Sunday, 17 December 2017

NÉT VĂN HÓA CÔNG CỘNG ĐẶC SẮC Ở MỸ (Bùi Tín)


Bùi Tín
16/12/2017

Trước khi vào đề, xin đưa lại tấm hình trên các báo Hoa Kỳ (Washington Post và CNN) tháng 8/2017 vừa qua, hình châm biếm tổng thống Donald Drump trong bộ cánh 1 con gà trống, được tạo nên bởi một nghệ sỹ tạo hình bằng một quả bóng cao su thổi bằng hơi, được bơm hơi căng phồng rồi đặt ngay giữa trung tâm thủ đô, trước tượng đài tổng thống G. Washington.

Ảnh tác giả gửi tới

Bức tượng châm biếm bằng cao su này rất lớn, cao hơn 10 mét, mái tóc vàng, mũi đỏ, ngón tay chỉ huy, bụng phệ ai trông cũng nhận ra ngay là ông Trump.

Các báo Hoa Kỳ cho biết tác giả bức tượng đã đăng ký xin được giấy phép đàng hoàng của Bộ Nội An (Department of Homeland Security: Bộ An ninh Nội địa) để được đặt trên bãi cỏ công cộng này, ở 1 điểm trung tâm từ đồi Capitol của trụ sở Quốc hội nhìn xuống, từ Tòa Bạch Cung của ông Trump nhìn sang đều thấy rõ. Bức tượng nằm đó trong suốt 3 tuần lễ mùa hè, mùa đông khách du lịch, học sinh sinh viên cả Hoa Kỳ đến tham quan chụp ảnh.

Bức tượng nói lên điều gì. Hàng ngàn “túyt” và Facebook nhận xét bức tượng rất thâm thúy, phê phán kín đáo ông Trump kiêu căng phình bụng, ưa khoe khoang cái mào vàng đỏ của gà trống, chuyên lêu lổng ăn diện ca hát gáy vang để mặc cho gà mái vất vả kiếm ăn cho gà con, tả đúng tính cách hời hợt thiếu thực chất, trống rỗng của ông tổng thống mới.

Tôi đưa tấm hình này lên nhân Ban Biên tập báo USA Todayngày 13/12 vừa qua cho ra một lời bình luận có vẻ rất nặng lời đối với ông Trump: “Một vị tổng thống gọi thượng nghị sĩ là một con điếm thì không thích hợp để dọn dẹp cầu tiêu trong thư viện của Tổng thống Obama hoặc đánh bóng giày cho Tổng thống George W. Bush”.

Cả một cuộc tranh luận công khai nổ ra trên mạng. Đa số tán đồng, một số không đồng tình cho là quá sỗ sàng, nặng lời, vô lễ với lãnh đạo số 1 của đất nước! Một số người Mỹ gốc Việt cũng tham gia cuộc tranh luận sôi nổi này.

Ban biên tập USA Today cám ơn cuộc góp ý, khẳng định mình đã cân nhắc thận trọng và nhất trí với nhau về nhận định này, dựa theo quyền tự do chính kiến bất khả xâm phạm ghi trong Hiến pháp, sẵn sàng tranh luận thẳng với ông Trump về chuyện này.

Ban biên tập USA Today cho rằng, làm tổng thống càng phải có nhân cách, phải có tư cách ngay thật, đàng hoàng, không được bịa đặt vu cáo nhỏ nhen, phải tự cho mình bình đẳng ngang hàng với mọi công dân khác. Không làm được như vậy còn sàm sỡ, nói năng tùy tiện thì nhân cách không bằng những công dân vốn bị coi là thấp trong xã hội như công nhân vệ sinh hay như chú bé đánh giày!

Nhân đây cũng xin nhắc lại chuyện nữ nghệ sỹ Mai Khôi đàng hoàng ngay thật đón ông Trump ở Đà nẵng bằng khẩu hiệu “Peace Piss on You Trump” với cái lý của mình là một chuyện bình thường trong một xã hội công dân văn minh. Cũng là cách chơi chữ hóm hỉnh ít ai biết, chữ “peace” là “hòa bình” đọc giống như chữ “piss” là đi đái, nghe thoáng qua thì chưa hiểu nhưng đọc chữ thì hiểu ngay.

