Friday, 1 September 2017

VÌ SAO DÂN CHÚNG VẪN ỦNG HỘ TRUMP (Clive Crook, Bloomberg L. P.)




Không phải chỉ vì cố chấp và dốt nát
Trần Ngọc Cư dịch
01/09/2017

Cách đây một tuần tôi hi vọng rằng cách diễn xuất tồi tệ của Tổng thống Donald Trump tiếp theo sau các cuộc biểu tình tại Charlottesville [bang Virginia] sẽ gây thương tổn cho vị trí của ông trong các cuộc thăm dò dư luận(1). Nhưng điều này đã không xảy ra. Nếu có một đốm hi vọng nào chăng, thì điều này lại nằm trong một xu thế khác. Tôi sẽ lấy làm hài lòng nếu việc Trump ra quyết định đáng tiếc trong việc ân xá nguyên Quận trưởng cảnh sát Joe Arpaio(2)l àm suy giảm phần nào uy tín của ông, nhưng tôi không còn nín thở chờ đợi kết quả.

Đừng gạt bỏ họ - Photographer: Nicholas Kamm/AFP/Getty Images

Khối hậu thuẫn của Trump là rất trung kiên. Lý thuyết nào có thể giải thích hiện tượng này?
Có hai giả thuyết chính để lý giải khối hậu thuẫn dành cho Trump. Một giả thuyết cho rằng một thiểu số đông đảo dân chúng Mỹ – khoảng 40 phần trăm – là bọn kỳ thị dốt nát [racist idiots]. Chí ít, đây là lý thuyết mà Đảng Dân chủ và các hãng truyền thông tự do phóng khoáng dòng chính [mainstream liberal media] âm thầm theo đuổi. Giả thuyết thứ hai cho rằng một đa số đông đảo của nhóm thiểu số đông đảo nói trên là những công dân tốt có quan điểm vừa dễ thông cảm vừa chính đáng, đấy là những người lấy làm phẫn nộ vì bị xếp vào hàng kỳ thị dốt nát, đến nỗi họ sẵn sàng ủng hộ Trump gần như bất chấp các hành vi của ông. Có thể họ không khâm phục Trump, nhưng dẫu sao ông đứng về phía họ, ông nói lên nỗi bức xúc của họ, ông gây tổn thương cho những kẻ đã coi thường họ – và như thế là đủ tốt rồi.

Thật là thất vọng khi vụ việc Charlottesville không thay đổi được tư duy của khối cử tri nói trên – nhưng vụ việc này cũng không thay đổi được tư duy của chính tôi. Tôi vẫn cho rằng giả thuyết thứ nhất là phi lý và giả thuyết thứ hai trên cơ bản là đúng.

Giả thuyết thứ nhất, dù có đúng đi nữa, thì cũng là một luận cứ phản dân chủ. Nếu hàng chục triệu người Mỹ chỉ là một bọn kỳ thị dốt nát, thì làm sao bạn có thể biện hộ cho quyền bỏ phiếu của người dân [the popular franchise]? Họ không phải là một nhóm người đáng coi thường và dễ bị áp đảo khi các cuộc bầu cử diễn ra. Và cũng theo giả thuyết thứ nhất, rõ ràng là không có một điều gì mà bạn nói ra lại có thể lay chuyển được đầu óc của họ. Tại sao thậm chí phải làm cái việc chiếu lệ là đối thoại và lắng nghe những người ủng hộ Trump?

Cảm thức này, một cảm thức cho rằng sinh hoạt chính trị dân chủ là vô bổ nếu không nói thẳng là nguy hiểm, đang xâm nhập thế giới quan [world view] của giới có quyền lực văn hóa và tri thức tại Mỹ. Trump thường xuyên bị lên án là độc tài và phản dân chủ, bất chấp sự thể là ông ta đã đắc cử và, cho đến nay, đang bị chặn đứng trong mọi khâu quyền lực và gần như chưa thành tựu được gì về mặt chính sách. (Có lẽ ông từng ước mơ mình là một nhà độc tài, nhưng chắc chắn thực tế đã không cho phép ông hành động như một nhà độc tài). Trái lại, nhiều người chống đối ông trở thành phản dân chủ trong một ý nghĩa sâu sắc hơn: Gần như họ tin rằng lá phiếu của suýt soát một nửa dân số Mỹ là không xứng đáng. [Hillary thắng phiếu phổ thông, popular vote, nhưng thua phiếu cử tri đoàn, electoral vote, ND].

