Sunday, 19 November 2017

CÔNG DÂN VÔ DANH (Bảo Uyên - TBKTSG)


Bảo Uyên
Chủ Nhật,  19/11/2017, 14:49 

(TBKTSG) - Không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, không giấy khai sinh, có những thân phận sống cuộc đời vô danh ngay trên đất nước mình.

Niềm vui ngắn

Sài Gòn - một đêm đầu tháng 11-2017, Minh Anh đã dán xong chiếc gót giày cuối cùng trong ngày. Mẹ và những đứa em của cô đã ngủ say trong căn nhà trọ cả năm không một tia nắng lọt vào ở quận 8. Cô thả tấm lưng mỏi nhừ vì phải ngồi liên tục nhiều giờ liền xuống đệm rồi với tay cầm chiếc máy tính bảng lướt Facebook, trước khi khép lại một ngày như bao ngày. Mắt cô dừng lại ở một trang Facebook. “Bỏ hộ khẩu, chứng minh nhân dân”, cô đọc đi đọc lại. “Em mừng quá trời quá đất luôn, không làm sao tả hết”, Minh Anh kể lại. Niềm vui đẩy cơn buồn ngủ đi, kéo những giấc mơ về. Một ngày, khi chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu không còn tồn tại, cô sẽ đi làm ở công ty may, đi thi bằng lái xe, mua trả góp điện thoại, đi chơi xa với bạn và sẽ cưới chồng... Năm nay Minh Anh 20 tuổi, học hết lớp 2, không hộ khẩu, không CMND, chỉ có tờ giấy khai sinh để định danh mình.

---

Khoác chiếc áo vải thô, màu xanh bạc thếch, vôi vữa vấy đầy trên áo, chị Ngân rời nhà trọ đến chỗ làm, một xã thuộc tỉnh Long An, cách đó hơn 20 ki lô mét. Chị không nhớ bàn tay mình đã trộn bao nhiêu hồ, bê bao nhiêu gạch để xây nên bao nhiêu ngôi nhà. Trên nền gạch chưa đầy 20 mét vuông phía trong căn phòng trọ, hai đứa con nhỏ của chị nằm nép vào nhau, say ngủ giữa mười mấy con người lớn bé khác. Ông ngoại tụi nhỏ ngủ trên chiếc ghế bố dài, thỉnh thoảng trở mình khẽ rên. Ba thế hệ trong căn phòng này không ai có nổi một tờ giấy CMND. Bây giờ là 5 giờ 30 sáng, con nước sông Cần Giuộc trước dãy nhà trọ đang lên, những chiếc xuồng chở hàng từ miền Tây nặng nhọc trôi qua trong tiếng động cơ ầm ì. Mọi thứ rồi sẽ tốt hơn thôi, chị Ngân nghĩ, trên con phà đưa chị sang sông. Không biết chữ nhưng tối qua trong lúc ăn cơm chị nghe trên ti vi nói nhà nước sắp tới sẽ bỏ hộ khẩu, CMND. Phía đằng đông, mặt trời đã ửng hồng.

Trưa hôm ấy, ở Trung tâm Phát Huy Bình An - thuộc Tổ chức Bạn trẻ em đường phố, FFSC - quận 8, sơ Đặng Thị Thu Hạnh (quản lý trung tâm) nhận được điện thoại từ một sơ khác gọi đến, họ bàn nhau sẽ làm giấy khai sinh cho tụi nhỏ ở lớp học tình thương như thế nào, có nên tiếp tục tìm cách làm giấy CMND cho một trẻ ở mái ấm nếu nay mai Nhà nước bỏ hộ khẩu. Trước thông tin bỏ hộ khẩu vừa nhận được, một niềm hy vọng nhen nhóm trong lòng hai sơ. Ở lớp học tình thương của trung tâm, có hàng trăm đứa bé có cha có mẹ nhưng không có giấy khai sinh. Ở nhiều mái ấm chưa có tư cách pháp nhân (đồng nghĩa với việc không có hộ khẩu tập thể), hàng trăm trẻ mồ côi lớn lên sẽ không có CMND. Nếu chính sách thành hiện thực, bọn nhỏ sẽ có cơ hội đến trường, có bảo hiểm y tế, sẽ có tấm vé vào đời mà không phải khốn đốn chứng minh mình là ai.

