Monday, 26 August 2019

'MỸ KHÔNG MUỐN EXXONMOBIL BỊ TRUNG QUỐC HĂM DỌA' SAU BÃI TƯ CHÍNH (VOA Tiếng Việt)




26/08/2019

Bộ Ngoại giao Mỹ đã lần thứ hai lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành xử ở Biển Đông với lời lẽ đanh thép hơn và theo nhận định của một chuyên gia ở Washington, Mỹ muốn gửi đi một thông điệp tới Việt Nam và ExxonMobil rằng Hoa Kỳ sẽ không để Bắc Kinh “hăm dọa” công ty dầu khí của họ tại mỏ Cá Voi Xanh.

Mô hình dàn khoan dầu khí mỏ Cá Voi Xanh. Một chuyên gia ở Washington nói Mỹ không muốn ExxonMobil bị Trung Quốc hăm dọa tiếp theo những gì Bắc Kinh đang làm Bãi Tư Chính. (Ảnh chụp màn hình video giới thiệu dự án Cá Voi Xanh của ExxonMobil)

Nói trong tuyên bố ra hôm 22/8, Mỹ “quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí lâu nay của Việt Nam trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố là Vùng đặc quyền kinh tế.”

Đây là lần thứ 2 Mỹ lên tiếng về hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông kể từ khi Bắc Kinh đưa tàu thăm dò địa chấn Hải Dương 8 vào khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền và gây ra vụ đối đầu giữa các tàu hải cảnh của hai bên trong gần 2 tháng qua.

Vị trí mỏ Cá Voi Xanh tại Lô 118 ở quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình video giới thiệu dự án Cá Voi Xanh của ExxonMobil)

Trong đoạn văn cuối cùng của thông cáo lần thứ 2, Bộ Ngoại giao Mỹ đặc biệt nhấn mạnh đến việc “các công ty của Mỹ là những công ty hàng đầu thế giới trong việc khai thác và thăm dò các nguồn hydrocarbon, kể cả ở ngoài khơi và tại Biển Đông” và rằng Mỹ “mạnh mẽ phản đối bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hay cưỡng chế các quốc gia đối tác phải rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ.”

Mỹ trước đó, trong thông cáo lần đầu tiên ra ngày 20/7 ngay sau khi Hà Nội cáo buộc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc “xâm phạm chủ quyền Việt Nam,” đã lên tiếng về ngôn từ của Trung Quốc trong bộ quy tắc ứng xử với ASEAN trong đó Bắc Kinh tìm cách hạn chế quyền của các công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty của Mỹ.

Ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, nói với VOA rằng với một tuyên bố mạnh mẽ hơn lần trước, “Mỹ đặc biệt đang tìm cách gửi đi một thông điệp tới Việt Nam và Exxon rằng Mỹ quan tâm đến sự việc đang xảy ra này.”

ExxonMobil, tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ, hiện đang liên doanh với Việt Nam trong dự án Cá Voi Xanh trị giá 10 tỷ USD được chính thức công bố hồi tháng 11/2017 tại thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng.

“Mỹ không muốn thấy Exxon trở thành nạn nhân bị Trung Quốc đe dọa bởi vì sau lô của Rosneft hiện đang bị Trung Quốc quấy nhiễu ngoài khơi biển phía nam Việt Nam, dự án dầu khí lớn nhất tiếp theo của Việt Nam là dự án Cá Voi Xanh mà Exxon Mobil có ở ngoài khơi bờ biển phía bắc (Việt Nam),” ông Poling nói.

Mỏ Cá Voi Xanh nằm trong Lô 118 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Tuy nhiên, với đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương đưa ra, thì Lô 118 cũng nằm trong khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Ông Gary Sands, một nhà nghiên cứu cao cấp của Wikistrat, viết trên The Diplomat rằng vị trí hoạt động khoan dầu mà Exxon báo cáo trên thực tế không nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn mà Bắc Kinh tuyên bố nhưng ở lưu vực mà Trung Quốc thăm dò năm 2014 với giàn khoan Hải Dương 981. Hoạt động của giàn khoan này tại khu vực biển đầy tranh chấp đã làm bùng lên các cuộc biểu tình ở Việt Nam trong thời gian đó.

Sức ép của Bắc Kinh

Trong vòng chưa đầy 1 năm từ 2017 đến 2018, Việt Nam được cho là đã phải hủy hai dự án khai thác dầu khí ngoài khơi với đối tác Repsol của Tây Ban Nha do sức ép từ Bắc Kinh.

