Wednesday, 1 November 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ BA 31/10/ 2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Mỹ nói Trung Quốc tập oanh kích đảo Guam

Máy bay ném bom của Trung Quốc bay gần Guam và diễn tập ném bom nhắm vào lãnh thổ này của Mỹ là một trong những hành động khiển các lực lượng quân sự của Mỹ tại đây xem Bắc Kinh là mối đe dọa tiềm năng đáng lo ngại nhất ở Thái Bình Dương, trong lúc Bắc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chế tạo vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh những hoạt động công khai bồi đắp biển đảo, xây dựng cơ sở quân sự trên Biển Đông, Trung Quốc còn ra sức phát triển phi đội chiến đấu cơ có khả năng hoạt động hàng ngày trong chiến dịch khiêu khích trong không phận Biển Hoa Đông và Biển Đông và xa hơn nữa, các giới chức quân sự Mỹ trong khu vực cho biết. Ngoài ra Trung Quốc còn có những hoạt động không mang tính quân sự khác trong khu vực được xem là những nỗ lực khiến cho Mỹ khó hoạt động hơn tại đó và để bảo vệ cho các đông minh trong tương lai.

Các giới chức mô tả hoạt động leo thang của Trung Quốc trong thông báo gởi cho các phóng viên báo chí tháp tùng Chủ tịch Ban tham mưu Liên quân, Đại tướng Joseph Dunford.

Các giới chức nói rằng mặc dầu mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên đang ngày càng tăng với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, một cuộc xung đột với Bắc Hàn vẫn được xem là “một cuộc chiến mà chúng tôi có thể thắng.” Còn với Trung Quốc, các giới chức nói họ “lo ngại về cách thức mà mọi việc đang diễn tiến.”

“Trung Quốc là một thách thức lớn dài lâu trong khu vực,” Đại tướng Dunford nói. “Nhìn vào những khả năng và Trung Quốc đang phát triển, chúng tôi phải đảm bảo duy trì khả năng để đáp ứng các cam kết với các đồng minh của chúng tôi ở Thái Bình Dương.”

Trong một năm qua, Nhật Bản đã thực hiện 90 phi tuần để nghênh cản chiến đấu cơ Trung Quốc thách thức Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản. Năm 2013, Bắc Kinh tuyên bố vùng ADIZ của Trung Quốc có ranh giới chồng lấn sang vùng ADIZ của Nhật Bản và bao gồm cả đảo Điếu Ngư/Senkaku trên Biển Hoa Đông. Các giới chức quân sự cho biết, kế từ đó tần số đối đầu giữa máy bay của Nhật và Trung Quốc tăng lên, dẫn đến việc Tokyo quyết định tái triển khai hai phi đội chiến đấu cơ sang căn cứ không quân Naha ở Okinawa để có thể nhanh chóng nghênh cản các máy bay của Trung Quốc bay vào khu vực. Các giới chức nói: “Hiện nay hầu như mỗi ngày chiến đấu cơ Flanker vũ trang của Trung Quốc và máy bay của Nhật Bản bay rất gần nhau” trong khu vực .

Số vụ máy bay Mỹ và Trung Quốc đòi đầu nhau cũng tăng lên. Trang tin quốc phòng Defense News trích lời các giới chức quân sự nói máy bay ném bom K-6K “Badger” của Trung Quốc đang thăm dò các khu vực phòng thủ của Mỹ quanh đảo Guam.

Defense News nói máy bay Badger của Trung Quốc bay thường xuyên hơn vào không phận thuộc lãnh thổ của Mỹ. Các giới chức nói: “Máy bay Trung Quốc thực tập tấn công đảo Guam. Máy bay ném bom của họ còn bay quanh Hawaii.

Mặc dù các giới chức nhấn mạnh rằng không có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột với Trung Quốc, các lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực vẫn tự hỏi một cuộc chiến ở Thái Bình Dương sẽ như thế nào nếu nó xảy ra. - VOA
|
|

2.
Nga nói bị Mỹ bôi bác vô lý

Điện Kremlin ngày 31/10 tuyên bố các cáo buộc của Mỹ đối với cựu quản lý chiến dịch tranh cử cho Tổng thống Donald Trump, ông Paul Manafort, và một phụ tá khác cho thấy Moscow đã bị bôi nhọ bất công về chuyện can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Giới hữu trách liên bang đang điều tra sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ đầu tuần này cáo buộc ông Manafort và ông Gates phạm tội rửa tiền. Moscow phủ nhận nhúng tay vào bầu cử Mỹ.

Dù được phanh phui trong phạm vi cuộc điều tra 5 tháng về những nỗ lực của Nga nhằm nghiêng cuộc bầu cử về hướng có lợi cho ông Trump và về sự thông đồng khả dĩ của các trợ lý của ông Trump, nhưng các cáo buộc đưa ra tuần này lại tập trung vào việc làm của ông Manafort cho chính quyền cũ của Ukraine, không phải cho chính quyền Nga. Một số cáo trạng đề cập đến những chuyện cách đây hơn một thập niên.

Điều này được hoan nghênh ở Nga, nơi mà các quan chức đang theo dõi sát cuộc điều tra ở Mỹ, Reuters cho biết. Những bằng chứng công khai về sự can thiệp của Nga, tới giờ vẫn chưa được trưng ra, có phần chắc sẽ đưa tới những chế tài nghiêm khắc hơn của Washington nhắm vào Moscow.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng trong cáo trạng nhắm vào ông Manafort và phụ tá Rick Gates không có cáo buộc nào liên hệ tới Nga. Ông nói hôm thứ Ba rằng Moscow luôn luôn khẳng định chưa bao giờ can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Khẳng định đó bị các cơ quan tình báo Mỹ bác bỏ và họ đã xác quyết rằng Moscow có can thiệp vào cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2016.

"... Nga không bị nhắc tới trong các cáo buộc dưới bất kỳ hình thức nào. Những nước khác và những người khác bị nêu danh," ông Peskov nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với truyền thông.

Cuộc điều tra của Mỹ là vấn đề nội bộ của Mỹ, ông Peskov nói, nhưng Moscow đang quan tâm theo dõi.

Ông cũng bình luận về những chi tiết của vụ việc liên quan tới một cựu cố vấn thứ ba của ông Trump, George Papadopoulos, người đã nhận tội nói dối FBI vào đầu tháng 10.

Ông Papadopoulos nói với các nhà điều tra rằng đã tìm cách dàn xếp một cuộc gặp giữa ban vận động của Trump với giới lãnh đạo Nga mà qua đó ông cho biết đã gặp một giáo sư làm việc tại London tự xưng có các mối liên lạc với các quan chức Nga và một phụ nữ Nga không được nêu tên.

Hồ sơ tòa án về Papadopoulos cũng đề cập đến các cuộc tiếp xúc với một người có liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga.

Khi được hỏi Điện Kremlin nghĩ gì về nhân vật có liên hệ tới Bộ Ngoại giao Nga được cho là tìm cách dàn xếp một cuộc gặp gỡ giữa hai ông Putin và Trump, người phát ngôn Peskov nói cáo buộc này vô căn cứ.

"Đó là một cáo buộc hoàn toàn nực cười," ông nói.

Tin nói nhân vật liên quan đến Bộ Ngoại giao Nga là Ivan Timofeev, làm việc cho một viện nghiên cứu chính sách tại Moscow có tên Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga (RIAC).

Reuters cho hay ông Timofeev đã không hồi đáp yêu cầu bình luận, nhưng từng nói với cổng thông tin trực tuyến gazeta.ru hồi tháng 8 rằng ông Papadopoulos đã gửi email cho ông vào mùa xuân năm 2016 và bàn về khả năng tổ chức một chuyến đi cho ông Trump tới Nga.

Ông Timofeev nói ông Papadopoulos chưa bao giờ đưa ra yêu cầu chính thức cho RIAC hoặc Bộ Ngoại giao Nga về chuyến thăm đó và ông có cảm tưởng ông Papadopoulos đã "hành động theo chủ ý của riêng mình." - VOA
|
|

3.
Chủ tịch TQ và Tổng Thống Hàn Quốc bàn về THAAD tại Việt Nam

Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ đàm phán trực tiếp vào tuần tới, kết thúc một năm căng thẳng ngoại giao về việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn của Hoa Kỳ.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm Thứ Ba 31/10 ra tuyên bố cho biết Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp bên lề Hội nghị Hợp tác Phát triển Kinh tế Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Việt Nam từ ngày 10-11/11.

Mối quan hệ giữa hai cường quốc trong khu vực trở nên lạnh giá sau khi Seoul triển khai hệ thống Phòng thủ Phi đạn (THAAD) ở thành phố Seongju. Hàn Quốc nói THAAD được triển khai để chống lại nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên, nhưng Trung Quốc phản bác rằng lá chắn tên lửa này ảnh hưởng tới an ninh của chính họ.

Bắc Kinh trả đũa bằng cách hạn chế hoạt động của một số công ty Hàn Quốc ở Trung Quốc, và cấm không cho các đoàn du lịch lớn đến thăm Hàn Quốc.

Quan hệ giữa hai nước dường như đã được cải thiện từ khi Tổng thống Moon và Chủ tịch Tập gặp nhau vào tháng 7 vừa rồi. Hai bên gần đây đồng ý mở rộng trao đổi song phương về tiền tệ.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba 31/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận cuộc đàm phán song phương sẽ diễn ra vào tuần tới tại Việt Nam.

