Tuesday 16 January 2018

"ĐI VỀ ĐÂU, HỠI EM?" (Hạ Đình Nguyên)



Hạ Đình Nguyên
17/01/2018

Nhân đọc bài viết “Gặp gỡ đầu tuần hôm nay", đăng trên các báo Đảng của tác giả Trương Tấn Sang, tôi bỗng nhớ đến lời bài ca của Trịnh Công Sơn: “Đi về đâu hỡi em, khi trong lòng không còn chút nắng”.

Ấy chỉ là tâm trạng riêng tôi hay ai đó, chứ ở anh Tư Sang thì nắng hãy còn đầy, mà rực rỡ hay không thì chưa biết, nhưng biểu hiện ở bài viết với khí văn ngồn ngộn những ý tưởng lớn, như là bài khai bút có tính thông điệp đầu năm mới như thường lệ, mà anh Tư khiêm tốn – vì không còn là Chủ tịch nước chăng – nên gọi là “Gặp gỡ đầu tuần” cho nhẹ nhàng hơn, hơi hám một cuộc hẹn hò đâu đó.

Như mô tả, đương nhiên là mùa xuân Hà Nội rất đẹp theo truyền thuyết, anh Sang thơ thẩn đi dạo trong “Hoàng thành” Hà Nội, vốn là Cố đô văn vật ngàn năm, và cũng là Thủ đô rực rỡ hôm nay, nơi một thời anh từng ngồi ở ngôi vị cao nhất nước. Anh thăm thú những thắng cảnh - di tích, khi “sáng sớm tinh sương”, lúc “chiều tà nắng tắt” với nhiều cảm xúc hoành tráng, như khi còn ở ngôi cao. Nhân lúc hứng thú, với vài dòng mở đầu bài viết cho cuộc nhàn du, anh lôi tuột một mạch, đưa người đọc lao vào lịch sử, ngồn ngộn sự kiện các triều đại được gọi là thời phong kiến Đinh Lê Lý Trần … làm người đọc có thể tối mắt. Sau đó anh dắt tay người đọc quay về hiện tại, gây một cảm giác ngỡ ngàng đột ngột, ngoài dự kiến:

Nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Đảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu?”.

Hình như anh muốn gọi hồn dân tộc để về phù trợ, thúc đẩy cái gì đó cho hôm nay?

Thật sự hiếm hoi trong hàng ngũ cấp cao của Đảng lãnh đạo, lại có người yêu môn lịch sử đến như anh. Tôi bâng khuâng tự hỏi: Sao anh xưa không là một giáo viên lịch sử nhỉ?! Dù sao cũng rất đáng hoan nghênh, nhưng liệu anh có lạc đường không đây, con đường mà Đảng của anh đã vạch? Đầu tôi hơi bị đảo lộn, vì nhớ lại mấy câu thơ của Lê Đức Thọ, với tư cách một lãnh tụ khét tiếng, đã xác định hướng đi cho Đảng Cộng sản Việt Nam, dứt khoát và triệt để:

Ta đi đào hố chôn đế quốc,
Chôn bọn chó săn, bọn chúa đất
Chôn cả thời xưa đã tắt rồi.
Dựng lại cơ đồ trong tiếng hát,
Cho mùa xuân nở có hoa tươi…

Mấy câu thơ ngắn ngủi, nhưng hàm súc những quyết tâm sấm sét.

Nhưng “đế quốc” thì đã không chôn được rồi, nay nó bành trướng dữ dội ngay trước mũi. Núi liền núi sông liền sông với hàng đống hợp đồng toàn diện và chiến lược. Bọn chúa đất cũ lạc hậu đã bị chôn cả rồi. Các vị chúa đất mới đã nổi lên nhiều như nấm, dưới các hình thái mới tân kỳ hơn, tính toán kỹ hơn, càng to đẹp với những “biệt phủ” đó đây, ăn đứt thời xưa. Mà toàn diện cái thời xưa cũng đã tắt rồi. Sao anh Tư, cũng có một thời ngồi ở ngôi cao trên ấy, nay lại khơi dòng cảm xúc đến nao lòng những oái oăm của dòng lịch sử đã qua? Và, bao mùa xuân đã nở những đóa hoa tươi mà chính anh Tư cùng nhiều đồng chí của mình, đã từng “tương ánh hồng”, cùng nhau rực rở trên hội trường Ba Đình, các hội trường trong cả nước đó đây, vào những dịp đăng quang các thứ, lễ lạc, hội hè. Chẳng phải cái ước ao của nhà thơ lãnh tụ rất tiếng tăm ấy, như đã thành tựu gần trọn vẹn nửa thế kỷ, mà anh Tư vinh hạnh là người trong cuộc đó sao? Vẫn luôn có hoa tươi dù trên sự đổ nát, khi xuân về.

