Thursday, 11 January 2018

BẢN TIN SÁNG 11/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Quan hệ Việt – Trung
Tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Lan Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Trung Quốc. Nhân dịp gặp “bạn vàng” Lý Khắc Cường, ông Phúc “đề nghị trong thời gian tới, hai bên tiếp tục tích cực thúc đẩy các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương hai nước phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao đã đạt được”.

Hết tiền rồi, bất chấp âm mưu bành trướng của Trung Quốc, tiếp tục quân sự hóa trong vùng tranh chấp là chuyện ngoài Biển Đông, “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tích cực thúc đẩy triển khai đúng tiến độ, hiệu quả các dự án có sử dụng tín dụng của Trung Quốc tại Việt Nam”.


Chính trường Việt Nam những ngày “lò rực lửa”
Về chiến dịch “đốt lò” của bác Tổng, nhà báo Trân Văn đặt câu hỏi trong một bài viết cho VOA: Phục? Ai phục nếu Bộ Chính trị vô can? Tác giả nhắc đến lời nói của ông Trầm Bê: ‘Truy tố tội cố ý làm trái, bị cáo không phục’, và chuyện ông Thăng có vẻ không phục, “vì Bộ Chính trị – phía đề ra ‘chủ trương’ hoàn toàn vô can”. Người thừa hành thì ra tòa nhưng người đưa ra “chủ trương” thì vẫn vô sự.

Bản chất của nỗ lực “tái cơ cấu” và “sự vô can” của những lãnh đạo Đảng, Nhà nước: “Liệu Bộ Chính trị – cơ quan điều hành Đảng CSVN…  – có thật sự vô can khi từ năm 2000 đến nay, ba đợt ‘tái cơ cấu’ hệ thống ngân hàng chỉ tạo thêm một mớ ‘đại gia’ kèm theo hàng loạt ‘đại án’, thiệt hại của hệ thống ngân hàng đối với kinh tế – xã hội càng ngày càng lớn”.

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh phân tích chuyện “đốt lò” dưới góc độ biện chứng. Theo tác giả, hiện tượng “thua lỗ và thất thoát tài sản diễn ra ở khắp các tập đoàn”đã làm rõ vấn đề “bản chất của các tập đoàn và công ty quốc doanh là tồi tệ”. Cho nên chiến dịch “đốt lò” chỉ là sự ngụy biện, nhằm che giấu thủ phạm thực sự đã gây tội làm nghèo đất nước: “Đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN”.


“Phiên tòa lịch sử” sau ngày thứ 3
Buổi tối 10/1/2018, ông Đinh La Thăng từ chối trả lời thêm câu hỏi trước toà, với lý do: ‘Tôi rất mệt’. Phần luật sư hỏi các bị cáo kéo dài tới 18 giờ 30, ông Thăng cho biết không thể trả lời thêm nữa và giải thích: “Từ hôm bị bắt giam tới nay huyết áp của tôi thường xuyên 165/90 mmHg”. Ngày làm việc thứ 3 kết thúc lúc 18 giờ 40, sau khi “luật sư hỏi thêm nguyên đơn dân sự, bị cáo”.

Ngày ra tòa và đoạn kết của “tình đồng chí”: Nhạt phai tình bằng hữu trong vụ án Đinh La Thăng? Ba ngày tòa xử Đinh La Thăng và đồng phạm, các “đồng chí” liên tục đổ trách nhiệm cho nhau, không đổ được cho ông Thăng thì đổ cho cấp trên. Trong phiên xử ngày 10/1/2018, Trịnh Xuân Thanh xem bị cáo Nguyễn Anh Minh như anh em ruột. Đáp lại, “anh em ruột” đổ tội tham ô cho Trịnh Xuân Thanh.

RFA lưu ý: Lời khai của ông Đinh La Thăng dẫn đến cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Chính Trị. Khi trả lời chất vấn ngày 9/1/2018, ông Đinh La Thăng thừa nhận rằng, “những quyết định của ông khi còn đứng đầu Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) là do đường lối của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

Hãng tin Reuters cho biết, “vào thời điểm ông Thăng đứng đầu PVN, ông không phải là ủy viên Bộ Chính trị, và lúc đó ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng Chính phủ”. Nói cách khác, chủ trương của Thủ tướng và Bộ Chính trị đã trở thành những mệnh lệnh dẫn đến sai phạm, ông Thăng chỉ là người thừa hành. Reuters đã tìm cách liên lạc với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “để bình luận về việc này nhưng không được”.

