Ngô Thế Vinh
Gửi
Nhóm Bạn Cửu Long
August 23, 2019
Dẫn
nhập:
Vậy mà đã 62 năm kể từ khi Liên Hiệp Quốc khai sinh Ủy
Ban Sông Mekong [1957] và cũng đã 24 năm từ ngày thành lập Ủy Hội Sông
Mekong[1995]. Tính đến nay 2019, Bắc Kinh đã xây xong 11 con đập thủy điện khổng
lồ/mega-dams (6, 7) chắn ngang dòng chính sông Lancang Jiang, tên Trung Quốc của
con sông Mekong chảy trong lãnh thổ TQ với lượng điện sản xuất đã lên tới
21,300 MW và TQ vẫn đang tiếp tục xây thêm 19 con đập khác; Thái Lan ngoài các
con đập phụ lưu, còn có kế hoạch chuyển dòng lấy nước từ sông Mekong, và nay hai
nước Lào và Cambodiacòn có thêm dự án 12 đập dòng chính hạ lưu. Ngoài ra
còn hàng trăm con đập phụ lưu đã và đang xây trên khắp lưu vực Sông Mekong, kể
cả trên Cao nguyên Trung phần Việt Nam.
Khi mà hai con đập lớn nhất Nọa Trác Ðộ/Nuozhado
5,850 MW và Tiểu Loan/Xiaowan4,200 MW đãhoạt động phát điện toàn công suất, có
thể nói về tổng thể Trung Quốc đã hoàn tất phần lớn nhất kế hoạch thủy điện bậc
thềm Vân Nam với 40 tỉ mét khối nước dự trữ trong các hồ chứa, tích luỹ trên
50% lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm và chặn 90% phù sa từ thượng nguồn,đủ
cho TQ nắm quyền sinh sát toàn lưu vực sông Mekong.
Không hề có dấu hiệu nào các dự án xây đập thủy điện
trên suốt dọc chiều dài sông Lancang-Mekong sẽ chậm lại. Với 11 con đập Vân
Nam, nay thêm 4 con đập dòng chính ở Lào: đập Xayaburi và Don Sahong đã hoàn tất
(2019), đâp Pak Beng và Pak Lay đang triển khai, các quốc gia trong lưu vực dưới
Sông Mekong đang phải hứng chịu những hậu quả nhãn tiền:
1/ Bắc Thái Lan, Tháng 7 vừa qua, do khúc sông
Mekong cạn dòng với cá chết, đồng lúa khô cháy, Thủ Tướng Thái Lan phải kêu gọi
TQ cứu nguy xả nước từ con đập Cảnh Hồng, Thái cũng yêu cầu Lào tạm ngưng hoạt
động phát điện từ con đập Xayaburi; mà cũng Thái Lan là khách hàng chính mua điện
từ cả hai con đập này. (4)
2/ Biển Hồ trái tim của Cambodia mực nước xuống thấp
nhất,có nơi trơ đáy cho dù đã quá giữa mùa mưa; do mất nhịp đập của lũ/Mekong
flood pulse, con sông Tonle Sap không thể đổi chiều, đưa nước chảy ngược lên Biển
Hồ, như vậy có thể sẽ không còn Lễ hội Nước Bon Om Tuk truyền thống hàng năm
nơi Quatre Bras, Phnom Penh.
3/ Ðồng Bằng Sông Cửu Long, năm nay 2019 cho đến
tháng 7 qua cuối tháng 8 nước lũ thượng nguồn đổ về vẫn quá ít, mực nước ở Tân
Châu và Châu Ðốc xuống cực thấp – phá cả kỷ lục thấp nhất của năm hạn hán 2016,
không chỉ ngư dân mất nguồn cá mà nông dân thì thấy trước không có đủ nước cho
vụ lúa sắp tới và còn phải hứng chịu thêm một thảm họa kép: do không có sức đẩy
của nguồn nước ngọtthượng nguồn, nạn nhiễm mặn sẽ trầm trọng hơn và đang lấn
sâu hơn nữa vào vùng châu thổ. (5)
Câu hỏi khẩn
thiết đặt ra là: 70 triệu cư dân trong Lưu vực Sông Mekong và ngót 20 triệu dân
vùng ÐBSCL sẽ phải làm gì để thích nghi và sống còn, trước khi tình thế không
thể đảo nghịch?
Ủy Hội Sông Mekong/MRC bao gồm Ủy Ban Sông Mekong Việt
Nam trong ngót một phần tư thế kỷ qua đã chứng tỏ vô hiệu, nếu không muốn nói
là gián tiếp đồng lõa cho các dự án đập thủy điện hiện nay. Chính Việt Nam cũng
xây các đập thủy điện trên các phụ lưu Sông Mekong, cũng là khách hàng quan trọng
mua thủy điện của Lào và Cambodia và cả đầu tư góp vốn cho các dự án xây đập của
hai quốc gia này…
BS Ngô Thế Vinh, tác giả cuốn CLCD BÐDS xuất bản từ
năm 2000, cùng với nhóm Bạn Cửu Long, từng theo dõi và lên tiếng báo động liên
tục về một Lưu Vực Sông Mekong và ÐBSCL trước nguy cơ. (1) Và đây là một bài viết
cập nhật tháng 8, 2019, với một nhận định khá bi đát là: Việt Nam đã bị thất thủ
chiến lược trên địa bàn Sông Mekong – và ÐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị tan
rã.
Việt
Ecology Foundation
KHỞI ÐI TỪ MỘT SAI LẦM CHIẾN LƯỢC
Qua ngót một phần tư thế kỷ, kể tử ngày 5 tháng 4
năm 1995 khi Ngoại Trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đại diện cho Việt Nam đặt bút ký Hiệp
Ðịnh về Hợp Tác Phát triển Bền vững Lưu vực Sông Mekong, Việt Nam đã phạm một sai
lầm chiến lược là từ bỏ quyền phủ quyết /Veto Power, một điều khoản hết sức
quan trọng đã có trong Hiệp Ðịnh Ùy Ban Sông Mekong 1957 (Mekong River
Committee) vì Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn. Người viết cách đây ngót 2
thập niên đã đưa ra nhận định là Ủy Hội Sông Mekong 1995 (Mekong River
Commission) là một “biến thể và xuống cấp” so với Ủy Ban Sông Mekong 1957 thời
Việt Nam Cộng Hòa trước đây.