Bộ này cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc phản đối việc triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc, nhưng nói thêm rằng họ ghi nhận quan điểm của Seoul, và hy vọng sẽ giải quyết vấn đề một cách thích hợp. - VOA
|

|

4.
Trung Quốc yêu cầu Mỹ không can thiệp vào đàm phán Biển Đông --- Trung Quốc tiếp tục đắp đảo mới, xây cơ sở ở Hoàng Sa

Hôm qua, 30/10/2017, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải ( Cui Tiankai ) đã lên tiếng yêu cầu Mỹ không can thiệp vào đàm phán giữa Trung Quốc với các nước láng giềng nhằm đạt đến một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Nhà ngoại giao Trung Quốc đưa ra yêu cầu này vào lúc tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị cho chuyến công du châu Á sắp tới.

Tại một cuộc họp báo ở đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, ông Thôi Thiên Khải cho rằng Mỹ không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và nên để các nước trong khu vực tự giải quyết tranh chấp của họ « một cách hiệu quả và thân thiện ». Đại sứ Trung Quốc tuyên bố : « Tôi nghĩ chắc là sẽ tốt hơn nếu những quốc gia khác, kể cả Mỹ, đừng cố can thiệp vào tiến trình mang tính xây dựng này, đừng gây trở ngại cho việc sớm đạt thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử ( trên Biển Đông) ».

Vào tuần trước, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông ( COC ), một văn bản có tính chất ràng buộc pháp lý, có thể sẽ mất nhiều năm. Tuyên bố hôm qua của đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ hàm ý rằng sự can thiệp của Mỹ sẽ khiến cho tiến trình đàm phán thêm khó khăn.

Cuộc họp báo của ông Thôi Thiên Khải diễn ra vài ngày trước chuyến công du của tổng thống Donald Trump tới nhiều nước nước châu Á, trong đó có Việt Nam, từ ngày 03 đến 14/11.

Washington vẫn thường xuyên chỉ trích việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong tháng này đã tuyên bố rằng « những hành động gây hấn » của Trung Quốc ở Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế. - VOA

***
Các hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc lặng lẽ xây dựng và bồi đắp thêm đảo nhân tạo trên Biển Đông. Các giới chức quân sự và ngoại giao trong khu vực nói rằng Bắc Kinh dường như sắp khẳng định mạnh mẽ hơn chủ quyền đối với thủy lộ mang tính chiến lược này.

Bản tin của Reuters bình luận rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa trên Bán đảo Triều Tiên hồi gần đây cùng với Ðại hội đảng hoành tráng ở Bắc Kinh đã thu hút hết sự chú ý của thế giới khiến cho vấn đề Biển Đông bị sao lãng trong mấy tháng qua.

Nhưng chưa một vấn đề tranh chấp căng thẳng thẳng nào trong khu vực được giải quyết và các hình ảnh vệ tinh mà Reuters xem được cho thấy Trung Quốc tiếp tục xây dựng các cơ sở trên Đảo Bắc và Đảo Cây thuộc quần đảo Hòang Sa, mà các chuyên gia gọi là một thủy lộ thương mại trọng yếu vẫn đang là một điểm nóng tranh chấp trên trên thế giới.

Một số chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ đáp chiến đấu cơ xuống các đường băng được xây dựng trên quần đảo Hòang Sa trong đợt triển khai đầu tiên chỉ nội trong vài tháng tới, trong khi các giới chức quân sự trong khu vực nói rằng Bắc Kinh đã đang sử dụng các cơ sở mới này để mở rộng hoạt động của hải quân và tuần dương Trung Quốc sâu xuống Ðông Nam Á.

Ông Bonnie Glaser, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nhận định: “Trong lúc Bắc Kinh xây dựng các cơ sở kiên cố này, cả các chuyên gia của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lẫn các chuyên gia dân sự luôn nói rõ rằng khi thời điểm chiến lược thích hợp đến, họ sẽ khai thác sử dụng hết chức năng các cơ sở đó.”

Ông Glaser nói với Reuters rằng theo ông thì câu hỏi đặt ra là “khi nào, chứ không phải liệu, Trung Quốc sẽ bắt đầu khẳng định các lợi ích của họ trên Biển Đông một cách mạnh mẽ hơn.”

Ành vệ tinh cho đấy đối thủ Việt Nam của Trung Quốc cũng đang hoàn thiện bồi đắp đảo và nối dài một đường băng ở căn cứ của họ trong quần đảo Trường Sa.

Khoảng lặng sau cơn bão

Việc xây dựng trên quần đảo Trường Sa thể hiện sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông trong nhiệm kỳ thứ nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, và sự quả quyết đó được nêu bật trong phát biểu của ông tại Đại hội Ðảng Cộng sản Trung Quốc hồi trước đây trong trong tháng.

Chủ tịch Tập phát biểu: “Xây dựng trên các đảo và bãi cạn trên Biển Nam Trung Hoa tiến triển đều đặn.”

Ông Michael Cavey, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói: “Chúng tôi tiếp tục lo ngại về những căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là những mâu thuẫn do hoạt động bồi đắp đảo và quân sự hóa những địa điểm tranh chấp và hành động của một số nước sẵn sàng dùng sức mạnh cưỡng bức để khẳng định chủ quyền.”

“Chúng tôi luôn kêu gọi Trung Quốc cũng như các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo khác cố gắng kiềm chế và ngưng các hoạt động bồi đắp biển đảo, hay xây dựng thêm các cơ sở mới và quân sự hóa những địa điể m tranh chấp.”

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường mới đây tái khẳng định rằng các hải đảo đó là lãnh thổ không thể nào tranh cãi được của Trung Quốc, trong trả lời với các phóng viên báo chí.

Ông Nhậm nói: “Không ai có thể nói việc xây dựng trên các đảo và bãi cạn trên Biển Nam Trung Hoa và việc xây dựng cá cơ sở quốc phòng cần thiết là hoạt động mở rộng triển khai quân sự.”

“Chúng tôi tin rằng hiện trạng của Biển Nam Trung Hoa nhìn chung là tốt, và tất cả các bên liên quan phải tích cực làm việc với nhau để bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Nam Trung Hoa.”

Đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải, hôm thứ Hai 30/10, nói rằng Hoa Kỳ chớ nên “can thiệp vào những nỗ lực trong khu vực nhằm giải quyết những tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa.”

Trong một phát biểu tại Singapore trước đây trong tháng này, giới chức quân sự cao cấp nhất của Mỹ trong khu vực nói rằng cho dù Washington kêu gọi Trung Quốc giúp trong vấn đề Bắc Hàn, Mỹ vẫn buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những hành động đi ngược với luật pháp và thông lệ quốc tế.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói: “Chúng tôi cũng muốn Bắc Kinh phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt các hành động gây hấn trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang phát triển sức mạnh tác chiến và lấn chiếm các vị trí trong nỗ lực khẳng định chủ quyền thực tế đối với các vùng lãnh hải đang trong vòng tranh chấp.”

Chiến thuật chứ không phải sách lược

Một nghiên cứu mới đây của tổ chức RAND Corp có liên hệ với chính phủ Mỹ cân nhắc rủi to của một cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đưa Biển Đông lên hàng đầu trong danh sách các điểm nóng tiềm năng.

Biển Đông được đẩy lên cao hơn cả Ðài Loan, nhưng thấp hơn Bán đảo Triều Tiên. Nghiên cứu ghi nhận rằng hải lộ này đã “trở thành một điểm chú ý ngoài dự đoán trong những mâu thuẫn Mỹ-Trung.”

Mặc dù Ngũ giác đài tiếp tục các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông thường xuyên, gọi tắt là FONOPS, để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, một số nhà phân tích tin rằng Mỹ đang chật vật đối phó với thế áp đảo đang mở rộng dần của Trung Quốc trong khu vực.

Ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông ở Viện nghiên cứu Yosof Ishak của Singapore, nói: “Trung Quốc hình như đang theo đuổi chiến lược dài hạn và có suy tính kỹ lưỡng để giành quyền thống trị trên Biển Đông, trong khi Mỹ đáp lại bằng những cuộc tuần tra chiến thuật tức thời.”

“FONOS chỉ là hoạt động chiến thuật không phải là chiến lược, và các hoạt động đó không làm Trung Quốc mảy may xem xét lại kế hoạch của họ ở Biển Đông.”

Ông Ni Lexiong một chuyên gia về hải quân đang giảng dạy môn khoa học chính trị và luật tại Đại học Thượng Hải, nói rằng Trung Quốc hiện có rất ít nhu cầu phải tăng triển khai quân sự đáng kể, nhưng phần lớn tùy thuộc vào hành động của các nước khác.

Ông nói tiếp: “Miễn là các nước khác không cố tình có những hành động và khiêu khích, thì mọi sự đều ổn thỏa. Vấn đề là một số nước, như Mỹ lại đến đó khuấy động tình hình.” - VOA
|
|

5.
Thái Lan tước hộ chiếu của cựu Thủ tướng Yingluck --- Thái Lan: Chính quyền sẽ không bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị

Thái Lan cho biết đã thu hồi hộ chiếu của Thủ tướng bị phế truất Yingluck Shinawatra, người đã trốn ra khỏi nước hồi tháng trước để tránh đối mặt với bản án tù vì một chương trình trợ cấp gạo thất bại.

Bộ Ngoại giao Thái Lan nói bà Yingluck có hai hộ chiếu ngoại giao và hai hộ chiếu cá nhân.

Hồi tháng 9, bà Yingluck bị toà án tối cao Thái Lan kết án 5 năm tù giam về tội lơ là trách nhiệm. Sau đó, bà trốn khỏi Thái Lan trước khi bản án được công bố.