Trên Facebook “Góc nhìn Báo chí – Công dân”, phóng viên Nguyễn Thu Tuyết hỏi: “Vì sao hàng loạt bài báo bị gỡ bỏ?” Bà Tuyết cho biết, hàng loạt bài báo với tiêu đề “Ông Đinh La Thăng khai chỉ định thầu là chủ trương của Bộ Chính trị” đã bị các báo gỡ bỏ, “bị thay tiêu đề hoặc bị chèn nội dung khác so với thời điểm ban đầu vừa xuất bản khiến tôi vô cùng ngạc nhiên, vì tôi biết điều ông Thăng khai chính là sự thật“.

Diễn biến truyền thông xung quanh “phiên tòa lịch sử”: Kịch tính và sự hiện diện của truyền thông, mạng xã hội trong vụ Thăng – Thanh. Về hoạt động của truyền thông nhà nước trong vụ xử ông Thăng, nhà nghiên cứu chính trị Hà Hoàng Hợp cho rằng, chuyện này đã được “tính toán, sắp xếp” sẵn. Báo chí có quyền đưa tin, nhưng phải trong tầm kiểm soát của lãnh đạo. Đây là “kế hoạch báo chí tuyên truyền cho công cuộc chống tham nhũng”.

Cho nên đã xảy ra hiện tượng lạ trong phiên xử chiều 10/1/2018, khi điều tra viên C46 trả lời lý do kết luận Trịnh Xuân Thanh “quanh co, chối tội”, khi tín hiệu từ phòng xử truyền tới khu vực PV bỗng dưng trục trặc. Trước đó, tin, bài về chuyện ông Đinh La Thăng thừa nhận “dấu tay” của Bộ Chính trị trong sai phạm ở PVN không tồn tại được lâu trên truyền thông nhà nước, “chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau đó, thông tin này không thể tìm thấy trên các trang báo mạng chính thống”.

Phòng của các ký giả trong và ngoài nước, nơi các phóng viên tác nghiệp qua … màn hình. Ảnh: DV

Sự kiện ông Nguyễn Viết Hiệp, cựu Tổng Giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội bị Đinh La Thăng cách chức rồi bổ nhiệm lại, RFA đặt câu hỏi: Cán bộ bị ông Đinh La Thăng cách chức được bổ nhiệm lại: Đúng quy trình? Ông Thăng cách chức ông Hiệp vì chuyện “đề xuất mua 164 toa tàu cũ của Trung Quốc hồi tháng 2/2016”. Sau khi ông Thăng vào lò thì ông Hiệp được ra lò, rồi quay lại “ghế cũ”.

Về giải thích của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: “Nhu cầu về mặt nhân sự và cấp thẩm quyền của công ty quyết định”, Bộ GTVT không thể can thiệp; nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng: “Chính ông Đinh La Thăng có bốc đồng nhưng việc một cán bộ bị kỷ luật được người ta phục chức, trong thời điểm bây giờ ông Thăng bị lâm nạn và bị kỷ luật rồi ra tòa, thì tôi thấy chuyện đó rất kỳ cục”.


Vụ xử Phạm Công Danh, Trầm Bê: Ngày thứ 3
Một số tình tiết nổi bật trong phiên xử ngày 10/1/2018: Đại án VNCB: Bí ẩn 4.200 tỷ đồng đi vay, ông Trầm Bê “không phục” cáo trạng. Bị cáo Phan Thành Mai kể rằng, “lãnh đạo VNCB đã đưa 4.200 tỷ đồng vào để tăng vốn điều lệ cho chính ngân hàng”. Số tiền này đã “hòa” vào các dòng tiền của VNCB, “nên đề nghị tòa xem xét lại cách tính thiệt hại”.

Bị cáo Trầm Bê “không phục” về bản cáo trạng “kết luận ông là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh gây thất thoát cho VNCB 1.800 tỷ đồng”. Ông Trầm Bê cho rằng: “Có 3-4 ngân hàng như TPBank, BIDV… đều cho Phạm Công Danh vay tiền chứ không phải chỉ mình Sacombank cho vay”.