Rồi trải qua bao nhiêu Hội nghị Thượng đỉnh từ cấp
Thủ Tướng tới hàng Bộ trưởng, vẫn không có một nỗ lực cụ thể hay tiếng nói mạnh
mẽ nào từ Việt Nam để cùng các quốc gia trong lưu vựcthực hiện những điều tối
thiểu đã giao kết trong Hiệp Ðịnh về Hợp Tác Phát triển Bền vững Lưu vực Sông
Mekong 1995. Và không phải là ngẫu nhiên mà ÐBSCL mới mau chóng phải đối đầu với
một thảm họa môi sinh như hôm nay.
CẢNH ÐỒNG SÀNG DỊ MỘNG
Khi mà trong mỗi kế hoạch khai thác Sông Mekong đã ẩn
chứa những mâu thuẫn sâu xa về quyền lợi giữa các nước thành viên nếu chỉ đứng
trên quan điểm quốc gia hạn hẹp. Không dễ gì vượt qua trở ngại ấy nếu không có
được một mẫu số chung – một Tinh Thần Sông Mekong, với không khí đối thoại cởi
mở dẫn tới sự tin cậy để cùng nhau tính toán từng bước thận trọng trên quan điểm
phát triển bền vững/sustainable development cho toàn lưu vực.
Cho dù từ những thập niên 1950, 1960 Ủy Ban Sông
Mekong 1957 đã có những kế hoạch vĩ mô xây dựng các đập thủy điện lớn trên sông
Mekong nhằm thăng tiến kinh tế cho cho vùng hạ lưu nhưng đã bị gián đoạn do cuộc
Chiến tranh Việt Nam, khiến cho con sông Mekong vẫn còn giữ được vẻ hoang dã và
cả sự nguyên vẹn thêm một thời gian nữa.
Và để rồi, bắt đầu từ thập niên 1970, Trung Quốc như
một “kẻ đến sau”nhưng đãnhanh chóng có cả một kế hoạch vĩ mô khai thác nguồn thủy
điện phong phú của sông Lancang-Mekong với hàng loạt các dự án đập khổng lồ
trên khúc sông chiếm hơn nửa chiều dài Sông Mekong 4,800 km nằm trong lãnh thổ
Trung Quốc. Và kết quả Bắc Kinh, tuy là “kẻ đến sau nhưng đã về trước”và tính đến
nay, Trung Quốc hoàn tất 11 con đập khổng lồ trên khúc sông Lancang-Mekong
(6,7) bắt nguồn từ Tây Tạng xuống Vân Nam và Trung Quốc hiện nay đã nắm trong
tay 40 tỉ mét khối nước của con Sông Lancang-Mekong.
TỪ NHỮNG QUAN ÐIỂM ÐỐI NGHỊCH
–Quan điểm
từ Trung Quốc: ngay từ đầu Bắc Kinh đã từ chối không muốn tham gia
vào Ủy Hội Sông Mekong bao gồm 4 nước: Lào, Thái, Cambodia và Việt Nam, để hoàn
toàn không bị ràng buộc vào những điều khoản trong Hiệp Ðịnh về Hợp Tác Phát
triển Bền vững Lưu vực Sông Mekong 1995,với mục đích Bắc Kinh có toàn quyền tự
do khai khác con Sông Lancang-Mekong [Lancang Jiang tên Trung Quốc của con Sông
Mekong] chảy trong lãnh thổ Trung Quốc, bất chấp hậu quảtiêu cực xuyên biên giới/transboundary
negative effectsra sao đối với các quốc gia hạ nguồn. Ðiển hình là hai trận hạn
hán khốc liệt 2016 rồi 2019 nơi vùng hạ lưu trong khi Trung Quốc vẫn giữ một khối
nước rất lớn trong các hồ chứa thủy điện của mình.
Trận hạn hán tháng 4, 2016, khi mà Trung Quốc tiếp tục
trữ nước trong các con đập, trực tiếp nhất là trong hồ chứa con đập Cảnh Hồng
khiến mực nước xuống hạ lưu thấp tới mức kỷ lục, không chỉ ở vùng Ðông Bắc Thái
nằm ngay dưới chân chuỗi đập Vân Nam chịu tác động trực tiếp, mà ngay ở nơi xa
nhất cuối nguồn với ngót 20 triệu cư dân nơi ÐBSCL cũng vô cùng khốn đốn vì thiếu
nước. Ðiều khá hài hước, là Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lúc đó chỉ còn
biết kêu cứu Bắc Kinh xả nước từ hồ chứa đập Cảnh Hồng, điều mà trong thâm tâm
Trung Quốc chẳng hề muốn làm, và rõ ràng Việt Nam hoàn toàn bị “thất thủ chiến
lược” trước trận chiến môi sinh / ecological warfare” vô cùng thâm độc của
Trung Quốc.
Trận hạn hán tháng 7, 2019, Trung Quốc lại một lần nữa
không hề báo trước, giữa mùa mưa ít vẫn tiếp tục lấy nước vào các hồ chứa khiến
cư dân Bắc Thái bị ngay một trận hạn hán của thế kỷ, đồng ruộng khô cháy, khúc
Sông Mekong trơ đáy với cá chết. Lần này thì đến lượt Thủ Tướng Thái Lan Prayut
Chan-o-cha phải kêu gọi Bắc Kinh xả nước từ đập Cảnh Hồng để cứu cho nông và
ngư dân vùng Bắc Thái. (4) Không chỉ có vậy, như một chuỗi phản ứng dây chuyền,
ba nước Lào – Cambodia – Việt Nam chịu những hậu quả hạn hán khốc liệt không
kém. Biển Hồ chưa bao giờ cạn nước đến như thế, có nơi trơ đáy khiến ghe thuyền
mắc cạn [Hình 5], không phải chỉ hơn 1.5 triệu cư dân Cambodia sống quanh Biển
Hồ khốn đốn vì hạn hán mà ÐBSCL cũng đang chịu những “cơn đau thắt ngực” do
trái tim Biển Hồ đang bị thiếu nước trầm trọng.
