Thursday 29 October 2015

Người Việt hiến gì cho nhau? (Tuấn Khanh)





Thu, 10/29/2015 - 15:28 — tuankhanh

Tháng 10/2015, Bộ trưởng Y tế Việt Nam được ghi nhận là người đầu tiên trong giới quan chức ký giấy hiến tặng nội tạng của mình, sau khi qua đời. Hành động này đã gây chú ý không ít cho giới truyền thông nhà nước, mới đây.

Mặc dù bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế, nói rằng bà đã "âm thầm" hiến tặng từ năm 2013, nhưng bất kỳ ai cũng có thể thấy một chiến dịch đánh bóng hình ảnh khá rầm rộ đi theo sau đó, mặc dù tính theo mốc thời gian, thì đó là chuyện đã rất cũ. Thậm chí, bà Tiến còn nhận trả lời phỏng vấn, tự hào nói rằng mình có sợ hãi chút nào đâu.

Về ý thức, việc "không sợ hãi" này của bà Tiến mang đầy màu sắc tôn giáo. Bởi là một đảng viên Cộng sản, thuần phục chủ nghĩa vô thần thì việc "không sợ hãi" sau cái chết, có thể điềm chỉ rằng bà Bộ trưởng đã âm thầm hội nhập một tinh thần tín ngưỡng nào đó, rất khác với lời thể vô thần của bà.

Câu chuyện của bà Tiến, nhắc cho người ta nhớ đến ca sĩ Ngọc Sơn. Người nghệ sĩ bị coi là "bất trị" về phong cách và hành động, lại mới chính là người đầu tiên công khai ký hiến xác cho khoa học vào tháng 3/2007. Nhưng ngoài Ngọc Sơn, tất cả các bệnh viện ở Việt Nam vẫn đang sử dụng các phần hiến tạng của vô số con người, mà thật sự âm thầm - không ai cần phải để lại một cái tên.

Hiến xác hay hiến tặng các cơ quan nội tạng cho ngành y khoa từ lâu nay đã là việc rất đỗi bình thường trên thế giới. Hơn 200 triệu người Mỹ ghi danh đi làm bằng lái xe đều nhìn thấy câu hỏi bình thản trong hồ sơ, rằng có muốn hiến tặng thân thể sau khi chết không. Đã có tới 120 triệu người ký giấy hiến tạng mà không cần một cuộc phỏng vấn vinh danh nào.

Con người hiến tặng thân xác cho nhau, người Việt để lại đời mình, dâng hiến cho người còn sống là chuyện cũng không mới, ở nhiều trường hợp. Lịch sử hiến tặng cũng cần phải ghi tên tên bà Nguyễn Thị Năm ở làng Bưởi, Hà Nội, chủ hiệu buôn Cát Hanh Long. Bà không những hiến tài sản của mình cho cách mạng, mà còn bị hiến tế cho sự thành công của một cuộc cách mạng tư tưởng đẫm máu vào 1953, tại miền Bắc Việt Nam.

Nói như vậy, chỉ để muốn giới thiệu rằng lịch sử hiến tặng sự sống hay sau sự sống cho nhau, đã nhiều trên cả thế giới, và Việt Nam cũng vậy. Vậy lý do gì để một sự kiện đã cũ của bà Bộ Trưởng lại được hâm nóng, vào lúc này?

Rất nhiều người Việt nhận ra một giai đoạn không chỉ có bà Kim Tiến, mà rất nhiều các quan chức của chế độ đột nhiên giành nhau lên tiếng trên báo chí, truyền hình.  Thậm chí là những câu phát biểu làm cho hàng triệu người sững sờ về trình độ hay quan điểm tệ hại, nhưng buồn cười là các ngôn ngữ đó đó vẫn được giật tít, in đậm. Có thể đó là sự tận tâm của hệ thống tuyên truyền, có thể đó là sự chế giễu ngấm ngầm, hết sức thông minh của giới truyền thông nhà nước.

Trong thời điểm có sự sắp xếp lại bộ máy nhân sự của hệ thống chính trị từ Trung ương của Đảng Cộng sản, mỗi ngày tin tức của báo chí Việt Nam đều mang lại cho người dân cảm giác về những buổi triều kiến hỗn loạn, đủ các loại quan quân sợ bị phế truất hay mất phần, họ cố lớn giọng giới thiệu phần trung thành nhất của mình. Mỗi người mỗi vẻ, trơ trẽn vẹn toàn.