Bài viết chào xuân năm nay của anh Tư, lại khởi duyên ngay với mùa đại án nở hoa, rất nhiều quan chức cấp trung và cao của Đảng đã đứng trước vành cong cong móng ngựa, người dân thường không thể nhớ hết tên. Có những kẻ mừng vui, lại có những người mang nét u hoài. Cái u hoài ở chỗ nơi Tòa án không hoa, mà trước đây trên sân khấu hội trường thì đầy hoa rực rỡ cũng với những nhân diện ấy. Tôi thấy nhiều hình ảnh anh Tư trao hoa hay nhận hoa gì đấy, cũng cười tươi như hoa vậy. (Khứ niên kim nhật thử môn trung/ Nhân diện đào hoa tương ánh hồng – Thôi Hộ)

Đang dạo bước thưởng xuân ở Hà thành hoa lệ, bỗng dưng anh dẫn người đọc đi vòng vèo vào lịch sử. Anh nói nhiều thứ, về lẽ đời lẽ đạo, các lẽ hưng vong, suy thịnh của các triều đại. Vẫn cố đọc, những mong được anh soi sáng điều chi hôm nay. Cuối cùng, hóa ra anh bảo, người người hãy vỗ tay cho to về cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư Trọng làm Nguyên soái, mà anh vẫn tiếp tục là người trợ lý âm thầm cần mẫn! Đồng ý thôi, tham nhũng thì toàn dân không ưa rồi, nhưng “ta đánh ta”, tức tham nhũng đánh tham nhũng, thì người dân không phe phái, vỗ tay theo kiểu cách nào đây? Đừng nhanh chóng gắn vào miệng dân hai chữ hồ hởi hưởng ứng. Có đấy, nhưng lại rất nặng lòng ưu tư.

Cách đây không lâu, thời kỳ quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc xâm chiếm, dân tình sôi động thì Đảng trấn áp, bảo: “Hãy để cho Đảng lo”. Nay Đảng đánh Đảng, chuyện nồi da xáo thit, lò Đảng nấu Đảng, đến “củi tươi khô gì cũng cháy”, thì dân nỡ lòng nào mà xía vô, mà cố xía cũng không được, vì lẽ Đảng không thích! Chỉ được phép vỗ tay thôi sao, và không được có ý kiến? Người dân không còn ngoan như thế nữa, dù bị coi thường. Nhưng lòng dân bao la, đứng trên các loại lợi ích phe phái mà ngẫm nghĩ. Tất cả “chúng” – kẻ đánh và người bị đánh – đều là con em của họ mà ra, nên không khỏi ngậm ngùi. Không nô nức hùa theo, mà dân tự hỏi: Cái gì đã tạo nên cái lò nấu khốn cùng ấy?

Những nam, những nữ, mới ngày nào xinh tươi hớn hở, được Đảng – chứ không ai khác – dìu dắt đào tạo, tung hê khen tặng, gởi gắm niềm tin với hoa choàng rực rỡ, nay héo úa tả tơi, đẫm nước mắt trước vành cong của quan tòa. Cái hào khí và ánh quang vinh mà Đảng trao cho, lại đổi màu, bèo nhèo những lời xin xỏ và khóc lóc thậm tệ. Và anh Tư, đã nhồi thêm những lời mắng mỏ cay nghiệt, nhưng rất hay: Lòng tham vô đáy, lợi dụng kẽ hở của chính sách, lạm dụng quyền lực để móc túi nhân dân, rồi chính những kẻ đó và bè cánh lại tìm mọi cách để "chui sâu, leo cao" hơn, nhằm bảo đảm cho khối tài sản ăn cắp đó tiếp tục sinh sôi, nảy nở?”.