Bản đồ:
Những con đập thủy điện trên dòng chính Sông Mekong:
chỉ với 11 con đập trên Sông Lancang-Mekong thượng nguồn, TQ đã lưu trữ 40 tỉ
mét khối nước, sản xuất 21,300 MW điện; riêng Lào đang hiện thực giấc mơ trở
thành “Bình điện Á Châu/ Asia’s Battery” hay “xứ Kuwait Thủy điện Ðông Nam Á,”
Lào cũng lưu trữ 30 tỉ mét khối nước hàng năm. [Nguồn: Michael Buckley, cập nhật
2019]
Và rồi là những ngụy biện của Trung Quốc: để tự bào
chữa cho các con đập thủy điện khổng lồ Vân Nam, các công trình sư Tàu đã lý luận
rằng các hồ chứa đập thủy điện ở thượng lưu có chức năng rất hữu ích: điều hoà
dòng chảy con sông Mekong cho các quốc gia hạ nguồn: giữ nước trong Mùa Mưa làm
giảm thiệt hại do lũ lụt nơi hạ nguồn và rồi trong mùa khô cũng vẫn những hồ chứa
các con đập ấy xả nước xuống hạ lưu nhiều hơn lưu lượng tự nhiên& Lý luận
giản đơn và ngụy biện ấy cho đến nay vẫn khiến một số người tin – kể cả giới
khoa bảng; nhưng thực tế thì không diễn ra như vậy, và chuỗi đập VânNam đang
mang tới thảm họa chứ không hề mang lại những lợi ích mà Bắc Kinh luôn rêu rao.
KS Phạm Phan Long, Việt Ecology Foundation trong bài
viết mới đây trên VOA, đã nhận định: “Do Biến đổi Khí Hậu, mưa ít dần trên lưu
vực là có thật nhưng hạn hán sớm hơn và khắc nghiệt hơn khi thiếu mưa là do vận
hành các hồ chứa thủy điện, chính chúng có khả năng gây ra hạn hán cả khi có
mưa, chưa kể vào những năm ít mưa, tích trữ nước gây hạn hán càng thêm kinh khủng.”
(3)
…Rất sớm, từ hơn 10 năm trước (05/2009), Chương
Trình Môi Sinh Liên Hiệp Quốc đã phải lên tiếng cảnh báo rằng “chuỗi đập Vân Nam
là mối đe dọa duy nhất – lớn nhất/the single greatest threat” đối với tương lai
và sự phồn vinh của con Sông Mekong, sẽ giết chết nhịp đập thiên nhiên của dòng
sông/Mekong flood pulse, với con Sông Tonle Sap chảy hai chiều vốn như một hiện
tượng thiên nhiên kỳ quan của thế giới.
Aviva Imhoff , nguyên giám đốc truyền thông Mạng Lưới
Sông Quốc Tế IRN, cũng đưa ra nhận định: Trung Quốc đang hành xử một cách hết sức
vô trách nhiệm. Chuỗi đập Vân Nam sẽ gây ra những tác hại vô lường nơi hạ lưu,
gây rối loạn toàn hệ sinh thái con sông Mekong xa xuống tới Biển Hồ, nó như một
chuông báo tử cho ngư nghiệp và nguồn cá vốn là thực phẩm của ngót 70 triệu cư
dân sống ven sông.
-Quan điểm từ Thái Lan: ngoài việc xây đập thủy điện trên các phụ lưu như đập Pak Mun 136 MW
(1994) trên sông Mun,vàcả kế hoạch chuyển dòng lấy nước từ Sông Mekong vào những
hồ chứa nhằm cung cấp nước cho các cánh đồng lúa ở miền Trung và Ðông Bắc
Thái.Cũng chính công ty Thái Lan Ch. Karchang đãgiúp Lào xây con đập dòng chính
đầu tiên Xayaburi vùng hạ lưu, và quan trọng hơn nữa Thái Lan là khách hàng
chính mua 95% lượng thủy điện của Làoqua Công ty EGAT / Electricity Generating
Authority of Thailand,như thêm động lực tạo thuận cho Vientiane phát triển thêm
về thủy điện trên khắp nước Lào. Và cần nói thêm, chính Thái Lan cũng là khách
hàngchính mua thủy điện của TQ từ con đập Cảnh Hồng 1,750 MWhoạt động từ 2008.Cảnh
Hồng hiện đang là con đập thủ phạm trực tiếp gây họakhiến cư dân các tỉnh Bắc
Thái đang phải kêu trời.
-Quan
điểm từ Lào: là một quốc gia tương đối nghèo nhất trong vùng, với
những người Lào thấy được tiềm năng thủy điện phong phú của con Sông Mae Nam
Khong [tên Lào-Thái của Sông Mekong], Lào nuôi giấc mơ canh tân, họ muốn biến đất
nước Lào trở thành một xứ“Kuwait về thủy điện Ðông Nam Á” hay “Bình điện
ÁChâu/Asia’s Battery.” Nam Ngum 150 MW là con đập thủy điện phụ lưu đầu tiên của
Lào và được hoàn tất rất sớm từ 1971 giữa giông bão của cuộc chiến tranh Việt
Nam. [Hình 3]
Sau đó, trong suốt hơn bốn thập niên, Lào đã và đang
liên tục xây vô số các đập thủy điện trên những phụ lưu Sông Mekong, trong đó
phải kể các con đập phụ lưu rất lớn như Nam Theun-2 900 MW,Theun Hinboun&
và nay tớikế hoạch triển khaixây 9 con đập dòng chính trên Sông Mae Nam Khong
màcon Domino đầu tiên là đập Xayaburi, tới con đập thứ hai Don Sahong và còn tiếp
tục xây tiếp các con đập khác: Pak Bengcon đập thứ ba đang xây,và Pak Lay dự án
thủy điện dòng chính thứ tư, đã qua giai đoạn tham vấn rất tượng trưng và chắc
chắn Lào sẽ tiến hành xây những con đập dòng chínhbất chấp những tác hại tiêu cực
xuyên biên giới đặc biệt là Ðồng Bằng Sông Cửu Long ra sao.
Không chỉ Trung Quốc lưu giữ 40 tỉ mét khối nước hay
53% vũ lượng hàng năm của lưu vực Lancang-Mekong; Lào cũng cất giữ 30 tỉ mét khối
nước hay 18% vũ lượng hàng năm của lưu vực dưới Sông Mae Nam Khong, tên khúc
SôngMekong trên đất Lào. Cũng phải kể ảnh hưởng tác hại của hệ thống đập thủy
điện phụ lưu của Lào đối với hai quốc gia dưới nguồn là Cambodia và Việt Nam rất
đáng kể kể đối với tình trạng dòng chảy, lượng phù sa và nguồn cá trong lưu vực
sông Mekong.
