Thursday 29 October 2015

Thêm một người lên tiếng cho dân chủ phải trốn sang Thái Lan (Gia Minh - RFA)





Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2015-10-29

Người nông dân công khai lên tiếng cho dân chủ, đa đảng tại Việt Nam, ông Dương Văn Nam tại Bangkok, Thái Lan hôm 27/10/2015.   Courtesy photo

Người nông dân công khai lên tiếng cho dân chủ, đa đảng tại Việt Nam, ông Dương Văn Nam tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, vừa chạy trốn sang Thái Lan để tìm qui chế tỵ nạn.
Ông này cho biết lý do phải ra đi là vì tình trạng vô cùng bất an và bị dọa giết nếu phản kháng lại những thành phần côn đồ tự tung tự tác tại quê ông. Trong khi đó lực lượng công an và cơ quan an ninh làm ngơ trước những trình báo của ông.

Lo ngại cho tính mạng

Vào trưa ngày 29 tháng 10, ông Dương Văn Nam có cuộc nói chuyện với biên tập viên Gia Minh. Trước hết ông cho biết:

Dương Văn Nam: Đối với tôi họ quản chế đồng thời đàn áp bằng cách đặc trưng. Vì Sao? Chính xác trong vòng một năm trở lại đây họ không bắt tôi bỏ tù, nhưng tôi nhận thấy có một hiện tượng trong xóm tôi là một hội chuyên ăn trộm, ăn cắp mọi thứ của nhân dân. Hội này là hội nghiện. Họ nghiện nên cần tiền và đi ăn cắp vặt từ con ngan đến cái máy nước, xe máy, thóc lúa… của nhân dân. Riêng đối với tôi họ vào ăn cướp công khai. Đã thế lại còn gây gỗ, đánh nhau với tôi. Tôi viết đơn trình báo lên công an xã, công an huyện nói phải bắt bỏ tù ngay ‘bọn’ đó. Thế nhưng công an vẫn cứ phớt lờ, chúng cứ hoạt động. Đối với tôi họ còn đe giết, nên tôi thấy ái ngại cho tính mạng. Tôi suy luận công an phớt lờ vì họ biết tôi đấu tranh dân chủ. Họ cứ kệ cho bọn trộm cướp hành hạ, giết để, đỡ mang tiếng.

Ông Dương Văn Nam tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, ảnh chụp tháng 2 năm 2009. Citizen photo.

Gia Minh: Bây giờ anh đã đến được Thái Lan nơi hiện đang có nhiều người tỵ nạn; anh có thấy trước, lường trước con đường khó khăn ở đây để xin qui chế tỵ nạn không? Và trong tình hình khó khăn đó anh tiếp tục công cuộc đấu tranh của anh như thế nào?
Dương Văn Nam: Trước khi chạy sang Thái Lan ở nhà tôi cũng đã xác định hết rồi. Thế nhưng bây giờ không an toàn cho tính mạng. Anh Lê Thanh Tùng cũng bảo tôi ‘thôi, sự nghiệp viết bài của chú cũng đến thế thôi, văn với thơ cũng đến thế thôi. Tướng chú cũng ‘hoẻn tướng’, tính thì hiền lành nên đối với công an cũng chỉ đến thế thôi! Chú không cứng rắn như anh nên chú tạm chạy.’ Lý do vì công an chuyển thành bọn côn đồ, trộm cướp, cứ lờ để bọn côn đồ xét xử, hành quyết thay cho cộng sản. Tôi từng đánh nhau với bọn trộm cướp một lần rồi; nên giờ không cẩn thận thì họ giết tôi thật nên phải tạm thời chạy.