“Tình đồng chí” trước tòa: Ông Trầm Bê ‘choáng váng’ khi ông Danh đối chất. Tác giả ghi nhận: “Tình tiết mà ông Danh xin khai thêm chính là ‘yếu điểm’ của ông Trầm Bê, đó là ông Danh thừa nhận mình sai khi chỉ đạo lập 6 công ty con ‘3 không’.” Trong khi đó, ông Trầm Bê khai rằng, ông chỉ biết ông Danh có tài sản thế chấp, “cho vay và đòi được tiền và lấy lãi thì ông cho vay”.

Diễn biến chính của vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê, đến nay “ông Trầm Bê không nghĩ rằng mình bị xử lý hình sự về chuyện ‘hồ sơ’,” còn ông Phạm Công Danh thì biết từ đầu rằng, hồ sơ đã sai, và liên tục khai trước tòa theo hướng bất lợi cho “đồng chí”.

– “Thuyết âm mưu” trong việc ông Hải từ quan và chuyện Thăng-Trầm-Thanh-Danh. “Bốn con người ấy thuở đang còn đang phơi phới liệu có bao giờ mường tượng đến ngày hôm nay? Khi mà mái tóc luôn vuốt ngược chỉnh tề ngăn nắp từng sợi của ông Đinh La Thăng giờ đã rũ xuống buồn bã, nụ cười hôm xưa của Trịnh Xuân Thanh giờ bặt đi, lưng còng trĩu xuống, đôi mắt thất thần. Hay vẻ ốm đau, tiều tuỵ của Phạm Công Danh- Trầm Bê khi ra toà“.


Nhân quyền ở Việt Nam
Trang Thanh Niên Công Giáo viết: Chúc mừng Sinh nhật cựu TNLT Nguyễn Đặng Minh Mẫn. Cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn là một trong “14 Thanh Niên Công Giáo bị bắt năm 2011 và Nhà nước Việt Nam XHCN kết án 8 năm tù và 5 năm quản chế”.

Cô Mẫn hiện đang bị giam ở Nhà Tù Lam Sơn, Thanh Hóa. “Đặc biệt chị không nhận tội nên cả hệ thống cai tù dường như bất lực bằng lý lẽ nên nhiều lần, nhiều cách chị bị biệt giam, bị đánh đập”.

VOA đưa tin: Chính quyền chặn tín đồ dự lễ đản sanh Phật giáo Hòa Hảo. Sự thực về lời tuyên bố “chính sách đoàn kết tôn giáo” qua lời kể của Ông Lê Quang Hiển, Tổng Thư ký Hội đồng Liên tôn Việt Nam: “Công an và dân phòng đã bố trí và đóng chốt ‘mọi nẽo đường dẫn đến địa điểm cử hành lễ đản sanh lần thứ 98’.”

Ông Hiển nói thêm: “Tại trụ sở tạm thời của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thuần túy ở xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, công an đã xuống chốt vào ngày 8/1/2018. Cả đoạn đường gần 500 mét, họ đóng mỗi đầu một cái chốt, bắt ghế, có cây chặn ngang đường, không cho ai vào”. Đến ngày chính lễ 10/1/2018, người vẫn vẫn không thể vào địa điểm tổ chức lễ.

Lực lượng an ninh, dân phòng lập chốt chặn vào nơi tổ chức lễ đản sanh Phật giáo Hòa Hảo ở tỉnh An Giang, ngày 8/1/2018. Ảnh: FB Bin Nguyen/ VOA

Hồi kết của một nỗ lực “kiểm soát thông tin”
Về quy định “đặt máy chủ trên lãnh thổ Việt Nam” trong dự thảo Luật An ninh mạng: Không buộc Google, Facebook, Viber đặt máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo lời phát biểu của tướng Đinh Thế Cường thì, họ chịu “lùi bước” không phải vì cam kết quốc tế: “Việc đặt máy chủ bắt buộc trong nước hay không không cần thiết mà phải làm sao kiểm soát được tất cả thông tin đi vào, đi ra”.

