Saturday 2 September 2017

TRẬN LỤT NGÀN NĂM MỚI CÓ (Lê Phan)




Lê Phan
September 2, 2017

Đó là lý luận của một phân tích từ trung tâm Space Science and Engineering Center của đại học University of Wisconsin-Madison. Phân tích này nói Harvey là một trận bão xảy ra chỉ một lần trong 1,000 năm, làm nước ngập tràn một vùng rộng lớn của miền Tây Nam Texas bằng diện tích của tiểu bang New Jersey.

Khi mưa do Harvey tạo ra và đổ xuống, sự kinh khủng và tầm mức của thảm họa thiên tai này vĩ đại đến nỗi các nhà dự báo thời tiết, các nhân viên cấp cứu, nạn nhân, tức là thực sự tất cả mọi người, không thể tin những gì họ thấy. Nay các dữ kiện đã chứng minh điều mà ai cũng ngờ ngợ đã xảy ra: Trận lụt này ở một mức độ hoàn toàn khác với những gì chúng ta thấy ở Hoa Kỳ.

Theo Giáo Sư Shane Hubbard, nhà nghiên cứu ở đại học University of Wisconsin-Madison, không có gì trong tài liệu lịch sử còn ghi chép có thể so sánh được với Harvey. Ông Hubbard là người theo dõi việc tính toán này lâu rồi. Ông nói: “Nhìn vào nhiều những biến cố này (ở Hoa Kỳ), tôi chưa từng thấy bất cứ cái gì ở mức độ và tầm cỡ như thế này. Đây là một điều chưa từng xảy ra trong các cuộc quan sát thời hiện đại của chúng ta.” Những tính toán của ông dẫn ông đến kết luận cơn lụt này là hiện tượng cả ngàn năm nay mới có một lần.

Ông cũng đưa ra thêm một số những con số cho thấy nổi bật sự to lớn của vụ thiên tai này: Ít nhất 20 inch nước mưa rơi xuống một khu vục (gần 29,000 dặm vuông) tức là lớn hơn 10 tiểu bang kể cả West Virginia và Maryland. Ít nhất 30 inch nước mưa rơi xuống một khu vực (hơn 11,000 dặm vuông) tương đương với diện tích của Maryland.

Một trận lụt ngàn năm một lần, như cái tên ngầm ý nói, là một hiện tượng đặc biệt hiếm có. Điều này cho thấy, chỉ có 0.1% triển vọng nó xảy ra trong bất cứ một năm nào. Ông Hubbard giải thích thêm: “Hay cách mường tượng tốt hơn là 99.9% thời gian, một biến cố nhưng vậy không xảy ra được.”

Tuy không ai đặt câu hỏi cho bản chất đặc biệt của số nước mưa của bão Harvey, khái niệm trận lụt 1,000 năm mới có một lần bị một số học giả và những nhà kế hoạch chống lụt không đồng ý. Điều thứ nhất là các thống kê về mực nước mưa và lụt chỉ có được cỡ từ 100 năm nay, thành ra cái xảo thuật thống kê phải được sử dụng để quyết định là 500 năm hay 1,000 năm mới có một lần thực sự nghĩa là gì. Hơn thế, khí hậu đang biến đổi và những biến cố sẽ ngày càng gia tăng trong những thập niên gần đây, thành ra điều gì đóng góp vào cho sự thường xuyên xảy ra (100 năm, 500 năm hay 1,000 năm, vân vân) có thể đang thay đổi.

Các nghiên cứu khí hậu đã thấy là điều chúng ta nghĩ là lụt 500 năm ngày hôm nay đã trở thành thường xảy ra hơn trong các thập niên tới.

Nhưng ông Hubbard, vốn nghiên cứu những thông tin này để giúp các nhà làm chính sách chuẩn bị cho lụt, nhất định duy trì lập trường của mình mặc dầu công nhận nó có nhiều nhược điểm. Ông bảo: “Đối với cộng đồng, nó giúp có một tầm nhìn cho những biến cố này và hiểu ảnh hưởng của lụt.”

Ông thêm là có một giá trị “rất lớn” cho các nhà phòng chống lụt và thiết kế hạ tầng cơ sở có thể chịu đựng được những hiện tượng ở một mức độ nào đó. Ông giải thích: “Các nhà làm chính sách phải có thể chọn một con số và nói đây là con số mà chúng ta chuẩn bị cho nó. Nếu chúng ta tranh luận và tranh cãi về sự chính xác của các dự toán này thì cộng đồng sẽ không có một trị giá để dự toán.”