Nam Ngum, con đập
thủy điện phụ lưu đầu tiên của Lào 1971, (biểu ngữ giăng ngang con đập đánh dấu
25 năm thống nhất nước Lào [photo by Ngô Thế Vinh 2000]
-Quan điểm từ Cambodia: Hun Sen, Thủ tướng lâu năm nhất của Cambodia và của cả thế giới, đã luôn
luôn phủ nhận ảnh hưởng tác hại của các con đập thủy điện thượng nguồn đối với
dòng chảy Sông Tonle Thom (tên Cambodia của con Mekong) và chấp nhận vô điều kiện
kế hoạch xây đập của Trung Quốc trên thượng nguồn, cho dù chính sách ấy đi ngược
với tất cả tiếng nói của các nhà bảo vệ môi sinh và ngót 70 triêu cư dân ven
sông.
Cứ 4 năm một lần,
năm 2018 TT Nguyễn Xuân Phúc lại dẫn một phái đoàn đi dự Hội Nghị Thượng Ðỉnh Ủy
Hội Sông Mekong [MRC Summit], đem theo một bài diễn văn viết sẵn với ngôn từ rất
hoa mĩ; [hai cuộc họp Thượng Ðỉnh trước 2010, 2014 nguyên TT Nguyễn Tấn Dũng dẫn
đầu phái đoàn VN]; và như từ bao giờ khi các bài diễn văn được đọc xong, là lúc
4 nguyên thủ quốc gia Mekong cùng bước lên sân khấu nối vòng tay trong tay cho
báo chí chụp hình PR, sau đó ai về nhà ấy, để rồi 4 năm sau là một Hội Nghị Thượng
Ðỉnh khác, với cùng một kịch bản, vẫn những khẩu hiệu trống rỗng, trong khi Con
Sông Mekong, Biển Hồ, ÐBSCL thì đang chết dần. Hà Nội thì chưa bao giờ có được
tiếng nói mạnh mẽ – nhất là với Trung Quốc và cả Lào, để bảo vệ nguồn nước ngọt
và phù sa sinh tử của mình, cho dù biết rõ Việt Nam là một quốc gia nạn nhân cuối
nguồn. [Nguồn: ảnh MRC Việt Nam].
Rất sớm, từ tháng 7 năm 2005, Thủ tướng Hun Sen, khi
sang dự Hội Nghị Thượng Ðỉnh Côn Minh, đã tỏ ra thỏa mãn với tình hình khai
thác con Sông Mekong, theo ông chẳng có vấn đề gì phải quan tâm. Ông công khai
lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh, đối với kế hoạch khai thác sông Mekong, ông còn cho
rằng các ý kiến chỉ trích chỉ để chứng tỏ họ chú ý tới môi sinh, và họ dùng đó
như thứ rào cản nhằm ngăn sự hợp tác nên có giữa 6 quốc gia. (Hunsen
backed China’s often-criticized development plans for the Mekong River, AFP
Phnom Penh, June 29, 2005)
Năm năm sau, tháng 11 năm 2010, TT Hun Sen, sau Hội
Nghị Thượng Ðỉnh ACMECS* ở Phnom Penh, đã lên tiếng bác bỏ mọi mối quan ngại về
ảnh hưởng của các đập thủy điện trên thượng nguồn đối với dòng chảy Sông
Mekong. Ông khẳng định rằng chu kỳ lũ lụt hay hạn hán là hậu quả của thay đổi
khí hậu/climate change chứ chẳng liên hệ gì tới chuỗi những con đập thủy điện của
Trung Quốc. (The Phnom Penh Post, Nov 17, 2010)
Trái hẳn với nhận định của TT Hunsen,cần nên ghi lại
nơi đây những sự kiện phải nói là bi quan, liên quan tới Biển Hồ, Sông Tonle
Sap và con Sông Mekong ngay trong thập niên đầu của thế kỷ 21:
Trên trang web World Wide Fund for Nature, đã ghi nhận:
mực nước con sông Mekong tụt thấp xuống tới mức báo động kể từ 2004 và trở
thành những hàng tin trang nhất trên báo chí. “Trung Quốc làm kiệt mạch sống
sông Mekong_ New Scientist”; “Sông Mekong cạn dòng vì các con đập Trung Quốc_
Reuters AlertNet”; “Xây đập và con sông chết dần_ The Guardian”; “Sông cạn do
các con đập Trung Quốc_ Bangkok Post”. Hầu hết đều mạnh mẽ quy trách cho việc
xây các con đập thủy điện của Trung Quốc trên khúc sông thượng nguồn.
Theo Fred Pearce, tác giả cuốn sách “Khi Những Con
Sông Cạn Dòng, Nước – Khủng Hoảng của Thế Kỷ 21” xuất bản 2006, trong chương viết
về con sông Mekong, đã có ghi nhận:
…“Cuối năm 2003 và đầu năm 2004 là thời gian tuyệt vọng
trên Biển Hồ. Cơn lũ về thấp hơn. Thời điểm con sông Tonle Sap chảy ngược vào
Biển Hồ đến trễ hơn và cũng chấm dứt sớm hơn. Thay vì 5 tháng con sông đổi dòng
nay chỉ còn có 3 tháng. Rừng lũ thiếu ngập lũ và cá thì không đủ thời gian để
tăng trưởng… Và mùa thu hoạch cá chưa bao giờ thấp như vậy. Tại sao? Ða số ngư
dân đổ tại con sông cạn dòng. Khi con nước cạn trước Hoàng cung, thì sẽ không
có cá dưới sông.”
Không ai tin rằng, ông Thủ tướng Hun Sen lại có thể
không biết tới “Hồi Chuông báo Tử” ấy, nhưng ông Hun Sen đã cố tình phủ nhận điều
này do nhu cầu chính trị ngắn hạn “lấy lòng Trung Quốc” trong thời gian cầm quyền.
Nhưng rồi ra, cái giá rất cao phải trả sẽ là tương lai của dân tộc Cam Bốt và cả
nền văn minh xứ Chùa Tháp.