Ông Cường cho rằng: “Vấn đề này Chính phủ có yêu cầu giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng tường lửa quốc gia, cùng Bộ Công an quản lý. Như vậy sau này hoàn toàn có thể kiểm soát được thông tin”. Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã cận kề, nhưng các sĩ quan, lãnh đạo an ninh Việt Nam vẫn với tư duy kiểm soát thông tin theo kiểu an ninh Liên Xô của thế kỷ trước.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm đặt câu hỏi: Đặt máy chủ trong nước có chặn được phát tán bí mật? Về yêu cầu đặt máy chủ ở trong nước đối với các công ty, doanh nghiệp quốc tế, vẫn là mục đích “ngăn phát tán bí mật ở trong nước ra nước ngoài và thông tin độc hại từ nước ngoài vào Việt Nam”. Câu trả lời “không” của ông Tô Lâm không phải vì nhu cầu minh bạch, công khai, mà bởi cấp dưới của ông cho biết có cách khác để kiểm soát thông tin.
Các lãnh đạo ngành an ninh, tuyên truyền muốn kiểm soát không gian mạng để chặn hiện tượng “lộ thông tin nội bộ” và “thông tin độc hại”. Họ chỉ chú ý đến vấn đề kỹ thuật mà bỏ qua vấn đề tư tưởng: khi có biến, chính người của họ chủ động để lộ thông tin nội bộ, điển hình như trường hợp Vũ “nhôm”.  


 Người dân không lùi bước trước BOT
Tài xế tiếp tục phản đối tại một trạm BOT ở TP Cần Thơ: trạm BOT Quốc lộ 91 nhiều lần kẹt cứng. Từ 17 giờ đến 18 giờ 30 ngày 10/1/2018, giao thông ở dự án BOT Quốc lộ 91 ách tắc nghiêm trọng, do “tài xế phản ứng bằng cách đòi qua trạm mà không chịu mua vé”, với lý do, “chỉ sử dụng khoảng vài trăm mét Quốc lộ 91 nhưng phải trả phí toàn tuyến”.

Nhân viên trạm thu phí “nhất quyết không mở barie khiến xe cộ kẹt cứng cả hai chiều, kéo dài gần 2km”. Một người dân chia sẻ: “Tiền mua vé hàng tháng của tôi còn cao hơn cả tiền xăng dầu, làm ăn không có lãi”. Tình trạng căng thẳng kéo dài đến 19 giờ, “nhân viên trạm buộc phải xả trạm cho tất cả xe qua, tuy nhiên ngay sau đó tiếp tục thu phí trở lại”.

Báo Dân Trí đưa tin, các tài xế thuê múa lân ăn mừng… xả trạm BOT. Ngày 10/1/2018, sau khi lãnh đạo trạm BOT Sóc Trăng đồng ý “cho nhân viên thu phí nghỉ ngơi và xả trạm”, một đoàn múa lân do các tài xế thuê đã đến “múa để ăn mừng xả trạm”. Các tài xế chia sẻ, “trong ngày mỗi khi BOT Sóc Trăng xả trạm, đội lân sư rồng sẽ múa để ăn mừng”.

Tuy nhiên, các lãnh đạo không nhìn nhận sự kiện này theo hướng tích cực, mà cho rằng đây là “hành vi gây rối, quá khích”. Ông Đặng Văn Đạt, trợ lý Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng, kể rằng, “tình hình hiện đã ngoài tầm kiểm soát của trạm”, nhưng trạm vẫn tiếp tục thu phí, vì “đến nay vẫn chưa có chỉ đạo của cấp trên về việc dừng thu”.

Công an Sóc Trăng cho biết đã trích xuất camera các vụ tông thanh chắn BOT Sóc Trăng. PV báo Tuổi Trẻ ghi nhận: “Rất nhiều vụ tông thẳng vào thanh barie để vượt trạm, hoặc người dân tự ý dỡ thanh chắn barie, dỡ các dải phân cách để vượt qua làn đi bộ… Những hình ảnh này được hệ thống camera lưu lại và đều đã được trích xuất, giao cho phía công an”.

Đến 20h30 tối qua, tình hình ở BOT Sóc Trăng vẫn căng thẳng. “Cứ mỗi lần trạm thu phí hoạt động trở lại, người dân và tài xế lại tụ tập, tiếng còi xe lại inh ỏi cho đến lúc phải xả trạm”. Người dân địa phương đồng lòng phản đối BOT, thì chẳng lẽ những lời đe dọa từ phía lãnh đạo và công an có thể khiến họ “nói ghét thành yêu”?

