Wednesday 10 January 2018

BẢN TIN TỐI 10/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
Trong tình hình Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa vùng tranh chấp lãnh hải, Mỹ tuyên bố sẽ đứng lên bảo vệ luật pháp ở Biển Đông. Ông Brian Hook, Cố vấn chính sách cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ, khẳng định rằng hành động khiêu khích của Bắc Kinh “đi ngược lại luật pháp quốc tế”. Đến nay, Trung Quốc đã bồi đắp 7 đá ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo với hệ thống căn cứ tiền phương, có “nhiều công trình trái phép” và nhiều loại vũ khí.

Ông Hook nhấn mạnh: “trật tự dựa trên quy tắc là nền tảng của hoà bình và ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới”. Hoa Kỳ thấy rằng “sự lãnh đạo của nước này trong việc giúp các nước bảo vệ chủ quyền, đẩy lui các hành động làm suy yếu trật tự dựa trên quy tắc, là cần thiết”.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị phía Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: Reuters/TTXVN


Ngày thứ 3 của “phiên tòa lịch sử”
Trong lúc trả lời thẩm vấn của luật sư sáng nay, bị cáo Đinh La Thăng hết lời ca ngợi cấp dưới. Trả lời câu hỏi của LS Đinh Anh Tuấn, người bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực, ông Thăng cho rằng “ông Phùng Đình Thực là người có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, và rất quyết liệt”. Trong quá trình chỉ đạo về dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, “ông Thực đều có giải quyết kịp thời, theo đúng thẩm quyền”.

Lúc đặt câu hỏi với giám định viên, luật sư truy cách tính thiệt hại hơn 100 tỷ trong vụ ông Đinh La Thăng. Giám định viên từ chối trả lời “vì vấn đề này đã nói trong phiên xử trước hoặc đề cập trong báo cáo”. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không đồng ý với cách tính của giám định viên, vì “đó là căn cứ chung chung, xác định hành vi vi phạm chứ không phải thiệt hại”. Ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh đều “đồng ý với phần trả lời của Nguyễn Xuân Sơn”.

Xuất hiện thêm tình tiết trong phiên xử sáng nay: Tổng giám đốc PVPower: PVN liên tục ép ký hợp đồng 33. Phần thẩm vấn buổi sáng chủ yếu xoay quanh chuyện ký hợp đồng 33 “khiến PVN thiệt hại 119 tỉ đồng”. Ông Vũ Huy Quang, tổng giám đốc của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) khẳng định: “PVPower phải ký hợp đồng 33 là do sức ép của PVN”, trong lúc trả lời LS Nguyễn Thị Hoài Linh, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh.

Thêm mâu thuẫn giữa lời khai của các “đồng chí”: Xét xử ông Đinh La Thăng: Lời khai bất ngờ của Tổng giám đốc PVPower. Về chuyện ông Thăng và một số đồng phạm khai trong ngày 9/1/2018 rằng họ không biết về sai phạm của hợp đồng số 33 trước ngày 30/5/2011, ông Vũ Huy Quang khẳng định chuyện đó không đúng sự thật.

Ngày 31/3/2011, ông Đinh La Thăng đã tổ chức “cuộc họp tổng thể công bố quyết định thành lập Ban Quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2”, có lãnh đạo PVC, lãnh đạo PVPower và đầy đủ HĐTV tham dự. Ông Quang cho biết đã “nói rõ hợp đồng EPC số 33 cực kỳ thiếu sót và cần hủy để ký lại”.

Đến phiên xử chiều nay, ông Đinh La Thăng cho biết bị báo cáo sai về dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Về những bất ổn trong hợp đồng số 33, ông Thăng cho biết: “chỉ khi CQĐT làm việc mới biết hợp đồng EPC số 33 của Thái Bình 2 thiếu căn cứ pháp lý”. Những báo cáo trước đó đều khẳng định với ông Thăng rằng “tất cả điều kiện để khởi công dự án đều đầy đủ”.

Tình tiết mới trong phiên xử buổi chiều, điều tra viên C46 được mời tới phiên xét xử ông Đinh La Thăng. Sau khi thẩm phán hỏi điều tra viên lý do kết luận rằng Trịnh Xuân Thanh “không thành khẩn, quanh co chối tội”, PV các báo ghi nhận hiện tượng “lạ”: “âm thanh truyền từ phòng xử án tới khu vực phóng viên theo dõi qua màn hình bỗng nhiên trục trặc”. Các PV không thể nghe rõ nội dung trả lời của điều tra viên.

Sau khi tín hiệu tới khu vực PV được nối lại, PV các báo ghi nhận lời giải thích của điều tra viên về chuyện: ‘Bị can Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn’. LS hỏi có bằng chứng gì để kết luận như vậy. Điều tra viên trả lời: “Chúng tôi kết luận bị cáo Trịnh Xuân Thanh quanh co, chối tội bởi thực tế với chứng cứ và lời khai khác, ngay trong phần thẩm vấn tại phiên tòa 2 ngày hôm nay đã thể hiện được lời khai của các bị cáo khác về hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh”.

TS Cao Sỹ Kiêm, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đánh giá: Lãnh đạo độc đoán, quyết định sai sẽ kéo thuộc cấp sai theo. Về chuyện những người dưới quyền ông Thăng liên tục khai rằng họ chịu áp lực rất lớn từ cấp trên, ông Kiêm bình luận: “Trong trường hợp cán bộ cấp dưới khi nhận lệnh cấp trên sai vẫn làm, dẫn tới sai lầm có hệ thống đó cũng là bài học nữa được rút ra”.

Về chuyện ông Đinh La Thăng khai rằng sai phạm trong dự án nhiệt điện Thái Bình 2 bắt nguồn từ “chủ trương đúng, có quyết định của Thủ Tướng” trong ngày 9/1/2018, báo Người Việt bình luận: Đến lượt Đinh La Thăng đổ tội cho Nguyễn Tấn Dũng. Tác giả đặt câu hỏi: “không rõ liệu ông cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có bị bị triệu đến tòa để đối chất hay không”.


Tiếp tục có khuất tất trong vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê
Trong phiên xử sáng nay, ông Trầm Bê nói thẳng: ‘Truy tố tội cố ý làm trái, bị cáo không phục’. Trong lúc HĐXX thẩm vấn về chuyện Sacombank “cho 6 công ty của ông Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng”, bị cáo Trầm Bê bật khóc và nói: “Làm trái thì phải được tư lợi. Cố ý làm trái, lấy gì để làm trái? Phải có tư lợi mới là làm trái. Truy tố bị cáo tội cố ý làm trái, bị cáo không phục”. Ông Trầm Bê cho rằng: “giám định của Ngân hàng Nhà nước còn luẩn quẩn”.

Đến phiên xử chiều nay, báo Dân Việt ghi nhận: Phạm Công Danh nhiều lần bị nhắc nhở, ngắt lời tại toà. Trong khi trả lời chất vấn chuyện vay tiền tại 3 ngân hàng khiến VNCB chịu thất thoát 6.126 tỷ, ông Phạm Công Danh trình bày về áp lực “phải tìm mọi cách giữ thanh khoản cho ngân hàng”. HĐXX yêu cầu bị cáo Phạm Công Danh không đề cập nội dung ngoài vụ án.

Theo bị cáo Phạm Công Danh, “một số vấn đề trong cáo trạng chưa chính xác, từng yêu cầu gặp VKS trình bày nhưng không được, trong đó có yêu cầu lấy tài sản để khắc phục thiệt hại”. Chủ tọa phiên tòa lại yêu cầu ông Danh ngưng phát biểu, bởi các vấn đề này đã được trình bày “nhiều lần tại phiên tòa giai đoạn 1”, bản án lúc đó “đã có hiệu lực pháp luật”.

Báo Tiền Phong bàn về đường đi của hơn 6.000 tỷ đồng thiệt hại trong ‘đại án’ VNCB. Theo bị cáo Phan Thành Mai, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng VNCB, số tiền hơn 6.000 tỷ đồng thiệt hại của VNCB hiện đang nằm tại các ngân hàng, “nên đề nghị cấn trừ thiệt hại hoặc HĐXX tuyên khoản tiền này là vật chứng của vụ án để thu hồi”.

“Đại gia” có liên quan vẫn vắng mặt trong ngày xét xử thứ 3, luật sư đề nghị HĐXX áp giải ông Trần Bắc Hà đến toà. Trong phiên xử sáng nay, không chỉ ông Trần Bắc Hà, cả ông Đoàn Ánh Sáng, ông Trần Lục Lang đều tiếp tục vắng mặt, dù đã được tòa triệu tập với tư cách “người có quyền nghĩa vụ liên quan”, “người làm chứng” suốt gần 3 ngày diễn ra phiên xử vụ án Phạm Công Danh và 45 đồng phạm.

LS Đỗ Hải Bình, đánh giá: dù ông Trần Bắc Hà đã nêu lý do điều trị bệnh ung thư gan để xin vắng mặt, hay bà Hứa Thị Phấn, phải điều trị bệnh với văn bản giám định của cơ quan y tế chứng minh bà Phấn đang rất yếu, “thì trong trường hợp cần thiết, Hội đồng xét xử vẫn có thể áp giải những người này đến toà để làm rõ sự thật vụ án”.

Báo Thanh Niên đưa tin: Ông Trần Bắc Hà vắng mặt tại địa phương. Trao đổi với báo Thanh Niên, trung tá công an Hoàng Xuân Hiếu, cho biết: “cảnh sát khu vực không thể nắm được thông tin ông Trần Bắc Hà sinh sống tại đâu”.

Lý do vắng mặt tại địa phương: Ông Trần Bắc Hà điều trị ung thư tại Singapore. Báo Người Lao Động dẫn một nguồn tin cho hay: ông Trần Bắc Hà “đang điều trị ung thư gan có dấu hiệu tái phát tại Bệnh viện Gleneagles, Singapore”.

Thêm tình tiết trong vụ án Phạm Công Danh: Viện kiểm sát đề nghị cấm xuất cảnh đối với cha con giám đốc Tân Hiệp Phát. Theo VKS, ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích, và ông Trần Trọng Nghĩa đã giúp bị cáo Phạm Công Danh chuyển 5.190 tỷ đồng ra khỏi VNCB. VKS đề nghị “cấm xuất nhập cảnh đối với 3 người này”.




Lời hứa và niềm tin trong chuyện ông Đoàn Ngọc Hải
Trang Giáo Dục Việt Nam có bài: Người Việt mình tốt lắm, niềm tin đâu mất tiền mua. Về chuyện Cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tuyên bố: “Ngay cả tôi cũng vậy, nếu làm không được thì tôi sẽ xin nghỉ”, tác giả bình luận: “Xin nghỉ thì không thấy nhưng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật buộc thôi chức thì dân chúng đều biết”.

Đã có rất nhiều lãnh đạo hứa hẹn trước Quốc hội, nhưng sau đó hầu như không có ai “viết đơn xin thôi chức vì không thực hiện được lời hứa”. Tuy nhiên, “ở TP HCM  có một người vừa làm điều đó là ông Đoàn Ngọc Hải“. Vậy nên, lá đơn xin từ chức của ông Hải trở thành một hiện tượng nổi bật trong thể chế toàn trị này, một môi trường với đầy những lãnh đạo thường “giữ ghế” đến khi không thể giữ được nữa.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Ông Hải từ quan, vì đâu nên nỗi? Nguồn tin riêng của báo Tiền Phong cho biết: “có một số cuộc họp tại quận 1 diễn ra rất căng thẳng, thậm chí có thành viên còn ‘đập bàn, đập ghế’”. Chuyện này có liên quan đến hiện tượng một số lãnh đạo, như Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận, cựu Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Hoài Trung, từ chối trả lời thẳng các câu hỏi của báo chí về lá đơn xin từ chức của ông Hải.


Sự nghiệp “trồng người”
Thực trạng buồn của nền giáo dục Việt Nam: Nhiều thầy cô đang dạy thêm vì tiền. Trong số những thầy, cô kiếm vài chục triệu một tháng từ dạy thêm, “có không ít những giáo viên luôn sử dụng chiêu bài ép học sinh phải tới lớp học thêm của mình”. Có những giáo viên hầu như chỉ sống nhờ lương lại luôn sẵn sàng giúp đỡ học sinh nghèo, “và chẳng bao giờ ép buộc các em đi học thêm với mình”.

Hiện thực trong bức tâm thư của một học sinh huyện Núi Thành: “Thế nhưng, có nhiều bạn vì không có điều kiện đi học thêm mà phải thi lại, ở lại lớp, có nhiều bạn bỏ đi học nghề, đi phụ quán cơm kiếm tiền”.


BOT và những bàn tay đằng sau muốn “bóp cổ” dân
Lãnh đạo dần công khai lập trường đứng về phía BOT: Tổng cục Đường bộ yêu cầu xử lý hành vi gây rối ở BOT Sóc Trăng. Cuộc phản kháng của các tài xế tại BOT Sóc Trăng đã kéo dài tới ngày thứ 4 liên tiếp.  Trao đổi với báo Zing, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết TCĐB và Bộ GTVT đang theo dõi tình hình BOT Sóc Trăng, đồng thời yêu cầu “chủ đầu tư quay video lại các đối tượng gây rối chuyển sang Công an tỉnh Sóc Trằng điều tra, xử lý”.

Ông Huyện kể rằng đã gửi văn bản đến Bộ GTVT về chuyện “xử lý các hành vi gây rối”. Lãnh đạo ngành đường bộ thừa nhận rằng: “tình hình tại các trạm thu giá trên toàn quốc có chiều hướng diễn biến phức tạp”. Tuy nhiên, thay vì nghiêm túc nghĩ đến giải pháp đối thoại vì quyền lợi của dân, họ diễn giải vấn đề theo hướng “có kẻ xấu lợi dụng gây kích động”.


***

Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
Như tin đã đưa về bài phát biểu chấn động nước Mỹ của Oprah Winfrey, nhiểu người Mỹ hy vọng bà chính là người giúp đảng Dân chủ đánh bại ông Trumptrong bầu cử 2020. Winfrey cho biết, bà đang tích cực suy nghĩ đến việc tranh cử tổng thống. Mặc dù trước đây, Winfrey nói rằng, không hứng thú với việc này.

Chính sách hạn chế nhập cư của TT Trump tiếp tục gặp phải thất bại. Báo Người Lao Động đưa tin Thêm một quyết định của ông Trump bị tòa án chặnTheo đó, thẩm phán William Alsup yêu cầu giữ nguyên DACA (Chương trình Bảo vệ Di trú), trong khi giải quyết các khiếu nại liên quan đến quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ.

Theo Reuters “DACA giúp bảo vệ gần 800.000 thanh thiếu niên khỏi bị trục xuất khỏi Mỹ cũng như quyền làm việc hợp pháp kể từ khi được cựu Tổng thống Barack Obama thông qua vào năm 2012“. Thẩm phán Alsup đề nghị chính phủ phải chấp nhận đơn gia hạn DACA, nhưng không bắt buộc chấp nhận đơn xin gia nhập mới.

TT Donald Trump và các nhà lãnh đạo quốc hội, đang đàm phán về cải cách nhập cư trên diện rộng. Trong cuộc gặp này, TT Trump nói sẵn sàng chấp nhận “búa rìu dư luận” về thỏa thuận nhập cưHiện nay, về vấn đề hạn chế nhập cư, Trump đã có một số nhượng bộ và không còn quá cứng rắn như khi vận động tranh cử.

Trump nói trước các nhà lập pháp “Nếu các ông cho đó là một bước đi quá xa, tôi hứa sẽ là người hứng chịu mọi chỉ trích. Tôi không quan tâm đến những lời chỉ trích đó“. Ông Trump hiện đã ủng hộ việc cải cách luật nhập cư  diện rộng với 2 giai đoạn.