Biển Hồ thiếu nước
ghe mắc cạn, Anh Tư Tiến phải nhẩy xuống lội nước cho ghe nhẹ bớt không bị đụng
đáy… Do ảnh hưởng chuỗi đập thủy điện thượng nguồn, Biển Hồ đang bị co cụm và
ngày một cạn dần. [Nguồn: Hình của Tưởng Năng Tiến]
Mới đây, tháng 10, 2017, TT Hun Sen khi chủ trì lễ
khánh thành đập thủy điện Hạ-Sesan-2 ở Stung Treng, với công suất 400 MW và diện
tích hồ chứa 340 km2 gần bằng nửa diện tích đảo quốc Singapore trở thành con đập
lớn nhất trong số 7 đập thủy điện của Cambodia do Công ty Hydrolancang của
Trung Quốc nắm 51% cổ phần, Tập đoàn Hoàng gia Cambodia nắm 39% cổ phần và Tập
đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) nắm 10% cổ phần, và đáng nói là nguồn điện của đập
Hạ-Sesan-2 sẽ được xuất cảng sang Việt Nam.
-Quan điểm từ Việt Nam: một Việt Nam vừa thỏa hiệp vừa bị động từ 1975, 1995 và cho tới nay. Việt
Nam cũng đã xây các hồ chứa đập thủy điện trên các phụ lưu Sông Mekongtrên cao
nguyên Trung phần, như con đập Yali 720 MW (1996) trên sông Krong B’Lah ranh giới
2 tình Kontum và Gia Lai; các con đập khác trên sông Sesan và Seprok là phụ lưu
Sông Mekong. Con đập Yali đã bị các cộng đồng cư dân các tỉnh đông bắc Cambodia
lên án do làm cạn kiệtnguồn cá và cả những lần xả nước từ hồ chứa mà không thông
báo trướcđã bất ngờ gây lũ lụt, làm tổn thất tài sản và cả nhân mạng cho cư dân
Cambodia phía dưới con đập. Hồ chứa những con đập phụ lưu của Việt Nam chẳng phải
là vô can trong tình trạng thiếu nước khô hạn nơi ÐBSCL.
Một “chiến lược không chiến lược” lại có chính sách
“nước đôi / double standard”, một mặt Việt Nam cần nước, mặt khác lại có chính
sách đi mua thủy điện của Lào, của Cambodia và đi xa hơn nữa là đầu tư vào các
công trình thủy điện của Lào như dự án đập dòng chính Luang Prabang của PetroVietnam,
đập thủy điện Hạ Sesan-2 của Cambodia.
Trước những tác hại hiển nhiên của các con đập trên
ÐBSCL: biến đổi dòng chảy, mất nguồn nước, mất nguồn phù sa và cá… Nhà
nước Việt Nam luôn luôn bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, không những đã không
có tiếng nói quyết liệt ngăn chặn mà còn góp vốn đầu tư thực hiện dự án tai hại
ấy, có thể ví như một hành động cầm súng tự bắn vào chân mình/ shoot oneself in
the foot.
-Quan điểm từ MRC: trải qua 24 năm từ ngày thành lập, Ủy Hội Sông Mekong trải qua nhiều giám
đốc điều hành, đã chứng minh MRC là một tổ chức không hiệu lực, tới mức đi tới
nhận định: Hiệp Ðịnh Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong 1995 hầu như đã
tan vỡ.
Trong quá khứ và cả đến hiện nay, Ủy Hội Sông Mekong
đã khá thụ động trước sự bộc phát của các dự án đập thủy điện Hạ Lưu. Các nhà
hoạt động môi sinh kêu gọi tinh thần trách nhiệm của tổ chức liên chánh phủ
này. “Ủy Hội cần chứng tỏ là một tổ chức hữu ích cho quần chúng, chứ
không phải là cho các nhà đầu tư”, Surichai Wankaew, giám đốc Viện Nghiên cứu
Xã hội Ðại học Chulalongkorn, Thái Lan nói tiếp “Nhiệm vụ Ủy Hội thay đổi, thay
vì ‘tạo thuận/ facilitation’ cho việc xây đập, thì nay phải là ‘diễn đàn /
platform’ cho cư dân bị ảnh hưởng nói lên mối quan tâm của họ.” Cũng
trước đó, đã có hơn 200 tổ chức môi sinh từ 30 quốc gia yêu cầu Ủy Hội và các
nhà tài trợ ngưng ngay các dự án xây đập.
Một kháng thư gửi Ủy Hội Sông Mekong và các Cơ quan
Tài trợ nhân cuộc họp tại Siem Reap vào ngày 15/11/2007: “Chúng tôi, những nhóm
công dân viết lá thư này để bày tỏ mối quan tâm về sự tái phục hoạt các chương
trình xây đập trong vùng Hạ lưu sông Mekong, cùng với sự bất lực của Ủy Hội thực
hiện Thỏa ước Mekong 1995 trong tình hình nghiêm trọng hiện nay. Lẽ ra Ủy Hội
có thể lên tiếng khuyến cáo ngăn chặn các dự án xây đập của các quốc gia ven
sông nhưng họ thì vẫn cứ im lặng một cách đáng ngạc nhiên.
Giám
đốc Ðiều hành Ban Thư ký Ủy hội Sông Mekong (CEO/MRC Secretariat) hiện nay
là TS Phạm Tuấn Phan, sinh quán Hà Nội, (là anh của Bộ trưởng Ngoại giao kiêm
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kiêm ủy viên Bộ Chính Trị Việt Nam) có bằng tiến
sĩ vật lý và điện toán từ Ðại học Belarus thuộc Liên Xô cũ, một học vị ít liên
quan tới lãnh vực môi sinh, thủy học và các hệ sinh thái sông ngòi. Ông Phan mang hai căn cước: căn cước của một công dân Việt Nam và căn cước
của một công dân Mekong.Tại một Diễn đàn Khu vực liên quan tới Dự án thủy điện
Pak Beng, con đập thủy điện dòng chính thứ ba của Lào họp tại Luang Prabang
ngày 22.2.2017, TS Phạm Tuấn Phan, khi trao đổi với phóng viên Lê Quỳnh, báo
Người Ðô Thị đã phát biểu: “Thủy điện không khiến dòng Sông Mekong sẽ chết. Tôi
nghĩ chúng ta nên hiểu rõ điều này trước đã.” [Hình 6]
Phát biểu của ông không những rất thiếu cơ sở khoa học,
đi ngược lại quan điểm của bao nhiêu tổ chức bảo vệ môi sinh quốc tế và ngay
trong lưu vực Sông Mekongtừ bao năm nay. TS Phạm Tuấn Phan đã và đang gây tác hại
cho nỗ lực bảo vệ Sông Mekong bấy lâu và cả rất thiếu trách nhiệm với các cộng
đồng cư dân ven sông Mekong, trong đó có ngót 20 triệu cư dân trên chính vùng đất
mẹ của ông, nơi mà “những người nông dân ÐBSCL đang khốn đốn muốn chết”, một số
không ít đã bỏ đi tha phương cầu thực là điều rất dễ thấy.