Chuyện người lạ đánh tài xế rồi trốn vào BOT Sóc Trăng là công an huyện Châu Thành, LS Lê Văn Luân khẳng định, đây là hành vi trái luật. LS Luân cho rằng, “nếu đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng quyền hạn hoặc cố ý gây thương tích khi thi hành công vụ thì có thể khởi tố vị công an (thuộc đội an ninh công an huyện Châu Thành, Sóc Trăng) đã đánh các tài xế”.


Bỏ tiền thật, đào tạo tiến sĩ giấy
Đề án 911: Từ thất bại Đề án đào tạo tiến sỹ: Tiêu tiền của dân phải thận trọng. “Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” có kinh phí đầu tư 14.000 tỉ đồng. Thế nhưng, tất cả các chỉ tiêu của đề án đều không đạt, nên Bộ Giáo dục bị kiến nghị bồi hoàn ngân sách hơn 53 tỷ đồng.

Đề án thất bạn, trong đó có chuyện bỏ tiền thật ra đổi lấy “tiến sĩ giấy”: “Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, nhu cầu nhân lực tiến sỹ ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay rất lớn, nhưng phải gắn với chất lượng thật sự chứ không phải ‘tiến sỹ giấy’.”

***


Tin quốc tế

Chuyện nước Mỹ
VOA đưa tin: Trump gọi hệ thống tòa án Mỹ là ‘bất công’ sau phán quyết về DACATT Trump đưa ra lời đả kích này sau khi một thẩm phán ngăn chặn quyết định của chính quyền, về việc chấm dứt chương trình bảo vệ trẻ em nhập cư bất hợp pháp. Ông gọi hệ thống tòa án liên bang là “hỏng bét và bất công“.

Trump viết trên Twitter, “Nó cho mọi người thấy rằng hệ thống tòa án của chúng ta hỏng bét và bất công ra sao khi bên chống đối trong một vụ việc (như DACA) luôn chạy tới Tòa án Khu vực 9 và hầu như luôn thắng trước khi bị các tòa án cấp cao hơn đảo ngược“.


Mỹ và các nước khác
Quan hệ Mỹ- Pakistan tiếp tục căng thẳng khi mới đây Pakistan thông báo: Đình chỉ hợp tác quân sự và tình báo với Mỹ. Thông báo này được Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan, ông Khurram Dastgir Khan đưa ra ngày 9/1.

Ông Khan phát biểu tại một hội thảo ở Islamabad: “Việc Mỹ ngừng viện trợ quân sự gần đây là nối tiếp của sự đình chỉ nghiêm trọng hơn, đó là đình chỉ đối thoại chiến lược hơn một năm qua giữa Mỹ và Pakistan”. Ông cũng không quên cáo buộc Mỹ đã đổ lỗi cho Pakistan, khi thất bại trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan.

Liên quan đến đối đầu Mỹ- Trung, Zing có bài:  Mỹ lại tung ‘quân bài Đài Loan’ trong quan hệ với Trung Quốc? Theo bài viết, Hạ viện Mỹ vừa thông qua 2 dự luật “thân Đài Loan”, làm Trung Quốc tức tối. Đó là Đạo luật Du lịch Đài Loan và Dự luật thứ hai nhằm giúp Đài Loan lấy lại tư cách quan sát viên ở Hội đồng Y tế Thế giới.

Bài viết có đoạn: “Đạo luật Du lịch Đài Loan nếu được thông qua, sẽ cho phép các quan chức Mỹ đến Đài Loan và gặp gỡ những người đồng cấp. Dự luật cũng mở đường để các quan chức cấp cao Đài Loan đến và gặp gỡ quan chức Mỹ, bao gồm những người trong nhà nước và các cơ quan quốc phòng“.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh của họ và tìm mọi cách “thu hồi”, kể cả sử dụng vũ lực. Quan hệ Đài- Trung vốn đã căng thẳng từ 2016, khi bà Thái Anh Văn, người có tư tưởng đưa Đài Loan độc lập, trở thành Tổng thống quốc đảo này.

Trước việc Trung Quốc dùng chiêu lách thuế chống bán phá giá mặt hàng nhôm vào Mỹ, VOA đưa tin Mỹ chặn nhôm Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt NamTheo bài viết, Hội đồng Các nhà sản xuất nhôm Mỹ (AEC), đã gửi đơn kiện đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ về vấn đề “nhôm Trung Quốc đội lốt Việt Nam”.

