Wednesday, 10 January 2018

THƯ GỬI ÔNG TRƯƠNG TẤN SANG & GIỚI LÃNH ĐẠO ĐẢNG CỘNG SẢN (Trung Nguyễn)



Trung Nguyễn
10/01/2018

Đúng ngày mở phiên tòa xử một cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng 8/1/2018 thì ông Trương Tấn Sang viết hẳn một bài “hoành tráng” được đăng trên nhiều tờ báo trong nước. Nội dung chủ đạo của bài viết là ông điểm lại những thăng trầm một số triều đại phong kiến Việt Nam, sau đó là phần liên hệ với đảng Cộng sản, kết lại là phần “hô khẩu hiệu” cũ kỹ. Tuy nhiên, suy nghĩ một chút thì sẽ thấy nhiều điều.

Chế độ Cộng sản là chế độ phong kiến

Đầu tiên, có thể thấy rất rõ qua bài báo cũng như nhiều câu phát biểu khác của các lãnh đạo Cộng sản, đó là trong thâm tâm họ thật sự coi chế độ Cộng sản là một triều đại phong kiến. Trong bài báo, ông Sang chỉ nêu các bài học của các triều đại trước, nghe thì cũng hay nhưng ở tầm một chủ tịch nước đã từng công du nhiều quốc gia thì một bài luận văn như vậy không xứng tầm.

Tôi đoán rằng, có lẽ trình độ ngoại ngữ của ông Sang cũng ngang cơ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với câu nói “bất hủ” “Ma-dzê in Việt Nam”. Chính vì không biết ngoại ngữ nên những kiến thức các ông đọc được đều đã qua bộ lọc kiểm duyệt của chế độ mà các ông đang lãnh đạo. Từ đó, những kiến thức trong đầu các ông về thế giới và cả về đất nước Việt Nam rất lệch lạc. Các ông cũng là nạn nhân của chính chế độ do các ông góp phần tạo ra.

Ở bài viết này tôi không có ý công kích cá nhân ông Sang, mà tôi chỉ muốn qua bài viết của ông Sang để nêu bật ra được não trạng của giới cai trị Cộng sản. Thật sự họ chưa bao giờ muốn xây dựng một chế độ “của dân, do dân, vì dân”, mà chỉ muốn nói những câu bay bướm, làm một số hành động lòe loẹt để lừa mị nhân dân nhằm giữ vững ngai vàng của họ. Tuy nhiên, đôi khi họ “diễn sâu” quá nên những lời nói và hành động của họ thành kệch cỡm trong con mắt nhân dân.

Hãy thử đọc lại một số câu mà ông Tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng “sính” trích dẫn như: “Sức dân như nước, đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”, hay “dân là gốc”,… Chúng ta có thể thấy họ coi dân là thứ ở dưới, là “nước” hay là “gốc” thôi, còn họ mới ăn trên ngồi trốc trên đầu dân, là “thuyền”, là “ngọn”.

Lo cho đảng cai trị chứ không phải lo cho quốc gia dân tộc

Ngay từ Tuyên ngôn độc lập của ông Hồ Chí Minh năm 1945 cho đến Hiến pháp 2013 hiện hành đều khẳng định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng về quyền lợi, thế nhưng giới lãnh đạo Cộng sản tự cho họ có cái quyền coi họ là nhà cai trị mà không cần qua phiếu bầu trung thực của dân. Họ phủ nhận, chà đạp lên quyền lập đảng, lập hội, ngôn luận, báo chí,… của những công dân khác, cũng y như thời phong kiến là chỉ có một vua và một tập thể các quan lại ăn theo ông vua đó. Để rồi con vua rồi lại làm vua, hay nói như thời bây giờ kiểu bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là “con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc” (thật ra là “hạnh phúc của gia tộc”).

Cả bài viết ông Sang toát lên một điều là ông lo lắng cho vận mệnh của đảng Cộng sản. Còn vận mệnh đất nước thì không thấy đâu. Chính vì lo cho “đảng ta” (chứ không phải “đảng tây” dù đảng Cộng sản theo một chủ nghĩa của phương Tây) nên ông mới tìm đọc các bài học của chế độ phong kiến.

Nếu ông Sang thật sự lo cho đất nước này, cho dân tộc này thì ông đã phải mở to mắt nhìn ra thế giới, để biết thế giới này đang ở đâu và sẽ đi về đâu.

