Tuesday, 16 January 2018

DONALD TRUMP và 365 NGÀY 'CHỐNG LẠI TẤT CẢ' (Minh Anh - Vũ Mạnh)



Minh Anh - Vũ Mạnh
Zing   15/01/2018 06:02 GMT+7

Hiện tượng Donalt Trump đã làm khuấy động dư luận chính trường nước Mỹ trong suốt năm 2017, mà theo nhiều người, cũng có cái hay, ở chỗ nhân vật vừa hung hăng/hung bạo vừa đầy chất hài hước này xuất hiện giống như là một phép thử, để xem sự tiến bộ lớn nhất trong lịch sử loài người là thiết lập được cơ chế dân chủ – thể hiện ở một nước đóng vai trò hàng đầu về nhiều mặt trên thế giới – đã vững chắc đến mức nào. Vừa chẵn một năm ngài Tổng thống “hay cãi hay co” ấy nắm quyền, có hai bài nhìn nhận từ hai góc độ khác nhau nhưng ít nhiều đều có tính tổng kết, của các nhà báo người Việt, một ở Việt Nam (Minh Anh và Vũ Mạnh), và một nữa ở Hoa Kỳ (Lê Phan, tiếp sau bài này). Xin thâu thập lại và kính trình bạn đọc.

Bauxite Việt Nam

Ông Trump bước vào Nhà Trắng với khẩu hiệu 'Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại' và thực tế một năm qua cho thấy vị Tổng thống đã 'chống lại tất cả', tái định nghĩa vai trò mà ông đảm nhận.

Bình luận trong tuyến bài tổng kết một năm nắm quyền của ông Donald Trump, New York Times viết: "Ông Trump là Tổng thống thứ 45 của Mỹ nhưng ông đã dành phần lớn năm đầu tại nhiệm để thách thức những truyền thống và tiêu chuẩn được thiết lập bởi 44 Tổng thống trước đó, và thay đổi vai trò Tổng thống theo những cách mà chưa ai từng tưởng tượng ra".Từ đối nội cho đến đối ngoại, điểm chung trong việc ban hành chính sách của ông Trump, doanh nhân tỷ phú chưa từng có kinh nghiệm chính trị trước khi bước vào Nhà Trắng, xuyên suốt năm qua là nỗ lực xóa bỏ những thành tựu, những di sản của các đời Tổng thống tiền nhiệm. Nói chính xác hơn, những gì họ không hoặc chưa làm thì ông Trump sẽ làm.

"Khi bàn luận chính sách, Tổng thống luôn hỏi về ưu và nhược điểm của chúng, nhưng không bao giờ hỏi rằng những người tiền nhiệm của tôi đã làm như thế nào", New York Times dẫn lời Chánh văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly.

Một ngày sau lễ nhậm chức của ông Trump, các cuộc biểu tình lớn diễn ra ở thủ đô Washington thể hiện sự chống đối rõ ràng. Suốt một năm qua, sự bất mãn không có dấu hiệu hạ nhiệt mà ngày càng gay gắt hơn.Thắt chặt nhập cư là một trong những lời hứa lớn đầu tiên mà Tổng thống Trump quyết liệt thực hiện sau khi chính thức bước vào Nhà Trắng. Ngay trong tuần thứ nhất, ông ban hành sắc lệnh hành pháp cấm công dân từ 7 nước Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày. Cực đoan ở chỗ ngay cả những người ở nước này vốn được cấp "thẻ xanh" tại Mỹ cũng bị cấm nhập cảnh.

Lệnh cấm tạo ra sự hỗn loạn chưa từng có tại Mỹ, kích động biểu tình phản đối từ sân bay đến đường phố. Tuy nó được ban hành dưới danh nghĩa bảo vệ an toàn cho người Mỹ, nhưng những người chỉ trích cho rằng đây là sự xúi giục bài xích Hồi giáo. Sắc lệnh cũng mở ra cuộc đối đầu giữa chính quyền với cơ quan tư pháp, khi nhiều tòa án ra lệnh chặn đứng lệnh cấm này của ông Trump.