Chính phủ Thái Lan bị thâm hụt hơn 1 tỷ đôla trong chương trình mua gạo của nông dân nghèo với giá cao hơn thị trường, với mục đích bán lại với giá cao hơn.

Bà Yingluck bác bỏ các cáo buộc đó, nói rằng các chúng mang động cơ chính trị.

Bộ ngoại giao cho biết họ tin rằng bà đang sống ở Anh, nhưng không rõ chính xác nơi ở của bà.

Bà Yingluck bị lật đổ năm 2014 trong một cuộc đảo chính quân sự do đương kim Thủ tướng Prayuth dẫn đầu, lúc bấy giờ là Tổng Tư lệnh Lực lượng Quân đội Hoàng gia Thái Lan. - VOA

***
Chính phủ quân sự Thái Lan hôm nay, 31/10/2017, thông báo sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị, mặc dù cuộc tổng tuyển cử được dự kiến sẽ diễn ra vào năm sau, và chính phủ đang chịu áp lực chính trị ngày càng tăng từ các đảng phái đòi dỡ bỏ lệnh cấm này.


Sau cuộc họp nội các, thủ tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố, chính những chia rẽ chính trị và những hành động bôi nhọ thanh danh là những lý do khiến chính quyền tiếp tục duy trì lệnh cấm, đồng thời, ông cũng kêu gọi các đảng phái gác lại những khác biệt.

Đầu tháng 10, tướng Prayuth đã hứa rằng Thái Lan sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 11/2018. Quyết định này đã được các nhà đầu tư tại Thái Lan hoan nghênh.

Lệnh cấm hội họp đối với các đảng phái chính trị được ban hành kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính và lên nắm quyền vào năm 2014. Kể từ đó, đã có hàng chục nhà bất đồng lên tiếng chỉ trích và đã bị bắt giam.

Cũng trong ngày hôm nay, ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai thông báo chính quyền Thái Lan đã hủy bỏ 4 hộ chiếu của cựu thủ tướng bỏ trốn Yingluck Shinawatra, trong đó có 2 hộ chiếu cá nhân và 2 hộ chiếu ngoại giao.

Bà Yingluck đã bỏ trốn khỏi Thái Lan cuối tháng 8 vừa qua, trước phán quyết của Tòa Án Tối Cao. Sau đó, cựu thủ tướng đã bị kết án vắng mặt 5 năm tù giam với tội danh gian dối trong kế hoạch trợ giá lúa gạo của chính phủ. Vụ án này được xem là một đòn quyết định của phe quân sự nhằm gạt bỏ gia đình Shinawatra ra chính trường Thái Lan.

Hồi cuối tháng 9, thủ tướng Chan O-Cha thông báo, bà Yingluck đang tị nạn ở Dubai, nơi anh trai bà, cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, có một căn biệt thự. - RFI
|
|

6.
Úc đóng cửa trại tị nạn: 600 người từ chối rời trại

Hơn 600 người xin tị nạn hôm thứ Ba 31/10 đã từ chối rời khỏi một trung tâm tạm giam người tị nạn do Úc điều hành ở Papua New Guinea vì sợ trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực của cư dân địa phương.

Những người tị nạn đang bị giam giữ tại trung tâm đảo Manus ở Papua New Guinea, chiều ngày thứ Ba 31/10 nhất quyết ở lại trong trại, bất chấp kế hoạch của các giới chức sẽ cúp nước và điện sinh hoạt tại trung tâm tạm giam.

Một người xin tị nạn – yêu cầu không nêu tên nói:

"Đối với cá nhân tôi, không có thức ăn, không có nước, cũng không thực sự quan trọng. Vấn đề quan trọng là mạng sống của tôi, tôi muốn sống cuộc đời của chính mình theo ý mình."

Các luật sư đại diện cho hàng trăm người xin tị nạn đã nộp đơn kháng cáo lên Toà án Tối cao Papua New Guinea, để yêu cấu tòa ra lệnh cấm đóng cửa trại tị nạn.

Trong khi đó những người ủng hộ người tị nạn đã tổ chức một cuộc biểu tình ở thành phố Sydney, Australia hôm thứ Ba 31/10, kêu gọi chính phủ đưa những người tị nạn này về Australia.

Ông Ian Rintoul – Phát ngôn viên của Liên minh Hành động vì Người Tị nạn nói:

"Chỉ cần ông Peter Dutton (Bộ trưởng Di trú) hay Thủ Tướng Malcolm Turnbull nhấc điện thoại lên là chắc chắn trung tâm tị nạn sẽ không bị đóng cửa và người xin tị nạn sẽ không bị cưỡng bức phải dời đi nơi khác. Nhưng việc mà chính phủ đang làm là tống 600 người này đi, đẩy họ ra khỏi trung tâm tạm giam để đưa họ tới những nơi khác trên đảo Manus, nơi họ không được an toàn và không có điều kiện sống tối thiểu. Ít nhất hai nơi ở đó chỉ là những công trường xây dựng dở dang, chúng ta không hề biết các điều kiện vệ sinh ở đó nó ra thế nào, chúng tôi biết là tại đó không có cơ sở y tế, và ngay trong lúc này cũng không có cách nào để kiếm ra thức ăn ở đó."

Các giới chức Papua New Guinea cho hay trung tâm tạm giam hiện nay sẽ được chuyển giao cho các lực lượng quân sự của họ kiểm soát vào ngày thứ Tư 1/11, và bất cứ ai vẫn còn ở lại đó sẽ bị coi là xâm nhập trái phép vào một căn cứ quân sự.

Australia đã lên kế hoạch đóng cửa trại Manus sau khi Toà án tối cao Papua New Guinea ra phán quyết hồi năm ngoái rằng trung tâm giam giữ này vi hiến, vi phạm các quyền hiến định về tự do cá nhân.

600 người tị nạn còn lại được chọn hoặc là ở lại Papua New Guinea, hoặc là hồi hương, hoặc tái định cư ở một nước thứ ba. - VOA
|
|

7.
Bắc Triều Tiên: 200 người chết vì sập đường hầm thử bom nguyên tử

Có ít nhất 200 người được cho là đã thiệt mạng khi một đường hầm tại địa điểm thử bom nguyên tử của Bắc Triều Tiên. AFP hôm nay 31/10/2017 dẫn tin của đài truyền hình Nhật cho biết như trên.

Kênh truyền hình Nhật Asahi cho biết theo một nguồn tin ẩn danh, một đường hầm tại địa điểm thử nguyên tử Punggye-ri đã bị sụp đổ vào đầu tháng Chín, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Đây là quả bom có sức công phá mãnh liệt nhất từ trước đến nay.

Khoảng 100 công nhân đã bị chôn vùi trong vụ sụp hầm đầu tiên, và trong khi công tác cứu hộ đang được tiến hành, thì một đường hầm nữa lại bị sụp đổ, làm tổng cộng khoảng 200 người chết. Tai nạn này được cho là do vụ thử bom nguyên tử gây ra.

Các chuyên gia từng cảnh báo các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất có thể làm cho núi bị sụp, khiến phóng xạ bị phát tán ra không khí gần biên giới Trung Quốc. Vụ thử nguyên tử hôm 3/9 đã gây ra hiện tượng lở đất tại khu vực thử bom và xa hơn, theo các hình ảnh vệ tinh chụp được ngày hôm sau.

Những tấm ảnh do trang 38th North công bố cho thấy những thay đổi trên mặt đất ở Punggye-ri : Những khối đất bị hất tung lên không do rung chấn, sau đó là những vụ đất trượt xuống lòng suối.

Theo Cơ quan giám sát địa chấn của Mỹ, vụ nổ này đã gây ra trận động đất 6,3 độ Richter, và vài phút sau là một vụ động đất 4,1 độ Richter. Nhật Bản nhận định đó là một quả bom nhiệt hạch mạnh 120 kiloton, gấp 8 lần so với quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.

Thông tin này được đưa ra vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên sẽ đến thăm Hàn Quốc vào tuần tới.

Bắc Triều Tiên hiếm khi xác nhận những tai nạn, đặc biệt nếu liên quan đến chương trình nguyên tử. Từ khi lên kế vị Kim Jong Il năm 2011, đến nay Kim Jong Un đã cho thử hạt nhân bốn lần. Bắc Triều Tiên coi bom nguyên tử là vũ khí quý giá để bảo vệ, chống lại Mỹ tấn công. - RFI
|
|

8.
Nga: Thêm một đạo luật thắt chặt kiểm soát Internet

Ngày 01/11/2017, một đạo luật mới sẽ có hiệu lực tại Nga cấm người dân nước này sử dụng các phần mềm giúp truy cập Internet một cách bảo mật hoặc vô danh. Các nhà hoạt động nhân quyền và giới doanh nghiệp Internet đã lên án đạo luật này, vì họ xem đó là một hình thức tăng cường kiểm duyệt trên Internet trong bối cảnh nước Nga sắp bầu cử tổng thống.

Truy cập bảo mật hoặc truy cập qua mạng ảo VPN ( Virtual Private Network ) là những hình thức truy cập mà các công ty thường sử dụng để bảo đảm bí mật thông tin. Đây cũng là hình thức mà nhiều cư dân mạng sử dụng để vượt tường lửa, truy cập vào một số trang web bị chặn trong nước.

