05:30 03/08/2019
Các
chuyên gia nhận định việc Nga và Trung Quốc thắt chặt quan hệ có thể ảnh hưởng
đến cục diện ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên, cuộc chơi đối tác này ẩn chứa rủi ro
không bền vững.
Vụ chạm trán vừa qua giữa không quân Hàn
Quốc và Nga trên Biển Nhật
Bản khiến nhiều người lo ngại hòa bình tại khu vực Đông Bắc Á đang
ngày càng mong manh. Tiêm kích Hàn Quốc ngày 23/7 bắn 360 phát đạn cảnh cáo máy
bay quân sự Nga xâm phạm không phận.
Vụ việc xảy ra khi Nga và Trung
Quốc lần đầu tiên tổ chức tuần tra chung trên không tầm xa ở Thái Bình
Dương. Máy bay quân sự hai nước tiến vào Vùng Nhận diện Phòng không Hàn Quốc
(KADIZ) mà không thông báo với Seoul. Cả Hàn Quốc và Nga cáo buộc đối phương đã
hành xử nguy hiểm trong vụ chạm trán.
Máy bay giám sát Nga bị cáo buộc đã đi vào không phận
Hàn Quốc, buộc tiêm kích nước này phải nổ súng cảnh báo. Ảnh: AP.
Thách thức an ninh Đông Bắc Á
Trong khi nguyên nhân thật sự dẫn đến cuộc chạm trán
không quân trên Biển Nhật Bản vẫn chưa được làm rõ, vụ việc khiến Mỹ thêm quan ngại về tình hình Đông Bắc Á.
Những tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết đang
đe dọa an ninh khu vực. Vụ chạm trán xảy ra tại vùng trời gần quần đảo Dokdo
đang được Hàn Quốc quản lý. Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này
và gọi đó là Takeshima. Vụ chạm trán cho thấy rủi ro va chạm quân sự ở khu vực
chồng lấn Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) của ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và
Trung Quốc trên Biển Nhật Bản và biển Hoa Đông.
Trong vụ chạm trán cuối tháng 7, Tokyo cũng điều
tiêm kích giám sát máy bay ném bom Nga và Trung Quốc khi tuần tra chung. Lực lượng
không quân của cả Hàn Quốc và Nhật Bản thường xuyên được điều động đối phó với
máy bay láng giềng áp sát không phận.
Trong năm qua, Tokyo có 999 lần triển khai tiêm kích
đối phó với máy bay nước ngoài, trong đó 2/3 phi vụ liên quan đến tranh chấp quần
đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Số phi vụ ngăn chặn còn
lại chủ yếu đối phó máy bay quân sự Nga ở quần đảo phía bắc.
Hàn Quốc cũng thường xuyên phải ngăn chặn máy bay
Trung Quốc áp sát không phận nước này. Với quá nhiều hoạt động phô trương sức mạnh
trên vùng trời Đông Bắc Á, rủi ro các nước trong khu vực tính toán sai lầm dẫn
đến thảm họa ngày một tăng.
Washington cần tìm cách thắt chặt quan hệ giữa hai đồng
minh Nhật Bản và Hàn Quốc, giảm đối đầu với nhau mà tập trung đối phó với những
thách thức từ một Trung Quốc đang hành động ngày một táo bạo hơn với sự ủng hộ
lớn dần từ Nga.
Cặp đôi Nga - Trung
Kể từ sau Thế chiến II, trong tam giác quan hệ Trung
Quốc, Nga và Mỹ luôn có hai nước trở thành đối tác để đối trọng lại một nước
còn lại. Sau khi nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin qua đời, liên minh Trung -
Xô cũng tan rã. Tiếp theo đó là chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard
Nixon đến Trung Quốc năm 1972 rồi chính sách hòa dịu của Mikhail Gorbachev với
Bắc Kinh 30 năm trước.
Cuộc tuần tra chung vừa qua của Nga và Trung Quốc tại
Thái Bình Dương cho thấy quan hệ giữa hai nước đang được siết chặt qua từng
ngày. Trong 6 năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga
Vladimir Putin đã gặp nhau hơn 30 lần.
Trung Quốc là nhà cung cấp nhiều thiết bị quan trọng
cho những hệ thống khí tài và vũ khí tối tân của Nga. Bên cạnh đó, tương lai mạng
lưới viễn thông thế hệ mới tại Nga đang nằm trong tay doanh nghiệp Trung Quốc.
Moscow năm 2018 ký thỏa thuận với tập đoàn Huawei để phát triển hạ tầng mạng 5G
tại Nga.
Những ràng buộc hiện nay phù hợp với lợi ích chiến
lược của Bắc Kinh. Trung Quốc cần một quan hệ hữu nghị mang tính lâu dài với
Nga, qua đó đảm bảo an ninh tại khu vực biên giới phía bắc. Những lo ngại an
ninh này từng ám ảnh Trung Quốc qua cuộc xung đột biên giới với Liên Xô năm
1969 và giai đoạn 1990 khi chính sách đối ngoại của Moscow ngã sang phương Tây.
Tổng thống Putin cũng có động lực riêng để thắt chặt
quan hệ Nga – Trung. Về góc độ thực dụng, những lệnh trừng phạt của phương Tây
từ vấn đề Crimea, cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ đến nghi án đầu độc cựu điệp
viên trên đất Anh khiến nhà lãnh đạo Nga không còn nhiều lựa chọn
khác biệt.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng có thể lập luận rằng
tương lai của thịnh vượng thế giới giờ đây nằm ở phương Đông với hạt nhân là
Trung Quốc. Nga vẫn giữ vị thế một cường quốc hạt nhân và ghế thường trực
trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Moscow cũng đẩy mạnh hiện đại
hóa các lực lượng vũ trang và không ngại sử dụng sức mạnh này trong bảo vệ các
lợi ích quốc gia, điển hình là chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria.
Với mỗi giai đoạn, nước bị cho ra rìa trong tam giác
quan hệ Nga - Trung - Mỹ thường phải trả giá đắt, bị căng kéo bởi những sức ép
quân sự và ngoại giao. Tuy nhiên, tình thế lúc này lại khác trước.
Tạp chí Economist nhận định, dù
Washington không “được bắt cặp”, Moscow lại là bên trả giá nhiều hơn khi thúc đẩy
quan hệ với Bắc Kinh.
Trung Quốc đang áp đảo trên nhiều phương diện trong
quan hệ đối tác với Nga. Biến họa: Economist.
Rủi ro tiềm ẩn
Trung Quốc đang chiếm vị thế áp đảo gần như mọi
phương diện trong quan hệ với Nga. Nền kinh tế của cường quốc châu Á lớn hơn
Nga gấp 6 lần, trong khi tăng trưởng kinh tế của Nga chưa thoát khỏi suy thoái.
Trục Moscow - Bắc Kinh ẩn chứa rủi ro rơi vào tình trạng thiếu bình đẳng, đặc
biệt khi Nga phụ thuộc vào người láng giềng phía nam ngày một nhiều.
Trung Quốc đã trở thành thị trường mang tính sống
còn đối với ngành khai thác và xuất khẩu nguyên liệu thô của Nga. Rosneft, công
ty dầu khí quốc gia của Nga, phụ thuộc nhiều vào dòng đầu tư từ Trung Quốc và
liên tục tăng giá trị đơn hàng bán sang nước này. Trong nỗ lực thoát khỏi sức ảnh
hưởng của đồng USD, Moscow tạo điều kiện để đồng RMB của Trung Quốc gia tăng tỉ
trọng trong dự trữ ngoại tệ quốc gia. USD giảm gần 1/2 dự trữ ngoại tệ của Nga
còn 23% trong năm 2018, trong khi RMB tăng mạnh từ 3% đạt 14% cùng kỳ.
Khó ai lường được khi nào những căng thẳng sẽ lộ diện.
Một viễn cảnh được giới chuyên gia dự đoán là khi Tổng thống Putin chấm dứt nhiệm
kỳ vào năm 2024, theo đúng quy định hiện nay của hiến pháp Nga, và người kế nhiệm
ông tìm cách tạo nên dấu ấn riêng bằng cách rời xa Trung Quốc và thân thiện hơn
với châu Âu.
Bắc Kinh trong kịch bản đó sẽ thể hiện rõ sức ảnh hưởng
của họ đối với nước Nga lớn như thế nào, đồng thời sẵn sàng tạo áp lực đến đâu
để đảm bảo Moscow không xoay chiều. Vị tổng thống Nga kế tiếp có thể nhận ra
ông không có nhiều dư địa để xoay chuyển chính sách.
Một số chuyên gia và nhà ngoại giao đánh giá cao tầm
quan trọng của Nga và muốn vận động nước này đừng xa rời phương Tây ngã vào
vòng tay của Trung Quốc. Tuy nhiên, hướng chính sách này khó xảy ra khi mối
quan hệ giữa ông Tập và ông Putin không đẩy nước Mỹ vào tình thế khó khăn như
thời Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không quá bận tâm đến việc
Nga và Trung Quốc thách thức nhiều giá trị được phương Tây ủng hộ.
Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với
Nga cũng có đánh đổi. Là một cường quốc đang bị suy giảm vị thế, Nga có thể lao
vào những cuộc khủng hoảng mới với yếu tố quân sự nhằm khẳng định sức mạnh.
Trong khi đó, Trung Quốc không muốn vướng vào những cuộc khủng hoảng quốc tế
không liên quan đến mình.
Thay vì nỗ lực can thiệp vào trục Nga - Trung, các
nước phương Tây có thể chỉ cần chờ đợi hệ quả từ quan hệ thiếu bình đẳng trong
cặp đôi này. Economist dự đoán, dù sớm hay muộn, vị tổng thống
kế tiếp của Nga sẽ tìm cách hướng Âu một lần nữa. Khi đó, chủ nhân kế tiếp của
Nhà Trắng chỉ có thể học lại bài học của người tiền nhiệm Nixon, nhưng lần này
điểm đến sẽ là Moscow.
------------------------
LIÊN QUAN
No comments:
Post a Comment