Ông Hubbard đồng ý là khí hậu đang thay đổi và lượng nước mưa ngày càng trở nên nhiều ở một số nơi, nhưng ông bảo là nó sẽ làm phức tạp nếu tính đến sự thường xuyên xảy ra. Ông nói: “Thách thức là làm sao phân biệt khi chúng ta có một hiện tượng 500 năm một lần xảy ra thường xuyên, phần nào là vì biến đổi khí hậu, phần nào là vì thay đổi trong đô thị hóa và canh nông và phần nào vì thiếu hiểu biết của chuyện xảy ra trong quá khứ.”

Dầu sao chăng nữa, Harvey là một dấu chấm than lớn trong chiều hướng của các cơn mưa tai hại trong những năm gần đây và có thể là một chỉ dấu cho thêm nhiều những hiện tượng như vậy trong các thập niên tới.

Ông David Titley, giáo sư về khí hậu học ở đại học Penn State, tweet: “Chờ đợi thành tích của #HarveyFlood sẽ bị phá trong 5, 15, 25 năm tới – sớm hơn là muộn.”

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là con người bó tay. Ở Hòa Lan, một quốc gia mà hai phần ba lãnh thổ ở thấp hơn mực nước biển, vấn đề chống lụt là vấn đề sinh tử của quốc gia. Và ở Hòa Lan họ chọn nhìn đường dài. Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC, ông Peter Glas, chủ tịch của hiệp hội Dutch Association of Regional Water Authorities, nói: “Hòa Lan có tiêu chuẩn là phải bảo vệ đất đai của chúng tôi cho các trận bão mà chúng ta có thể chờ đợi một lần trong 10,000 năm.”

Và mức độ bảo vệ mà hệ thống phòng thủ của Hòa Lan cao hơn tất cả các quốc gia khác. Ở London chẳng hạn, hệ thống chống lụt của thủ đô nước Anh chỉ để chống lại trận lụt 1,000 năm một lần.

Ở Hòa Lan, những cồn cát tự nhiên và các con đê nhân tạo, đập nước và cửa xã lũ cung cấp phòng thủ chống sóng lớn do bão đổ vào từ biển (storm surge). Hệ thống đê sông ngăn lụt chảy vào sông bên trong đất nước Hòa Lan từ những sông lớn như sông Rhine và sông Meuse, trong khi một hệ thống phức tạp hào thóat nước, kênh đào, và điều mà đã trở thành tiêu biểu cho đất nước này, những cái quạt gió, chính là để chạy hệ thống bơm nước nhằm giữ cho những vùng trũng không bị lụt và có thể sử dụng cho cư dân và canh nông. Ngày nay những bơm này không chạy bằng quạt gió nữa.

Và trong những sáng kiến mới nhất, Hòa Lan nay đề nghị “dành chỗ cho sông.” Dự án “Room for the River” cho phép thỉnh thoảng ngập nước những khu vực lãnh thổ không bảo vệ được nữa. Trong những vùng như vậy, dân chúng bị buộc phải dời lên một khu vực cao hơn, một số đã được nâng cao nhân tạo để sao cho cao hơn mức lụt dự định.

Như tờ The Guardian ở London giải thích, giải pháp của người Hòa Lan là sống với nước lụt, đừng chống lại khi vô vọng. Tờ Guardian kể chuyện hai ông bà Nol và Wil, người mà nhà cửa cũ và những cánh đồng đã bị hy sinh cho kế họach quản trị lụt vốn buộc họ phải bỏ trại của họ cho cư dân của một thành phố cách đó 30 km ở thượng nguồn. Nay họ sống ở trong một nơi mà Hòa Lan gọi là “sống trên gò,” những ngọn đồi nhân tạo với trên mặt được san bằng cho một diện tích 5.5 mẫu. Có tám cái trại nuôi bò sữa dọc theo 6 km đê, như tám cái bánh pie bằng bùn, đặt nằm ngay giữa cánh đồng bằng phẳng và nối liền bởi những con đường được xây rất cao. Đó là nơi cư ngụ mới của 17 trang trại vốn bị hy sinh khi cơ quan “Room for the River” của chính phủ đến với lệnh phá hủy nhường chỗ cho sông.

Dĩ nhiên cũng có chống cự, nhưng rồi thì mọi người cũng chấp nhận. Ông Nol chỉ con đường xuống cánh đồng mà đàn bò của ông thích ăn cỏ. “Cao sáu mét, trên này là lâu đài của chúng tôi trên đồi! Lụt cứ tới đi, tôi thực sự muốn được chứng kiến một lần trong đời tôi. Chúng tôi làm việc này cho thế hệ sau nhưng tôi thực sự muốn xem nó có thành công hay không. Tôi muốn thấy những người dân trả thuế thấy là nó hữu hiệu. Hãy mời các trận lụt đến.”








No comments:

Post a Comment

View My Stats