29/08/2019
Trần Trọng Kim (1883 – 1953)
Lịch sử không có chữ NẾU. Nhưng, đôi khi tôi vẫn cứ
không cầm lòng được, suy nghĩ vẩn vơ, Việt Nam sẽ ra sao, nếu từ tháng 8-1945 vẫn
là “Chính phủ Trần Trọng Kim”…
Trước đây chưa lâu, trên trang Dân Luận có
một bài viết ngắn nhưng rất súc tích của tác giả Mạnh Kim. Xin được
ghi lại đôi dòng:
“Lại thêm một quyển sử bị cấm phát hành. Lần này
là ‘Một cơn gió bụi’ của học giả Trần Trọng Kim. Không chỉ là ‘một cơn gió bụi’,
hồi ký của Lệ Thần Trần Trọng Kim, một tượng đài văn hóa Việt Nam thế kỷ 20, thật
ra là một ‘cơn bão’ xét dưới góc độ kiểm duyệt hiện hành. Nó tiết lộ các chi tiết
về ‘một góc đời thường’ Hồ Chí Minh, về vai trò rất ít được biết của Võ Nguyên
Giáp, về những ngày tranh giành quyền lực và triệt hạ nhau giữa Việt Minh với
các đảng phái đối thủ mà Việt Minh có khi không ngần ngại dùng ‘mền trùm đầu rồi
bắt đi mất tích’. Việt Minh, theo miêu tả trong ‘Một cơn gió bụi’, là tổ chức
có thủ đoạn chính trị quỷ quyệt bậc nhất giai đoạn lịch sử thập niên 1940.”
Cùng lúc, nhà báo Huy Đức cũng
có góp đôi lời (nhỏ nhẹ) về sự kiện này:
Lý do chính để Cục xuất bản ra lệnh thu hồi Một Cơn
Gió Bụi của học giả Trần Trọng Kim là vì “cuốn sách có nhiều chi tiết, đánh giá
không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng”. Một cơn gió bụi (Kiến
văn lục) là cuốn hồi ký của học giả Trần Trọng Kim (1882-1953), từng được NXB
Vĩnh Sơn phát hành năm 1969. Đầu năm 2017 sách được NXB Hội nhà văn và Phương
Nam Books phát hành.
Sự thật lịch sử là một khối đa diện, không ai có thể
tiếp cận hết mọi tiết diện. Nếu sách có những chi tiết “không phù hợp, không
khách quan hoặc chưa được kiểm chứng” thì hãy để các nhà sử học khác kiểm chứng,
chỉ ra cái sai. Điều quan trọng là những gì cụ Trần Trọng Kim viết trong Một
Cơn Gió Bụi đã phải là sự thật hay chưa. Nếu đã là sự thật thì nó luôn phù hợp ở
mọi thời đại, chế độ nào thấy một sự thật không phù hợp với mình thì chế độ đó…
không phù hợp với thời đại nào của loài người cả.
PS: Tôi cực lực phê phán việc biên tập sách nhưng
tôi cũng khuyến cáo Cục Xuất bản rằng, lệnh cấm này sẽ khiến người đọc trẻ tìm
tới bản in không bị kiểm duyệt của NXB Vĩnh Sơn, bản in mà trong đó có nhiều đoạn
rất nhạy cảm đã bị NXB Hội Nhà Văn biên tập.
Ví dụ: Trang 75 bản Vĩnh Sơn 1969 có đoạn “Trong số
22 người ấy có một nữ đảng viên tên Đỗ Thị Lạc là người sau này có đứa con gái
với Hồ Chí Minh. Về sau người ta nói khi về đến địa hạt Bắc Giang, có ba đảng
viên trong 22 người ấy bị giết vì không chịu theo cộng sản”. Đoạn này đã bị cắt
ở bản Phương Nam in 2017 (trang 80).