Tuy nhiên, chính quyền Trump quyết không bỏ cuộc. Sau khi lệnh cấm đầu tiên bị vô hiệu hóa, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi Nhà Trắng tiếp tục ban bố những phiên bản mới, dựa trên việc "tiếp thu" và điều chỉnh những kẽ hở so với sắc lệnh đầu tiên.

Sau một năm, Tổng thống Trump có thể coi là đã thành công phần nào khi sắc lệnh hiện hành, áp dụng với 6 nước Hồi giáo cùng một số nước như Venezuela và Triều Tiên, đã được thực thi mà vấp phải ít sự chống đối hơn so với lần đầu tiên. Các thẩm phán không chính thức tuyên bố lệnh cấm phiên bản thứ ba là vi hiến, Tòa án Tối cao cũng không chặn đứng sắc lệnh.

Người biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump tại khu vực gần Nhà Trắng hôm 30/1/2017. Ảnh: Getty.

Nếu như thắng lợi lớn đầu tiên trong 100 ngày đầu của ông Trump là đề cử và thúc đẩy phê chuẩn thành công ông Neil Gorsuch vào vị trí Chánh án Tòa án Tối cao, thì việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cải cách thuế lớn nhất trong nhiều thập kỷ, đánh dấu chiến thắng lập pháp ấn tượng khép lại năm 2017 cho ông Trump. Trước khi lên đường đi nghỉ Giáng sinh, việc làm cuối cùng của Tổng thống tại Nhà Trắng năm qua là phấn khởi ký ban hành đạo luật cải cách thuế.

Phần lớn ý kiến chỉ trích cho rằng đối tượng được hưởng lợi lớn từ các khoản giảm thuế chính là những tập đoàn quy mô lớn, trong khi luật mới ẩn chứa rủi ro tiềm tàng là khiến thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Hiện vẫn chưa thực sự rõ hậu quả của việc cải cách thuế này. Tuy nhiên, trong bối cảnh Đảng Cộng hòa đã lục đục nội bộ đáng kể trong năm 2017 thì luật cải cách thuế là dấu hiệu tích cực cho thấy toàn đảng đã thống nhất cùng thúc đẩy một chính sách.

Tổng thống Trump đồng lòng với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell để tiến tới thực hiện nhiều chính sách, từ bãi bỏ Obamacare, kiểm soát nhập cư cho đến cải cách thuế.

Tuy nhiên, một lời hứa lớn khác là bãi bỏ và thay thế chính sách chăm sóc y tế dấu ấn của cựu Tổng thống Obama, hay Obamacare, là điều ông Trump chưa thể hoàn thành trong năm đầu tiên. Sau hai lần nỗ lực thúc đẩy thông qua tại Hạ viện, dự luật bất ngờ bị chặn đứng tại Thượng viện. Người đưa ra cú đấm chí mạng lại chính là một Thượng nghị sĩ được nể trọng của Đảng Cộng hòa, ông John McCain.

“McCain đã phản bội người dân Mỹ”, Tổng thống Trump tức tối viết trên Twitter sau cuộc bỏ phiếu. Thất bại về mặt lập pháp không khiến chính quyền Trump bỏ cuộc. Nhà Trắng ngay lập tức ban hành những biện pháp để giảm đáng kể những nội dung cơ sở trong đạo luật Obamacare, chẳng hạn đình chỉ thanh toán cho các công ty bảo hiểm...


Tuy nhiên, sai lầm nghiêm trọng nhất đối với ông Trump, xảy ra từ hồi đầu năm và hậu quả của nó có thể đeo bám ông suốt những năm còn lại của nhiệm kỳ, là việc cách chức Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey. Ông Comey khi đó đang dẫn dắt cuộc điều tra về liên hệ mờ ám giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với người Nga. Đây là vấn đề nghiêm trọng phủ bóng đen lên nhiệm kỳ của ông Trump từ trước cả khi nhậm chức, được phe Dân chủ theo đuổi quyết liệt vì kết quả cuộc điều tra thậm chí có thể dẫn đến kết cục Tổng thống Mỹ bị phế truất.

Do đó, việc ông Trump sa thải ông Comey được xem là một "quả bom tháng 5" khiến nhiều người bàng hoàng. Chuyện một đương kim Tổng thống bất ngờ cách chức Giám đốc FBI vốn đã vi phạm những tiêu chuẩn chính trị thông thường, đặc biệt là khi trước đó chính ông Trump từng đề nghị ông Comey tiếp tục giữ chức và khẳng định không can thiệp cuộc điều tra. Sự việc chẳng những không khiến ông Trump đạt được ý đồ, mà còn khiến Tổng thống như "nặng tội" hơn trong mắt công chúng, với giới báo chí và phe Dân chủ. Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng, nói đây là "sai lầm chính trị thời hiện đại nghiêm trọng nhất".

Lãnh đạo mới của quá trình điều tra là Robert Mueller vốn cũng từng là một Giám đốc FBI. Ông Mueller hẳn khiến Tổng thống vô cùng tức tối và hối hận vì quyết định nóng vội trong quá khứ. Với thái độ làm việc rốt ráo của ông Mueller, cuộc điều tra Nga không những không chậm lại, mà còn được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Đến nay, 4 cựu quan chức trong bộ máy tranh cử của Trump đã bị khởi tố. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn hồi đầu tháng 12 đã thừa nhận nói dối FBI và tỏ thái độ hợp tác với ông Mueller khiến ông Trump bất bình, dẫn đến màn "nói hớ" mà nhiều người cho rằng đã chứng minh cho hành vi "cản trở công lý" của Tổng thống.

Những cái tên nổi bật làm chao đảo Nhà Trắng của ông Trump trong năm đầu nhiệm kỳ: cựu Giám đốc FBI James Comey, cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, Công tố viên đặc biệt lãnh đạo cuộc điều tra Nga Robert Mueller và cựu chiến lược gia trưởng Steve Bannon.

Ông Trump đắc cử trong bối cảnh nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết vì các vấn đề sắc tộc và tôn giáo và tình hình không có dấu hiệu dừng lại sau một năm nhiệm kỳ của ông. Một khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện được công bố vào tháng 12/2017 cho thấy đến 60% người Mỹ nói việc thắng cử của ông Trump khiến vấn đề hòa hợp chủng tộc ngày càng tồi tệ. Cuộc biểu tình ở Virginia và những tranh cãi, chỉ trích về "chủ nghĩa thượng đẳng da trắng" trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

Từ sau khi người trợ lý Omarosa Manigault Newman rời Nhà Trắng thì không còn người gốc Phi nào trong dàn cố vấn cấp cao thân cận của ông Trump.

Gần cuối năm 2017, sự kiện cử tri gốc Phi ồ ạt đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Thượng nghị sĩ ở bang Alabama, khiến Đảng Cộng hòa bất ngờ thua đậm, thể hiện sự phản kháng mạnh mẽ trước những chính sách và hành động của Trump. Trong năm 2018, Đảng Cộng hòa cũng được được cho là sẽ phải "trả giá" trong các cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.

"Tôi mới là người quyết định chính". Câu nói này của Tổng thống Trump khi phản biện về việc nhiều vị trí chủ chốt ở Bộ Ngoại giao vẫn đang bị bỏ trống phần nào phản ánh việc ban hành và thực thi chính sách đối ngoại của nước Mỹ hiện tại. Ông Trump khiến nước Mỹ vĩ đại hơn hay thực tế là làm cường quốc này suy yếu đi qua những chính sách biệt lập, xa rời các đồng minh, là điều gây nhiều tranh cãi. "Trump xoay vòng quả địa cầu trong năm đầu" (The Hill), "Trump - người nổi loạn làm đảo lộn chính sách Mỹ 70 năm" (New York Times)… là tựa các bài viết nhận định về quan điểm và chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump đối với thế giới trong năm qua. Trên thực tế, ngay từ trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Trump đã tuyên bố "tất cả các nước có quyền đặt lợi ích của mình lên hàng đầu".

