RFA
2019-08-26
2019-08-26
Vào ngày 8 tháng 6 năm 2019, trên Facebook Thảo Thắng
của cô Nguyễn Thị Thanh Thảo có bài viết nói về tâm tình của cô đối với bố là
ông Nguyễn Mạnh Thắng – TGĐ Công ty Sông Đà 7 – đơn vị vừa trúng thầu dự án ngìn
tỷ tại Thái Nguyên. Trong đó có đoạn cô viết “Nhiều lúc nghĩ thương bố thật. Cứ
ăn và phá. Trường kỳ bao năm nay. Mỗi 1 năm báo bố 20 tỷ.. 5 năm liên tiếp báo
5 lần con số như thế.. Cũng vì tội tin người và ga lăng quá. Tặc lưỡi xong tiền
mất…”
Bà Nguyễn Thị Thanh
Thảo và bố bà là ông Nguyễn Mạnh Thắng cùng dòng trạng thái bà Thảo chia sẻ. RFA edit
Xài tiền của ai?
Mãi đến ngày 24/8, status này được lan truyền rộng
rãi trên mạng. Nhiều người chia sẻ lại ảnh chụp màn hình và thể hiện bức xúc
trước thông tin mỗi năm con gái lãnh đạo tiêu xài hàng chục tỷ đồng …
Trả lời với báo chí trong nước, ông Nguyễn Mạnh Thắng
cho biết do con ông “trẻ con, hồ đồ, đồng bóng” và thích tôn vinh bản thân nên
khoe khoang chứ chẳng có gì, vì thân ông còn lo cho ông chưa xong thì cướp đâu
20 tỷ cho con?
Mặc dù giải thích như vậy, nhưng cư dân mạng vẫn lục
lại Facebook con gái ông và chụp lại ảnh những xe hơi cao cấp mắc tiền trong bộ
sưu tập của cô con gái rượu ông Thắng đã đăng tải trước đó.
Sau khi thông tin này lan truyền với tốc độ chóng mặt,
cô Thảo đã khóa Facebook - Thảo Thắng.
Hầu hết những người trao đổi với Đài Á Châu tự Do đều
cho rằng chuyện con cái các lãnh đạo Tổng công ty tiêu xài hoang phí không phải
là điều gì mới mẻ, nhưng hiếm người nào “không đánh mà khai” như trường hợp cô
Thảo. Nhưng dù sao cũng phải cám ơn cô Thảo vì nhờ có dòng trạng thái của bà mà
người dân mới biết rõ hơn, như lời bạn Hiền, hiện đang ở Sài Gòn:
“Thật ra nó còn nhiều hơn vậy nữa mà nhiều khi mình
đâu biết được. Nói đơn giản như ông (Nguyễn Tấn Dũng đi, chắc chắn ông đã có quốc
tịch nước ngoài, con ruột, con rể, con dâu, thậm chí cháu cũng có quốc tịch nước
ngoài thì nghĩ đi, 20 tỷ đó làm gì đủ, nhiều khi nhiều hơn như vậy nữa. Nói
chung tùy theo cấp độ của người cha làm ở đâu, làm ít thì ‘ăn’ ít, làm nhiều
thì ‘ăn’ nhiều, đại loại vậy, chứ một năm nhà nước mình lỗ mấy ngàn tỷ thì 20 tỷ
này nhằm nhò gì.”
Không quan tâm nợ quốc gia
Giải thích rõ hơn trong trường hợp cô Thảo và ông Thắng,
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang nhận định các doanh nghiệp nhà nước đều báo
cáo lỗ nhưng các quan chức phụ trách đều giàu nên bao nhiêu cái lỗ thì nhà nước
phải chịu, dân phải gánh. Ông cho rằng đây là tình trạng chung các quan chức
nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước đều được độc quyền nên có thu nhập bất
chính và có nguồn tiền rất lớn.
Lãnh đạo Hà Nội đến
thăm cô Trần Thị Tâm, con gái Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, phải nhập
viện vì sử dụng ma túy đá quá liều trong Đại nhạc hội tại Công viên nước hồ Tây
hôm 16/9/2018. Ảnh chụp màn hình báo trong nước
“Một là họ để dành, gửi ra các nhà băng nước ngoài.