Ý nghĩa của khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

Xin thưa với ông Sang là thế giới này đã và đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, mọi thứ đều kết nối internet và tự động hóa. Để sinh tồn và cạnh tranh trong thế giới này thì mọi dân tộc đều phải sáng tạo. Muốn con người sáng tạo thì nền giáo dục phải có tự do học thuật, sách báo phải được tự do xuất bản, con người phải được tự do ngôn luận… Không có tự do thì không có sáng tạo. Và chỉ có nhà nước pháp quyền, dân chủ với tam quyền phân lập mới bảo đảm được tự do.

Tại sao ông Hồ Chí Minh lại nêu ra câu khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”? Đó là theo một quy luật đơn giản, cái gì càng hiếm thì càng quý. Ở Việt Nam không có “độc lập” và không có “tự do” nên “độc lập”, “tự do” là cái quý nhất.

Câu khẩu hiệu trên của ông Hồ vẫn được treo trên các phòng họp, hội nghị,… để nhắc nhở người dân Việt Nam là không có “độc lập” và “tự do” cho họ đâu. Số phận của họ là làm nô lệ vĩnh viễn cho giới lãnh đạo Cộng sản cai trị “quang vinh muôn năm”.

Thực vậy, đảng Cộng sản của ông Sang hủy diệt tính sáng tạo bằng cách bóp nghẹt tự do.

Sao cứ tự lừa dối nhau?

Thưa ông Sang, từng là một học sinh, tôi đã chứng kiến cảnh các bạn tôi phải chép nguyên xi văn mẫu mới được điểm cao. Bản thân tôi hồi học cấp 1, mỗi khi kết bài luôn phải có một dòng kiểu như “Em xin hứa làm con ngoan trò giỏi để khỏi phụ lòng Bác Hồ kính yêu”.

Còn bây giờ trong bài viết của ông vào năm 2018, phần kết bài ông viết “Nhân dân luôn đứng bên cạnh Ðảng [Cộng sản], đồng lòng đi theo Ðảng [Cộng sản] bằng cả lý trí và trái tim…” y như bao văn kiện, diễn văn khác của đảng Cộng sản, tôi thấy rất buồn cười vì chẳng có bất kỳ bằng chứng gì để chứng minh cho nhận định của ông.

Liệu ông có thể cho tôi biết đã có cuộc trưng cầu dân ý nào đồng ý với Hiến pháp do giới lãnh đạo Cộng sản tự ban hành, trong đó tự ban quyền lực cho mình không? Liệu đã có cuộc trưng cầu dân ý nào cho thấy người dân Việt Nam đồng ý cho đảng Cộng sản cai trị đất nước mãi mãi hay không? Bản thân ông cũng đang tự lừa dối mình, tự lừa dối cái đảng của mình.

Các anh em trong Lực lượng 47, Binh đoàn tác chiến không gian mạng, hay dư luận viên thử trả lời câu hỏi này của tôi thay ông Trương Tấn Sang được không?

Chống tham nhũng là ta tự đánh ta

Rất tiếc là vào thời đại internet và mạng xã hội, đảng viên Cộng sản cũng như người dân đã có những trang bị và công nghệ tuyệt vời với giá rẻ để có thể tự nâng cao nhận thức. Những lừa dối đó đã bị phơi bày trên internet. Chính ông Võ Văn Thưởng là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương còn phải thừa nhận là đảng viên Cộng sản thích vào mạng đọc tin “xấu, độc”, cũng có nghĩa là họ không tin vào báo cáo láo của cấp trên nữa.

Nếu một ngày nào đó, bài viết này của tôi – một “phó thường dân” được đăng trên các báo trong nước để phản hồi bài viết của một nguyên chủ tịch nước – thì may ra lúc đó mới bắt đầu có tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do học thuật, là nền tảng để đất nước cất cánh bay xa (còn lúc đó đảng Cộng sản của ông bay đi đâu thì tôi không biết).

