Mai
V. Phạm dịch
27/08/2019
Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
năm 2008, chủ yếu là kết quả của cú sốc lớn về tổng cầu (1), thì cuộc suy thoái
sắp tới có thể xảy ra do những cú sốc dài hạn về nguồn cung bất lợi đến từ cuộc
chiến thương mại và công nghệ Trung-Mỹ. Và nỗ lực để xóa bỏ các thiệt hại của
cuộc khủng hoảng thông qua các gói kích thích tài chính và tiền tệ liên tiếp sẽ
không phải là một lựa chọn.
*
NEW YORK – Có 3 cú sốc nguồn cung bất lợi (2) có
thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2020. Ba cú sốc này đều liên
quan đến các yếu tố chính trị, ảnh hưởng bởi các quan hệ quốc tế, mà hai nước
Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò trung tâm. Nhiều hơn, không cú sốc nào dễ bị ảnh
hưởng bởi các công cụ truyền thống của chính sách kinh tế vĩ mô ngược chu kỳ.
Cú sốc có khả
năng xảy ra đầu tiên bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại và tiền tệ Trung-Mỹ, đã leo
thang hồi đầu tháng này khi chính quyền Donald Trump đe dọa áp thêm thuế đối với
hàng xuất khẩu của Trung Quốc, và chính thức gán mác “thao túng tiền tệ” cho
Trung Quốc.
Cú sốc thứ
hai liên quan đến cuộc chiến tranh lạnh đang âm ỉ diễn
ra giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ. Trong một cuộc cạnh tranh có tất cả các
đặc điểm của “bẫy Thucydides” (3), Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh để
thống trị các ngành công nghiệp trong tương lai: trí tuệ nhân tạo
(Artificial Intelligence), robot, 5G, v.v…
Trước đây, Mỹ đã đưa tập đoàn viễn thông khổng lồ
Huawei của Trung Quốc vào “danh sách đen” – gồm các công ty nước ngoài được coi
là gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia. Mặc dù Huawei đã được Mỹ miễn trừ tạm thời,
cho phép họ tiếp tục được sử dụng các bộ phận công nghệ của Hoa Kỳ, nhưng mới
đây Bộ Thương mại Mỹ vừa tuyên bố sẽ bổ sung thêm 46 chi nhánh của
Huawei vào “danh sách đen”.
Cú sốc rủi ro
thứ ba liên quan đến nguồn cung cấp dầu mỏ. Mặc dù giá dầu
đã giảm trong những tuần gần đây cũng như một cuộc suy thoái kinh tế gây ra bởi
cuộc chiến thương mại, tiền tệ và công nghệ sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng và đẩy
giá dầu xuống thấp hơn, nhưng một cuộc đối đầu của Mỹ với Iran có thể
có tác động ngược lại. Nếu cuộc xung đột đó leo thang thành một cuộc xung đột
quân sự, giá dầu toàn cầu có thể tăng đột biến và dẫn đến suy thoái, như đã xảy
ra trong các cuộc xung đột ở Trung Đông trước đó vào năm 1973, 1979 và 1990.
Tất cả ba cú sốc tiềm tàng này sẽ có thể gây ra trạng
thái kinh tế trì trệ đi kèm với tỷ lệ lạm phát cao (stagflationary), làm
tăng giá hàng tiêu dùng nhập khẩu, hàng hóa đầu vào trung gian, linh kiện công
nghệ và năng lượng, đồng thời giảm sản lượng bằng cách phá vỡ chuỗi cung ứng
toàn cầu. Nghiêm trọng hơn, cuộc xung đột Trung-Mỹ đã thúc đẩy quá
trình mất cân bằng rộng lớn hơn, bởi vì các quốc gia và các công ty không
còn có thể tin tưởng vào sự ổn định lâu dài của các chuỗi giá trị tích hợp này. Khi
thương mại hàng hóa, dịch vụ, nguồn vốn, lao động, thông tin, dữ liệu và công
nghệ ngày càng trở nên khó khăn, chi phí sản xuất toàn cầu sẽ tăng lên
trong tất cả các ngành công nghiệp.