Với việc đưa tàu Hải Dương 8 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 3/7, Trung Quốc “quyết tâm ngăn chặn Việt Nam khai thác tài nguyên dưới đáy biển", sau khi Hà Nội “cho phép công ty dầu khí Nga Rosneft thuê giàn khoan dầu của Nhật là Hakuryu 5 để khoan thăm dò vùng biển nằm ở phía Tây của Bãi Tư Chính,” theo ông Ryan Martinson, chuyên gia nghiên cứu về hải quân Trung Quốc của Trường Hải chiến Hoa Kỳ.


Các hành động của Trung Quốc từ năm 2017 cho thấy họ đã trở nên “hung hăng hơn trong việc thách thức tất cả các hoạt động khai thác dầu của Việt Nam trong vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính,” theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales trong bản tin phân tích trính trị và các vấn đề an ninh khu vực ra ngày 17/8.

“Không rõ quan điểm của Trung Quốc đối với Exxon thế nào nhưng một điều rõ ràng là Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận việc khoan dầu trong cái mà họ coi là vùng biển có tranh chấp,” nhà nghiên cứu Poling của CSIS nói.

Theo ông Poling, “lô của Exxon nằm trong vùng 200 hải lý của (Việt Nam) trong quần đảo Hoàng Sa và do đó Trung Quốc có thể hoàn toàn tuyên bố nó thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ ở Hoàng Sa.”

Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 45 năm, theo truyền thông trong nước.

Nhà nghiên cứu của CSIS nhận định rằng Trung Quốc “đã luôn nhập nhằng về Exxon” và liệu Trung Quốc có “gây ra vấn đề lớn với Exxon hay không sẽ là một quyết định chính trị. Nó hoàn toàn phụ thuộc và việc họ cảm thấy thế nào với Việt Nam và họ cảm thấy thế nào với phía Mỹ.”

Tuy nhiên, ông Poling cho rằng Mỹ sẽ không dùng lực lượng quân sự để bảo vệ Việt Nam nếu xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc trong bối cảnh vụ đối đầu tại Bãi Tư Chính ngày càng leo thang.

“Nhưng Mỹ sẽ tìm cách để làm mọi thứ có thể để đánh động thế giới về những gì Trung Quốc đang làm bởi vì Trung Quốc càng trông như là một kẻ bắt nạt không được thừa nhận thì cái giá mà Trung Quốc phải trả cho hành vi của họ càng đắt,” ông Poling nói.

Giáo sư Thayer cũng từng nhận định với VOA rằng Mỹ sẽ không đơn phương bảo vệ Việt Nam chống lại Trung Quốc ở Biển Đông vì Việt Nam không phải là một đồng minh cũng như không phải là một đối tác chiến lược của Mỹ.

Mặc dù vậy, Mỹ vẫn là nước duy nhất cho tới lúc này chỉ tên thẳng Trung Quốc trong vụ tranh chấp tại Bãi Tư Chính nhưng theo ông Poling, việc chỉ có Mỹ lên tiếng thôi thì chưa đủ.
“Vấn đề lớn hơn của Việt Nam là làm thế nào để có được sự ủng hộ của các quốc gia châu Âu, Úc, Nhật và các thành viên ASEAN,” nhà nghiên cứu của CSIS nói. “Không ai trong số họ nói một lời nào về sự quấy rối của Trung Quốc trong gần hai tháng qua.”


Cách đây vài tuần, Việt Nam đã tìm cách đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị của ASEAN tại Bangkok nhưng không nhận được nhiều ủng hộ từ khối này. Ủy ban châu Âu lên tiếng khẳng định quan điểm của EU ủng hộ “đảm bảo tự do hàng hải, hàng không vì lợi ích của các nước, các bên cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế” đầu tháng 8 nhưng không đề cập đến Trung Quốc. Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng chỉ bày tỏ “quan ngại về các diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông” khi gặp mặt lãnh đạo Việt Nam vào tuần trước.

Ngoài việc tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế, một trong những giải pháp để giúp Việt Nam chống lại sự “bắt nạn” của Trung Quốc về lâu dài là kiện Bắc Kinh ra tòa quốc tế như các chuyên gia Mỹ đề xuất qua các cuộc phỏng vấn với VOA. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về việc liệu Hà Nội có xem xét tiến hành hành động pháp lý chống lại Trung Quốc hay không.

VIDEO :





No comments:

Post a Comment

View My Stats