So với cái tâm, và cái tầm, của nhà xuất
bản thì chuyện “cắt xén” vụn vặt kể trên không có chi đáng để phàn
nàn; bởi ngoài hai ấn bản thượng dẫn, còn có bản in năm 2015 – do
tuần báo Sống phát hành từ California – và hàng chục trang
mạng với đường dẫn đến nguyên bản của tác phẩm này. Bức màn sắt
đã rớt xuống từ lâu. Đâu có chuyện chi mà dấu được hoài bên trong đó
nữa!
Các bìa sách ‘Một Cơn Gió Bụi’
Wikipedia tiếng
Việt, giọng Hà Nội, có ghi lại những câu sau:
– Chính phủ Trần Trọng Kim thường được Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa mô tả trong các tài liệu nghiên cứu chuyên môn
trước và sau năm 1975, một cách trực tiếp hay gián tiếp, là bù nhìn của Nhật.
– Việc đưa Trần Trọng Kim đứng ra lập nội các cho Bảo
Đại trước sau đều do người Nhật đạo diễn để dẫn dụ ông, chứ bản thân ông tự ý
thức bản thân mình bất lực, họ trao quyền cũng chỉ để biến ông thành bù nhìn.
Cái thời độc quyền thông tin đã qua nên cùng
với “các tài liệu nghiên cứu chuyên môn” của nhà nước Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hoà, còn có không ít ghi nhận của những vị thức giả khả tín.
Xin đơn cử một vài để rộng đường dư luận:
“Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nội các, bên
cạnh công tác khẩn cấp cứu trợ nạn đói ở miền Bắc đã làm ngót hai triệu người
thiệt mạng, Chính phủ Trần Trọng Kim đã ấn định một chương trình sáu điểm:
1. Chuyển giao tất cả các cơ sở hành chánh cho các viên chức Việt Nam.
2. Thâu hồi đất Nam kỳ và các nhượng địa đã dành cho Pháp.
3. Ân xá toàn thể các phạm nhân chính trị.
4. Cho phép thành lập các đảng phái chính trị.
5. Miễn thuế cho công chức, thợ thuyền và dân nghèo.
6. Thiết lập các Uỷ ban Tư vấn Quốc gia để soạn thảo Hiến pháp và nghiên cứu
cải tổ chính trị, hành chánh và giáo dục [7].
7.
Chỉ trong thời gian ngắn ngủi bốn tháng (17.4-16.8)
Chính phủ Kim đã thực hiện được gần hết chương trình này.”
“Về
phần Nội các Trần Trọng Kim, mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian chưa đầy
4 tháng (từ 17.4 đến 7.8.1945, nếu tính đến 23.8.1945 khi quyết định xong Chiếu
thoái vị thì được 4 tháng 6 ngày, tổng cộng 126 ngày, tương đương 1/3 năm) và
làm việc trong những điều kiện vô cùng khó khăn, nhất là khi vẫn bị quân đội Nhật
kiềm chế mọi mặt, Nội các đã tỏ ra năng nổ, nhiều thiện chí và cũng đã làm được
một số việc đầy ý nghĩa, đáng ghi nhận:
– Tháng 6 năm 1945, đặt quốc hiệu là Đế
quốc Việt Nam (bỏ tên Đại Nam, Annam); tạm duy trì bài quốc thiều “Đăng đàn
cung“; đổi mới quốc kỳ, thay cờ Long tinh bằng cờ quẻ Ly có nền vàng hình
chữ nhật, giữa có hình quẻ Ly màu đỏ thẫm.
– Bộ Tiếp tế tập trung cao độ lo việc cứu đói nhưng
kết quả rất hạn chế vì phương tiện, nhân lực đều do quân Nhật nắm giữ và nhất
là giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển từ Nam ra Bắc đều bị quân
Đồng minh cắt đứt.
– Thanh trừng quan tham lại nhũng với kết quả hạn chế,
vì thời gian ít và điều kiện khó khăn trước mắt về nhân sự chưa cho phép làm mạnh.