Nhưng những niềm vui chẳng tày gang.

Thông tin mà họ nhận được là chưa đầy đủ. Nhà nước chỉ bỏ hộ khẩu giấy, giấy CMND, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân.

“Người ta không biết mình là ai?”

Ba mẹ cưới nhau không hôn thú. Mẹ không có tên trong hộ khẩu ở quê An Giang lẫn Sài Gòn. Nhà nội không thừa nhận cuộc hôn nhân này. Bà ngoại khi ấy còn khỏe đã đưa Minh Anh về quê làm giấy khai sinh. Ở với ngoại đến năm 8 tuổi, học hết lớp 2, cô lên Sài Gòn với mẹ. Ba mẹ chia tay. Mẹ đi bước nữa. 10 đứa em khác lần lượt ra đời.

“Tối mặt lo miếng ăn cho mười mấy đứa con, hồi đó ai nghĩ khai sinh hay CMND lại quan trọng như vậy”, bà Liên, mẹ Minh Anh phân trần.

17 tuổi, Minh Anh về lại An Giang làm CMND để xin làm công nhân may. Cán bộ xã nói phải có hộ khẩu mới làm được. Cô xin cậu mợ ở quê cho mình nhập hộ khẩu, khi nào xong giấy tờ, cô sẽ “cắt” liền. Cậu mợ từ chối, họ sợ đứa cháu gái từ xa về giành đất đai. Vừa giận vừa tủi, Minh Anh quay lại Sài Gòn, lầm lũi dán tiếp những gót giày trong căn nhà trọ.

“Hồi trước em có yêu một người nhưng sau chia tay. Giờ em không muốn yêu ai. Yêu rồi cưới, mình đâu có CMND mà đăng ký kết hôn với họ. Lỡ bỏ nhau, ai phụ mình nuôi con, rồi con mình cũng giống như mình thì sao... Em nói với má rồi, sẽ ở giá suốt đời”, cô cười buồn nói. Bàn tay trắng ngần thoăn thoắt dán keo chỗ đế giày.

Sợ tụi bạn cười chê, Minh Anh giấu kín chuyện. Bạn rủ đi chơi xa, ở lại qua đêm, cô tìm cách né. “Không giấy tờ, nhà nghỉ nào dám cho thuê phòng. Không có CMND, người như bị “tự kỷ” vậy. Nhiều đêm nằm suy nghĩ tủi thân, nhưng sáng ra nghĩ lại thấy mình còn may mắn hơn mấy đứa em không có lấy tờ giấy khai sinh”, Minh Anh kể.

Giống như những đứa em của Minh Anh, ba đứa con chị Ngân cũng không một mảnh giấy định danh mình trước pháp luật. Đó là tình cảnh truyền từ đời cha chị, dù họ đã ở Sài Gòn gần quá nửa đời người.

Cả nhà chị Ngân dắt díu từ Cà Mau lên Sài Gòn từ năm 1986. Họ che một cái chòi trên kênh nước đen ngòm ở quận 8, sống ở đó tới ngày bị giải tỏa.

Sáu anh chị em trong nhà giờ đã có tổ ấm riêng, được vợ hoặc chồng nhập khẩu. Những cuộc hôn nhân giúp họ có giấy tờ thân phận. Còn chị Ngân, hai lần đò đều dang dở. Lễ cưới hỏi xong, hai vợ chồng ra phường đăng ký kết hôn, khi ấy, phía chồng mới biết cô dâu không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào.

“Nhiều lúc cãi nhau, họ nói mình là thứ trôi sông lạc chợ”, chị Ngân kể.