Có người không còn biết ngại đưa mặt mình ra và ca hát về quyền gia tộc thừa kế chính trị như một loại "hạnh phúc của nhân dân", để chỉ mong được để mắt đến, để được một ghế và bổng lộc đủ. Từ tướng lĩnh đến giáo sư, từ quan chức đến thầy tu đều vỗ tay một nhịp, hết sức trẻ con.

Có người trơ tráo, bảo vệ về cho ngân sách công kiệt quệ, tuyên bố rằng việc "nhịn nâng lương là có lợi cho người lao động". Giới làm luật thì có người hô to rằng nếu toà án cứ "xử dân thắng kiện, thẩm phán sẽ hết đường sống".

Có người đăng ký, nguyện xin làm người trải thảm đỏ cho Tập Cận Bình vào Việt Nam, bất chấp biển đảo bị xâm chiếm đang làm sôi sục lòng dân, ngư dân Việt bị đâm thuyền tàn nhẫn như để trút bớt cơn giận bất định của Bắc Kinh.

Xôn xao và hạ cấp. Ai nấy đều vỗ ngực kêu gào khả năng phục vụ của mình để mong được đoái hoài trong một mùa thay đổi. Khi tổ quốc nguy nan, kẻ thù sát nách thâm hiểm, thì chỉ nghe tiếng hô để được cho riêng mình chứ không thấy ai cất tiếng nói của con người, dành cho quê hương. Ngày càng nhiều những nguy nan, nhưng Quốc hội ngáp dài nghỉ sớm do thấy không có gì để nói.

Bối cảnh đó, cũng có thể suy ra rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước một thời đại dầy khó khăn của mình: chung quanh đầy những kẻ ăn hại và cơ hội. Nhân lực có khả năng thật sự để điều hành chính quyền như đã cạn kiệt.

Nếu để dâng hiến, lúc này là lúc người Việt dâng hiến cho tổ quốc, để thay đổi, để chống lại kẻ thù đang lăm le nuốt chửng lãnh thổ. Lúc này là lúc để những người nắm quyền hành lãnh đạo ra sức dâng hiến trí tuệ và trách nhiệm của mình cho đất nước, cho dân tộc để vượt qua sóng gió, để Việt Nam dựng lại một cái tên kiêu hãnh trên biển Đông. Dâng hiến và cần được nhắc tới là anh linh của những người lính Việt Nam ở Gạc Ma 1988, mà thân xác vẫn chưa bao giờ được trục vớt về ở yên nghỉ trên đất liền.

Dâng hiến không cần phải có chức vụ. Phần dâng hiến của những người vô danh nhất, đôi khi vĩ đại hay cao quý hơn cả của những nhà lãnh đạo được tung hô vạn tuế.

Dâng hiến và cần được viết, được tìm tới, là những người dân lành, những người lính đã chết để gìn giữ tổ quốc mình năm 1979 trước sự xâm lược của Trung Quốc, của Khmer Đỏ... nhưng bia tưởng niệm cứ bị dẹp bỏ, lần lượt và âm thầm cho tấm bảng máu dát vàng 16 chữ hữu nghị.

Quốc gia có phồn vinh hay không, là khi các quan chức dâng hiến sự tận tuỵ cho đất nước mình thay vì mối lợi cá nhân và dòng tộc. Đất nước mạnh mẽ và minh bạch vì không còn nghe những điều trá nguỵ để hèn vinh thân phì gia.

Rồi sẽ có ai đó lên tiếng cám ơn bà Bộ Trưởng Kim Tiến về hiến tạng. Dâng tặng cho con người bao giờ cũng là điều cao quý và đáng để ngợi khen. Nhưng bên cạnh đó, bà Bộ trưởng Y tế cũng nên dành chút thì giờ để suy tư vì lẽ nào vaccine 5 trong 1 Quinvaxem luôn làm chết trẻ em Việt Nam mà Bộ Y tế cứ ngoan cố, im lặng sử dụng? Lợi ích nào của nhân dân được đánh đổi bằng lợi ích của việc hành động, bất chấp cái chết của con trẻ?

Dâng hiến hôm nay, thực tế và chân thành cho dân tộc và tổ quốc, sẽ rực sáng tức thì và mãi mãi. Sẽ rất khác với việc sống toan tính, dâng hiến cho mối quyền lực hay chính thể nào đó, khi người ta ý thức tổ quốc, dân tộc đứng trên mọi chế độ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats