Sunday 21 January 2018

QUAN HỆ MỸ - TRUNG & MỸ - NGA TRỒI SỤT TRONG MỘT NĂM QUA (tin tổng hợp)



Đăng ngày 19-01-2018

Vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình và khởi đầu năm thứ hai, giới quan sát đều ghi nhận tác động của tính khí thất thường của ông trên đường lối đối ngoại của Hoa Kỳ trong năm qua, mà ví dụ điển hình nhất là vấn đề quan hệ với Trung Quốc. Theo nhiều chuyên gia được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 19/01/2018 trích dẫn, quan hệ Mỹ-Trung trong năm thứ hai trong nhiệm kỳ của tổng thống Trump cũng sẽ tiếp tục lên xuống theo sự xoay chiều của nhà lãnh đạo Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 09/11/2017.REUTERS/Thomas Peter

Đối với giới phân tích, trong một năm qua, tổng thống Mỹ đã xác định hai vấn đề cấp bách nhất mà Washington cần đến sự hợp tác của Bắc Kinh để giải quyết : Một là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, và hai là đẩy lùi hiểm họa hạt nhân Bắc Triều Tiên. Trên cả hai lãnh vực này, sau một năm cầm quyền của ông Trump, Hoa Kỳ đều có dấu hiệu gặp thất bại. Thâm thủng mậu dịch của Mỹ không giảm, mà còn tăng thêm, trong lúc Bắc Triều Tiên đã cho thấy là rất có thể họ đã sở hữu vũ khí nguyên tử.

Vấn đề được nêu bật là tổng thống Mỹ đã không giữ một thái độ nhất quán trong chính sách đối với Trung Quốc. Thoạt đầu, tổng thống Mỹ đã rất gay gắt với Bắc Kinh, cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, đánh cắp dữ liệu tin học cũng như cướp công ăn việc làm của người Mỹ.

Thế nhưng sau đó, đặc biệt trong hai cuộc tiếp xúc với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng Tư tại Mỹ và tháng 11 năm 2017 tại Bắc Kinh, ông lại hữu hảo với Trung Quốc, thậm chí còn ca ngợi ông Tập Cận Bình. Câu nói được giới quan sát nhắc lại là tuyên bố : « Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc… Làm sao có thể đổ lỗi cho một đất nước biết tận dụng lợi thế của mình vì lợi ích của dân mình ? »

Chỉ ít lâu sau, ông Trump lại xoay chiều, cứng giọng với Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh là đã làm quá ít để ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời bãi bỏ cơ chế « Đối Thoại Kinh Tế Toàn Diện » Mỹ-Trung. Và trong chiến lược an ninh quốc gia được ông Trump công bố vào tháng 12/2017, Trung Quốc đã bị tố cáo là cố tìm cách phá hoại các lợi ích an ninh của Hoa Kỳ.

Trên hiện trường, hai thỏa thuận thương mại khổng lồ đã bị tan vỡ : Hợp tác sắp hình thành giữa tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) của Trung Quốc và AT & T của Mỹ đã tan rã vì chính quyền Mỹ đã tỏ ý quan ngại trước quan hệ giữa Hoa Vi với chính phủ Trung Quốc và các cơ quan an ninh. Cũng như vậy, kế hoạch của nhóm Alibaba của Trung Quốc mua lại tập đoàn dịch vụ chuyển tiền MoneyGram của Mỹ cũng bị bác bỏ.

Năm đầu là vậy, năm hai sẽ ra sao. Theo giới quan sát, với nhiều cuộc điều tra của chính phủ Hoa Kỳ nhắm vào các hoạt động thương mại và đầu tư của Trung Quốc đang tiến hành, với hiểm họa hàng Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá ngày càng rõ nét, khả năng quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện không thấy đâu.

Vấn đề là tổng thống Mỹ lại nổi tiếng với tính khí thất thường, do đó không loại trừ khả năng ông lại đổi ý. Đây chính là mối quan ngại của các công ty Mỹ tại Trung Quốc.

Theo bà Tara Joseph, chủ tịch Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Hồng Kông, cộng đồng doanh nhân Hoa Kỳ ở Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật chờ thời vì không tài nào biết được những chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ ra sao.

--------------------------------

Minh Anh – RFI
Đăng ngày 18-01-2018

Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, Donald Trump đã nhiều lần hùng hồn hứa hẹn hòa giải mối quan hệ giữa Mỹ với nước Nga của Vladimir Putin. Một năm sau, kể từ khi ông vào Nhà Trắng, bầu không khí Chiến Tranh Lạnh vẫn đè nặng lên mối quan hệ này hơn bao giờ hết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và tổng thống Mỹ Donald Trump, tại Thượng đỉnh G20, Hamburg, Đức, tháng 7/2017. REUTERS/Carlos Barria

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Donald Trump, Washington và Matxcơva không ngừng chỉ trích gay gắt và đe dọa trừng phạt lẫn nhau. Theo nhận định của chuyên gia Vladimir Vassiliev, Viện Nghiên Cứu Hoa Kỳ và Canada tại Matxcơva, được AFP trích dẫn, người ta đang chứng kiến một nghịch lý. Hai bên luôn kêu gọi cải thiện hơn nữa mối quan hệ song phương, nhưng trên thực tế, mối quan hệ này ngày càng trở nên tồi tệ.

Nước Nga hy vọng với thắng lợi của Donald Trump, quan hệ Matxcơva Washington sẽ lại khởi sắc. Nhưng giờ đây đó chỉ là một ảo tưởng. Giữa Nga và Mỹ vẫn còn tồn đọng nhiều bất đồng. Các hồ sơ quốc tế lớn như Ukraina, Syria, Iran hay Bắc Triều Tiên càng đào sâu thêm căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc. Hoa Kỳ buộc phải đưa ra các lệnh trừng phạt ngày càng nghiêm ngặt chống lại Nga.

Trong một bài viết đăng trên báo Pháp Les Echos hồi trung tuần tháng 11/2017, chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean nhận định : Sau một năm cầm quyền của Donald Trump, giới lãnh đạo Nga đối diện với hai sự thật.

Thứ nhất, Nga không phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Thứ hai, nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và mối nghi ngờ về liên hệ giữa những người thân cận của Donald Trump với Matxcơva cản trở đáng kể phạm vi hoạt động của điện Kremlin. Trong bối cảnh này, giới lãnh đạo Nga chỉ biết tạm thu mình chờ thời, mong cho bão tố qua mau.

Thế nhưng, tổng thống Mỹ hiện nay cũng không phải là người duy nhất gặp thất bại trong việc mong muốn cải thiện quan hệ Mỹ - Nga. Vì sao như thế ? Ông Thomas Graham, từng là cố vấn cho cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, trong một lần trả lời phỏng vấn cho báo Nga Sputnik, thân điện Kremlin, đã khẳng định : « Một sự tái khởi động quan hệ Mỹ-Nga là điều không mong muốn ».

Với ông, Nga và Mỹ không phải là những « quốc gia tầm thường và bình thường ». Lịch sử của cuộc Chiến Tranh Lạnh chưa bị xóa nhòa và còn ám ảnh quan hệ hai nước. Vẫn theo chuyên gia này, thế giới ngày nay đã thay đổi, đi từ thế giới lưỡng cực sang đa cực. Do đó, quan hệ Mỹ - Nga cũng phải thích ứng theo. Thế nhưng, cả hai nước vẫn chưa thể đạt được điều đó, bởi vì « ký ức lịch sử, thói quen thời Chiến Tranh Lạnh và cách suy nghĩ theo sơ đồ cũ đang kiềm hãm sự phát triển bình thường của mối quan hệ song phương này ».

Dù vậy, giới lãnh đạo Nga vẫn nuôi hy vọng có thể cải thiện mối quan hệ nhọc nhằn này. « Họ vẫn tin rằng Trump không mong muốn một sự đối đầu toàn diện và hy vọng cải thiện vẫn còn đó. Năm nay không được thì vào năm tới vậy » như nhìn nhận của Ivan Kourilla, thuộc trường Đại học Châu Âu Saint-Petersbourg với AFP.

Vấn đề là với tính khí thất thường của Donald Trump, thì mọi việc trở nên khó lường. Hôm nay vui vẻ bắt tay, ngày mai lại giơ gậy trừng phạt thì sao ?






No comments:

Post a Comment

View My Stats