Wednesday, 28 August 2019

TRUMP RA LỆNH RỜI TRUNG QUỐC, CÁC HÃNG MỸ CÓ NGHE THEO? (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
27/08/2019

Tổng thống Trump ‘không có quyền’ yêu cầu các hãng xưởng Mỹ di dời khỏi Trung Quốc và động thái này có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ chới với và đẩy kinh tế đi nhanh vào suy thoái mặc dù nó cũng khiến cho nền kinh tế Trung Quốc bị tổn thất nặng nề, các phân tích gia cho biết.

‘Không cần nghe’

“Chúng ta không cần đến Trung Quốc và nói thật, chúng ta sẽ tốt hơn nếu không có họ,” ông Trump giận dữ viết trên Twitter hôm 23/8 ngay sau khi có tin Trung Quốc tiếp tục áp thuế trả đũa lên 75 tỷ đô là hàng hóa Mỹ. “Các công ty Mỹ vĩ đại được lệnh ngay lập tức phải tìm địa điểm thay thế Trung Quốc, trong đó có đưa công ty trở về nhà và sản xuất trên đất Mỹ.”

Tuy nhiên, trên kênh Fox, các nhà bình luận cho rằng các hãng xưởng Mỹ không cần xem lời của ông Trump là nghiêm túc.

“Ông ấy có thể nói gì tùy ý, những tôi nghĩ các doanh nghiệp có thể không cần nghe,” ông Oliver Hart, giáo sư Harvard từng đạt giải Nobel Kinh tế năm 2016, phát biểu trên kênh Fox Business. “Tôi không nghĩ rằng họ nên xem lời nói đó là nghiêm túc.”

Ken Bertsch, giám đốc điều hành của Hội đồng các nhà Đầu tư Tổ chức, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào quản trị doanh nghiệp, nói với Fox rằng ông cũng cảm thấy như vậy.

“Ông ấy (Trump) có thể nói những gì ông ấy muốn, nhưng các công ty cần phải có tầm nhìn rộng hơn,” ông Berch nói. “Tổng thống không có quyền ra lệnh cho các công ty phải làm gì.”
Ông Hart cũng nói rằng Tổng thống thật sự không có quyền ra lệnh cho các doanh nghiệp làm bất cứ điều gì.

“Trừ phi Quốc hội ra luật, tôi không cho rằng Tổng thống là người mà các công ty nên lắng nghe,” ông nói.

Giáo sư Hart cũng tin rằng cổ đông của các công ty có thể muốn thực hiện theo lời kêu gọi của Tổng thống hay không.

“Có khả năng các cổ đông sẽ nói rằng ‘Vâng, hãy làm điều này vì mặc dù nó không mang lại lợi nhuận, nhưng nó tốt cho đất nước’,” ông nói. “Nhưng cũng có thể là họ sẽ nói ngược lại.”

Còn theo tờ Washington Post, mệnh lệnh bất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến mọi ngành nghề của Mỹ đang cố gắng hiểu xem là họ có nên xem đây là chuyện nghiêm túc hay không, và liệu Nhà Trắng sẽ thực thi nó như thế nào.

Các doanh nghiệp từ bán lẻ đến điện tử và hàng gia dụng mà phần đông trong số họ đã chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đã kéo dài nhiều tháng đã liên hệ với các hiệp hội ngành nghề của họ để được hướng dẫn và chờ đợi thông báo chính xác hơn từ Nhà Trắng.

“Tôi đang cố gắng giữ bình tĩnh và không để mình bị lo lắng và bực mình, nhưng việc này càng trở nên khó khăn,” Magi Raible, người sáng lập LiteGear Bag, hãng sản xuất vali có trụ sở tại Vallejo, tiểu bang California nói với Washington Post.

Bà nói bà sẽ có một cuộc họp vào tuần tới với các đồng nghiệp trong ngành để bàn bạc việc di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc để chuyển đến Ấn Độ hay Nam Phi.

Điều luật về quyền lực khẩn cấp

Tối 23/8, khi đặt chân đến Pháp để họp thượng đỉnh khối G7, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter rằng ông sẽ dùng đến Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, vốn được ký thành luật hồi 1977, để hiện thực hóa mệnh lệnh của ông.

Theo bà Jennifer Hillman, giáo sư luật ở Đại học Georgetown và chuyên gia về thương mại tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, ông Trump không có quyền yêu cầu các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc.

Nhưng theo đạo luật mà ông Trump dẫn ra, ông ấy có thể chặn việc đưa tiền vào Trung Quốc trong tương lai, bà nói. Nhưng trước tiên, ông ấy phải đưa ra một ‘tuyên bố hợp pháp’ rằng đang xảy ra tình trạng khẩn cấp quốc gia, bà giải thích trên Washington Post.

Quốc hội có thể chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp này nếu muốn, bà nói.

“Hơn nữa, ngay cả khi tất cả những điều này xảy ra, nó cũng sẽ không có hiệu lực đối với tất cả các khoản đầu tư của Mỹ đã được thực hiện ở Trung Quốc,” bà Hillman được Washington Post dẫn lời nói thêm.

“IEEPA không phải là không có giới hạn,” ông Rod Hunter, một luật sư thương mại quốc tế ở Baker McKenzie và là giám đốc cao cấp về kinh tế quốc tế thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới chính quyền George W. Bush, được Washington Post dẫn lời nói. “Nếu ông Trump dùng điều luật này để hủy hoại quyền tài sản hiện có của công dân Mỹ thì chắc chắn sẽ có những thách thức pháp lý và Hiến pháp.”

Các chuyên gia thương mại khác nói rằng ông Trump có trong tay những công cụ khác để thúc đẩy các công ty Mỹ dừng làm ăn ở Trung Quốc.

Trong đó có tiếp tục tăng thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, như ông Trump đã làm hôm 23/8. Nhà Trắng cũng có thể trừng phạt các công ty không vâng lời bằng cách loại họ ra trong các hợp đồng cung ứng cho chính phủ liên bang, các nhà kinh tế cho biết.

‘Không trở lại Mỹ’

“Dòng tweet này cũng ông Trump cũng không hoàn toàn là lời nói rẻ tiền,” ông Derek Scissors, một chuyên gia về Trung Quốc ở American Enterprise Institute, nói với Washington Post

Thông điệp này đã công khai những gì Trump đã nói riêng với các công ty trong hơn hai năm qua, ông William Reinsch, một chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho biết.

“Dù sao đi nữa, trên thực tế nhiều công ty đã tính đến việc dời đi,” ông Reinsch nói cũng với Washington Post.

“Chi phí lao động đang tăng lên ở Trung Quốc, chế độ thì đàn áp và các công ty Mỹ tiếp tục chịu sự phân biệt đối xử,” ông giải thích.

Một số nhà sản xuất hàng may mặc và điện tử đã dời khỏi Trung Quốc và xu thế này càng bị đẩy mạnh với việc Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu ngày càng cao đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.

Nhưng rất ít các công ty trong số này đã đưa việc làm trở lại Mỹ. Thay vào đó, họ đã chuyển sang các nước có chi phí thấp khác như Việt Nam hoặc Bangladesh.

Các ngành công nghiệp khác cũng muốn dời khỏi Trung Quốc nhưng họ nói rằng họ gặp khó khăn để tìm được chuỗi sản xuất có cùng chất lượng nhưng chi phí rẻ ở những nước khác.

“Các công ty muốn tìm địa điểm thay thế, nhưng việc này không thể xảy ra trong một đêm được,” ông Jonathan Gold, phó chủ tịch chuỗi cung ứng và chính sách hải quan tại Liên đoàn bán lẻ quốc gia, nói với Washington Post. “Ngay cả khi họ thật sự dời đi thì không may phần nhiều trong số họ sẽ không trở lại Mỹ. Chúng tôi đồng ý rằng Trung Quốc hành xử xấu, nhưng chúng ta cần quay trở lại bàn đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại.”

‘Đặt Apple vào thế khó’

Một số nhà phân tích cho rằng các dòng tweet của ông Trump là một động thái đặc biệt quyết liệt nhằm vào Apple và các công ty công nghệ khác, vốn đặt hệ thống sản xuất của họ tại Trung Quốc.

Trong hàng chục năm, Apple đã trở nên gắn chặt với cơ sở hạ tầng lắp ráp thiết bị điện tử của Trung Quốc đến mức sẽ cực kỳ khó khăn cho họ để gỡ ra. Trong một trường hợp khả quan nhất, Apple sẽ mất 5 năm để chuyển một nửa sản lượng iPhone của họ ra khỏi Trung Quốc, ông Dan Ives thuộc công ty chứng khoán Wedbush Securities, nói.

Xét nhiều mặt, sự vươn lên của Apple trở thành một trong những công ty có giá trị cao nhất thế giới là nhờ vào sự hợp tác với Foxconn, một hãng Đài Loan đặt hệ thống sản xuất ở Trung Quốc.

