Saturday 24 August 2019

TẠI HỘI NGHỊ G7, TRUMP CHẠM TRÁN VỚI GIỚI HẠN CỦA LẬP TRƯỜNG "ĐỨNG MỘT MÌNH" (Zeke Miller, Darlene Superville và Jill Colvin)




Zeke Miller, Darlene Superville và Jill Colvin
DCVOnline dịch
Posted on August 24, 2019 by editor

BIARRITZ, Pháp (AP) – Tổng thống Donald Trump đã đến Pháp hôm thứ Bẩy để dự hội nghị quốc tế với những vị lãnh đạo của các cường quốc kinh tế toàn cầu khi ông chạm trán với hậu quả của việc ông muốn “đi một mình”, cả ở một nước Mỹ đang chia rẽ và một thế giới nối liền.

Những người chống G7 mang hình ảnh của những nhan vật lãnh đạo G7 trong một cuộc biểu tình ở Hendaye, Pháp, Thứ Bảy, ngày 24 tháng 8 năm 2019. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và những người lãnh đạo của Anh, Đức, Nhật Bản, Canada và Ý tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm năm nay tổ chức tại thị trấn nghỉ mát Biarritz gần đó. Nguồn ảnh AP/Emilio Morenatti.

Cuộc họp của Nhóm Bẩy quốc gia – Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ – tại thị trấn nghỉ mát Biarritz diễn ra tại một trong những thời điểm khó đoán nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của Trump, với những bình luận công khai và ra quyết định ngày càng thất thường và gay gắt trong những ngày gần đây.

Trump, ngày càng bị cô lập ở Washington, đang đương đầu với sự tiếp đón lạnh lùng trên trường thế giới, và một danh sách những thách thức trước mặt. Lo lắng gia tăng vì sự suy giảm toàn cầu có thể xẩy ra, và có những điểm căng thẳng mới với đồng minh về thương mại, Iran và Nga.

Nỗi lo về một cuộc suy thoái tài chính đang lan rộng, có nghĩa là nhu cầu hợp tác và phản ứng chung là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, Trump đã chế giễu chính sách kinh tế của Đức vào thời điểm mà ông có thể phải quay sang Thủ tướng Angela Merkel và những người khác để yêu cầu họ giúp giảm bớt áp lực của Hoa lục đối với thuế nhập cảng mới áp đặt trên hàng hóa của Hoa Kỳ. Những hình phạt thương mại đó, kết hợp với suy thoái kinh tế, đã đưa ra những báo động chính trị trong nỗ lực tái tranh cử của Trump.

Trong một mục mới xếp vào lịch trình sau này, Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngồi đối diện nhau tại một chiếc bàn nhỏ để ăn trưa bên ngoài khách sạn Hotel du Palais sang trọng trước khi bắt đầu hội nghị chính thức. Vài giờ trước đó, Trump đe dọa sẽ đánh thuế nhập cảng rượu vang Pháp vào Mỹ để trả đũa thuế dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ [nhắm vào Amazon và Google] tại  Pháp, khiến một nhà lãnh đạo châu Âu hứa Liên minh châu Âu sẽ có phản ứng chung nếu Hoa Kỳ thực  hiện lời đe dọa. Macron kêu gọi chấm dứt các cuộc chiến thương mại mà ông nói đang “nổi lên ở khắp mọi nơi”.

Macron, chủ nhà hội nghị thượng đỉnh, cho biết hai người đang thảo luận về “rất nhiều cuộc khủng hoảng” trên toàn thế giới, gồm cả Libya, Iran và Nga, cũng như chính sách thương mại và biến đổi khí hậu.

Trump khăng khăng rằng mặc dù có căng thẳng, nhưng ông và Macron “thực sự có nhiều điểm giống nhau” và một “mối quan hệ đặc biệt”. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ đạt rất nhiều kết quả vào cuối tuần này và tôi chờ thấy như vậy.”

Trước khi rời Washington, Trump đã tuyên bố những doanh nghiệp Hoa Kỳ có giao dịch ở Trung Hoa “được lệnh” phải bắt đầu dọn về Mỹ. Không có lời giải thích nào tức thời cho biết về những gì ông ta mong đợi hoặc với quyền lực nào ông ta có để làm cho nó trở thành sự thật. Ông cũng áp đặt mức thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu của Trung Hoa. Trump nói,

“Thuế nhập cảng đang đem lại kết quả rất tốt cho chúng ta. Người dân chưa hiểu điều đó.”
Donald Trump

Trước đó, ông đã coi thường sự sụt giảm mạnh trên thị trường tài chính là phản ứng đối với những quyết định và hành động thương mại mới nhất của ông. Với dòng tweet nửa đùa nửa thật, ông dự đoán rằng sự sụt giảm chỉ số thị trường chứng khoán có thể là hậu quả của việc bỏ cuộc của một ứng cử viên cấp thấp trong cuộc chạy đua để được đề cử làm ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ.

Trong những ngày gần đây, Trump đã gửi những tín hiệu lộn xộn về một số chính sách. Co lúc, ông đã chuyển sang hạ nhiệt của cuộc xung đột thương mại với Trung Hoa để giảm bớt tác động xấu cho người tiêu thụ Mỹ trong mùa mua sắm cuối năm. Mặt khác, ông đã lật lại nhu cầu cắt giảm thuế để kích thích một nền kinh tế mà Trump công khai khẳng định đang nhẩy vọt.

Những phụ tá của Trump cho hay điều khiến Trump lo lắng là ông ấy nhận thấy rằng nền kinh tế – một trụ cột vững chắc trong chương trình vận động cho nhiệm kỳ thứ hai – đang bất ổn là không thể phủ nhận được.