Chia tay chồng, chị một nách ba con, “mỗi tối đi làm về, tay chân như rớt ra từng khúc, muốn tìm việc khác nhưng chỉ có nghề phụ hồ là chủ không hỏi CMND”. Tú, 14 tuổi, đứa con lớn của chị, học hết lớp 3 ở lớp học tình thương của sơ Hạnh thì đi cạo mũ cao su ở Bình Dương. Tiền công mỗi tháng là 1 triệu đồng. “Thằng bé cả ngày chỉ biết quanh quẩn trong rừng cao su”. Chị nhớ những lần trời khuya, chủ nhà “mật báo” công an khu vực đến, bốn mẹ con vội dắt díu nhau ra đường. Chị Ngân cũng không nhớ bao đêm, một mình hốt hoảng lên phà sang sông, ngủ tạm trên võng treo của thương lái ở ngôi chợ gần bến. “Đó là những ngày gần lễ, công an khu vực hay đi kiểm tra bất ngờ các nhà trọ”.

Tờ giấy xác nhận cha con chị từng sống ở khu vực bị giải tỏa do công an phường cấp được giữ gìn như bảo vật trong nhà. Đó là thứ duy nhất có giá trị pháp lý chứng minh cha con chị hiện diện trên mảnh đất này. “Mất nó rồi, người ta biết mình là ai”, chị Ngân giải thích.
Giấy chứng sinh hai đứa nhỏ của chị Ngân đến giờ vẫn còn “nằm” tại bệnh viện. Nhân viên không thể trao cho một người xa lạ. Lên phường nhờ giúp, cán bộ cũng lắc đầu, họ không biết chị là ai, dù cha con chị đã ở đây qua mấy đời chủ tịch phường.

“Không có giấy tờ nên mình dặn con càng phải sống đàng hoàng, lo làm ăn để không ai nghi ngờ”, chị Ngân nói năm nay mình đã 34 tuổi, “cha bao nhiêu tuổi mình cũng không biết. Đời mình và cha kể như trôi đi rồi. Nhưng còn ba anh em thằng Tú...”.

Tờ khai làm giấy khai sinh của ba anh em Tú, sơ Hạnh mãi vẫn chưa thể hoàn thành, khi thông tin bố mẹ chỉ có vỏn vẹn mỗi dòng họ tên. Sơ Hạnh đã giúp chị Ngân và nhiều người khác tìm về quê gốc để làm giấy tờ nhân thân, mong có một mã số chứng minh điền vào tờ khai sinh cho con. Nhưng họ hàng li tán. Cố hương giờ đã là một vùng đất lạ... Hồ sơ của ba đứa trẻ nhà chị Ngân cùng hàng chục đứa trẻ khác ở Trung tâm Bình An tiếp tục nằm đó. Dở dang, vô vọng.

Từ năm 2012 đến nay, các sơ ở trung tâm, bên cạnh dạy chữ, đã giúp những gia đình không có hộ khẩu ở TPHCM làm khai sinh cho bọn trẻ. Nhưng muốn làm được khai sinh, phải làm được CMND cho các bà mẹ, mà muốn có CMND, họ phải có hộ khẩu. Hộ khẩu, chứ không thể là một hình thức chứng nhận hợp pháp nào khác. Đó là quy định.

“Một núi thủ tục hành chính không biết bao giờ mới có kết quả, trong khi bọn trẻ ngày một lớn”, sơ Hạnh thốt lên như thế. Có những em theo cha mẹ nay đây mai đó, lúc thủ tục gần xong thì các em đã chuyển nhà. Chất chồng lên tờ khai sinh mà sơ đang kiếm tìm cho bọn trẻ là những hệ lụy có từ thời cha ông để lại. Những người dân ngụ cư lớn lên, già đi ở mảnh đất này nhưng quyền nhân thân vẫn không được thừa nhận. Cả đời họ phải sống “chui” trên đất nước mình. Và con cháu họ có thể sẽ tiếp tục bị tước mất quyền vào đời, trong cuộc định danh bất thành bởi cuốn sổ hộ khẩu. 









No comments:

Post a Comment

View My Stats