– Tha thuế thân cho người dân và cho những công chức
có thu nhập thấp. Thực hiện sự công bằng về thuế khóa.
– Chủ trương tăng lương cho tiểu công chức, bỏ các
món chi tiêu huy hoàng vô ích.
– Can thiệp với Nhật để từ ngày 9.8.1945 tổng ân xá
các tù chính trị, kể cả những người cộng sản đã bị Pháp bắt giam tại các nhà
lao và nhà ngục khổ sai. Chủ trương trừng thanh quan lại và bài trừ tệ hối lộ.
– Đấu tranh với Nhật đòi lại các công sở và lấy lại
được ba thành phố nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng và Ðà Nẵng kể từ ngày 20.7.1945.
– Ngày 1.8.1945, Đốc lý Hà Nội Trần Văn Lai cho phá
các tượng Pháp ở Hà Nội vốn biểu trưng cho nền thống trị ngoại bang, như tượng
Paul Bert, Jean Dupuis, Đầm Xòe ở Cửa Nam, Đài kỷ niệm Lính Khố xanh, Khố đỏ.
– Ngày 14.8.1945, tranh thủ lấy lại Nam Kỳ cho triều
đình Huế, thống nhất (về mặt danh nghĩa) đất Nam Kỳ vào đất nước
Việt Nam.
– Chủ trương cho phép thành lập các đảng phái chính
trị.
– Về tư pháp, thành lập Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp
trên cơ sở thống nhất xứ sở, các quyền tự do chính trị, tôn giáo và nghiệp
đoàn. Đạo luật tổ chức nghiệp đoàn đầu tiên ở Việt Nam là do chính phủ Trần Trọng
Kím soạn thảo và ban hành ngày 5.7.1945.
– Đổi chương trình học tiếng Pháp ở
bậc Tiểu học và Trung học sang chương trình tiếng Việt,
do Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật Hoàng Xuân
Hãn chủ trì biên soạn.
– Hành chánh được cải tổ với việc dùng chữ Việt
trong tất cả các giao dịch của chính phủ ngoại trừ lãnh vực y tế và các văn thư
liên lạc với Pháp hoặc với các công ty người Hoa…
“Bốn tháng đầy rẫy những khó khăn nhưng những thành
quả đạt được không phải là không đáng ghi nhận… Vượt qua tất cả mọi khó khăn,
Trần Trọng Kim và các cộng sự viên của ông đã vạch ra những mục tiêu và chương
trình hành động cụ thể và thực tế, từ những việc làm có tính các tương trưng
như đổi quốc hiệu thành Việt Nam, đổi quốc kỳ, duyệt lại quốc ca… đến cứu đói,
thu hồi toàn vẹn lãnh thổ, bắt các quan ở các tỉnh phải trực tiếp liên lạc với
chính phủ Việt Nam và cấm họ liên lạc trực tiếp với người Nhật như họ vẫn liên
lạc với người Pháp trước kia, Việt Nam hóa nền giáo dục, cải tổ thuế má, tư
pháp, vận động thanh niên sinh viên và cả quần chúng nói chung tham gia sinh hoạt
chánh trị, xã hội, lập các hội đồng tư vấn địa phương và vận dụng mọi khả năng
để thực hiện.”
Nội các Trần
Trọng Kim. Ảnh: Chính Danh Văn Hoá Việt Nam
Tổng cộng thời gian chấp chính của Thủ Tướng
Trần Trọng Kim, có lẽ, vẫn chưa bằng số giờ mà các ông Thủ Tướng
Cộng Sản sau đó ngồi hội họp. Và có lẽ đám người này không họp
bàn về chuyện gì khác ngoài việc bán nước hại dân nên chế độ hiện
hành càng kéo dài thì quê hương càng lụn bại.
No comments:
Post a Comment