Người ta tự hỏi, cái bối cảnh nào để các thứ ấy sản sinh? Tham nhũng là nguyên nhân đầu tiên, hay nó chỉ là sản phẩm? Sao bọn này giỏi thế? Lợi dụng kẽ hởlạm dụng quyền lựcmóc túi người dân, chui sâu leo cao… Và chúng từ đâu ra? Cũng toàn là bậc anh tài nhá nhem của Đảng. Hàng hàng hoàng tử, thái tử, thế tử và các loại thê tử đông như kiến ở các ngóc ngách những cấp những ngành, chẳng thể do thế lực thù địch nào cài cắm. Và cái khung sườn giàn giá nào để cho chúng nương tựa bò leo ngang dọc đến thế? Toàn cảnh là bức tranh mang màu hắc ám của sự xung đột giữa những cái xấu nội tại không được gọi tên. Nếu không gọi cái cấu trúc bất ổn đó là sản phẩm của một thứ cơ chế cầm quyền, thì là gì, của ai? Đảng không phải mới ra đời hôm qua, mà ít nhất đã hơn 40 năm toàn trị. Anh Tư la hét vào chỗ dường như trống không.

Nguyên nhân của các thứ nguyên nhân đẫm lệ ấy là đâu? Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh tự nêu ý kiến trên facebook của mình, vượt hẳn cái điều trăn trở lập lòa, và sự lên án vòng vo lợi, lạm, móc, chui, leo như sự tả chân về một thời kỳ xã hội mạt rệp nào đó. Chênh nói ngắn mà rõ: “Ngày nay không còn là thời đại đi tìm hay tin vào một minh chủ, minh chúa, mà là cần một minh chếAnh Tư không hề hé môi tới cái minh chế” anh nhà báo vừa đặt tên, mà chỉ thích nói chuyện xa vời của lịch sử, ở đó cứ thấp thoáng bóng dáng minh chủ, minh chúa, có khi gọi thuần Việt là “ông vua tốt”, với bản “anh hùng ca dang dở” như trong bài thông điệp đầu năm ngoái. Thầm nghĩ, chỉ có cái minh chế mới có thể cứu vớt được anh Tư ra khỏi nỗi hằn học rất tâm huyết có tính ẩn dụ này, bao gồm cả sự lo âu và phấn khích. Là một thể chế minh bạch, công bằng mà dân là chủ, không cần thứ đầy tớ lộn sòng, giả danh. Vì chính họ – những vị này – đã lậm ma túy quyền lực, nên tự huyễn hoặc mình là “vua tốt” mà không thể tự nhận ra, đã làm rối việc. Thậm chí,minh chủ còn đòi bỏ tù cái minh chế ấy, và khai trừ những ai gọi tên và cổ xúy nó (chỉ thị 102, 105), nhằm giữ cái uy tưởng tượng của mình. Lại có người cứ tơ tưởng lau gương, rồi soi gương lịch sử. Chuyện hôm nay thật quá rõ, hà tất phải mượn ưu, mượn nhược của năm triều đại ra suy gẫm, học tập. Lịch sử không thể hà hơi tiếp sức cho những chuyện nhá nhem không rõ ràng. Nhưng đâu chỉ là tham nhũng vật chất và quẩn quanh chuyện đốt lò? Người ta còn nói đến tham nhũng quyền lực, tham nhũng sự công bằng của luật pháp, tham nhũng niềm tin từ bầu nhiệt huyết của tuổi thanh niên, tham nhũng thành tích của quá khứ, và tham nhũng cả lịch sử, bằng cách bẻ cong, uốn dẻo, tái tạo sao cho “lịch sử” chảy quanh mục tiêu trước mắt của mình, để phục vụ chuyện đốt lò chẳng hạn. Các loại tham nhũng này – là sự suy thoái từ não – thì cái lò nào đốt được nó? Bí quá, người ta kêu gào lịch sử chăng? Và dường như cũng thống nhất phong thái khẩu khí cách điệu, xa vắng xưa nay của anh Tư khi anh viết: “Mỗi chúng ta rồi đây, đều phải đứng trước sự phán xét công bằng của lịch sử, của dân tộc.