Những thiết chế quan trọng nhất để bảo đảm tự do và bình đẳng giữa mọi người, hạn chế tối đa tham nhũng như mong muốn của ông Sang là “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên đa đảng”. Thế nhưng, đảng Cộng sản của ông lại đi ngăn cấm đảng viên đòi hỏi những điều trên. Cũng có nghĩa là giới lãnh đạo Cộng sản không bao giờ muốn thực tâm chống tham nhũng (chẳng phải ông Tổng Bí thư Trọng đã tuyên bố là “chống tham nhũng là ta tự đánh ta” đấy ư).

Chế độ Cộng sản còn tệ hơn chế độ phong kiến

Người dân Việt Nam nào chịu khó đọc tin tức mỗi ngày thì đều có thể kể ra vô số vụ tham nhũng, cướp của, bắt người trái phép nhưng cán bộ quan chức thì không hề phải vô “lò” thiêu tham nhũng của ông Trọng.

Ví dụ ngay như việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, Sài Gòn mới xin từ chức. Trong đơn xin từ chức vì lý do không hoàn thành việc dọn dẹp lề đường, ông Hải nêu rõ là ông không đấu nổi với nhóm lợi ích khổng lồ của các nhà hàng, quán nhậu,… “và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó”. Bản thân ông Hải và gia đình ông cũng bị đe dọa tính mạng. Ông Tổng bí thư Trọng với quyền lực cao nhất nước có dám thử dẹp vỉa hè ở quận 1 không?

Khi quyền lực chính trị kết hợp với quyền lực kinh tế và xã hội đen như trong đơn ông Hải chỉ ra thì nhà nước đó là nhà nước mafia, đó là chế độ chính trị mà những kẻ cướp nắm quyền cai trị đa số nhân dân. Thực sự nó còn tệ hơn cả thời phong kiến.

Thời phong kiến vua còn đặt một cái trống ở ngoài sân, bất kỳ ai có chuyện oan ức đều có thể gõ trống kêu oan. Ngày nay, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa “rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam” (lời của ông Tổng Bí thư Trọng), người dân gửi đơn kêu oan ròng rã mấy chục năm trời nhưng không có ai giải quyết. Xuống đường biểu tình mong được lắng nghe thì bị “công an nhân dân” đánh cho thừa sống thiếu chết. Cứ hỏi bà con ở Dương Nội, Văn Giang, Đồng Tâm, Đắk Nông,… thì biết.

Ngay những ngày cuối năm vừa rồi, bà con dân oan bị cướp đất ở quận 2 đã đến căng băng rôn biểu tình ở đường Trương Định, quận 3, Sài Gòn, là trụ sở của Sở Xây dựng. Công an, dân phòng đứng vây xung quanh còn đông hơn dân. Đất quận 2 bây giờ lên giá quá nên phải cướp thôi!

Không ai thoát khỏi luật nhân quả

Nhìn cảnh ông Đinh La Thăng một thời huy hoàng, bây giờ bị chính các “đồng chí” của mình còng tay đưa ra tòa, ta có thể thấy quả báo đến nhanh như thế nào. Ông Thăng là người chịu trách nhiệm chính trong việc phá chùa Liên Trì của thầy Thích Không Tánh. Người Cộng sản vô thần, không tin nhân quả, thì cũng nên tìm hiểu thêm về luật nhân quả của nhà Phật để sớm quay đầu về với nhân dân. Đừng làm “người tử tế” chỉ sau khi đã về hưu như ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng!

Hãy nhìn những người đấu tranh dân chủ ra tòa, ở tù, và trở về trong sự thương mến của nhân dân, và hãy nhìn những quan tham phải ra tòa trong sự dè bỉu của nhân dân để các ông bà đang lãnh đạo đảng Cộng sản biết nên chọn con đường nào để về với nhân dân.
Nếu không thì rồi sẽ đến một ngày không xa, hình ảnh Đinh La Thăng hiện tại chính là hình ảnh các ông bà đang lãnh đạo đảng Cộng sản và đang cai trị quốc gia.

© Copyright Tiếng Dân

----------------------------

Huỳnh Ngọc Chênh
10/1/2018

Thời bây giờ mà đầu óc cứ luẩn quẩn mãi chuyện "tôi trung" với "minh quân" thì đất nước còn tiếp tục chìm đắm vào tối tăm lạc hậu, khó mà vươn lên ngang bằng với các láng giềng Đông Nam Á chứ đừng nói với các quốc gia tiên tiến cao xa khác.

