Thursday, 16 November 2017

APEC 2017 & VÓC DÁNG LÃNH TỤ (FB Nguyễn Ngọc Chu)



Đất nước sẽ còn gian truân. Nhưng vóc dáng thời thế đã xuất hiện phía chân trời. Rồi anh hùng tất sẽ trỗi lên. Đó là lúc vận nước thay đổi cùng với sự xuất hiện vóc dáng lãnh tụ.

APEC 2017 VÀ VÓC DÁNG LÃNH TỤ

APEC 2017 đã kết thúc với nhiều vấn đề không thể diễn tả hết. Bởi trước tiên APEC là tổ chức toàn cầu, nên không ngừng sinh ra, và không ngừng phải đối mặt với những vấn đề phức tạp toàn cầu. Từ đó mà thấy rằng không bao giờ giải quyết trọn vẹn được hết các vấn đề nảy sinh từ APEC. Cho nên, nguyên thủ các nước đến với APEC 2017 với những mục tiêu khác nhau và ra về mang theo các kết quả khác nhau.

Với Việt Nam, về tổng thể, đã thành công trong việc tổ chức APEC 2017. Truyền thông đã đề cập nhiều về các nội dung của APEC. Bởi thế, trong khuôn khổ bài viết ngắn này chỉ lưu ý đến một bài học quan trọng rút ra từ APEC 2017. Đó là bài học về tầm lãnh đạo.

VỀ VÀI NGUYÊN THỦ
Nguyên thủ các nước đến tham dự APEC 2017 mỗi người một vẻ, trí tuệ và phong thái khác nhau.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau trẻ trung chân thành. Khuôn mặt tươi cười khoác tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bình dị ngồi uống cà phê vỉa hè. Sắc sảo trên diễn đàn đối đáp với Jack Ma. Mềm mỏng nhưng rõ ràng trong yêu cầu cải thiện nhân quyền.

Tổng thống Nga Putin xuống xe, quăng tầm mắt bao quát không gian, tay cài khuy áo, nhanh nhẹn hướng về phòng đại tiệc mà chẳng ai nghĩ ông đã bước sang tuổi 66. Ông linh hoạt trao đổi với tổng thống Mỹ trên đường đi, trong giây phút giải lao, ở bất cứ khoảng khắc nào thuận lợi, thể hiện một khả năng tận dụng thời cơ tuyệt vời.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điềm lặng. Vững chắc trên từng bước đi. Bệ vệ và ít biểu cảm bề ngoài. Khó đoán suy nghĩ bên trong. Đó là đặc trưng của ngàn năm Trung Quốc.
VÓC DÁNG LÃNH TỤ

Nhưng người để lại dấu ấn sâu đậm nhất ở APEC 2017 phải là Tổng thống Donald Trump.
Không phải vì ông là tổng thống cường quốc số một thế giới. Không phải vì phong thái đường hoàng của ông. Không phải khả năng diễn thuyết của ông. Mà là ở mệnh đề “Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Khái niệm địa chính trị “ Ấn Độ – Thái Bình Dương” mà Tổng thống Dolald Trump đưa ra thay cho “Châu Á – Thái Bình Dương”, ngoài ý nghĩa Mỹ không nhắc đến TPP, không nhắc tới “ Châu Á – Thái Bình Dương”, còn cho thấy chủ đích nhắc tới khu vực Ấn Độ Dương với vai trò nòng cốt của Ấn Độ. Không phải khu vực Ấn Độ Dương, mà chính Ấn Độ với số dân suýt soát như Trung Quốc mới là quân cờ giúp cho Mỹ, cho khu vực, trong chiến lược cân bằng Trung Quốc. Đó là thâm ý gửi gắm sau khái niệm địa chính trị “Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Khái niệm địa chính trị “ Ấn Độ – Thái Bình Dương” tự nó đã xác định một chiến lược mới của Mỹ trước sự bành trướng khu vực của Trung Quốc. Đó là cái nhìn mang vóc dáng lãnh tụ.

Chứ không như tệ sùng bái cá nhân ở các nước toàn trị. Lãnh đạo các nước này, khi lên nắm quyền, đều bắt người khác tôn xưng thành lãnh tụ, gắn với các tư tưởng có tên mà không có nội dung.

Lấy thí dụ điển hình là Trung Quốc. Từ tư tưởng Mao Trạch Đông qua lý luận Đặng Tiểu Bình cho đến tư tưởng Tập Cận Bình đều không có gì để viết thành học thuật. Triết học cũng như kinh tế học không có chỗ đứng cho các tư tưởng này.

Nêu lên như thế để nhấn mạnh rằng, không phải cứ ở vị trí nguyên thủ quốc gia thì bắt buộc phải có chủ thuyết mới thành vĩ nhân. Chính ảo mộng vĩ nhân đó đã làm cho lãnh đạo phải cách xa dân, đẩy dân xuống hạng thấp hèn và đưa quốc gia vào thế bị trói buộc.

SỰ ĐỐI NGHỊCH CỦA DONALD TRUMP VÀ TẬP CẬN BÌNH
Nguyên thủ hai cường quốc có GDP nhất nhì thế giới đến APEC 2017 với hai bảo bối đối ngược nhau.

Tổng thống Donald Trump với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” đang hướng về các hợp tác song phương. Còn Chủ tịch Tập Cận Bình đọc diễn văn cổ súy cho hợp tác đa phương. Nhưng lời nói và hành động của hai người này trong thực tế rất khác nhau.

Tuy cổ súy cho hợp tác đa phương như là một xu thế, với đề nghị cụ thể của chính sách “một vành đai một con đường” như là chủ thuyết mang màu sắc Trung Quốc, trên thực tế Trung Quốc luôn nhất quán chiến lược song phương.

Không có vấn đề nào liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung quốc mà Trung Quốc đem ra đàm phán đa phương. Trung Quốc luôn kiên trì đàm phán song phương để ỷ thế nước lớn bắt nạt nước bé. Nổi cộm là vấn đề lãnh thổ và BIỂN ĐÔNG NAM Á. Trung Quốc xem mọi cố gắng đa phương hóa là sự can thiệp của bên ngoài và không bao giờ chấp nhận. Đừng ngây thơ tin vào diễn văn mà ông Tập Cận Bình đã đọc. Hơn nữa cũng đừng tin hoàn toàn vào các hiệp ước mà Trung Quốc đã đặt bút ký. Lúc cần người ta sẽ xóa bỏ như một tờ giấy lộn. Hãy đọc lại Lịch sử để không phải hoài nghi về điều đó.

Còn Tổng thống Donald Trump mang trong mình dòng máu kinh doanh, nên đề cao chiến lược song phương để mặc cả lại mọi hiệp ước, mong mang về lợi ích kinh tế cho nước Mỹ.
Nhưng trong tư thế cường quốc số một thế giới, trong suốt 80 năm qua từ sau thế chiến thứ hai, nước Mỹ chưa bao giờ tử bỏ vai trò áp đảo thế giới của mình. Bởi thế, ông Donald Trump cùng với vali hạt nhân của mình sẽ đi khắp thế giới, can thiệp khắp mọi vấn đề can dự đến lợi ích nước Mỹ, cũng như nước Mỹ cho là cần thiết, theo sứ mệnh của nước Mỹ mà Cựu tổng thống Obama công khai khẳng định là ngoại lệ ( Exceptional). Bởi thế, hành động của nước Mỹ không chỉ đa phương mà là toàn cầu.

Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng, hành động toàn cầu của nước Mỹ không chỉ do riêng người Mỹ đề xướng, mà ở mặt khác là do đòi hỏi của các nước ở khắp mọi châu lục. Từ hùng mạnh như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến các nước nhỏ hơn là Singapore, đều cần đến sự hiển diện của Mỹ. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong chuyến thăm Mỹ hôm 23/10/2017 đã thể hiện sự lo lắng nếu Mỹ giảm bớt vai trò trong khu vực Châu Á –Thái Bình Dương. Từ chiến lược song phương của tổng thống Donald Trump.

Cho nên, Tổng thống Donald Trump chỉ nêu khẩu hiệu song phương trong đàm phán kính tế, trong hành động, nước Mỹ luôn toàn cầu.

CƠ HỘI CHO VIỆT NAM
Bản chất, con người ông Donald Trump luôn hướng về lợi ích kinh tế. Từ đó, trong quan hệ với các nước, lợi ích kinh tế có thể là một lá bài hữu hiệu tác động đến ông Donald Trump. Ở điểm này, ông Tập Cận Bình đủ sáng suốt mà thỏa hiệp.

Thế nhưng, ở mặt khác, lợi ích lãnh đạo của nước Mỹ sẽ áp đặt ông Donald Trump hành động như một cường quốc lãnh đạo. Trên phương diện này, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và cả Việt Nam phải biết tận dụng.

Đề nghị trung gian hòa giải của ông Donald Trump, Việt Nam phải biết tận dụng. Nước Mỹ không hy sinh quyền lợi của nước Mỹ vì lợi ích của nước khác. Nhưng nước Mỹ là đập tràn ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Đấy cũng là lợi ích cốt lõi của Mỹ.
Sự bành trướng ở BIỂN ĐÔNG NAM Á là mục tiêu không khoan nhượng của lãnh đạo Trung Quốc. Thật là mang vóc dáng lãnh tụ biết bao, nếu Chủ tịch Trần Đại Quang là nguyên thủ đầu tiên gọi vùng biển chung của các nước ASEAN là “BIỂN ĐÔNG NAM Á” tại APEC 2017. Đây cũng là một đập tràn cản bớt sự bành trướng của Trung Quốc.

Tại Đối thoại Sangri-la 2013 ở Singapore, Cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra khái niệm “Lòng tin chiến lược”. Nhưng khái niệm đó trên thực tế không tồn tại, nên tự nó chìm đi không sủi tăm. Còn tên gọi “BIỂN ĐÔNG NAM Á” là thực tế mang vóc dáng khu vực. Lãnh đạo Việt Nam nên biết tận dụng.

BAO GIỜ CÓ VÓC DÁNG LÃNH TỤ?
Chế độ toàn trị như một chiến xa nặng nề lăm le nghiền nát mọi sự đối kháng. Kẻ trong guồng ở trên thì chưa có tầm vóc lãnh tụ, nên không tạo được thời thế. Người ở dưới ngoài guồng, thì thời cơ chưa đến để có thể trở thành anh hùng.

Bởi thế, đất nước sẽ còn gian truân. Nhưng vóc dáng thời thế đã xuất hiện phía chân trời. Rồi anh hùng tất sẽ trỗi lên. Đó là lúc vận nước thay đổi cùng với sự xuất hiện vóc dáng lãnh tụ.










No comments:

Post a Comment

View My Stats