Trên báo Người Lao Động có bài: Cựu chiến lược gia Nhà Trắng trả giá đắtBài viết được dẫn nguồn từ Reuters cho biết, trang tin Breitbart News ngày 9-1 thông báo ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia Nhà Trắng, đã từ chức chủ tịch điều hành của website. Việc mất chức ở Breitbart đã xóa tan ước mơ về một một phong trào chính trị mới của ông Bannon.
Theo bài viết, Bannon đã nỗ lực sửa chữa những phát ngôn “sai lầm” của mình. Nhưng có vẻ mọi thứ đã quá muộn. Ông Roger Stone, một người bạn lâu năm của TT Trump, nhận xét: “Bannon chết vì chính lưỡi gươm của mình. Một ví dụ điển hình của sự ngạo mạn và suy nghĩ mình thông minh hơn cấp trên“.


Tình hình bán đảo Triều Tiên
Trong cuộc họp báo ngày 10/1, Tổng thống Hàn Quốc để ngỏ khả năng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên. Theo đó, ông Moon Jae-in tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với những điều kiện phù hợp. Tổng thống Moon cho hay, ông để ngỏ khả năng gặp ông Kim nhằm giải quyết thế bế tắc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Cũng trong cuộc họp báo trên, ông Moon Jae-in cho biết, Hàn Quốc sẽ theo đuổi tới cùng và  không bao giờ từ bỏ mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. TT Moon nói “Việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là lập trường cơ bản của chúng tôi, điều mà mà chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ“.

Trước những nghi ngại về việc Bắc Hàn dùng “kế ly gián” mối quan hệ Mỹ- Hàn, trong cuộc họp báo tại Nhà Xanh, TT Hàn Quốc cho rằng: ‘Ông Trump có công lớn trong đàm phán liên Triều’. Ông Moon Jae-in đã dành những lời khá tốt đẹp cho đồng minh Hoa Kỳ trong cuộc họp báo này.

Ông nói “Tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump đã góp công lớn trong cuộc đàm phán liên Triều. Việc Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt và gây áp lực lên Triều Tiên có thể là động lực mở ra cuộc đàm phán này”. Đây được coi là hành động “đánh bay” âm mưu chia rẽ đồng minh  Mỹ- Hàn của Triều Tiên.


Tình hình Trung Đông 
Trên An Ninh Thủ Đô có tin: Quan chức cấp cao của Hamas bị bắn vào đầu, nguy kịchNgười phát ngôn của Hamas Fawzi Barhoum cho biết, ông Imad al-Alami đã bị bắn vào đầu hôm 9/1. Tin cho biết thêm “Ông Alami, còn được gọi là Abu Hamam, được coi là người có quan điểm cứng rắn và là người ủng hộ quan hệ của Hamas với Iran“.


Tin Trung Quốc.
VietNamNet đưa tin: Quân đội Trung Quốc phóng tên lửa, tập trận rầm rộTheo đó, Trung Quốc đã tiến hành phóng hàng loạt tên lửa tại nhiều địa điểm ở nước này. Đó là các loại tên lửa tầm ngắn và trung,  DF-11 và DF-16, có thể bay xa tới 1.000km. Tin từ quân đội Trung Quốc cũng cho biết thêm, nước này tiến hành tập trận ở 4000 căn cứ quân sự, lớn nhất từ trước đến nay.

Nỗ lực kiểm duyệt internet của Trung Quốc cũng diễn ra quyết liệt, báo Thanh Niên cho biết: Trung Quốc đóng 128.000 trang web độc hại. Theo đó, năm 2017 Trung Quốc đã đóng cửa 128.000 trang web chứa nội dung khiêu dâm và độc hại. Ngoài ra còn hàng triệu nội dung  bị xóa, 1.900 người bị xử lý hình sự.

Các công ty Tencent, Baidu và Weibo cũng bị phạt do thiếu kiểm soát nội dung người dùng đưa lên mạng. Đây có lẽ “tấm gương”cho Việt Nam, vì trong nửa cuối năm 2017 đến nay, chiến dịch “định hướng” dư luận, chống thông tin “xấu độc” cũng được Việt Nam thực hiện ráo riết. Chiến dịch này chủ yếu nhắm đến những tiếng nói bất đồng trong xã hội.


Các tin thế giới khác: 








No comments:

Post a Comment

View My Stats