Bây giờ, vị tổng thống từ lâu đã tránh chủ nghĩa đa phương, hy vọng sẽ dùng thời gian ở Biarritz để tập hợp giới lãnh đạo toàn cầu quanh nhu cầu phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông đã bố trí để có sự thay đổi giờ chót cho chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh, yêu cầu có một phiên làm việc về các vấn đề kinh tế toàn cầu.

Đối với giới lãnh đạo thế giới, đó là ví dụ mới nhất về sự bất nhất khó lường của Trump. Sau hai năm rưỡi Trump làm tổng thống Mỹ, các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ đã quen mong đợi điều không trông đợi. Càng ngày họ càng tìm sự lãnh đạo ở nơi khác.

Jon Alterman, phó chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết,

“Họ đã tìm ra cách đối phó với vị tổng thống này. Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta sẽ thấy trong hội nghị thượng đỉnh này, một mặt là nỗ lực của các nước và giới lãnh đạo để liên minh với tổng thống Mỹ, nhưng họ cũng hiểu rằng chúng ta sẽ phải làm nhiều hơn không cần có tổng thống Mỹ.”
Jon Alterman

Trump đến Hội nghị bằng Air Force One sau khi phải đổi máy bay ở Bordeaux, vì đường băng ngắn hơn ở phi trường Biarritz. Đoàn xe của ông đi qua những con đường có rào chắn trên đường đến địa điểm của Hội nghị Thượng đỉnh được bảo vệ nghiêm ngặt, trong khi một số dân chúng hiếu kỳ nhìn xem từ cửa sổ trên cao.

Hội nghị thượng đỉnh G7 hàng năm trong lịch sử đã được dùng để làm nổi bật những điểm chung giữa các nền dân chủ hàng đầu thế giới. Nhưng trong một nỗ lực để làm việc quanh sự bốc đồng của Trump, Macron đã tránh kế hoạch có một tuyên bố chung chính thức cho hội nghị này.

Hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, do Thủ tướng Canada Justin Trudeau chủ trì, đã kết thúc trong sự bất hòa khi Trump cảm thấy bị Trudeau xem nhẹ sau khi tổng thống rời cuộc họp.
Trump đã tweet những lời lăng mạ Trudeau từ chiếc Air Force One khi ông bay tới hội nghị thượng đỉnh với Kim Jong Un tại Bắc Hàn. Trump đã rút chữ ký của mình khỏi tuyên bố trên nguyên tắc mà cả bẩy quốc gia đã đồng ý.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên Trump tham dự vào năm 2017, Sự mạnh mẽ chống lại chương trình biến đổi khí hậu của Trump đã làm náo loạn cuộc họp ở Ý.

Trump đã nói rõ ưu tiên “Mỹ trước hết” của ông khi có cơ hội.

Trong một cuộc tụ tập  vận động tranh cử gần đây ở New Hampshire, đám đông đã ồ lên tán thành khi Trump nói:

“Tôi là Tổng thống Hoa Kỳ. Tôi không phải là Tổng thống của thế giới.”
Donald Trump

Giải quyết tình trạng suy thoái toàn cầu không phải là một thách thức cấp bách duy nhất mà Trump thấy rằng cường quốc thế giới phải có hành động chung [chứ không ai có thể “đứng một mình”].

Trong hơn một năm, chính quyền của ông đã cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu nhận lại các chiến binh bị bắt từ nhóm Nhà nước Hồi giáo. Cho đến nay, không ai nghe những lời yêu cầu của ông.

Đa số những cuộc thảo luận sẽ diễn ra sau cánh cửa đóng kín, trong không gian thân mật để những nhân vật lãnh đạo của G7 có thế phát triển mối quan hệ cá nhân với nhau.

Những phụ tá của Trump cho biết, ông đã chờ được gặp Thủ tướng mới của Anh Quốc, Boris Johnson, nhân vật lãnh đạo ủng hộ Brexit, người Trump đã ủng hộ. Trump đã lên lịch các cuộc họp cá nhân với một số đối tác của mình gồm có Macron, Trudeau, Merkel, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Cảnh sát Tây Ban Nha và Pháp đứng gác tại biên giới giữa Hendaye và Irun để theo dõi những người biểu tình chống lại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Pháp gần đó, 23 tháng 8 năm 2019. (Ảnh AP/ Emilio Morenatti)

Các chủ đề khác trong chương trình nghị sự sẽ là cuộc đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong; Chương trình hạt nhân mới của Iran và can thiệp vào việc vận chuyển ở eo biển Hormuz; và các tù nhân Nhà nước Hồi giáo hiện đang bị lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở Syria giam giữ.

Trump ngày càng lo sợ về tiềm năng kinh tế chậm lại, làm giảm cơ hội tái đắc cử năm 2020, Trump dự định sẽ làm áp lực với những người lãnh đạo G7 về những gì có thể làm để thúc đẩy tăng trưởng linh tế Mỹ ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài, cũng như mở các thị trường châu Âu, Nhật Bản và Canada cho các công ty và  xưởng sản  xuất Mỹ. Trump đã áp đặt hoặc đe dọa áp đặt thuế nhập cảng ở cả ba thị trường trong việc theo đuổi thương mại tự do, công bằng và đối xứng.

Không rõ những bước thực chất nào giới lãnh đạo G7 có thể thực hiện để giải quyết tình trạng suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, và phần lớn cuộc thảo luận đó bị những bất đồng về chính sách thương mại của Trump chi phối.
___

Colvin đưa tin từ Washington.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

Nguồn: At global summit, Trump facing limits of go-it-alone stance | Zeke Miller, Darlene Superville and Jill Colvin | AP | August 24, 2019.




No comments:

Post a Comment

View My Stats