Apple đưa ra ý tưởng cho các sản phẩm tiêu dùng, nhưng chính Terry Gou, người sáng lập Foxconn, mới biến chúng thành hiện thực vào đầu những năm 2000 bằng cách tận dụng năng lực sản xuất của Trung Quốc để chế tạo các thiết bị hào nhoáng với chi phí thấp để họ có thể có lãi, theo Washington Post.

Trước đây Apple đã từng lắp ráp các sản phẩm bên ngoài Trung Quốc, sản xuất máy tính với số lượng tương đối nhỏ ở Mỹ và khảo sát khả năng sản xuất iPhone ở Ấn Độ và Đông Nam Á, nhưng hãng này vẫn phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc.

Trung Quốc với quy mô quá lớn cũng là một thị trường quan trọng cho doanh số bán iPhone. Điều này khiến Apple càng miễn cưỡng chấm dứt sự hiện diện sản xuất của họ ở quốc gia này. Trong quý tài chính thứ ba năm 2019, Trung Quốc chiếm 9,19 tỷ đô la doanh thu của Apple, so với 25 tỷ đô la ở toàn bộ châu Mỹ, cũng theo tờ Washington Post.

‘Đã tính đến dời đi’

Rất nhiều ngành công nghiệp khác cũng dựa vào Trung Quốc. Delta Children, một nhà sản xuất đồ nội thất trẻ em của Mỹ, sản xuất khoảng 80% sản phẩm của mình tại Trung Quốc.
Ông Joe Shamie, chủ tịch công ty, cho biết trong những tháng gần đây, ông đã cố gắng chuyển sản xuất sang các nước khác, bao gồm Indonesia, Malaysia và Việt Nam, nhưng các nhà máy ở các nước đó đã hoạt động hết công suất với đơn đặt hàng.

Ông cũng đã cố gắng tìm cách sản xuất nệm ở Mỹ, ông nói, nhưng sẽ cần máy móc từ Trung Quốc trị giá khoảng 1 triệu đô la, mà mặt hàng này chịu mức thuế nhập khẩu 25% do chính quyền Trump áp đặt.

“Tôi đã cố gắng hết sức, và bây giờ quý vị lại muốn đánh thuế tôi cho máy móc tôi cần mua để sản xuất ở Mỹ? Khôn quá đấy,” ông nói mỉa mai trên Washington Post. “Đây là một thảm họa.”

Công ty hàng thể thao Columbia Sportswear cho biết họ đã bắt đầu chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc khoảng 15 năm trước khi họ tìm thấy những nơi chi phí rẻ hơn ở châu Á và châu Phi. Công ty hiện mua hàng từ 19 quốc gia nhưng vẫn nhận khoảng 10% lượng hàng nhập khẩu của họ từ Trung Quốc.
“Trung Quốc không phải là nơi rẻ nhất trên thế giới để sản xuất nữa, nhưng những mặt hàng được nhập từ Trung Quốc rất chuyên dụng và khó mà chuyển đi nơi khác,” ông Timothy Boyle, giám đốc điều hành công ty, được Washington Post nói.

LiteGear Bags từng sản xuất tất cả vali và phụ kiện ở Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, nhà sáng lập Raible nói rằng bà đã chi hàng chục ngàn đô la để chuyển khoảng một phần ba hoạt động của công ty sang Campuchia.

“Đây là một quá trình cực kỳ khó khăn,” bà nói. “Họ phải mất hàng tháng để bắt nhịp được. Ý tôi là, đây là một nhà máy sản xuất túi đựng kính râm và đột nhiên tôi yêu cầu họ làm túi đeo vai và ba lô.”

Phần lớn các sản phẩm của bà tiếp tục được sản xuất ở Trung Quốc, và bà cho biết thuế quan của chính quyền Trump đã khiến thuế nhập khẩu tăng lên 42,6% trên nhiều sản phẩm của bà, tăng từ 17,6% chưa đầy một năm trước. Bà đã phải sa thải nhân viên của mình ở Mỹ và thuê nhân viên hợp đồng theo giờ để giúp đỡ làm kế toán, chuyển hàng và thiết kế đồ họa.

Bản thân ông Trump từ lâu đã tận dụng sản xuất giá rẻ ở nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Quốc, để sản xuất hàng hóa mang thương hiệu Trump.

Trong cửa hàng bán lẻ được điều hành bởi Tổ chức Trump ở phía sau khách sạn Trump ở thủ đô Washington D.C, những chiếc mũ chơi golf và những tách cà phê có in tên ông Trump được sản xuất ở Trung Quốc vẫn tiếp tục được bày bán bên cạnh những sản phẩm khác sản xuất ở Indonesia, Việt Nam và các nước khác.

‘Lời kêu gọi trong ngắn hạn’

Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, giáo sư dạy MBA tại Trường Quản lý Keller, cho rằng chỉ có 10-15% khả năng các hãng xưởng Mỹ sẽ nghe theo mệnh lệnh này của ông Trump.

Ông Lộc nói không nên xem lời của ông Trump là mệnh lệnh mà chỉ là lời ‘kêu gọi trong ngắn hạn’ với hàm ý rằng ‘chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục với các đợt đánh thuế nên các hãng xưởng Mỹ làm ăn ở Trung Quốc về lâu dài sẽ không có lợi gì hết’.

Ông giải thích rằng ông Trump chỉ có thể thực thi mệnh lệnh một cách cưỡng ép nếu ông vận dụng đạo luật IEEPA mà theo đó ông được trao quyền hành khẩn cấp giống như trong trường hợp quốc gia đang có chiến tranh và tuyên bố các công ty Mỹ làm ăn với Trung Quốc là ‘gây nguy hại cho an ninh của Mỹ’.

“Tuy nhiên điều này khó xảy ra vì ông Trump cần phải chứng minh tại sao các công ty đó gây ảnh hưởng đến an ninh của Mỹ. Chắc chắn ông sẽ gặp thưa kiện,” ông Lộc phân tích.
Ông nói với lời kêu gọi này của ông Trump thì chắc chắn các công ty Mỹ sẽ không đầu tư thêm hoặc giảm đầu tư ở Trung Quốc, nhưng rút đầu tư hoàn toàn như lời ông Trump thì ‘sẽ vẫn án binh bất động’.

Theo ông giải thích thì quá trình di dời phải mất ít nhất là 6 tháng cho đến một năm với chi phí từ hàng trăm triệu cho đến cả tỉ đô la để xây dựng dây chuyền sản xuất ở nơi khác. Hơn nữa, sự gián đoạn trong quá trình sản xuất rồi chi phí đắt đỏ hơn ở nơi mới khiến họ mất thị trường, chưa kể mất đi thị trường khổng lồ của Trung Quốc.

Ngay cả khi di dời thì các hãng xưởng này cũng không về Mỹ mà sẽ tìm đến các quốc gia có chi phí thấp tương tự vì ở Mỹ chi phí kinh doanh đắt đỏ cộng với những điều luật khắt khe về lao động và môi trường, ông cho biết.

Ông nói rằng các công ty bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là các công ty công nghệ vốn đặt ở Trung Quốc rất nhiều. Mà các công ty này góp phần tạo nên sức mạnh kinh tế Mỹ trong thời gian qua vì chúng giữ cho chỉ số chứng khoán Mỹ luôn ở mức cao.

“Nếu thực sự các công ty này chuyển về Mỹ thì nhiều khả năng Mỹ sẽ suy thoái vào năm 2020 vì ngay lập tức các công ty lớn nhất Mỹ sẽ giảm bớt đầu tư, mất đi lợi nhuận làm ảnh hưởng đến GDP,” ông giải thích.

“Khi dời đi họ bị gián đoạn về chuỗi cung ứng khiến giá cả hàng hóa tăng rất nhiều và gây ảnh hưởng dây chuyền đến sức tiêu dùng của người dân khiến cho người dân Mỹ thắt lưng buộc bụng không dám tiêu xài trong khi FED sẽ gia tăng lãi suất. Cộng với áp lực thuế quan sẽ khiến kinh tế Mỹ đi vào suy thoái,” ông nói thêm.

Còn về kinh tế Trung Quốc, ông Lộc cho rằng ‘sẽ bị gián đoạn rất mạnh vì các nhà thầu lớn nhỏ của Trung Quốc gia công cho các hãng Mỹ ‘sẽ phải đóng cửa, sa thải hàng loạt’.

Tuy nhiên ông cho rằng việc gián đoạn này ‘không đến mức làm sụp đổ nền kinh tế Trung Quốc’ mà chỉ làm cho nền kinh tế Trung Quốc ‘không đủ để nuôi dân’ và ‘người dân nước này sẽ nghèo đói’.

“Nếu bắt các hãng xưởng Mỹ quay về sẽ làm lụn bại kinh tế Trung Quốc, đẩy kinh tế Mỹ đi vào suy thoái và kinh tế thế giới đi vào suy thoái. Chắc chắn vậy,” ông Lộc nói.






No comments:

Post a Comment

View My Stats