Giả thuyết thứ hai – giả thuyết đúng đắn – là một bản cáo trạng ghê gớm dành cho Đảng Dân chủ và phần lớn giới truyền thông. Tại sao các ý kiến dễ thông cảm và chính đáng của thiểu số đông đảo nói trên lại không được lắng nghe? Tại sao các quan điểm của họ được gộp lại một cách phản xạ thành những gói có nhãn hiệu “cố chấp” và “ngu ngốc” [bigotry and stupidity]? Tại sao khối thiểu số đông đảo này của nhân dân Mỹ không hưởng được một cái gì khác hơn lòng thương hại hoặc khinh miệt?

Những người miệt thị lực lượng hậu thuẫn Trump có thể tranh luận rằng trên thực tế không một quan điểm nào của phe Trump là dễ thông cảm hoặc chính đáng. Dẫu sao, há chẳng phải quan điểm của những người ủng hộ Trump về vấn đề nhập cư có thể cô đọng thành chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc và thượng đẳng da trắng [racism and white supremcacy] đó sao? Há chẳng phải phe Trump coi những người biểu tình và chống biểu tình tại Charlottesville là ngang hàng về mặt đạo lý đó sao? Hoặc, há chẳng phải phe Trump có nỗi sợ hãi bệnh hoạn về sự thay đổi đó sao? Hoặc, há chẳng phải phe Trump đã tỏ ra đạo đức giả trong việc chống đối “một Chính phủ bao biện” [big government], trong khi mọi người đều biết rằng các bang bầu cho Trump là những bang nhận tiền liên bang nhiều nhất đó sao? Nếu bạn đọc tờ New York Times, bạn biết rằng những người hậu thuẫn Trump có vô số quan điểm ngu ngốc, xấu xa.

Trên thực tế, việc tự động gán ghép những người hậu thuẫn Trump là ngu ngốc và ngụy tín như thế chỉ là một dạng thức khác của óc cố chấp [bigotry].

Tôi là một người có tư duy phóng khoáng về vấn đề nhập cư – nhưng không phải chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc đã hậu thuẫn các biện pháp kiểm soát di dân chặt chẽ hơn, nếu bạn tin rằng số người nhập cư cao đương nhiên hạ thấp đồng lương công nhân Mỹ. Chắc chắn không phải vì đầu óc kỳ thị chủng tộc mà người ta tin rằng các luật lệ về nhập cư cần phải được thi hành, và rằng “các thành phố bao che người nhập cư bất hợp pháp” [sanctuary cities] đã vi phạm một nguyên tắc tự do bình đẳng rất hoàn hảo. Không phải là kỳ thị chủng tộc khi nói rằng nhiều người phản biểu tình tại Charlotttesville đã đến đó để kiếm chuyện [looking for a fight]. Mô tả những người ủng hộ Trump là sợ thay đổi là một điều khôi hài – Trump không phải là một ứng viên muốn duy trì nguyên trạng. Và tôi không hề thấy một nguyên tắc kinh tế chính trị nào có thể làm cho một đầu óc bảo thủ ngân sách trở thành ngu ngốc nếu người ấy sống ở West Virginia.

Một điều đáng suy nghĩ là, phản đối việc hạ bệ các tượng đài của các nhà lãnh đạo Miền Nam trong Nội chiến có thể nhanh chóng biến bạn thành một người kỳ thị chủng tộc, nếu điều này chưa xảy ra cho bạn. Sau vụ việc Charlottesville, hãng tin PBS tường thuật rằng 86 phần trăm dân Mỹ lên án luận điệu tuyên truyền của phong trào da trắng thượng đẳng [the white supremacy movement], trong khi đó 60 phần trăm dân Mỹ, kể cả suýt soát một đa số người Mỹ gốc châu Phi, tin rằng các tượng đài của lãnh đạo Miền Nam nên được giữ lại. Điều này gần như bác bỏ ý kiến cho rằng các quan điểm bênh vực tượng đài có liên quan mật thiết với chủ nghĩa dân tộc da trắng. Các số liệu thăm dò nói trên được trình bày dưới tiêu đề hấp dẫn “Các tượng đài lãnh đạo Miền Nam và Chủ nghĩa dân tộc Da trắng” [Confederate Statues and White Nationalism].