Cụ Chu Văn An sống trong thời đại phong kiến thì tư duy của cụ cũng chỉ là tôn sùng minh quân, xây dựng lực lượng tôi trung, tiêu diệt gian thần để kéo dài tuổi thọ cho một thế lực phong kiến đã đến lúc phải suy tàn theo quy luật.

Nhìn ra bên ngoài thời đó, Chu Văn An cũng chỉ thấy một cơ chế phong kiến của Trung Hoa không có gì khác hơn, nhìn lui lại lịch sử nước nhà cũng một cơ chế phong kiến tồn tại trên cơ sở đức trị mà vận nước phải gắn vào hưng suy theo triều đại. Cụ không thấy được cơ chế nào khác tốt đẹp hơn nên cứ bám theo đó ra sức giúp nước bằng cách giúp vua thành minh quân, bằng cách dâng sớ xin chém gian thần để thanh lọc bộ máy cai trị lúc nhúc quan tham của cái thời nhà Trần mạt vận.

Liệu ngày đó vua nghe lời trung thần Chu Văn An chém đầu 7 gian thần thì triều đình nhà Trần có tốt đẹp hơn lên vào lúc đã suy tàn theo quy luật? Liệu 7 gian thần đó bị chém đầu, thì các quan khác lên thay có tốt đẹp hơn không? Chưa nói là cá nhân cụ Chu Văn An không khỏi bị chủ quan khi đánh giá ai là gian thần ai là trung thần. Cụ dựa trên cơ sở pháp lý nào, quy chuẩn công chức nào để phán xét kẻ đúng người sai?

Không. Ngoài cái tài học rộng và đức cao ra, chúng ta của thời đại ngày nay không học được điều gì từ cụ Chu Văn An trong vấn đề hưng quốc.

Đọc lại lịch sử để rút ra bài học là các triều đại phong kiến thiết kế chế độ và quản lý quốc gia trên cơ sở đức trị, hoàn toàn dựa vào đạo đức của người đứng đầu là ông vua. Vua tài đức thì triều đình hưng thịnh, đất nước bình an, vua tệ hại thì triều đình mạt vận, đất nước suy vong. Cơ chế chọn ra ông vua kế vị thì hoàn toàn độc đoán, chủ quan cá nhân và dựa vào mệnh trời may rủi, không có gì bảo đảm người được chọn sẽ là vị minh quân.

Do vậy tất cả các triều đại phong kiến trong lịch sử VN đều đi theo một quy luật, hưng thịnh nhờ vào một vài ông vua đầu còn sáng suốt, sau đó lụn tàn sụp đổ vì các ông vua sau suy thoái.

Học lại lịch sử là học cái điều đó để đừng lặp lại vì chuyện thịnh suy của một triều đại, một giòng họ, một bè nhóm cai trị mà đưa đến thịnh suy của đất nước.

Ngày nay, cánh cửa ra thế giới rộng mở, chúng ta nhìn thấy thực tế tốt đẹp của cả trăm quốc gia phát triển, học hỏi được giải pháp quản lý và phát triển của họ, hiểu biết thể chế nào là tối ưu mà họ chọn lựa để đưa đất nước họ vươn lên mang lại hạnh phúc ấm no thực sự cho người dân.

Thể chế chính trị hiện nay cai trị đất nước chẳng khác gì với các triều đại phong kiến ngày xưa, cũng "vua" trước truyền ngôi lại "vua" sau, tổng bí thư trước chuẩn bị người cho chức TBT sau, bộ chính trị trước lo người kế thừa BCT sau, quan đầu tỉnh trước chuẩn bị truyền chức lại cho quan đầu tỉnh sau... tất cả đều trên cơ sở chủ quan cá nhân, độc đoán và được bảo vệ bằng nghị quyết đảng chứ chẳng dựa trên cơ sở pháp lý và phương pháp tuyển chọn dân chủ khoa học nào.

Mà thể chế tuyển dụng và đề bạt lãnh đạo hiện nay còn tệ hại hơn thời phong kiến. Ngày trước chỉ duy nhất một "chức" vua là được truyền lại, còn tất cả các quan chức khác từ tể tướng trở xuống đều không được tự ý truyền lại cho người sau. Cơ chế tuyển dụng quan cũng tốt hơn bây giờ, nghĩa là mọi thành phần xã hội đều được tham gia ứng tuyển thông qua các kỳ thi nghiêm khắc.