Đạo luật được thông qua mùa hè vừa qua và có hiệu lực từ ngày mai giao cho cơ quan kiểm soát viễn thông của Nga Roskomnadzor nhiệm vụ lập danh sách các dịch vụ cho phép truy cập vô danh. Cơ quan này có quyền ngăn chận những dịch vụ đó.

Đối với các tác giả của luật mới, mục đích của văn bản này là không cho người sử dụng Internet truy cập vào những trang web đã bị ngành tư pháp ra lệnh chặn lại, vì đó là những trang web có liên hệ với khủng bố hoặc bị xem là có nội dung quá khích, cực đoan.

Nhưng theo những người chống đối luật này, thì đây là một bước mới nhằm tăng cường kiểm duyệt Internet ở Nga. Mạng thông tin toàn cầu đã bị kiểm soát ngày càng chặt chẽ kể từ khi ông Vladimir Putin trở lại điện Kremlin vào năm 2012. Gần đây, một đạo luật khác đã được ban hành, bắt buộc các công ty công nghệ thông tin phải lưu trữ các dữ liệu của người sử dụng Internet ở Nga và khi được yêu cầu thì phải trao những dữ liệu đó cho các cơ quan chức năng.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế lên án luật mới của Nga là một « đòn rất mạnh đánh vào quyền tự do trên Internet ». Còn Electronic Frontier Foundation, một tổ chức bảo vệ các quyền tự do trên Internet, trụ sở tại Mỹ, thì cho rằng luật này sẽ ảnh hưởng đến các nhà báo và các nhà hoạt động vẫn sử dụng các dịch vụ đó để đăng tải những thông tin mà không để lộ danh tính.

Đạo luật tăng cường kiểm duyệt Internet có hiệu lực trong khi chỉ còn bốn tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Nga, mà gần như chắc chắc là ông Putin sẽ tái đắc cử cho nhiệm kỳ thứ tư.

Hiện giờ, hầu như toàn bộ các tờ báo ở Nga là nằm dưới sự kiểm soát của điện Kremlin, cho nên các nhà đối lập, nhất là ông Alexei Navalny, chủ yếu sử dụng Internet và các mạng xã hội để phổ biến thông tin và quan điểm của họ.

Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, nhiều nhà cung cấp dịch vụ VPN ở Nga đã báo trước là họ sẽ không tuân thủ luật mới, vì họ không muốn tham gia vào việc tăng cuờng kiểm duyệt Internet.

Tại Trung Quốc, quốc gia từ lâu đã kiểm soát chặt chẽ mạng thông tin toàn cầu, gần đây chính quyền cũng đã bắt đầu ngăn chận các phần mền VPN trước khi diễn ra Đại Hội Đảng lần thứ 19. Như vậy là Matxcơva đang muốn đi theo con đường của Bắc Kinh.

Theo các chuyên gia, điện Kremlin không thể kiểm soát tuyệt đối mọi thông tin liên lạc trên Internet, vì khả năng kỹ thuật của nước này còn thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc. - RFI
|
|

9.
Tây Ban Nha khởi tố cựu chủ tịch vùng Catalunya vì tội “nổi loạn’’

Ba ngày sau khi chủ tịch vùng Catalunya Carles Puigdemont tuyên bố độc lập, cơ quan công tố Tây Ban Nha khởi động thủ tục truy tố cựu lãnh đạo này, với tội danh «nổi loạn». Trong khi đó cựu lãnh đạo Catalunya đang ở Bỉ.

Theo AFP, tại Madrid, đích thân chưởng lý Tây Ban Nha, ông Jose Manuel Maza, thông báo hồ sơ khiếu kiện toàn bộ ê-kíp cầm quyền vùng tự trị, bao gồm cựu chủ tịch Carles Puigdemont, đã được đệ trình.

Cựu chủ tịch Catalunya đã không xuất hiện tại Tây Ban Nha kể từ hôm qua. Theo truyền thông châu Âu, ông Puigdemont đang có mặt tại Bỉ. Trả lời đài truyền hình Flamand VRT (Bỉ), luật sư Paul Bakaert xác nhận điều này. Vị luật sư nói trên đã tiếp thân chủ của mình tại Tielt, một thị trấn nhỏ, cách Bruxlles khoảng 90 km.

Thông tín viên Quentin Dickinson tường trình từ Bruxelles:

Để hiểu được ông Carles Puigdemont đến đây để làm gì, chúng ta có thể tìm hiểu các hoạt động chuyên môn của luật sư Paul Bakaert, người kể từ giờ là đại diện pháp lý cho cựu chủ tịch Catalunya tại Bỉ. Vị luật sư 70 tuổi này dành gần như cả đời cho vấn đề luật cư trú, dẫn độ và quy chế tị nạn chính trị.

Điều đó có nghĩa là khách hàng mới người Catalunya của ông lo ngại sẽ bị chưởng lý Tây Ban Nha cưỡng chế về nước, dựa trên lệnh truy nã của Liên Hiệp Châu Âu. Như vậy, ông Carles Puigdemont sẽ phải xin tị nạn chính trị tại Bỉ.

Tuy nhiên, vấn đề là đã từ rất lâu nay, Bruxelles không còn cấp quy chế này cho các công dân, thành viên của các quốc gia khác của Liên Hiệp Châu Âu, hoặc của khu vực kinh tế châu Âu. Bởi những quốc gia châu Âu được tiếng là tôn trọng luật pháp, các giá trị, và các tập quán dân chủ.

Hơn nữa, Bỉ cũng muốn làm mọi cách tránh để Tây Ban Nha có phản ứng giận dữ về ngoại giao. Đây cũng có thể là vấn đề mà cơ quan chuyên trách của Bruxelles, về người tị nạn và người vô tổ quốc, sẽ phải xem xét.

Một giả thuyết khác cũng được đặt ra là cựu chủ tịch Catalunya sẽ quyết tâm, cùng với năm cựu lãnh đạo khác trong chính quyền vùng tự trị, lập nên cái gọi là ‘‘chính phủ lưu vong’’ tại Bỉ, một chính quyền Catalunya tự phong. Trong giai đoạn hiện tại, còn chưa rõ đây sẽ là một tổ chức có khả năng hoạt động thực sự, hay chỉ mang tính biểu tượng.

Còn tại Tây Ban Nha, hôm qua, cũng là ngày đầu tiên, 200.000 viên chức Catalunya làm việc trực tiếp dưới sự giám hộ của chính quyền trung ương, sau quyết định của Thượng Viện. Cũng hôm qua, đảng PdeCat chủ trương độc lập của cựu lãnh đạo Catalunya tuyên bố sẽ tham gia vào cuộc bầu cử cấp vùng, được tổ chức ngày 21/1, theo quyết định của chính quyền Madrid.

Tuyên bố độc lập, được 70 nghị sĩ Catalunya thông qua, trên tổng số 135, gây các phản ứng hết sức trái ngược tại vùng tự trị, khiến giới đầu tư lo ngại. Theo một thăm dò dư luận của nhật báo El Mundo, thực hiện cuối tuần trước, tổ chức trước tuyên bố độc lập, phe đòi độc lập sẽ mất đa số tại Nghị Viện, và chỉ đạt 42,5% phiếu bầu. - RFI
|
|

10.
Ông Tập Cận Bình gặp chủ Facebook và Apple

Đại diện của Facebook, Mark Zuckerberg và hãng Apple, Tim Cook gặp gỡ với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, trong bối cảnh Đảng Cộng Sản Trung Quốc đẩy mạnh vai trò rộng lớn hơn của các công ty tư nhân tại Hoa Lục.

Tân Hoa Xã vào ngày 31 tháng 10 dẫn lời phát biểu của ông Tập Cận Bình tại buổi gặp mặt hàng năm của các chuyên viên tư vấn của Đại Học Thanh Hoa rằng sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội của thế giới khi Trung Quốc là một thành viên đóng góp vào cũng như hưởng lợi từ kinh tế toàn cầu.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của người đứng đầu là ông Tập Cận Bình đã gia tăng kiểm soát chặt chẽ các công ty quốc doanh và yêu cầu những công ty nước ngoài phải cho phép thành phần của Đảng vào làm việc trong đó.

Hiện trong số hơn một trăm ngàn công ty có vốn nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, có đến 70% phải thành lập các tổ chức Đảng vào cuối năm 2016.

Nhiều công ty nước ngoài thường phàn nàn về việc thiếu tiếp cận thị trường Trung Quốc. Nhưng qua cuộc gặp gỡ giữa Mark Zuckerberg với Chủ tịch Tập Cận Bình có thể mang tới hy vọng thuyết phục được Bắc Kinh nới lỏng việc cấm sử dụng Facebook tại Hoa Lục. - RFA
|
|

11.
Trung Quốc xem xét phạt tù 3 năm về tội bất kính quốc ca

Trung Quốc có thể áp dụng một luật mới là phạt lên đến 3 năm tù giam đối với người dân nào ở hai đặc khu Hong Kong và Macau không tôn trọng quốc ca của Hoa Lục.

Hãng thông tấn AFP dẫn nguồn của Tân Hoa Xã vào ngày 31 tháng 10 rằng Bắc Kinh hồi tháng 9 đã thông qua Luật Quốc Ca, quy định cách thức và nơi chốn thích hợp để hát quốc ca và sẽ áp dụng hình thức phạt 15 ngày tù đối với công dân Trung Quốc tại Đại Lục, mà họ không tôn trọng quốc ca.

Tuy nhiên, Cơ quan Lập pháp của Trung Quốc trong tuần này đã thảo luận liệu có nên áp dụng các biện pháp mới ở Hồng Kông và Ma Cao hay không với mức phạt tù lên đến 3 năm đối với những người không tôn trọng quốc ca, mà không giải thích tại sao mức phạt lại tăng lên như thế.