Hơn nữa, cuộc chiến thương mại và tiền tệ và sự cạnh
tranh về công nghệ sẽ khiến các xung đột gia tăng. Chẳng hạn như trường hợp của
Huawei, hiện là tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về thiết bị 5G. Công nghệ
5G sẽ sớm trở thành hình thức kết nối tiêu chuẩn cho hầu hết các cơ sở hạ tầng
dân sự và quân sự quan trọng, chưa kể các mặt hàng tiêu dùng cơ bản được kết nối
thông qua mạng lưới rất phổ biến ‘Internet of Things’. Sự hiện diện của chip 5G
ám chỉ rằng, mọi thứ từ máy nướng bánh mì đến máy pha cà phê đều có thể trở
thành một thiết bị nghe lén. Điều này có nghĩa là nếu Huawei được coi là mối đe
dọa an ninh quốc gia, thì hàng ngàn mặt hàng xuất khẩu tiêu dùng của Trung Quốc
cũng có thể là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Thật dễ dàng để hình dung tình thế hiện tại có thể dẫn
đến một sự bùng nổ toàn diện của hệ thống thương mại toàn cầu mở. Câu hỏi đặt
ra sau đó là, liệu các nhà hoạch định chính sách tài chính và tiền tệ có chuẩn
bị cho một cú sốc nguồn cung bất lợi kéo dài – hoặc thậm chí vĩnh viễn – hay
không.
Sau những cú sốc của tình trạng kinh tế trì trệ, kèm
với lạm phát cao trong thập niên 1970, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã
đối phó bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ngày
nay, các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã theo
đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ, bởi vì lạm phát và dự đoán lạm phát vẫn
còn thấp. Bất kỳ áp lực lạm phát nào từ cú sốc về dầu mỏ sẽ được các ngân hàng
trung ương xem như là một hiệu ứng giá cả, chứ không phải là sự gia tăng liên tục
của lạm phát.
Theo thời gian, các cú sốc nguồn cung bất lợi cũng
có xu hướng trở thành các cú sốc nguồn cầu tạm thời, làm suy giảm tăng trưởng
và lạm phát, bằng cách giảm tiêu thụ và giảm chi tiêu đầu tư. Thực tế, trong điều
kiện hiện tại, chi tiêu đầu tư của Mỹ và các tập đoàn toàn cầu đang bị
suy giảm nghiêm trọng, do những hoang mang bất ổn về khả năng, mức độ nghiêm trọng,
và sự tồn tại của 3 cú sốc bất lợi có thể xảy ra.
Trên thực tế, đối với các công ty ở Mỹ, châu Âu,
Trung Quốc, và các khu vực khác ở châu Á đã, và đang kiểm soát chi tiêu đầu tư,
thì công nghệ toàn cầu, ngành sản xuất, và ngành công nghiệp đã đang trong tình
trạng suy thoái. Lý do duy nhất tại sao điều đó chưa chuyển thành suy thoái
toàn cầu là do tiêu dùng cá nhân vẫn còn mạnh. Nếu giá cả hàng hóa
nhập khẩu tăng cao hơn do bất kỳ cú sốc nguồn cung nào, thì tăng trưởng thu nhập
thực tế của hộ gia đình (được điều chỉnh theo lạm phát) sẽ bị ảnh hưởng, khiến niềm
tin của người tiêu dùng cũng suy yếu theo, và có thể khiến nền kinh
tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Với cú sốc tổng cầu bất lợi có thể xảy ra trong ngắn
hạn, các ngân hàng trung ương đúng khi giảm lãi suất. Nhưng các nhà hoạch định
chính sách tài khóa cũng nên chuẩn bị một giải pháp ngắn hạn tương tự. Một sự sụt
giảm mạnh về tăng trưởng và tổng cầu sẽ là tín hiệu mời gọi nới lỏng chính sách
tài khóa ngược chu kỳ, nhằm giảm bớt hệ quả nghiêm trọng của suy thoái toàn cầu.
Tuy nhiên, về mặt trung hạn, giải pháp tối ưu là điều
chỉnh các cú sốc nguồn cung bất lợi, mà không cần bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Suy cho cùng, những cú sốc nguồn cung bất lợi từ cuộc chiến thương mại và công
nghệ sẽ ít nhiều cố định, cũng giống như sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng tiềm
năng. Điều này cũng áp dụng với Brexit: việc rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ khiến
Vương quốc Anh gặp khó khăn hơn với nguồn cung bất lợi trong khoảng thời gian
dài, và do đó sẽ hoàn toàn làm giảm tăng trưởng tiềm năng.