Hai là tiêu xài không thương tiếc. Người thì gửi con đi học nước ngoài như bà Bộ
trưởng (Y tế) Nguyễn Kim Tiến gửi con sang Mỹ, Nguyễn Đức Chung gửi con sang
Úc… Nói chung trên mạng người ta đã đăng hết quan chức nào, từ cấp huyện cũng rất
nhiều người có con du học nước ngoài rồi. Họ lấy tiền đó cho con du học nước
ngoài, nếu không đi nước ngoài, ở trong nước thì lấy tiền đấy để ăn chơi hoặc đẻ
ra các doanh nghiệp để rửa tiền là chính.”
Sự việc lần này cũng khiến nhiều người nhớ lại vụ việc
cách đây gần 1 năm khi cô Trần Thị Tâm, sinh năm 1999, con gái Bộ trưởng Bộ
Công Thương Trần Tuấn Anh, cháu cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương phải nhập viện
vì sử dụng ma túy đá quá liều trong Đại nhạc hội tại Công viên nước hồ Tây hôm
16/9/2018.
Điều dư luận chú ý là sau khi cô Tâm nhập viện,
không những cô không bị công an đến làm việc mà giới chức lãnh đạo Hà Nội đã
mang hoa và quà đến thăm hỏi, động viên. Hành động này đã gây nên nhiều bất
bình trong xã hội lúc bấy giờ, phải chăng do con cháu lãnh đạo nên cô có thể
‘thoát nạn’ một cách nhẹ nhàng.
Nhận xét về thực trạng những ‘hạt giống đỏ’ được bao
bọc, phung phí ăn chơi bị lên án trong thời gian gần đây, nhà hoạt động Lã Việt
Dũng từ Hà Nội bày tỏ:
“Nó thể hiện gần như sự thối nát của chế độ bởi vì
nguyên tắc con các quan lại thời nay khi đất nước còn đang rất khó khăn, phải
đi vay tiền nước ngoài rất nhiều thì phải rất liêm khiết. Rõ ràng các quan
không liêm khiết thì con cái mới ăn tàn phá hại như vậy.
Thứ hai là mình thấy được sự bế tắc trong việc ăn
chơi của giới trẻ vì khi họ kiếm tiền một cách mờ ám, bất chính dễ dàng quá gần
như họ không có động lực trong việc lao động chân chính nữa mà dồn vào việc ăn
chơi, đua đòi.”
Còn theo Nhà báo Minh Hải, không hẳn những ‘con ông
cháu cha’ trên cả nước đều ăn chơi, phung phí, vẫn còn nhiều người chăm chỉ lo
học, có chí tiến thủ, tuy nhiên con số thích sống tận hưởng vẫn nhiều hơn:
“Đó là cách giáo dục của mỗi bậc chính trị vì thật sự
những người làm chính trị ở Việt Nam hầu như đều khá giả về kinh tế, đủ tiền của
cho con ăn học. Nhưng nếu không điều khiển được con cái thì nó sẽ thành ra lêu
lổng, ăn chơi trác táng vì cha mẹ có điều kiện, có tiền. Đó là chuyện bình thường
ở Việt Nam.”
Dưới góc nhìn cá nhân, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn
Trang cho rằng bất bình đẳng trong xã hội hiện nay đang thể hiện rất rõ và những
tầng lớp con cái các quan chức, đại gia ăn chơi như vậy là một gương xấu cho thế
hệ trẻ. Tuy nhiên, để dẹp bỏ được chuyện này không phải là dễ:
“Nhìn chung là tình trạng đó lâu rồi, từ thời bao cấp
đã thấy con các quan chức được ưu tiên đặc quyền đặc lợi rồi, nhưng lúc đó chưa
có nhiều của cải để tham nhũng. Còn từ khi đổi mới, kinh tế thị trường, đầu tư
nước ngoài vào thì bán đất, bán khoáng sản, bán tài nguyên thì các quan chức mới
có nhiều tiền lại càng tham nhũng nhiều hơn, con cái họ càng ăn chơi, phá phách
nhiều hơn.”
Vẫn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mạc Văn Trang, tình
trạng con ông cháu cha được bao che để lộng quyền, ăn chơi trác táng lâu nay
như một điều tất yếu trong cơ chế, thể chế của đất nước Việt Nam. Do đó, nếu
thay đổi thể chế mới có thể chỉnh đốn lại hệ thống, mà điều này có lẽ còn quá
xa vời.
No comments:
Post a Comment