Động thái này của Bắc Kinh được cho rằng có thể dẫn đến các cuộc biểu tình lớn sẽ nổ ra ở Hong Kong, vì đảo quốc này theo hệ thống “một quốc gia, 2 chế độ” sau khi được Anh trao trả cho Trung Quốc từ năm 1997.

Tại Hong Kong, một số người hâm mộ bóng đá thường la ó và quay lưng trong lúc quốc ca Trung Quốc được trỗi lên. Mới nhất là tại trận bóng với Malaysia trong tháng 10 vừa qua.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Lập pháp của Quốc hội Trung Quốc nói rằng việc áp dụng luật bảo vệ an toàn quốc gia ở Hong Kong là rất khẩn cấp và quan trọng nhằm ngăn chặn và xử lý các vi phạm đó. - RFA
|
|

12.
Iran: Phi đạn đủ tầm trúng mục tiêu Mỹ

Iran không cần phải tăng cường tầm bắn của các phi đạn đạn đạo vì khả năng hiện nay đã có thể bắn trúng các lực lượng Mỹ đóng trong khu vực, người đứng đầu lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran tuyên bố ngày 31/10.

Trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách áp đặt các biện pháp chế tài mới chống lại chương trình phi đạn của Iran, Thiếu tướng Mohammad Ali Jafari khẳng định ‘trừng phạt chỉ làm tăng thêm số phi đạn cảu Iran và độ chính xác của chúng mà thôi.’

Tổng thống Trump trong tháng này từ chối xác nhận rằng Tehran tuân thủ thỏa thuận với 6 cường quốc thế giới để đổi lại được dỡ bỏ hầu hết các chế tài quốc tế.

Tuần rồi, Hạ viện Mỹ biểu quyết các biện pháp trừng phạt mới đối với chương trình phi đạn của Iran và ông Trump thúc giục các đồng minh cùng với Mỹ có hành động mạnh tay kiềm chế ‘thái độ nguy hiểm và gây bất ổn của Iran’ kể cả các chế tài nhắm vào công tác phát triển phi đạn của Iran.

‘Phi đạn của chúng tôi có tầm bắn 2 ngàn cây số và có thể được tăng cường, nhưng chúng tôi tin là tầm hoạt động này là đủ với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vì đa số lực lượng Mỹ và hầu hết các lợi ích của họ trong khu vực đều nằm trong tầm bắn này,’ ông Jafari được hãng thông tấn Tasnim dẫn lời.

Chương trình phi đạn của Iran là một trong những chương trình lớn nhất tại Trung Đông và một số phi đạn của Iran có tầm bắn trúng Israel.

Mỹ nói chương trình phi đạn của Iran vi phạm luật quốc tế vì các phi đạn này có thể mang đầu đạn hạt nhân trong tương lai.

Iran khẳng định không theo đuổi võ khí hạt nhân mà chỉ dùng cho mục đích dân sự. - VOA
|
|

13.
Mỹ chống lại kêu gọi bỏ cấm vận kinh tế cho Cuba

Mỹ ngày 31/10 sẽ biểu quyết chống lại một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba kéo dài hàng chục năm nay.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley, sẽ bỏ phiếu chống lại nghị quyết mà Havana đưa ra thường niên suốt 26 năm qua để khẳng định chính sách mới của Tổng thống Donald Trump về Cuba đặt trọng tâm vào thăng tiến nhân quyền và dân chủ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Heather Nauert cho biết.

Mỹ vẫn biểu quyết chống lại nghị quyết này trong suốt 24 năm qua nhưng lần đầu tiên vào năm 2016 bỏ phiếu trắng giữa bối cảnh Washington và Havana tiến tới mối quan hệ gần gũi hơn và mở lại đại sứ quán tại cả hai nước vào năm 2015.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai cựu thù thời Chiến tranh lạnh gần đây lại bùng phát.

Trước đây trong tháng, Tổng thống Trump tuyên bố ông tin là Havana chịu trách nhiệm thực hiện một loạt các cuộc tấn công gây hại cho sức khỏe của 24 nhà ngoại giao Mỹ.

Đáp lại, giới chức Cuba nói cáo giác này của Mỹ là ‘khoa học viễn tưởng.’

Nghị quyết ngày 1/11 không mang tính ràng buộc nhưng có giá trị về mặt chính trị. Chỉ có Quốc hội Mỹ mới có quyền dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận cho Cuba vốn đã ban hành cách đây hơn 50 năm. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

14.
Xe tải tông chết 8 người ở New York trong 'hành động khủng bố'

Một người đàn ông lái một chiếc xe tải thuê đã lao vào người đi bộ và người đi xe đạp trên một làn đường xe đạp đông đúc gần khu tưởng niệm Trung tâm Thương mại Thế giới ở trung tâm thành phố New York hôm thứ Ba, giết chết ít nhất tám người và làm bị thương nặng 11 người khác trong vụ việc mà thị trưởng thành phố gọi là “một hành động khủng bố đặc biệt hèn nhát.”

Người lái xe bị cảnh sát bắn vào bụng và bị câu lưu sau khi nhảy ra khỏi xe tải với thứ được xác định là hai khẩu súng giả cầm trong tay và hô to, “Allahu Akbar,” tiếng Ả-rập nghĩa là 'Thượng đế vĩ đại,' nhà chức trách cho biết. Anh ta đã được phẫu thuật và đang trong tình trạng nguy kịch, nhưng dự kiến sẽ qua khỏi.

Các quan chức chấp pháp không được phép thảo luận về cuộc điều tra và phát biểu trong điều kiện giấu tên xác định danh tính kẻ tấn công là Sayfullo Saipov, 29 tuổi, AP đưa tin. Họ nói rằng anh ta là người Uzbekistan và đến Mỹ hợp pháp vào năm 2010. Anh ta có bằng lái xe ở bang Florida nhưng có thể đang lưu trú ở bang New Jersey, AP cho biết.

Kẻ tấn công lao xe vào làn đường dành cho xe đạp một quãng đường dài tương đương 14 khu nhà trước khi đâm vào một xe buýt nhỏ màu vàng. Vụ hỗn loạn và loạt súng nổ của cảnh sát gây nên sự hoảng loạn trong khu phố. Vỉa hè rải rác những chiếc xe đạp bị móp méo và những thi thể mà sau đó được bọc lại.

Cảnh sát đã đóng một số ngả đường khắp rìa phía tây của quận Manhattan dọc theo Sông Hudson bị đóng lại và buộc một số sĩ quan cảnh sát không mặc đồng phục vội chạy tới khu vực này, trong khi người dân chuẩn bị đón lễ hội Halloween, bao gồm một cuộc diễu hành thường niên đi qua khu Greenwich Village.

"Đây là một hành động khủng bố, và một hành động khủng bố đặc biệt hèn nhát nhằm vào dân thường vô tội," thị trưởng Bill de Blasio nói.

New York và các thành phố khắp toàn cầu vẫn đang trong tình trạng cảnh giác trước những vụ tấn công do những kẻ cực đoan thực hiện sử dụng xe làm phương tiện tấn công. Nhà nước Hồi giáo vẫn đang xúi giục những người theo họ tông xe giết người. Anh, Pháp và Đức đã chứng kiến những vụ tấn công bằng xe chết người trong những tháng và những năm gần đây.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo gọi đây là một vụ tấn công "đơn độc" và không có bằng chứng nào cho thấy nó nằm trong một âm mưu rộng lớn hơn.

Cảnh sát trưởng thành phố New York James O'Neill lời mà kẻ tấn công thốt ra khi anh ta nhảy ra khỏi xe tải và phương thức tấn công khiến cảnh sát kết luận rằng đây là một hành động khủng bố.

Trên Twitter, Tổng thống Donald Trump gọi đây là "một vụ tấn công của một kẻ rất bệnh hoạn và loạn trí" và tuyên bố, "KHÔNG PHẢI Ở MỸ."

Dù cảnh sát không quy trách đích danh Nhà nước Hồi giáo về vụ đổ máu ở New York, ông Trump đả kích nhóm cực đoan này trên Twitter, "Chúng ta không được để cho ISIS trở lại, hay vào, đất nước của chúng ta sau khi đánh bại chúng ở Trung Đông và những nơi khác. Đủ rồi!"

Cảnh sát cho biết Saipov thuê chiếc xe vào khoảng 2 giờ chiều ở New Jersey, và lao vào làn đường xe đạp ở Đường West khoảng một giờ sau đó cách khu tưởng niệm Trung tâm Thương mại Thế giới vài khu nhà – địa điểm vụ tấn công khủng bố gây chết người nhiều nhất ở Mỹ. Chiếc xe sau đó rẽ vào Đường Chambers, gần địa điểm trung tâm thương mại, và đâm vào một chiếc xe buýt trường học màu vàng làm bị thương hai người lớn và hai học sinh.

Một khẩu súng bắn sơn màu và một khẩu súng bắn đạn mềm được tìm thấy tại hiện trường, cảnh sát nói. Ít nhất hai thi thể có thể được nhìn thấy nằm bất động trên đường, và đầu xe tải và bên hông xe buýt trường học bị tông nát, AP cho hay.

Hãng tin này dẫn lời hai quan chức chấp pháp nói một ghi chú được tìm thấy bên trong xe tải. Một quan chức nói ghi chú này được viết tay bằng tiếng nước ngoài, có lẽ là tiếng Ả-rập.