Đọc lại lịch sử để biết vượt qua cái hạn chế của tổ tiên chứ không phải học theo các phương cách cổ xưa luẩn quẩn mãi trong chuyện minh chúa hay lú chúa, trung thần hay gian thần.

Liệu bây giờ chém đến cả trăm tham quan thì lấy gì bảo đảm không có cả ngàn tham quan khác lên thế chỗ trong cái cơ chế lỗi thời nầy? Đồng thời với việc chém đầu các tham quan thì phài chém ngay cái thể chế phát sinh ra đám tham quan nhung nhúc như hiện nay thì việc chống tham nhũng mới thực chất và hữu hiệu.

Cái đất nước đang cần bây giờ là minh chế chứ không phải minh quân.

Nếu ông Trương Tấn Sang có lòng với dân với nước, như ông bày tỏ, thì ông hãy dũng cảm lên tiếng kêu gọi đổi mới thể chế như ông Võ Văn Kiệt đã từng làm, ngay khi ông còn đương chức và tiếp tục vận động sau khi đã nghỉ hưu.

Huỳnh Ngọc Chênh

-----------------------------------


“Lịch sử giúp chúng ta hiểu về hiện tại, dự báo tương lai”

Hôm nay, Ông Trương Tấn Sang, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho đăng trên Nhân Dân, Thanh Niên Dân Trí một bài viết rất đáng được quan tâm.

Ông đề cập đến những vương triều chính thống của dân tộc Việt, thời Trần, thời Lê, với những suy ngẫm về lẽ thịnh suy trong lịch sử.

Đặc biệt ông đề cao vai trò và hành động “phản biện” của những các tầng lớp nho sỹ các thời bấy giờ. Về cụ Chu Văn An, ông viết: 

"Hơn 100 năm kể từ khi vị Hoàng đế đầu tiên của Trần triều, vào buổi sáng sớm cái ngày mà quan Tư nghiệp Quốc tử giám Chu An (Chu Văn An), bậc quốc sư dạy dỗ cho hai Hoàng đế Hiến Tông và Dụ Tông, phải chấm tay áo gạt nước mắt, treo mũ ở cửa Huyền Vũ rồi về quê dạy học, kinh thành Thăng Long vẫn vắng lặng. Tờ sớ mà ông liều thân xin chém đầu 7 tên gian thần đầu triều vẫn nằm im đâu đó trong mật viện hay trên long án... Đó cũng là cái ngày báo hiệu cho sự lung lay và sụp đổ của vương triều Trần từng một thời rực rỡ”.

Ông nhắc đến vị vua trí thức đời nhà Lê và lòng cung kính tin dùng kẻ sỹ: 

“Triều Lê với những vị hoàng đế anh minh như Lê Thánh Tông, người lệnh cho danh sĩ Thân Nhân Trung soạn văn bia với câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, đã dựa vào các nhân tài để tạo dựng hàng loạt những giá trị văn hiến truyền lại cho đời sau, đưa Đại Việt lên hàng cường quốc trong khu vực”. 

Ông cũng trích dẫn và bình luận một cách xác đáng: 

“Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) có tổng kết 5 nguy cơ dẫn đến quốc gia suy vong là: Trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt. Cả 5 điều ấy đều là những yếu tố bên trong. Dân tộc Việt Nam không bao giờ sợ giặc ngoại xâm, chỉ sợ những người cầm quyền không đủ dũng khí để tự sửa mình, để thực hành nghiêm khắc nội bộ”.

Khá lâu rồi ta mới thấy một nhân vật nguyên là Chủ Tịch nước, nguyên là thành viên cao cấp của Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam đề đạt và suy ngẫm về chính sách hiện nay, nhằm soi sáng những bước đi chính trị tương lai, mà dựa trên lịch sử dân tộc truyền thống, nhất là đề cao vai trò của tầng lớp trí thức. 

Đây là nét mới đáng ghi nhận, nhất là nó được đăng tải chính thức trên báo Nhân Dân!

Sẽ lạc quan quá đáng nếu ta cho đây là bước ngoặt thể hiện xu hướng mới của Ban Tuyên giáo?