Theo thống kê của New York Times, năm qua ông Trump đã có hơn 130 cuộc gặp mặt và điện đàm với các nguyên thủ, lãnh đạo chính quyền các nước sau một năm ở Nhà Trắng và phần lớn thế giới vẫn "vừa bước đi vừa thăm dò" về thái độ và hành động của Tổng thống Mỹ. "Tôi nhận được rất nhiều đề nghị rằng ‘Hãy giúp chúng tôi thấu hiểu vị Tổng thống này, cho chúng tôi lời khuyên xử lý tình huống này ra sao'", ông Richard N. Haass, nguyên Giám đốc hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết.


Nước Mỹ sau một năm dưới thời Trump đã thay đổi vị thế trong mắt thế giới, từ người dẫn dắt một thế giới tự do, đi đầu trong chủ trương trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, trở nên hướng nội nhiều hơn cùng những chính sách khó đoán. Khi tham dự các sự kiện đa phương hay phát biểu ở những hội nghị quốc tế lớn, bao gồm phát biểu tại Liên Hợp Quốc, Tổng thống Trump đã thể hiện rõ quan điểm của ông với các nước: tôn trọng "luật chơi" của Mỹ, không lợi dụng Mỹ, thương mại công bằng và cân bằng.

Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump quyết định rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), động thái được cho là tạo cơ hội cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở châu Á. Kế đến, ông cũng đe dọa từ bỏ Hiệp định Paris về thuận chống biến đổi khí hậu mà chính quyền Obama nỗ lực thúc đẩy và thực tế đã rút khỏi hiệp định này hồi đầu tháng 6. Tổng thống Mỹ cũng quyết liệt thúc đẩy đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Những màn đối đáp nảy lửa trên Twitter giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra trong một thời gian dài, dấy lên nỗi lo ngại chiến sự bùng phát ở bán đảo Triều Tiên. Đến cuối năm 2017, ông Trump tiếp tục phá vỡ chính sách nhiều thập kỷ của Mỹ khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, tướng H.R. McMaster, biện hộ chính sách đối ngoại của ông Trump là "thực dụng thực tế" chứ không phải "chủ nghĩa biệt lập". "Quan điểm thống nhất chung là việc phối hợp quốc tế mang lại lợi ích to lớn. Nhưng có nhiều vấn đề khó khăn trong khi không đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân Mỹ, do vậy nó không xứng đáng với sự đầu tư nguồn lực", ông nói.

Các cố vấn tại Nhà Trắng lập luận rằng cách hành động của ông Trump không đi theo những học thuyết cũ hàng chục năm qua, mà phản ánh hiện thực thế giới mới và Mỹ phải vận hành theo hướng khác đi.

Giáo sư chính trị quốc tế Daniel W. Drezner (Đại học Tufts, Mỹ) nhận định thành tích đối ngoại quan trọng nhất của ông Trump năm qua là sự đại bại của phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng kết quả này là sự thừa hưởng từ những nỗ lực của người tiền nhiệm. "Trump xứng đáng được khen ngợi khi ông không thay đổi lộ trình, dù những chính sách của ông suốt thời gian qua đều thể hiện rõ việc đi ngược lại với những gì ông Obama đã làm", ông Drezner viết trên Washington Post.


Mặt khác, cục diện ở Trung Đông thể hiện rõ tính cách của ông Trump là coi trọng các tướng lĩnh quân đội, tin tưởng sức mạnh quốc phòng hơn những nỗ lực ngoại giao đòi hỏi nhiều thời gian. Ngoài Iraq và Syria, Tổng thống Trump trao cho quân đội nhiều quyền hành hơn để thực hiện những vụ không kích và bố ráp ở Yemen và Somalia.