Nội dung của ghi chú đang được điều tra, nhưng các quan chức này nói ghi chúng củng cố quan điểm cho rằng đây là một hành động khủng bố. Các quan chức này không được phép phát biểu công khai về cuộc điều tra đang diễn tiến và nói với AP trong điều kiện giấu tên. - VOA
|
|

15.
Các nhà lập pháp chất vấn các công ty công nghệ về can thiệp bầu cử --- Bầu cử Mỹ 2016: Tuyên truyền Nga trên Facebook tác động đến cả trăm triệu người

Các thượng nghị sĩ Mỹ hôm thứ Ba cho biết họ muốn làm việc với Thung lũng Silicon để tìm ra các câu trả lời liên quan đến chuyện can thiệp bầu cử khi họ bắt đầu hai ngày điều trần của Quốc hội về cách thức mà Nga bị cho là đã thao túng các mạng truyền thông xã hội nhằm cố gắng gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Các luật sư từ công ty Facebook, Twitter và Alphabet, công ty mẹ của Google, ra khai chứng trước các phiên điều trần trong tuần này. Đây là lần đầu tiên các giám đốc điều hành của các công ty công nghệ xuất hiện công khai trước các nhà lập pháp Mỹ về vụ việc liên quan đến Nga.

Điều đáng lo đối với các công ty này hình ảnh của họ trước công chúng và mối đe dọa bị quản lý chặt hơn về quảng cáo ở Mỹ, nơi mà ngành công nghệ vốn đã quen được chính phủ nương tay.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, chủ tịch tiểu ban tội phạm của Thượng viện, nói vào đầu buổi điều trần hôm thứ Ba rằng ông tập trung vào việc tìm ra những giải pháp liên quan đến việc can thiệp bầu cử, chứ không phải bêu xấu các công ty công nghệ.

"Mục đích của buổi điều trần này là tìm hiểu xem chúng tôi có thể giúp quý vị ra sao," ông Graham nói với các luật sư.

Nhân vật Đảng Dân chủ hàng đầu của tiểu ban, Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse, cho biết ông cũng đang tìm cách làm việc với các công ty công nghệ. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các nền tảng quảng cáo trực tuyến như Facebook nên tiết lộ ai mua các quảng cáo bầu cử trên đó.

Trong hai năm qua, tới 126 triệu người Mỹ có thể đã nhìn thấy những nội dung gây chia rẽ về chính trị bắt nguồn từ Nga dưới những cái tên giả, Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, nói với Quốc hội trong lời khai chứng bằng văn bản hôm thứ Hai.

Google và Twitter cũng đã nói rằng người Nga đã sử dụng các dịch vụ của họ để lan truyền các thông điệp trong thời gian trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái.

Chính phủ Nga phủ nhận họ có ý định gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử, trong đó ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đánh bại ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Ba công ty công nghệ nói với các nhà lập pháp Mỹ hôm thứ Ba rằng họ đồng tình với đánh giá của các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Nga đã sử dụng mạng truyền thông xã hội như một phần trong chiến dịch phát tán thông tin sai lạc nhắm vào cử tri Mỹ.

Luật sư Colin Stretch của Facebook nói trong lời khai chứng rằng hoạt động can thiệp bầu cử trên Facebook là "đáng lên án" và đi ngược lại những giá trị của mạng này.

Ông Graham hỏi ông Stretch liệu Iran và Triều Tiên có thể làm điều mà Nga đã làm ở Mỹ hay không.

"Chắc chắn là có khả năng. Internet không có biên giới," ông Stretch nói.

Sau những đe dọa thắt chặt quản lý từ Mỹ, Facebook, Google và Twitter gần đây đã thực hiện các bước hướng tới việc tự quản lý những quảng cáo chính trị, nói rằng họ sẽ lập ra các kho dữ liệu công khai của mình về các quảng cáo có liên quan đến bầu cử. - VOA

***
Quy mô tuyên truyền Nga tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 vượt rất xa các ước tính trước đó. Một báo cáo của Facebook được chuyển đến Quốc Hội Mỹ hôm 30/10/2017, khẳng định điều này.

Theo Reuters, báo cáo của Facebook cho hay khoảng 126 triệu công dân Mỹ đã đọc gần 80.000 thông điệp chính trị, do cơ quan tuyên truyền của Matxcơva tung ra, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6/2015 đến tháng 8/2016.

Như vậy, ước tính gần một nửa cử tri Mỹ bị các thông điệp của Nga ảnh hưởng, cao gấp 10 lần số người dự tính bị tác động, theo ước tính trước đó của tập đoàn tin học này hồi đầu tháng 10.

Hãng tin AFP cho biết hôm nay, 31/10, và ngày mai, 01/11, đại diện của các tập đoàn Facebook, Twitter và Google sẽ điều trần trước nhiều ủy ban Quốc Hội Mỹ, về nghi án Nga sử dụng các mạng xã hội để can thiệp vào bầu cử tổng thống, dẫn đến chiến thắng của ông Donald Trump.

Theo Facebook, hoạt động tuyên truyền nói trên được một cơ quan của Nga, mang tên Internet Research Agency tài trợ. Thủ đoạn của cơ sở này là sử dụng các tài khoản giả để phát tán thông tin.

Tình báo Mỹ cho hay Matxcơva đã trả tiền cho nhiều công ty, trong đó có Internet Research Agency, để tung ra các thông điệp hạ thấp uy tín của nữ ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton.

Trên trang blog chính thức, tập đoàn Google hôm qua cũng lần đầu tiên thừa nhận đã tìm thấy những nội dung tuyên truyền Nga trên mạng này, có liên quan đến công ty Internet Research Agency. Google đã đình chỉ 18 địa chỉ trên Youtube, truyền đi khoảng 1.100 video bằng tiếng Anh, có nội dung chính trị, ảnh hưởng đến cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.

Mạng Twitter cũng không nằm ngoài mục tiêu tác động của Nga. Theo tập đoàn này, khoảng 36.746 tài khoản (chiếm khoảng 0,01% tổng số tài khoản Twitter) có thể bị Nga chi phối. Các tài khoản này dồn dập tung ra các tuyên truyền, vào thời điểm 3 tháng trước cuộc bỏ phiếu.

Cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp, do công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách, bước sang một khúc quanh mới. Lần đầu tiên, ba nhân vật chủ chốt trong nhóm vận động tranh cử của ứng cử viên Donald Trump, trong đó có giám đốc chương trình Paul Manafort, bị buộc tội.

Matxcơva nhiều lần bác bỏ các cáo buộc can thiệp. - RFI
|
|

16.
TT Trump và Phu nhân phát quà Halloween cho thiếu nhi

Đêm Thứ Hai 30/10, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania đã đón tiếp một số khách mời đặc biệt trên bãi cỏ phía nam Tòa Bạch Ốc nhân lễ Halloween.

Vợ chồng Tổng thống Trump trao quà cho các em học sinh vùng thủ đô Washington trong những bộ trang phục Halloween, cũng như cho gia đình của các quân nhân được mời đến Tòa Bạch Ốc.

Tham gia sự kiện này có một số gương mặt quen thuộc như Thư ký Báo chí Sarah Huckabee Sanders và Bộ Trưởng Tư pháp Jeff Sessions.

Nhân lễ Halloween, Tòa Bạch Ốc được trang trí với những mạng nhện, con dơi và những quả bí màu cam có khắc chân dung các cựu tổng thống Mỹ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

17.
Tổng thống Trump thăm chính thức Việt Nam ngày 12/11

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thăm chính thức Việt Nam hôm 12/11, sau khi dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng hôm 10 và 11/11, các nguồn tin ngoại giao xác nhận với VOA.

Chi tiết các hoạt động của tổng thống Mỹ không được tiết lộ vì lý do an ninh, song theo thông tin VOA có được, ông Trump sẽ gặp ba lãnh đạo hàng đầu trong số “tứ trụ” của Việt Nam. Riêng cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không có trong lịch ở thời điểm này, và chưa rõ lý do vì sao.

Có phần chắc vị tổng thống thứ 45 của Mỹ, người thuộc đảng Cộng hòa, sẽ không gặp gỡ, đọc diễn văn trước cử tọa gồm hàng trăm người, chủ yếu là giới trẻ, như các tổng thống tiền nhiệm Clinton và Obama của đảng Dân chủ đã làm khi họ thăm chính thức Việt Nam lần lượt vào các năm 2000 và 2016.

Một vị tổng thống khác thuộc đảng Cộng hòa, ông Bush, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006 sau khi dự APEC, đã không đọc diễn văn trước công chúng.

Các chặng dừng chân ở Việt Nam của Tổng thống Trump nằm trong khuôn khổ chuyến công du châu Á của ông kéo dài từ ngày 3 đến 14/11, với các điểm đến bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Philippines.

Chuyến công du nhằm mục đích nhấn mạnh tới “cam kết của ông đối với các mối quan hệ đối tác và liên minh lâu bền của Hoa Kỳ”.

Trước khi đến Việt Nam, ông Trump đặt chân tới Hawaii vào ngày 3/11, thăm Nhật ngày 5/11 và sau đó là Hàn Quốc vào ngày 7/11. Tại hai quốc gia Đông Á này, vấn đề Triều Tiên sẽ nằm cao trong nghị trình.

Vào ngày 8/11, Tổng thống Trump sẽ tới Bắc Kinh, Trung Quốc, và tham gia vào một loạt các sự kiện văn hóa, thương mại và song phương, trong đó có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Trump sẽ kết thúc chuyến công du châu Á đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ tại Manila, Philippines, sau khi rời Việt Nam ngày 12/11.

Tại Phillipines, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như 40 năm ngày thiết lập quan hệ ASEAN và Mỹ. Ông cũng sẽ hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. - VOA
|
|

18.
Ngoại trưởng Trung Quốc đến Việt Nam trước chuyến thăm của ông Tập

Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ đến Việt Nam ba ngày trong tuần này, trước chuyến thăm viếng và tham dự hội nghị APEC của Chủ Tịch Tập Cận Bình một tuần lễ.

Trên báo mạng VNExpress, Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh cho hay, cùng với việc tham dự Diễn Dàn Kinh Tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Đà Nẵng, còn có bốn nguyên thủ quốc gia dịp này thăm Việt Nam là Tổng Thống Mỹ Donald Trump, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ Tướng Canada Justin Trudeau và Tổng Thống Chile Michelle Bachelet.

Bộ Ngoại Giao CSVN hôm Thứ Hai loan báo vắn tắt: “Nhận lời mời của Phó Thủ Tướng, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm làm việc Việt Nam từ ngày 2 đến 4 Tháng Mười Một.”

“Ngoại trưởng Trung Quốc đến Hà Nội vào chiều 2 Tháng Mười Một, sau đó hội đàm với Phó Thủ Tướng, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh. Ngày hôm sau, ông Vương chào xã giao Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc,” báo mạng VNExpress cho hay.

Theo thông lệ, trước cuộc thăm viếng chính thức một quốc gia khác, ngoại trưởng hoặc một viên chức cấp cao của chính phủ một nước thường được cử đi để đúc kết và thỏa thuận các chương trình thăm viếng và làm việc giữa các nhà nguyên thủ, trong đó có thể có cả những hiệp định, bản ghi nhớ được ký kết.

Trong mối quan hệ phức tạp giữa hai nước Cộng Sản anh em Việt Nam và Trung Quốc, chuyến đi của ông Vương Nghị có thể cũng có những chuyện sẽ được hai bên dàn xếp để hy vọng đưa mối quan hệ có những căng thẳng đặc biệt mấy tháng vừa qua bước sang một trang khác.

Cùng với chuyến đi của ông Vương Nghị, báo chí Trung Quốc ngày 30 Tháng Mười hỏi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh về chuyến đi Việt Nam của ông Tống Đào, trưởng ban Ban Liên Lạc Đối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, để thông báo kết quả đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa diễn ra. Tuy nhiên, bà Oánh không cho biết ông Tống Đào khi nào đến Việt Nam hay có đi cùng với ông Vương Nghị không.

Hôm Thứ Hai, 30 Tháng Mười, Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã cử đặc phái viên đến Bắc Kinh để đưa bức thư chúc mừng, dù ông cũng đã gửi điện văn, khi ông Tập Cận Bình vừa tái đắc cử chủ tịch Trung Quốc trong màn bầu bán khép kín đã được sắp xếp từ trước.

Đây là dấu chỉ cho thấy Hà Nội không muốn chọc giận Bắc Kinh thêm nữa sau chuyện Tập Cận Bình đe dọa sẽ đánh chiếm các đảo tại Trường Sa. Mối quan hệ giữa hai nước Cộng Sản anh em chùng xuống hồi Tháng Bảy khi Việt Nam đã buộc phải bỏ ngang cuộc dò tìm dầu khí tại lô 136-3 thuộc khu vực Tư Chính-Vũng Mây khoảng 160 cây số phía Đông Nam Vũng Tàu vì bị Bắc Kinh đe dọa sẽ đánh các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Cũng vì vụ này mà trước đó ít ngày, Tướng Phạm Trường Long, phó Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, đã đột ngột bỏ về nước, không tham dự chương trình “giao lưu” quân đội giữa hai nước ở biên giới, dẫn tới cuộc điệu võ dương oai hồi Tháng Chín, Bắc Kinh cho tổ chức tập trận trên Biển Đông chỉ cách Đà Nẵng vài chục hải lý như một cách để dằn mặt Hà Nội.

Tháng Tám vừa qua, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hủy bỏ cuộc tiếp xúc riêng với Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp cấp ngoại trưởng ASEAN và các đối tác tại thủ đô Manila, Philippines, khi thảo luận về một bản dự thảo khung cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông (COC).


Lý do, ông Phạm Bình Minh đã thúc đẩy các nước ASEAN khác đưa điều kiện ràng buộc pháp lý vào COC, ngược với chủ trương của Bắc Kinh. - nguoiviet
|
|

19.
Radar biển Đồng Hới gần triệu đô điêu tàn sau 5 năm

Một trạm radar giám sát mặt biển được đầu tư với hơn 20 tỷ đồng ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, giờ đây ở trong tình trạng hư hỏng, đổ nát chỉ sau hơn 5 năm hoạt động.

Một số báo Việt Nam như Làng Mới, Tiền Phong, Pháp Luật trong những ngày cuối tháng 10 đăng trên mạng các hình ảnh cho thấy cảnh tường sập, hàng rào hoen gỉ rơi rụng, các cánh cửa mục nát tại trạm.

Các báo dùng từ “điêu tàn”, hay “tan nát” và “xuống cấp nghiêm trọng” để mô tả tình trạng của trạm radar rất quan trọng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong đoạn video dài hơn 2 phút do nhà báo Trương Châu Hữu Danh đăng trên trang Facebook cá nhân chiều 31/10, những cảnh quay thể hiện cảnh “vườn không nhà trống” tại nơi mà trên nguyên tắc phải làm việc 24/24 giờ để cảnh báo sóng thần, tàu nước ngoài, cũng như phục vụ cứu hộ cứu nạn.

Theo đoạn video, trạm có hai khối nhà một tầng. Các cửa ra vào của trạm đều đóng chặt, có then và các ổ khóa ở ngoài. Ở phần cuối video, người xem được thấy khung gỗ của cửa sổ đã mục ruỗng đến mức chỉ dùng vài ngón tay cũng có thể làm rời ra cả mảng lớn của cửa.

Qua một ô cửa sổ để ngỏ với cánh cửa đã rụng hết kính, có thể thấy các phòng làm việc dơ bẩn, gần như bỏ hoang.

Thông tin trên báo trong nước cho biết trạm radar Đồng Hới được đưa vào sử dụng hồi đầu tháng 5/2012. Cùng thời gian này còn có hai trạm radar biển khác ở Hà Tĩnh và Hải Phòng cũng bắt đầu vận hành.

Ba trạm này nằm trong số 18 trạm sẽ lắp đặt dọc bờ biển Việt Nam từ năm 2011 đến 2020, trong khuôn khổ một dự án của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dẫn thông tin từ bộ, một số tờ báo cho biết các trạm sử dụng công nghệ radar tần số cao của Mỹ. Bộ nói mỗi trạm có thể quét và giám sát chính xác những vật thể từ độ xa tới 300 kilomet trên mặt biển, giúp phát hiện tầu lạ, cảnh báo sớm sóng thần, giám sát dầu tràn, phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cũng như dự báo các đàn cá cho ngư dân.

Số liệu thu được từ các trạm radar có thể sử dụng được ngay mà không qua xử lý, và có thể chuyển đến ngay tới điện thoại thông minh của cá nhân qua đường truyền internet, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy các trạm cần có nhân viên, song họ chủ yếu có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra hoạt động của radar, bảo quản và xử lý các tình huống bất thường.

Chưa có thông tin về tình trạng của hai trạm ở Hải Phòng và Hà Tĩnh, nhưng sự xuống cấp nặng nề của trạm radar Đồng Hới được báo chí đưa tin làm dấy lên câu hỏi của công chúng về hiệu quả sử dụng hàng chục tỉ đồng ngân sách, cũng như liệu trạm này có mang lại lợi ích gì trên thực tế.

VOA đã liên lạc với ông Vũ Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng ông từ chối trả lời các câu hỏi.

“Xin lỗi anh là tôi không trả lời qua điện thoại được anh nhé. Rất cảm ơn anh đã quan tâm, nhưng mà về phía chúng tôi thì chúng tôi không thể trả lời qua điện thoại như thế này được, vì anh giới thiệu như thế thì cũng như người bình thường, mà báo chí thì nó phải có nguyên tắc anh ạ. Anh thông cảm cho cái việc đấy, anh nhé. Anh là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ thì tôi chỉ có thể trả lời như vậy được”.

Trả lời một số báo Việt Nam, chính vị phó tổng cục trưởng này xác nhận trạm Đồng Hới “có ngã đổ tường rào và chúng tôi đã báo cáo thiệt hại”. Dù vậy, ông khẳng định “hiện trạm vẫn đang hoạt động bình thường”.

Có tin để xây trạm này, Tổng cục Biển và Hải đảo đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình cấp 20.000 m2 đất. Đến nay, tổng cục mới xây xong phần chính của trạm và một vài công trình phụ trợ.

Các báo Việt Nam nói phía tỉnh Quảng Bình đã gửi văn bản giục tổng cục thực hiện tiếp dự án và phải có cam kết về tiến độ. Chính quyền tỉnh có thể xem xét thu hồi phần đất không sử dụng, các báo cho hay.

Ông Vũ Trường Sơn xác nhận với báo chí trong nước rằng “địa phương có thông báo thu lại đất” song phía tổng cục của ông “chưa có ý kiến về việc này”. - VOA
|
|

20.
‘Đụng’ đại gia Đà Nẵng, một nhà báo bị cấm xuất cảnh

Hội Nhà báo Việt Nam vừa lên tiếng trên báo chí cho biết hội này đang làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ vụ Công an Đà Nẵng cấm nhà báo Dương Hằng Nga xuất cảnh vì đơn tố cáo của “đại gia” Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là “Vũ nhôm”, người mà gần đây cử tri Đà Nẵng đặt câu hỏi vì sao lại có biệt danh “mafia của Đà Nẵng”.