Trước nguy cơ: mất nguồn nước ngọt, mất nguồn phù
sa, và cả vùng châu thổ phì nhiêu đang chìm dần trong biển mặn. Hậu duệ của những
thế hệ dũng mãnh tiên phong khai phá trong cuộc Nam Tiến cách đây mới ba trăm
năm, thì nay đang bị bất động, không được quyền cất tiếng nói và đang phải tủi
nhục chấp nhận lùi bước trước thảm hoạ bị xoá đi cả một nền Văn Minh Miệt Vườn
và trong một tương lai không xa, rồi ra trên tầm vóc quốc gia, sẽ có những đợt
tỵ nạn môi sinh/ ecological refugees vào giữa thế kỷ 21 này.
Tại Diễn đàn Khu vực
liên quan tới Dự án thủy điện Pak Beng – con đập dòng chính thứ ba của Lào,họp
tại Luang Prabang ngày 22.2.2017, các nhà báo đang phỏng vấn TS Phạm Tuấn
Phan,Giám đốc Ðiều hành Ban Thư ký Uỷ hội Sông Mekong.Khi trao đổi với phóng
viên Lê Quỳnh, báo Người Ðô Thị (người đang cầm máy ghi âm), ôngPhạm Tuấn Phan
đã mạnh mẽ phát biểu: “Thủy điện không khiến dòng Sông Mekong sẽ chết. Tôi nghĩ
chúng ta nên hiểu rõ điều này trước đã.”Chắc chắn ông Phạm Tuấn Phan sẽ không
nói câu đó nếu ông hiểu thế nào là “Dòng chảy Môi trường/Environmental Flow”để
giữ cho con Sông Mekong không chết. [Photo by Thiện Ý]
Mới đây, tạp chí Khoa học Nature 2018 có bài nghiên
cứu nhan đề: Potential Disruption of Flood Dynamics in the Lower Mekong River
Basin Due to Upstream Flow Regulation /Tiềm năng Phá vỡ Ðộng lực Lũ lụt Vùng Hạ
lưu Sông Mekong là do điều tiết Dòng chảy từ Thượng nguồn.
“Lưu vực Sông Mekong / Mekong River Basin đang trải
qua những biến đổi vô lường do gia tốc xây thêm những hồ chứa thủy điện lớn mới
đây. Khi mà tình trạng thủy học Lưu vực Sông Mekong được hiểu rõ và ảnh hưởng của
một số những con đập hiện nay đã được khảo sát.Chúng tôi dùng mô hình thủy-động-lực-học/hydrodynamic
model simulations, chứng minh được rằng những hậu quả điều tiết dòng chảy từ
thượng nguồn là có thể tiên lượng được dọc theo dòng chính Sông Mekong, và cơ
chế điều tiết dòng chảy con Sông Tone Sáp và các phân lưu / distributaries nơi
ÐBSCL có khả năng bị gián đoạn. Nghiên cứu cho thấy dòng chảy ngược / reversal
của con Sông Tonle Sap có thể bị mất nếu nhịp đập của lũ / Mekong flood pulse
trên sông Mekong giảm khoảng 50% và trễ đi một tháng.” (2)
Với Bắc Kinh, con chủ bài đang khống chế toàn lưu vực
Sông Mekong và cả các Công ty xây đập đa phần là từ Trung Quốc, chắc chắn cảhai
chánh phủ Trung Quốc vàLào phải cám ơnphát biểucổ võ thủy điện/pro-damscủa ông
Phạm Tuấn Phan,như một tiếng nói có quyền lực từ Uỷ Hội Sông Mekongđang gián tiếp
bênh vực họ– không khác quan điểm bấy lâu của TT Hunsen.
Lẽ ra, ở vị trí lãnh đạo một tổ chức đa quốc gia như
MRC, TS Phạm Tuấn Phan nên ở vị trí trung lập chứ không phải là xếp hàng và chọn
phe bênh vực thủy điện như ông đã làm, chức năng của ông cao hơn thế, lãnh đạo
MRC như một tổ chức điều hợp giúp cho các quốc gia trong toàn lưu vực từng bước
thực hiện được những bước “phát triển bền vững”như tinh thần cốt lõi của Hiệp Ðịnh
về Hợp Tác Phát triển Bền vững Lưu vực Sông Mekong 1995.
NĂM
NAY 2019 KHÔNG CÒN MÙA NƯỚC NỔI
Nhịp
điệu ngàn năm của con sông Mekong. Hệ sinh thái vùng
châu thổ Sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với “mùa nước nổi” và
“mùa nước giựt”. Mùa Nước Nổi thường hiền hoà khác hẳn với lũ lụt tàn phá dữ dội
như ở miền Bắc hoặc miền Trung Việt Nam.
Vào mùa nước nổi, mực nước hai con Sông Tiền Sông Hậu
có đặc tính dâng cao lên từ từ, tràn qua các bờ sông rạch, làm ngập các cánh đồng.
Nước lũ có nhiều công dụng hữu ích không những chỉ rửa phèn, rửa tạp chất cho đất
mà còn để lắng xuống một lượng phù sa như một thứ phân bón thiên nhiên tuyệt hảo
“trời cho” khiến đất đai thêm phần màu mỡ, biến ÐBSCL thành vựa lúa, vựa cây
trái trù phú của cả nước và Việt Nam đã từng đứng thứ hai trên thế giới về xuất
cảng lúa gạo chỉ đứng sau Thái Lan.