Những cú sốc như thế không thể được đảo ngược bằng
các chính sách tiền tệ hoặc tài chính. Mặc dù chúng có thể được kiểm soát trong
thời gian ngắn, nhưng các nỗ lực dàn xếp các cú sốc về lâu dài sẽ dẫn đến lạm
phát và các lạm phát dự đoán tăng cao so với mục tiêu của các ngân hàng trung
ương. Trong thập niên 1970, các ngân hàng trung ương tìm cách dàn xếp 2 cú sốc
lớn về dầu mỏ. Kết quả là lạm phát và dự đoán lạm phát gia tăng liên tục, thâm
hụt tài khóa vượt quá mức và sự gia tăng nợ công.
Cuối cùng, có một sự khác biệt quan trọng giữa
cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và những cú sốc nguồn cung bất lợi
có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu sắp tới. Cuộc khủng hoảng
tài chính toàn cầu năm 2008 chủ yếu là một cú sốc tổng cầu lớn làm suy
giảm tăng trưởng và lạm phát, và nó đã được giải quyết hợp lý bằng gói kích
thích tài chính và tiền tệ. Nhưng lần này, thế giới sẽ phải đối mặt với những
cú sốc nguồn cung bất lợi kéo dài, đòi hỏi một loại giải pháp chính sách khác
biệt trong trung hạn. Nỗi lực để xóa bỏ các thiệt hại của cuộc khủng hoảng
thông qua các gói kích thích tài chính và tiền tệ liên tiếp sẽ không phải là một
lựa chọn hợp lý.
_____
Tác
giả: Nouriel Roubini là giáo sư khoa kinh tế tại
New York University và Giám đốc điều hành của Roubini Macro Associates, đồng thời
là chuyên gia kinh tế cấp cao về các vấn đề quốc tế trong Hội đồng Cố vấn kinh
tế của Nhà Trắng thời Tổng thống Clinton. Ông đã làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc
tế (International Monetary Fund), Cục Dự trữ Liên bang (U S Federal Reserve) và
Ngân hàng Thế giới (World Bank).
*
Chú
thích của người dịch:
(1) Tổng cầu (Aggregate Demand) là tổng sản lượng hàng hóa
và dịch vụ mà người tiêu dùng, doanh nghiệp, chính phủ và người nước ngoài sẵn
lòng và có khả năng mua tại các mức giá khác nhau.
(2) Cú sốc nguồn cung bất lợi (negative supply shocks) sẽ làm cho số lượng hàng hóa bị giảm
đột ngột và giá cả tăng nhanh chóng. Một ví dụ là các thảm họa thiên nhiên hoặc
các sự kiện không dự đoán trước thường sẽ làm gián đoạn quá trình sản xuất và/
hoặc chuỗi cung ứng của hàng loạt sản phẩm. Chẳng hạn như năm 1979, cuộc Cách mạng
Iran nhằm lật đổ chính quyền quân chủ của Shah, đã khiến giá dầu tăng lên ngất
ngưỡng do nỗi sợ hãi của thị trường, cộng thêm việc Mỹ ngừng nhập khẩu dầu từ
Iran. Chỉ trong vòng 12 tháng, mỗi thùng dầu nhảy vọt từ 15,85 lên 39,5 Mỹ kim.
Và đây cũng chính là tiền đề cho cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ bắt đầu từ tháng 1/1980 đến
tháng 11/1982.
Ngược lại, cú sốc nguồn cung có lợi (positive supply
shock) thường xuất hiện thông qua các phát triển công nghệ thần kỳ, giúp nâng
cao năng suất lao động và thu hồi vốn nhanh chóng. Những phát triển công nghệ
này làm cho số lượng hàng hóa tăng và giá thành giảm.
(3) Bẫy Thucydides (Thucydides Trap) là khái niệm được
giáo sư ngành khoa học chính trị Graham Allison đặt ra để diễn tả những mối
nguy hiểm trong thời kỳ mà một cường quốc lâu năm bị đe dọa và thách thức bởi một
quyền lực mới nổi. Khái niệm này được dựa trên những quan sát của sử gia
Thucydides sống ở thời Hy Lạp Cổ đại, mô tả về cuộc chiến giữa thành Sparta và
thành Athens vào thế kỷ 5 TCN.
Bình Luận từ Facebook
No comments:
Post a Comment