Trao đổi với báo chí hôm 31/10, Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam, ông Phan Hữu Minh, cho biết Công an Đà Nẵng đã có công văn xác nhận việc cấm xuất cảnh 3 tháng đối với nhà báo Dương Hằng Nga (tên thật là Dương Thị Hằng Nga), Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Tạp chí Giao thông Vận tải.

Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cho biết Hội nhận được đơn khiếu nại của bà Nga vào ngày 13/9, theo Tuổi Trẻ.

Trong đơn, bà Nga cho biết khi làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất để đi Myanmar, bà bị công an cửa khẩu lập biên bản không cho xuất cảnh với lý do bà thuộc diện “chưa được xuất cảnh” theo đề nghị của Công an thành phố Đà Nẵng.

"Gây khó dễ"

Bà Nga còn cho biết bà thường xuyên bị cơ quan công an triệu tập, thậm chí đưa người vào giường bệnh xét hỏi trong thời gian bà đang chăm sóc bố chồng đi mổ ở bệnh viện hồi tháng 6.

Nữ nhà báo cho rằng bà bị cơ quan công an điều tra “gây khó dễ” là do yêu cầu của ông Phan Văn Anh Vũ, biệt hiệu “Vũ nhôm”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xây dựng 79, vì 8 bài báo bà viết trước đó với nội dung chống tiêu cực tại dự án Khu đô thị Đa Phước, Đà Nẵng, mà tập đoàn của ông Vũ đầu tư.

Tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 26/10 ở UBND thành phố Đà Nẵng, một đại diện của Công an Đà Nẵng, Đại tá Nguyễn Đức Dũng, cho biết công an Đà Nẵng nhận được đơn tố giác tội phạm đối với công dân Dương Thị Hằng Nga từ đầu năm 2017 nên cơ quan này đã thực hiện các bước theo đúng quy trình.

“Việc cấm xuất cảnh là đúng, không có gì sai phạm”, Vietnamnet trích lời Đại tá Dũng.

Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cho hay trong văn bản trả lời cho Hội, Công an Đà Nẵng viện dẫn vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra đối với đơn tố giác của ông Vũ, (cho rằng bà Nga đã viết một số bài báo có nội dung xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty, xúc phạm danh dự cá nhân ông), nên cơ quan an ninh điều tra không thông báo cho đương sự biết về đề nghị cấm xuất cảnh.

Vẫn theo văn bản trên, Công an Đà Nẵng khẳng định “điều tra viên không tự tiện vào bệnh viện mà được bà Nga gọi điện mời. Điều tra viên cũng chỉ thăm hỏi động viên người ốm chứ không phải xét hỏi như phản ánh của bà Nga”, theo trích dẫn của báo Tuổi Trẻ.

Trong đơn khiếu nại gửi Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan chức năng, bà Nga nói Công an Đà Nẵng đã “hình sự hóa” vụ việc dân sự, làm ảnh hưởng đến quyền công dân và tác nghiệp báo chí của bà.

Một đại diện của tạp chí Giao Thông Vận Tải, Thư ký Đỗ Hoàng Thạch, từ chối đưa ra nhận định với VOA về việc Trưởng đại diện của báo này bị cấm xuất cảnh.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Lưỡng, nói với VOA rằng tổ chức này sẽ chờ kết luận của cơ quan điều tra trước khi đưa ra quan điểm bênh vực cho nhà báo Dương Hằng Nga.

Ông Lưỡng nói: “Quan điểm của Hội Nhà báo Đà Nẵng chúng tôi là mọi việc xảy ra, khi các cơ quan chức năng đã vào cuộc, thì đối với nhà báo, chúng tôi sẽ bảo vệ nhưng, trên cơ sở quan điểm của Hội Nhà báo Đà Nẵng, là bảo vệ phải theo pháp luật”.

Vũ "nhôm" là ai?

Dù là Chủ tịch HĐQT của một tập đoàn nắm trong tay hàng chục dự án lớn ở các khu “đất vàng” Đà Nẵng, nhưng ông Phan Văn Anh Vũ khá kín tiếng trước truyền thông. Cái tên “Vũ nhôm” chỉ mới được nhắc đến gần đây trên báo chí sau vụ “doanh nghiệp tặng xe bất thường” cho thành phố Đà Nẵng bị phanh phui, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải “vào cuộc”.

Sau vụ này, “Vũ nhôm” lại liên tiếp bị nhắc đến trong hàng loạt vụ lùm xùm khác ở Đà Nẵng như Biệt thự ở bán đảo Sơn Trà, doanh nghiệp xé rừng…, nhưng nổi bật nhất là vụ hai lãnh đạo Đà Nẵng, Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ, bị kỷ luật.

Tháng trước, trong lúc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tiếp xúc với cử tri quận Cẩm Lệ để chuẩn bị cho Kỳ họp 4 Quốc hội Khóa XIV, một số cử tri địa phương đã đặt câu hỏi “Vũ nhôm là ai mà người ta đặt cho biệt danh mafia của Đà Nẵng?”, theo Dân Trí.

Trả lời câu hỏi của VOA rằng “Liệu có hay không ‘vùng cấm’ đối với nhà báo khi đề cập đến Vũ nhôm?”, đại diện Hội Nhà báo Đà Nẵng nói:

“Nhà báo chúng tôi hoạt động theo nhiệm vụ và theo luật pháp. Nếu trường hợp ông Vũ sai thì đã có luật pháp, người ta sẽ điều tra và có ý kiến. Nếu ông Vũ sai, ông Vũ phải chịu hình phạt của pháp luật Việt Nam”.

Khu đô thị Đa Phước là một dự án lấn biển ở Đà Nẵng, do công ty TNHH Daewon của Hàn Quốc làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên đến 250 triệu đôla.

Dự án được khởi công ty năm 2008, với nhiều công trình lớn, bao gồm resort, sân golf 18 lỗ theo chuẩn quốc tế, chung cư cao tầng với 8.500 căn hộ, trường học quốc tế, bến du thuyền… Tuy nhiên, sau khi hoàn thành lấn biển giai đoạn 1, công ty Daewon đã “không thể tiếp tục dự án” vì “gặp nhiều trở ngại”, theo Người Lao Động.

Dự án đã được chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty TNHH Sunrise Bay, mà ông Phan Văn Anh Vũ là người đại diện pháp luật. - VOA
|
|

21.
Đề xuất nhấn chìm chất thải xuống biển Quy Nhơn

Gần 500 ngàn mét khối chất thải nạo vết duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn được Cục Hàng Hải Việt Nam đề nghị Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Định cho nhận chìm xuống biển địa phương.

Mạng báo Tuổi Trẻ vào ngày 31 tháng 10 dẫn phát biểu của giám đốc Sở Tài Nguyên- Môi Trường tỉnh Bình Định, ông Đặng Trung Thành rằng Ủy ban Nhân dân tỉnh này đã giao cho Sở Tài Nguyên- Môi trường phối hợp cùng Cục Hàng Hải Việt Nam chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ để kiểm tra, thẩm định, trình cấp trên duyệt cấp phép.

Tin cho biết tọa độ được đề nghị cho nhận chìm lượng chất thải vừa nêu là ngoài phao số 0 mà theo qui định là tối thiểu các bờ biển 2,5 kilomet trở ra.

Ông Đặng Trung Thành nói rằng việc nhận chìm để khơi thông luồng chảy ở cảng Quy Nhơn là cần thiết; tuy nhiên vì kinh tế mà đánh đổi môi trường vì việc làm này có thể ảnh hưởng đến đời sống người dân và môi trường biển.

Vào tháng 7 vừa qua, kế hoạch cho nhận chìm 1 triệu mét khối bùn, cát ra vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận phải ngưng lại. Lý do vì phản ứng mạnh mẽ của giới chuyên gia và dân chúng địa phương vì chất thải đổ xuống biển làm chết san hô, hải sản gây tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng lâu dài đến đời sống cư dân địa phương. - RFA
|
|

22.
Thặng dư mậu dịch của Việt Nam năm 2017

Thặng dư mậu dịch trong 10 tháng từ đầu năm đến nay của Việt Nam ở mức một tỉ 230 triệu đô la Mỹ.

Thông tin này được Tổng cục Hải quan Việt Nam đưa ra. Theo đó tổng giá trị xuất nhập khẩu trong 10 tháng qua của Việt Nam đạt hơn là 346 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu là 173 tỉ 720 triệu đô la Mỹ và nhập khẩu là 172 tỉ 490 triệu đô la Mỹ. Xuất khẩu tăng 20,7% và nhập khẩu tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gồm điện thoại, hàng may mặc, vải sợi, máy tính, thiết bị điện tử, trong đó điện thoại là rất quan trọng, chiếm trị giá 36 tỉ 540 triệu đô la Mỹ, tăng đến 28,8%.

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như rau quả của Việt Nam cũng tăng đến 41,2% so với năm ngoái, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Ngoài ra Việt Nam còn xuất khẩu các loại phụ tùng máy móc, đồ gỗ, hải sản, cà phê, dầu thô.

Ngược lại Việt Nam cũng nhập khẩu điện thoại, máy tính, vải sợi, quần áo, giày dép, thép, kim loại, các sản phẩm dầu, hóa chất. – RFA










No comments:

Post a Comment

View My Stats