Cùng với con nước đỏ ngầu mang đẫm phù sa, là các loại
cá lội theo con nước vào ruộng đồng đẻ trứng, cho đến thời kỳ nước thấp thì nước
từ trong đồng ruộng chảy ra, cùng với vô số cá từng đàn, ùa theo nhau tràn vào
các kinh rạch để ra sông lớn. Do chưa bận mùa cấy trồng, người nông dân đóng
đáy bắt cá suốt dọc theo các kinh rạch này, và trong mấy thập niên trước đây cá
nhiều tới mức lưới không chịu nổi phải giở lên thả cá cho đi bớt; bằng không
thì sẽ bị rách lưới. (1)
Ðó
là chuyện quá khứ, nay mọi sự đã đổi thay. Từ hai thập niên qua, hiện tượng cân bằng sinh thái tự nhiên đó hầu như
đang dần dần biến mất. Và “mùa nước nổi” càng ngày càng giảm cả về cường độ lẫn
tần suất. Hiện tượng đó không thể đổ cho thiên tai mà là “nhân tai” một thứ thảm
hoạ môi sinh/ecological disaster do chính con người gây ra – mà thủ phạm chính
là chuỗi đập thủy điện dòng chính khổng lồ Vân Nam của Trung Quốc trên Sông
Lancang-Mekong và sẽ trầm trọng thêm với những con đập của Lào.
Sinh hoạt trong Mùa
Nước Nổi 2000, nông dân rộn rã đóng đáy bắt cá suốt dọc theo các kinh rạch, nước
lũ rửa sạch ruộng đồng, đem về phù sa, hứa hẹn cho một vụ được mùa gieo trồng.
[photo by Ngô Thế Vinh]
Từ đầu tháng 6 hàng năm, vào mùa mưa nước lũ từ thượng
nguồn sông Mekong đổ về, bắt đầu từ các tỉnh đầu nguồn ÐBSCL báo hiệu cho mùa
nước nổi cao điểm vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10. Nhưng năm nay 2019, mọi
chuyện không diễn ra theo chu kỳ như thế và có nguy cơ sắp tới sẽ không còn mùa
Nước Nổi. Khi mà vùng Ðông Bắc Thái Lan đang phải chịu một trận hạn hán thế kỷ,
ảnh vệ tinh chỉ rõ mực nước Sông Mekong Vùng Tam Giác Vàng chưa bao giờ xuống
thấp đến như thế.
Theo phóng viên Bình Nguyên, báo điện tử Cần Thơ, 4
tháng 8, 2019: “Những ngày cuối tháng 7, 2019 chúng tôi đi dọc tuyến
biên giới An Giang, Ðồng Tháp. Thông thường, những năm trước, đây là lúc
nước lũ đã tràn đồng, trên đó là cảnh đánh bắt cá đồng của người dân. Giờ đây,
cũng dọc theo những cánh đồng đó là ruộng nứt nẻ, những chiếc ghe nằm chỏng trơ
trên bãi bồi…”(5)
Theo Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập
lâu năm về sinh thái ÐBSCL, cho biết:“Một năm trung bình sông Mekong có tổng
lượng nước là 475 tỉ m3, trong đó lượng mưa tại chỗ ở ÐBSCL chỉ chiếm 11% số
đó. Vì vậy, mực nước ở ÐBSCL phụ thuộc lớn vào lượng nước từ phía trên chảy về.
Nước ở lưu vực Mekong ít thì nước ở ÐBSCL giảm, kéo theo đỉnh lũ thấp vào khoảng
giữa tháng 10 ở ÐBSCL và xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào khoảng tháng 3 dương lịch,
sau Tết Nguyên Đán”
“Kinh nghiệm cho thấy như năm 2016 là năm khô hạn cực
đoan thì ít có biện pháp nào để đối phó. Dù có công trình cống đập ngăn mặn thì
cũng không có tác dụng ngăn mặn, vì bên trong không đủ nước thì ngăn mặn vô
ích& Năm nay mùa lũ không về thì nguồn thủy sản tự nhiên sẽ giảm, cuộc mưu
sinh của những người dân đánh bắt thủy sản tự nhiên sẽ gặp khó khăn. Sau một
năm khô hạn như thế thì năm sau dù có lũ trở lại cá vẫn sẽ ít vì chưa kịp phục
hồi”- Vẫn ông Thiện nói. (5)
Theo Tiến Sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện
Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Ðại học Cần Thơ, mực nước trên sông
Mekong qua ÐBSCL thấp so với cùng kỳ. Ðó là chỉ dấu cho thấy mùa lũ sắp tới nếu
có cũng sẽ rất thấp và dẫn tới các hệ quả là phù sa ngày càng ít dần, lượng thủy
sản ít, không có đủ nước ngọt để đẩy mặn ra xa và không rửa được phèn và tạp chất
khác trong đất. Qua đó làm ảnh hưởng đến năng suất lúa và cây trồng. Về giải
pháp là cần khuyến cáo ngay việc giảm tối đa diện tích sản xuất lúa, trữ nước mưa
nhiều nhất có thể… Ngoài ra là chọn những giống cây trồng ít sử dụng nước để
gieo trồng.” (5) [Hết lược dẫn]
Không có đủ nguồn nước ngọt, trong một tương lai gần,
Ðồng Bằng Sông Cửu Long không còn là vựa lúa và cả nước mất đi nguồn lương thực
rất quan trọng, nói chi tới một Việt Nam chỉ mới hai thập niện trước đây thôi,
đã từng là quốc gia xuất cảng lúa gạo lớn thứ hai của thế giới, chỉ đứng sau có
Thái Lan.
MỘT HIỆP ƯỚC 1995 MỘT TINH THẦN SÔNG MEKONG
Người ta hy vọng với những kinh nghiệm đã có từ Ủy Hội
Sông Mekong tích lũy từ nhiều năm, sẽ giúp cho TS Phạm Tuấn Phan – một công dân
đầu tiên từ lưu vực Sông Mekong đảm nhiệm chức Giám đốc MRC, có được sự hiểu biết
về những vấn đề mang tính quyết định đối với tổ chức này, sẽ giúp ông lãnh đạo
một cách hiệu quả vào thời điểm cam go trên một vùng chính trị địa
dư/geopolitics đang có rất nhiều biến động và cả phân hóa như hiện nay.
Hai thử thách trước mắt và bước thứ ba lâu dài của
TS Phạm Tuấn Phan, cũng là của toàn cơ chế Ủy Hội Sông Mekong sau quá trình hoạt
động hơn 24 năm [1995-2019] là:
(1) Thuyết phục các quốc gia thành viên Ủy Hội Sông
Mekong tôn trọng tinh thần “Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông
Mekong” 1995: “Các quốc gia thành viên ký kết đồng ý là “bằng mọi cố gắng phòng
tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường… do phát
triển và xử dụng Lưu vực Sông Mekong.” Theo Ðiều 6, 7 Mekong 1995.