Như một lời nhát ma kẻ yếu bóng vía!

Lịch sử không biết lên tiếng cãi vã, lịch sử dường như nằm im đấy, nhưng vẫn tồn tại bền bỉ. Mặt khác, “lịch sử” là một từ ngữ phức tạp, ai mượn dùng tạm cũng được, theo nghĩa mình muốn. Lịch sử không thể nửa đêm thức dậy dựng phiên tòa để phán xét ai đó. Lịch sử cũng không thể đem ra dọa dẫm bằng thuyết định mệnh. Đảng ta vốn vô thần, sao “đồng chí” lại có chuyện “đồng bóng” thế kia! Lịch sử để nghiên cứu phục vụ cái gì đó, nhưng không thể thay cho luật pháp. Một đất nước đi xuống, yếu kém, bệ rạc thì lịch sử của nó cũng bị chôn vùi, dân tộc lầm than, có khi bị xóa sổ, không còn nữa để mà chờ ngày phán xét. Người cầm quyền chỉ được quyền duy nhất là nói về luật pháp và nhân danh luật pháp. Đạo đức, lịch sử, giáo dục hãy nhường cho những chuyên ngành đã được xã hội phân công. Hễ cầm quyền là dạy dỗ được tất cả người ta sao! Có cái hay của thời xưa không thể áp dụng cho ngày nay. Sự lộn sòng đó đã là lợi dụng, là lạm dụng, là biểu lộ lòng tham không đáy về mặt chức năng và tư tưởng rồi còn gì! Lại nữa, nếu quan chức không thể làm cái việc “móc túi người dân ở đường phố được, thì công khai lấy thông qua các chính sách, vốn đã mở toang mênh mông những thứ mà anh ấy cố gọi là kẽ hở, theo cách nói giảm nhẹ của ngôn ngữ tòa án hiện hành. Thật ra thì bóp cổ và tịch thu, như đang tiếp tục diễn ra quyết liệt với hàng trăm thứ thuế mánh khóe chồng chất. Một số không ít người, lại có thể cùng nhau lén lút chui sâuleo cao trong một hệ thống quyền lực chặt chẽ và khổng lồ này được sao? Các từ ngữ sử dụng như trên rất mỉa mai, nhưng đầy sáng tạo, nó lạng lách như đám choi choi đua xe ngoài phố.

Cái gốc mọi sự đáng nói, không phải chỉ ở tham nhũng, nhưng anh Tư không nói tới, phải chăng vì vướng bóng quân vương của anh ở đâu đây. Cái đạo đức thời xưa phong kiến thì quan như phụ mẫu. Đạo đức ngày nay của người cầm quyền nằm ở thực thi hai chữ “Dân chủ”, xin đừng lượn lờ đánh tráo. Sự suy tàn của các triều đại xưa nằm ở chỗ bất tài, ăn chơi trụy lạc của lớp người kế thừa. Sự sụp đổ của một chế độ ngày nay nằm ở thể chế độc tài, vốn là cha sinh mẹ đẻ của suy thoái, tham nhũng, bè cánh. Sao lại nâng caotham nhũng suy thoái lên thành nguyên nhân đầu tiên, ở vào vị trí cao hơn cái triết lý nền tảng của chế độ ấy? Có thể nói ngược lại được không? Sau khi khệnh khạng băng qua lịch sử vài bước chân, anh công khai bày tỏ nỗi lo lớn của mình. Thẳng thắn, hùng hồn, xanh rờn trách nhiệm, anh hỏi: “Nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Đảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu?”.

Câu hỏi của anh thật là khẩu khí tràn đầy, nhưng không biết anh hỏi ai?

Hơn 40 năm qua, anh ngồi đứng ở đâu, và làm gì? Anh đào và chôn cái gì? Sao anh trút phẫn nộ đến thế vào bọn tham nhũng ngày càng sanh sôi nảy nở, mà không phải vào cái đằng sau lưng tham nhũng, mà nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh gọi ất ơ là thiếu cái “minh chế”?