Theo thiển nghĩ của tôi, các tượng đài nói trên cần được hạ xuống – mời đọc Ramesh Ponnuru về vấn đề này – nhưng tuyệt đại đa số những người ủng hộ việc duy trì chúng không phải là những kẻ kỳ thị chủng tộc. Thật buồn khi tôi thậm chí phải nói ra điều này.
Các thể chế dân chủ hữu hiệu đều dành chỗ cho bất đồng chính kiến. Bạn có thể bất đồng với một người nào đó một cách mãnh liệt nhất, vì tin rằng đối thủ của bạn đã sai lầm nghiêm trọng hoặc thậm chí nguy hiểm. Nhưng điều này không bó buộc bạn phải phớt lờ họ, khinh thường họ hay thương hại họ. Cực chẳng đã, khi không còn cách nào khác hơn, ta mới coi quan điểm của một người nào đó là thiếu chính đáng [illegitimate], chứ không qui kết họ ngay từ đầu. Từ chối đối thoại, trừ trường hợp để chế giễu hay trịch thượng, vừa là phản dân chủ vừa là bất lợi về mặt chiến thuật. Bằng chứng của luận điểm sau cùng này là sự bền bĩ đáng buồn của khối hậu thuẫn Trump.

C. C.
Clive Crook giữ cột bình luận thường xuyên trên Bloomberg View và viết xã luận về kinh tế, tài chính và chính trị. Ông từng là nhà bình luận chính tại Washington của tờ Financial Times, từng là thông tín viên và biên tập viên cho tờ Economist, từng là biên tập viên cao cấp của tờ Atlantic. Trước đó, ông là quan chức của Bộ Tài chính Anh và Ban Kinh tế Chính phủ.
Bài báo này không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ban Xã luận hoặc của Bloomberg LP hay chủ nhân của nó.

Chú thích của dịch giả:
(1) Các cuộc biểu tình đã trở thành bạo động tại thành phố Charlottesville, bang Virginia, ngày 12-8-2017, khi những người biểu tình theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng [white supremacists] đụng độ với những người phản biểu tình. Thương vong đã diễn ra khi một người ủng hộ Trump dùng xe ủi vào đám đông “chống kỳ thị và chống phát-xít”, gây tử vong cho một phụ nữ. Hai cảnh sát cũng thiệt mạng khi chiếc trực thăng của họ bị rơi trong lúc thi hành nhiệm vụ. Phản ứng đầu tiên của Donald Trump là qui trách nhiệm về cuộc bạo động cho “nhiều phía” [many sides], đánh đồng những thành viên KKK, những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng và những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng với những người chống biểu tình. Một cuộc tập hợp “Đoàn kết Cánh hữu” (của người da trắng) được lên kế hoạch để chống lại việc di dời tượng đài của Tướng Robert Lee, Tư lệnh Liên quân Miền Nam, là nguyên nhân chính của cuộc đụng độ tại Charlottesville.

(2)Joseph Michael Arpaio từng bị các tổ chức nhân quyền tố cáo là đã chặn đứng và giam giữ một số đối tượng nhất định căn cứ vào màu da [racial profiling] cũng như mở ra các cuộc bố ráp người nhập cư bất hợp pháp [immigration round-ups]. Cuối cùng, một toà án liên bang ra lệnh Arpaio phải chấm dứt các cuộc bố ráp này. Nhưng văn phòng của ông vẫn tiếp tục giam giữ một số người “để điều tra thêm” mà không có một tình nghi hợp lý nào cho thấy họ đã phạm tội. Do đó, vào ngày 17-7 Arpaio bị kết án tù về tội coi thường tòa án [criminal contempt of court], một tội mà ông đã được Tổng thống Trump ân xá vào hôm 25-8, giữa lúc các hãng truyền thông tập trung vào việc đưa tin về trận bão Harvey đang đổ bộ lên bờ biển Nam Tesxas. Arpaio cũng rất ồn ào và rất đồng tình với Trump trong nỗ lực tố cáo Barack Obama không sinh ra trên đất Mỹ.

Dịch giả gửi BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:58 

---------------------------------------

XEM THÊM :

Posted on August 26, 2017 by editor — 1 Comment
Joe Krulder | Trà Mi






No comments:

Post a Comment

View My Stats