(2) Thuyết phục được chánh phủ Lào và cả Cambodia
tôn trọng một trật tự vùng, bằng cách không vội vã thực hiện tất cả các dự án đập
dòng chính trên lãnh thổ Lào và Cambodia để có thêm thời gian nghiên cứu thêm
và bổ xung những khiếm khuyết.
(3) Thực hiện “Kế hoạch Chiến lược / MRC Strategic
Plan”, tăng cường và mở rộng hợp tác với các quốc gia thượng nguồn
Lancang-Mekong trên quy mô “Toàn Lưu Vực”, chủ yếu bao gồm cả Trung Quốc, quốc
gia sở hữu hơn nửa chiều dài con sông Mekong nhưng đã lại từ chối làm thành
viên của Ủy Hội Sông Mekong mở rộng.
Thực hiện và vượt qua được các bước thử thách trên sẽ
là một thành quả không phải chỉ của cá nhân ông Phạm Tuấn Phan, mà cũng là “lý
do hiện hữu/raison d’être” của chính ông và tổ chức có danh xưng là Ủy Hội Sông
Mekong.
Nhiệm vụ của TS Phạm Tuấn Phan cũng sẽ dễ dàng hơn nếu
ông có một trái tim và cả biết lắng nghe lời kêu than thống thiết của những cư
dân sống ven sông và cả rất nhiều tiếng nói của các các nhóm xã hội dân sự
khác.
Ngoại trừ các cộng đồng cư dân Thái Lan, tiếng nói
các nhóm xã hội dân sự của 3 quốc gia Mekong còn lại phải nói là rất yếu ớt. Với
Việt Nam, tuy phải gánh chịu tất cả hậu quả suy thoái của con Sông Mekong vì là
quốc gia cuối nguồn; nhưng đến bao giờ thì những người dân Miền Tây quanh năm cực
nhọc, sống dưới mức nghèo khó ấy mới cất lên được tiếng nói và đến bao giờ thì
tiếng nói của họ mới được lắng nghe.
Sinh kế của ngót 20 triệu dân cư ÐBSCL, an ninh
lương thực của cả nước, nền văn hoá sông nước và tài nguyên môi sinh miền Nam bị
huỷ hoại và rơi vào thảm trạng này là vì sao? Quy trách chuỗi đập nơi các quốc
gia thượng nguồn là đúng. Nhưng làm sao ngăn họ lại khi Việt Nam cũng xây đập
trên các phụ lưu Mekong ở VN? Khi VN nhận phần chia đầu tư vào dự án lớn nhất
dòng chính Luang Prabang của Lào? Khi VN ký nhận làm đối tác mua thủy điện từ
chính những dự án Mekong với phản đối chiếu lệ? Khi CEO của MRC là cho một người
Việt, có ảnh hưởng ở cấp chính phủ và chủ trương ủng hộ thủy điện? Khi VN không
khiếu kiện Lào theo luật quốc tế? Xét một chuỗi sự kiện nói trên, VN đã thất thủ
chiến lược, đã bỏ ÐBSCL để đổi lấy những món lợi rất ngắn hạn nói trên.
Năm nay 2019, trước cơn Ðại hạn của Thế kỷ đang là một
hồi chuông cảnh giác cho toàn lưu vực với ước vọng đã tới lúc phải hàn gắn những
đổ vỡ, phục hồi niềm tin. Một Hiệp ước Vùng thì đã có rồi, nhưng làm sao chính
phủ các nước đặt bút ký vào Hiệp ước 1995 ấy phải biết tôn trọng các điều khoản,
không chỉ để bảo vệ quyền lợi dân tộc mình mà cao hơn thế nữa là tiến tới triển
vọng hợp tác trong “Tinh Thần Sông Mekong” như một mẫu số chung để cùng nhau
phát triển, cùng nhau hướng tới một tương lai thịnh vượng chung và hòa bình cho
toàn vùng.
California, 25.08.2019
-------------------------
Tham
Khảo:
1/ Ðọc tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng, Biển Ðông Dậy
Sóng. Ðỗ Hải Minh, Tập san Thế Kỷ 21, Số 139, 11/ 2000. Mekong Dòng Sông Nghẽn
Mạch, Ngô Thế Vinh, NXB Văn Nghệ 2007.
2/ Potential Disruption of Flood Dynamics in the
Lower Mekong River Basin Due to Upstream Flow Regulation. Yadu Pokhrel,
Sanghoon Shin, Zihan Lin, Dai Yamazaki & Jiaguo Qi, NATURE 2018 https://www.nature.com/articles/s41598-018-35823-4
3/ Mekong: Trận “hạn hán thế kỷ” nhìn từ quan điểm hạ
lưu. Phạm Phan Long, VOA 25.07.2019 https://www.voatiengviet.com/a/mekong-tran-han-han-lich-su-ha-luu/5013842.html
4/ Prayut: China, Laos, Myanmar asked to release
water. Mongkol Bangprapa, Bangkok Post 24.07.2019 https://www.bangkokpost.com/thailand/general/1718087/prayut-china-laos-myanmar-asked-to-release-water
5/ Ðầu nguồn “khát nước” và những nỗi lo. Bình
Nguyên, Báo Cần Thơ Online: 04.08.2019 https://baocantho.com.vn/dau-nguon-khat-nuoc-va-nhung-noi-lo-a111866.html
6/ Việt Nam phải mạnh mẽ đối với các nước thượng nguồn
Mekong dù đó là nước nào?! Thanh Trúc phỏng vấn Brian Eyler, tác giả cuốn
những ngày cuối của dòng sông Mekong Vĩ Ðại, 2019-08-01
https://www.rfa.org/vietnamese/video?v=0_gx0108ik7/ Damming the Mekong Basin to
Environmental Hell.BRAHMA CHELLANEY, Project-Syndicate, Aug 2, 2019 https://www.project-syndicate.org/commentary/china-dams-mekong-basin-exacerbate-drought-by-brahma-chellaney-2019-08
*ACMECS: Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong Economic
Cooperation Strategy / Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong
(tên 3 dòng sông Ayeawady, Chao Phraya, Mekong) bao gồm 4 quốc gia: thành viên
Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á: Thái Lan, Lào, Cambodia,Việt Nam và Myanmar.
No comments:
Post a Comment