Xin tạm trả lời câu hỏi của anh: Tất cả các thứ ấy – tham nhũngsuy thoái,Đảng viết hoachế độ, đất nước sẽ đi về cùng chung một mối.

Nó nhẹ nhàng thôi: Chuyện tham nhũng thì có thể tạm hiểu được, dù rắc rối. Nhưng cái suy thoái về mặt sinh học ở trong não rất khó tự biết, thì làm sao loại trừ? Đảng này thì có thể xàng xê sao đó, nhưng cái tên vẫn còn thì không sao cả, anh này về hưu có anh khác thay, như các đợt trước vậy! Chế độ này có thể chỉnh sửa cũng dễ, cứ na ná sơn theo màu sắc Trung Quốc, và gắn thêm cụm từ 30 năm đổi mới, là tạm được. Dân tộc này có thể tàn tạ, nhưng vẫn trường tồn, ít nhất vài ba thế kỷ nữa, những chiếc ghế đầu triều vẫn còn đó cho nhiều lượt người ngồi. Còn đất nước này thì vẫn mãi ở bên cạnh ông láng giềng, vẫn núi liền núi sông liền sông, bền vững!

Tất cả sẽ không đi về đâu cả, anh ạ! Vẫn như hàng ngày, nó tiếp tục ổn định đi xuống.

Mượn chút tinh sương sáng sớm, cả chút nắng tắt chiều tà, nhắn gởi anh lời chào đầu tuần hôm nay, với chút chia sẻ nhỏ nhoi. Cũng xin ghi nhớ lời khuyên của Tiên nhân gởi gắm thông qua anh Tư, đến toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xã hội chủ nghĩa: “Tri túc tâm thường lạc, vô cầu phẩm tự cao”, dù cái bụng đói cồn cào của người dân không đạt đến đỉnh cao ấy, cũng xin quyết không lăn tăn thêm nữa. Tôi cũng nhớ lời của vị tiền nhiệm Sáu Phong, khi rời chức thì về nhà “vui thú điền viên” (là “viên” của ông Sáu Phong, chứ cái “viên” nhà dân hay nhà tôi thì không vui được: bọn có lòng tham không đáy, chui sâu leo cao đàng hoàng đến vẽ ngang vẽ dọc, gọi là quy hoạch cho tương lai!). Anh Ba Dũng thì về nhà “làm người tử tế”, còn chưa biết có ổn không! Dù vậy, tôi cũng hóng hớt chờ đợi một ngày ông Tổng Trọng về vườn, sẽ để lại câu dạy gì đây, thường thường cũng làm vui cho hậu thế? Cũng xin gởi bâng quơ lời ngợi ca đến anh Đoàn Ngọc Hải quận 1 – quan nhỏ thôi – cái khí phách về vườn khá đậm nét của anh.

Xem chừng, câu nào để lại cũng khó thực hiện. Vì chính anh Tư – vốn đã đạt cái thường lạc, vô cầu rồi – mà chẳng phải đang viết những lời hú gió gọi trăng đó sao? Tôi e là ông Trọng cũng không cần dùng đến.

Tôi cũng theo chân anh Tư, cùng lũ trẻ hàng xóm hăm hở bước sang năm mới, nhưng lòng vẫn chưa may mắn có được “một tâm trạng tươi tắn với“niềm tin đã được xốc dậy  cũng không “cùng phấn khởi bước sang năm Mậu Tuất 2018 như anh đã gắn lửa vào miệng dân. Tôi vẫn hắt hiu ca cẩm: Đi về đâu hỡi em, “khi sáng sớm tinh sương, lúc chiều tà nắng tắt”, như âm hưởng câu hỏi hoành tráng “sẽ đi về đâu” của anh, đang vang vang trong bài luận văn đầu năm, kêu gọi “lịch sử” hãy về cùng anh hò reo “chống tham nhũng”?

15/1/2018
H.Đ.N.
Tác giả gửi BVN.








No comments:

Post a Comment

View My Stats