi”.


Tin Bắc Hàn
RFI đưa tin: Phó TT Mỹ Mike Pence không hài lòng về sự hiện diện của em gái Kim Jong Un tại Thế Vận Hội. Phóng viên RFI tường trình: “Mike Pence không tìm cách che giấu sự bực tức khi biết em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngồi cách ông chỉ vài mét trong lễ khai mạc Thế Vận Hội. Mike Pence có nhìn thấy em gái ông Kim Jong Un không? Ông Pence dường như cố không quay đầu về phía bà ấy”.

Báo Dân Việt có bài, Mỹ đứng ngồi không yên vì “cuộc tấn công quyến rũ” của Triều Tiên. “Khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đang ra sức làm ấm quan hệ với Triều Tiên, Mỹ mạnh mẽ cảnh báo Seoul tránh rơi vào cuộc tấn công quyến rũ của Bình Nhưỡng”.


Nhân quyền ở Trung Quốc
Sau khi Bộ Công an Trung Quốc tổ chức cho ông Quế Dân Hải họp báo, tuyên giáo Trung Quốc cho Hoàn cầu Thời báo công kích Thụy Điển. Ông Quế Dân Hải là người Thụy Điển gốc Hồng Kông và là một trong năm chủ nhà xuất bản sách nổi tiếng ở Hong Kong. Những cuốn sách ông xuất bản đã làm cho Bắc Kinh khó chịu, nên ông bị họ bắt rồi thả nhiền lần. Ba tuần trước, ông bị an ninh TQ bắt cóc.

Hôm 9/2, Bộ Công an TQ tổ chức họp báo cho ông Quế Dân Hải, rồi cho báo chí công bố cuộc phỏng vấn qua video, trong đó ông Quế cáo buộc chính phủ Thụy Điển tìm cách gây áp lực về vụ việc của ông. BBC đưa tin, Hoàn cầu Thời Báo, “cáo buộc Thụy Điển đã lừa ông Quế Dân Hải vào một kế hoạch được thiết kế nhằm đưa ông ta thoát khỏi sự giam giữ của
Trung Quốc“.

***

***









No comments:

Post a Comment

View My Stats