Gia Minh: Tình trạng đó xảy ra đối với bản thân anh và tại địa phương nơi anh ở; nhưng anh còn biết xảy ra chính xác ở những địa phương nào khác nữa?
Dương Văn Nam: Chính xác tôi nghe thông tin tương đối nhiều nơi họ làm như thế. Làm sao họ bắt hết được các nhà đấu tranh dân chủ. Nhiều nơi họ còn vứt phân vào nhà kia mà. Tôi cũng nghe thông tin họ cho côn đồ ra đánh đập là chuyện thường. Các nơi khác cũng có khả năng nhiều chứ không phải ít. Bắt bỏ tù chỉ được từng người thôi chứ làm sao bắt hết các nhà đấu tranh dân chủ. Tôi tính trên đầu ngón tay cũng có ít nhất vài nghìn người; bắt vài nghìn người vào tù cũng không đơn giản.

Đời sống khó khan

Gia Minh: Ngoài tư cách là nhà đấu tranh, khi ở trong nước anh cũng kiếm sống với công việc của người nông dân, vậy anh có thể chia xẻ cuộc sống của người nông dân như anh ở Lục Ngạn, Bắc Giang ra sao? Và họ đang cần những điều gì?
Dương Văn Nam: Thực tình mà nói đối với giai cấp nông dân ở vùng tôi làm gì cũng không có lãi. Nói đúng ra giai cấp nông dân bị bóc lột nặng nề nhất ở đất nước Việt Nam hiện nay. Họ bóc lột một cách kín đáo. Họ thu thuế mấy đâu nhưng thực tình khi đi mua một cân muối, mua một gói mì chính, đóng tiền điện, mua xăng, đi lao động đều một phần đóng thuế cho nhà nước độc tài cộng sản.
Công rẻ, thu nhập thấp nên phải cho vợ đi xuất khẩu lao động. Nếu không cho vợ đi xuất khẩu lao động thì làm chỉ đủ ăn thôi. Hầu như nhà nào cũng hoặc là vợ, hoặc là chồng phải đi xuất khẩu lao động. Giai cấp nông dân khổ lắm! Có thực tế làm nông dân mới biết nổi khổ.
Tôi đấu tranh dân chủ với ước mơ Việt Nam có bầu cử đa đảng. Khi có bầu cử đa đảng, tự do thì mới hết xuất khẩu lao động. Tôi mơ chỉ có người nước ngoài chạy tỵ nạn đến đất nước Việt Nam, chỉ có người Việt Nam ở nước ngoài về để phát triển kinh tế. Chứ người Việt Nam lúc nào cũng phải chạy ra nước ngoài. Câu hỏi ấy phải tự đặt ra. Đất nước khổ nhục vô cùng người ta mới chạy tỵ nạn, khổ nhục vô cùng mới thích xuất khẩu lao động. Phải hỏi đảng cộng sản tại sao cứ giữ độc tài mãi thế. Thật tình bây giờ cộng sản biết rồi chứ không phải không biết. Biết độc tài cộng sản độc hại lắm; nhưng tại sao các ông ấy không biết thương dân, không nhìn thấy nỗi khổ nhục của nhân dân như thế?

Gia Minh: Trong những ngày đầu đến tại một đất nước khác với chính thể Việt Nam và anh mong tìm được qui chế tỵ nạn tại đây, anh còn có những điều gì muốn chia sẽ với những người còn ở lại trong nước và những người sẽ đón nhận anh trong tương lại ở nước ngoài?
Dương Văn Nam: Bây giờ Việt Nam còn độc tài thì những người đấu tranh để bỏ độc tài ấy cần phải đoàn kết lại. Trong lúc đấu tranh đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau dù có khác đảng với nhau. Hiện nay đang đấu tranh chứ có được tự do đâu mà cứ phân biệt nọ kia. Chưa có tự do thì mọi người yêu nước phải đoàn kết một lòng, gộp lại với nhau để có tiếng nói chung, hỗ trợ cho nhau thì mới đấu tranh được.

Gia Minh: Cám ơn anh, chúc anh sức khỏe.







No comments:

Post a Comment

View My Stats