Riêng cá nhân tôi, tôi hoan nghênh tinh thần này, tinh thần dựa vào bài học lịch sử ngàn năm của dân tộc để tìm lối ra cho những ách tắc vô cùng rối rắm hiện nay…

Tôi sẽ hoan nghênh hơn nếu ông Trương Tấn Sang xác định rõ hơn những bài học này, đặc biệt cách đào tạo và sử dụng trí thức ngày nay ở Việt Nam… Thí dụ như ngày xưa các quan được tuyển lựa nghiêm túc qua các kỳ thi, mà giai cấp nông dân hay giai cấp quan quyền đều bình đẳng ghi danh ứng thí! Còn chúng ta, đã có một thời, dưới mái nhà xã hội chủ nghĩa vào đại học đã bị hạn chế vì lý lịch và ngày nay, việc xử dụng cán bộ không được chế tài nghiêm túc và ngược lại, những thói quen cơ cấu thân hữu, bà con thân thuộc đã thành một thông lệ tràn lan từ cấp trung ương đến các cấp tỉnh, huyện, xã…

Tôi cũng sẽ hoan nghênh hơn nếu nguyên Chủ tịch nước thấy được là thời xưa ta gọi là phong kiến, quyền tự do sáng tác là điều có thật mà thời nay phải học hỏi. Thời xưa không hề có cái “ban tuyên giáo”, các “cục biểu diễn”… ngăn cấm văn nghệ sỹ sáng tác, sinh hoạt theo xu hướng tự do. Ta còn nhớ vua Tự Đức tuy rất cay cú với nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều vì câu thơ: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Ngài đã không vì một câu thơ “khi quân” của Truyện Kiều mà ra lệnh đốt hết sách của Nguyễn Tiên Điền hay bỏ Đoạn trường tân thanh vào cối giã để lấy giấy tái chế!

Ngoài ra, nếu lấy lịch sử dân tộc ra làm bài học cho hôm nay và ngày mai thì theo tôi, điều cốt lõi nhất là phải noi gương, là tinh thấn quật cường dân tộc, truyền thống đoàn kết gắn bó giữa giới cầm quyền và người dân trong công cuộc tạo sức mạnh tổng hợp, chống xâm lược phương Bắc, dù kẻ thù có nhất thời hung hãn mạnh bạo đến bao nhiêu. 

Đó là “Tuyên Ngôn Độc Lập” của Lý Thường Kiệt, đó là “Hịch Tướng Sỹ” của Trần Hưng Đạo, đó là Hội Nghị Diên Hồng, đó là “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi, đó là lời thề giữa ba quân của Hoàng Đế Quang Trung trước khi tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh.

Các vương triều Đại Việt, qua lời nói và việc làm, đã bảo vệ giang sơn đất nước, đã hun đúc cho giống nòi chúng ta lòng yêu nước thương dân, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, vận dụng khí giới vô giá đó mà củng cố lực lượng, bảo vệ bờ cõi cho Đại Việt trường tồn qua lịch sử ngàn năm. Các vương triều đất Việt đi ngược lại lòng dân hay làm mất lòng dân đều tạo điều kiện cho phương Bắc thôn tính, nước nhà bước vào vòng nô lệ! 

Hơn bao giờ hết ngày nay trước hiểm họa lãnh thổ, lãnh hải bị xâm phạm, trước nguy cơ bị chiếm đoạt Biển Đông, chính quyền nên ghi nhận bài học này.

Cái nguy hiểm trước mắt là những sai lầm chính trị, những biện pháp đàn áp đáng tiếc, phát sinh ra đối kháng giữa dân và nhà cầm quyền: Đồng Tâm, Formosa, BOT Cai Lậy, trưng thu đất đai làm dự án...

Mong thay ý tưởng dựa vào lịch sử dân tộc sẽ không dừng lại ở đây mà còn được các nhà hoạch định đường lối chính sách triển khai thêm trong tương lai. Việt Nam ngày nay rất cần những giải pháp có thực chất trong giai đoạn kiến tạo, đổi mới đợt hai, thoát ra khỏi khủng hoảng triền miên, sớm đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển bền vững, dân chủ, văn minh.

Sài Gòn, ngày 8/1/2018
N.Đ.H
__________

Bài ông Trương Tấn Sang xin đọc ở đây: 

-------------------------------------

Báo Nhân dân  -  Thứ Hai, 08/01/2018, 01:21:00






No comments:

Post a Comment

View My Stats