Nhờ sự phối hợp ăn ý giữa "những người trưởng thành trong bộ máy" là các ông Kelly, McMaster, Mattis và Tillerson, một số quan điểm thất thường của ông Trump rốt cuộc đã không biến thành chính sách. Tổng thống Mỹ vẫn tái khẳng định cam kết hỗ trợ NATO, cũng như ra lệnh điều thêm hàng nghìn binh sĩ Mỹ đến Afghanistan dù ông khẳng định khi tranh cử là sẽ sớm rút toàn quân. Điều này khiến một số nước châu Âu bắt đầu hy vọng rằng "Trump chỉ mạnh miệng chứ sẽ không làm", Peter Westmacott, cựu Đại sứ Anh tại Mỹ, nói trên New York Times.

Chính Tổng thống Trump cũng thừa nhận một năm ở Nhà Trắng đã thay đổi ông. "Bản năng tự nhiên của tôi đã bị gạt bỏ. Trước đây tôi rất tin tưởng vào bản năng của mình. Nhưng bây giờ, phần lớn quyết định đều được ban hành khác đi khi bạn nắm quyền tại Phòng Bầu dục", ông nói.

Nhận định tóm gọn về chính sách đối ngoại năm qua của ông Trump, nhà ngoại giao kỳ cựu Richard Haass nói: "Ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên sau Thế chiến II cho rằng gánh nặng của vai trò dẫn đầu thế giới là quá nhiều so với những lợi ích. Do vậy, nước Mỹ thay đổi vị thế từ người bảo vệ trật tự chủ chốt trở thành người làm xáo động trật tự".

"Các Tổng thống khác đều coi trọng vị trí của mình và họ có xu hướng không làm điều gì có thể gây tổn hại danh tiếng", Robert Dallek, tác giả cuốn tiểu sử Franklin D. Roosevelt: A Political Life, nhận định. "Trump là một người không có cảm giác tội lỗi khi tấn công người khác theo những cách có thể hủy hoại chức danh tổng thống Mỹ".


Sự hiếu chiến của ông Trump có thể khiến ông ấy mất đi nhiều cử tri nhưng cũng đã giúp ông duy trì được một thế lực mà những Tổng thống với tỷ lệ ủng hộ ở mức 30-40% khác mong muốn có được tại Washington D.C. Trong khi những nghị sĩ và các nhà vận động cảm nhận rõ ràng về một Nhà Trắng không được ủng hộ và chẳng đếm xỉa đến những ước muốn của chính quyền Trump, những "người chơi" khác tại thủ đô Mỹ vẫn không muốn đối đầu với Tổng thống vì sợ rằng chính họ sẽ trở thành đối tượng bị đả kích trong một dòng tweet mới.

"Ông ấy đã thay đổi 'khán đài' Nhà Trắng không giống bất kỳ Tổng thống nào khác", Christopher Ruddy, Giám đốc điều hành Newsmax Media và là một người bạn của ông Trump, nói. "Xét ở nhiều mức độ, ông ấy không thực sự là một Tổng thống theo kiểu truyền thống, nhưng ông ấy đã mang lại nhiều quyền lực hơn cho chiếc ghế Tổng thống và khiến vai trò này trở nên mạnh mẽ hơn".

Theo bài viết "Với Trump, một năm tái phát minh vai trò Tổng thống" trênNew York Times, chức danh Tổng thống được ông Trump xem là một phương tiện để xây dựng và quảng bá câu chuyện của chính ông – "một câu chuyện với tiết tấu hấp dẫn nhưng chứa đầy những thông tin không chính xác, bóp méo sự thật và những lời dối trá công khai".

Một năm vì Nước Mỹ trên hết, ông Trump đã làm những gì?

VIDEO: 'Bắt bài' thói quen diễn thuyết của Tổng thống Trump
Sử dụng những con số cùng ngôn ngữ kịch tính và thường đề nghị mọi người tin mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thói quen diễn thuyết quen thuộc sau hơn 3 tháng nhậm chức.

Minh Anh - Vũ Mạnh










No comments:

Post a Comment

View My Stats