Theo các nguồn tin được bài viết dẫn chứng, các công ty nhôm Trung Quốc đang dùng Việt Nam làm bàn đạp, mục đích là “gột rửa” xuất xứ Trung Quốc để xuất vào Mỹ. Nhôm Trung Quốc hiện đang bị áp mức thuế 106% tại Mỹ.

Các công ty Việt Nam không lạ lẫm với kiểu “thay áo” này, vì chính họ chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu Mỹ đưa ra các trừng phạt. Ông Donald Trump từng có ý định hạn chế nhập khẩu nhôm để “bảo vệ an ninh quốc gia“. Theo một số thống kê, Việt Nam là nước nhập khẩu 91% phôi nhôm từ Mexico.


Tình hình bán đảo Triều Tiên
Trước việc đàm phán liên Triều đạt một số thỏa thuận quan trọng, VOA có bài viết về phản ứng của Mỹ với tựa đề: Mỹ hoan nghênh đàm phán liên Triều một cách dè dặtNam – Bắc Hàn đạt được đồng thuận trong việc Bắc Hàn tham dự Thế vận hội và 2 miền nối lại đàm phán quân sự thời gian tới. Mỹ quan sát  hành động có tính hòa hoãn này của Bình Nhưỡng với mối ngờ vực lớn. Sự dè dặt của Hoa Kỳ không phải là không có cơ sở. Đó là việc Bắc Hàn “gạt phắt” mọi đề cập của Nam Hàn quanh vấn đề giải trừ hạt nhân.

Ông Harry Kazianis, giám đốc khoa nghiên cứu quốc phòng ở Trung tâm Lợi ích Quốc gia ở Mỹ, nói “… đó chính là thủ đoạn của Kim Jong Un. Ông ấy dùng trò bịp này chủ yếu để câu thêm giờ. Ông ấy cần thời gian để phát triển công nghệ tấm chắn nhiệt cho vũ khí hạt nhân của ông ta có thế bắn tới Mỹ khi xảy ra chiến tranh. Đó là mục tiêu của ông ta”.


Tham vọng của Trung Quốc
Kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, TT Macron kêu gọi EU đoàn kết trước một Trung Quốc đang trỗi dậyÔng Macron đã lên tiếng ủng hộ sáng kiến “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc, nhưng ông cũng cảnh báo “EU sẽ ‘bám trụ’ để bảo vệ các khu vực chiến lược của khối trước tham vọng của Trung Quốc“.

Có lẽ Macron không còn lựa chọn nào khác, khi Trung Quốc vung tiền mua chuộc ảnh hưởng, vai trò khắp châu Âu. Nếu Macron từ chối, có thể Pháp và châu Âu sẽ “mất cả chì lẫn chài”. TT Pháp nói: “Một số nước đang rộng mở hơn trước các lợi ích của Trung Quốc, đôi khi phải đánh đổi bằng lợi ích của châu Âu“.

RFI có bài điểm báo: Trung Quốc khôn khéo tạo dựng mạng lưới ảnh hưởng ở châu ÂuBài viết cho biết, Trung Quốc đã đan ở châu Âu một mạng lưới chằng chịt để gây ảnh hưởng. Trung Quốc mua tài sản, đầu tư, thao túng các dịch vụ, chi tiền vận động hành lang…

Để hiểu về Trung Quốc đan “mạng nhện” ở châu Âu, hãy đọc phát biểu của ông Franck Proust, trưởng phái đoàn Les Républicains tại Strasbourg: “Người Trung Quốc hiện diện khắp nơi, trong các hành lang Nghị viện Châu Âu” và “Tôi không bài Hoa, nhưng nhận thấy rằng các quan chức EU không ý thức được tham vọng của Trung Quốc, với Con đường tơ lụa mới “. 


Tin Trung Đông 
TTXVN có tin: Palestine cáo buộc Mỹ bật đèn xanh cho kế hoạch định cư của IsraelPalestine đã đổ lỗi cho Mỹ về kế hoạch định cư mới của Isreal tại Bờ Tây khi ông Riad Malki, Bộ trưởng Ngoại giao và Định cư nước ngoài Palestine, nói rằng: “Washington đã bật đèn xanh cho hoạt động định cư này“.


***








No comments:

Post a Comment

View My Stats