Nhân đây cũng xin nói rõ về mặt luật pháp cần phân biệt thật kỹ, thật rạch ròi suy nghĩ, lời nói với cử chỉ, việc làm, hành động. Anh mới suy nghĩ, có ý định trong đầu, đánh giá trong óc anh thì anh chưa có tội. Nhưng khi anh hành dộng, có cử chỉ, việc làm, gây tai hại, hậu quả thì anh mới có tội theo luật định.

Do đó mọi người công dân có quyền nhận định ông tổng bí thư ra sao, ông ủy viên bộ chính trị ra sao, ông bộ trưởng ra sao là quyền công dân bình đẳng bất khả xâm phạm. Nếu thật lòng không tôn trọng, thật lòng khinh bỉ, gọi ông ta bằng “thằng”, là “ông lú”, là “kẻ hèn với giặc ác với dân”, là “kẻ cướp ngày”, thậm chí chửa rủa bằng tiếng Đan Mạch “ĐM” cũng không hề phạm pháp. Chỉ khi nào (xin lỗi) vạch quần ra tè khi các ông ấy đi qua mới có thể bị thổi còi, tạm giữ vì có hành động xấu, thô bỉ, mất mỹ quan nơi công cộng, hoặc khi có lời kêu gọi dùng bạo lực và phân biệt chủng tộc bị luật cấm. Khi cô Mai Khôi mới viết, chưa có cử chỉ gì bất nhã thì cô vô tội.

Cũng do cái lý trên đây, chính quyền độc đảng ra lệnh cho các thẩm phán chủ tọa các phiên tòa kết án các chiến sỹ yêu nước đấu tranh chống bành trướng những bản án tàn bạo 10, 15 tù giam có thể bị nhân dân lên án là những bản án rừng rú, man rợ, của những nhóm, những kẻ bán nước ô nhục, mất gốc dân tộc.

Gọi họ là “chúng nó”, là “thằng” dù chúng ở chức vụ rất cao cũng là hợp lẽ, không có gì là quá đáng vì tự chúng đã không còn tư cách, có nhân cách nào nữa.

Trái lại, những Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Hữu Vinh – Ba Sàm, Đoan Trang, Trần Thanh Nghiên …. và hàng trăm tù nhân chính trị tự nguyện dấn thân cho lý tưởng tự do dân chủ cho toàn dân, mới là những nhân cách cao quý đáng biểu dương kính trọng và tôn vinh lâu bền.

Phần lớn các vụ xử án tù chính trị ở Việt Nam đều sai luật. Các bị cáo bị lên án vì có những nhận định, bài viết, phát biểu của mình theo quyền tự do ngôn luận, nhưng chưa có một hành động phạm pháp nào, như trong vụ xử cô Như Quỳnh, cô Nga, cô Nghiên, cô Đoan Trang, anh Hóa, anh Vinh kể trên… Có người bị tù dài hạn chỉ vì một bài hát như nhạc sỹ Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình… Không ở đâu trên thế giới này lại có chuyện phi lý, phi pháp, mê muội và tàn độc đến thế!

Nghĩa vụ đầu tiên của một chính quyền, Nhà nước Đông Tây kim cổ bao giờ cũng là bảo vệ dân, giữ gìn độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, không làm việc này còn tàn sát người dân yêu nước, của quý của dân tộc, thì chính quyền ấy, Nhà nước ấy là kiểu chính quyền gì, Nhà nước gì, nếu không phải là ngụy quyền bán nước?

Nếu như báo USA Today ở Việt Nam, tờ báo này sẽ bị truy tố, đóng cửa ngay vì dám phạm thượng, coi lãnh đạo cao nhất không bằng công dân hạng bét. Nếu ở Việt Nam, nghệ sỹ châm biếm sâu cay sáng tác tượng cao su to tướng hình con gà trống kiêu ngạo huênh hoang trống rỗng tiêu biểu cho nhà lãnh đạo số 1, cũng sẽ vào tù ở trại B 14 ít nhất là 6, 7 năm vì “bôi nhọ chế độ”, “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Một nét văn hóa công cộng đặc sắc hóm hỉnh mang tính dân dã sẽ bị coi là tội phạm nghiêm trọng!

Mọi tấm lòng yêu nước thương dân Việt chúng ta hãy chung sức xây dựng một nền văn hóa công cộng, sống động bình đẳng trong một xã hội dân chủ tự do thượng tôn pháp luật trong thời đại văn minh.








No comments:

Post a Comment

View My Stats