Wednesday 28 August 2019

MỸ THỜI TRUMP ĐANG BỊ BIẾN THÀNH NHÀ NƯỚC CHUYÊN CHẾ? (Mai V. Phạm)




Mai V. Phạm
28/08/2019

Ảnh minh họa của Derreck Johnson

Từ sau Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại các nước Đông Âu, Mỹ vươn lên như một biểu tượng của tự do – dân chủ – nhân quyền. Mỹ xem vận động dân chủ và nhân quyền luôn là một chiến lược ngoại giao quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Bộ Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động nêu rõ: “Thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền, các quyền lao động, và dân chủ thông qua chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ góp phần tạo nên hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở nước ngoài, làm giảm các mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và tăng cường sự bền vững đối với các đối tác an ninh”.

Thế nhưng, mọi thứ đang dần thay đổi một cách đáng sợ. Hãi hùng.

1. 
Bài viết sáng nay của Đại học Havard danh tiếng đang khiến dư luận trong và ngoài nước hoang mang và có phần tức giận: một cậu sinh viên năm nhất tại đại học Havard đã bị các nhân viên di trú Mỹ tại sân bay Boston Logan hủy bỏ visa du học và trục xuất về nước vì lý do bạn bè của cậu post thông tin phê bình nước Mỹ trên mạng xã hội.

Cậu sinh viên tên Ismail B. Ajjawi, người Palestine 17 tuổi, đến từ Lebanon. Trước khi hủy bỏ visa của Ajjawi, các nhân viên di trú giữ Ajjawi trong nhiều tiếng, sau đó yêu cầu kiểm tra điện thoại và máy tính.

Ajjawi đã phải ở sân bay Boston gần 8 tiếng trước khi bị trục xuất. Ajjawi kể lại rằng một nhân viên di trú hỏi anh về tôn giáo và thực hành tín ngưỡng ở Lebanon. Sau đó, nhân viên di trú đã đó yêu cầu Ajjawi mở khóa điện thoại và máy tính xách tay và mang sang một khu vực khác để kiểm tra. Sau khoảng 5 tiếng kiểm tra, nhân viên di trú gọi Ajjawi vào phòng và lớn tiếng với cậu ta. Nữ nhân viên di trú nói rằng đã tìm thấy một số người trong danh sách friendlist Facebook của Ajjawi đã post các bài bảy tỏ quan điểm chính trị phản đối Hoa Kỳ.

Ajjawi nói với nhân viên di trú rằng cậu không post bất kỳ bài viết bày tỏ quan điểm chính trị nào vì thế không nên bắt cậu ta phải chịu trách nhiệm cho những người khác. Nhưng bất chấp lời giải thích của Ajjawi, nhân viên di trú sau đó đã hủy bỏ visa của cậu và thông báo cậu ta sẽ bị trục xuất.

Ajjawi cho biết cậu cũng đã liên lạc với AMIDEAST, tổ chức phi lợi nhuận đã trao cho anh ta học bổng du học và hiện đang trợ giúp pháp lý cho Ajjawi. Đại học Havard và các luật sư của trường cũng đang tích cực trợ giúp Ajjawi. Hiện tại Ajjawi đã trở về nhà ở Lebanon và cho biết cậu vẫn đang giữ liên lạc với một luật sư và hy vọng sẽ giải quyết vấn đề visa để cậu có thể đến Mỹ trong tuần này trước khi các lớp học bắt đầu vào thứ ba tới.

2.
Vào tháng 3/2019, tạp chí Foreign Policy cũng đưa một tin chấn động giới bất đồng chính kiến. Jessikka Aro, nữ nhà báo điều tra người Phần Lan, người phải đối mặt với các mối đe dọa mạng sống và quấy rối tình dục vì đã dám phơi bày bộ máy tuyên truyền của Nga trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Để vinh danh những đóng góp thầm lặng của cô, vào tháng 1/2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo cô Aro sẽ được trao giải thưởng quốc tế danh giá “Giải thưởng Phụ nữ Can đảm”, và sẽ được chính Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo trao tặng tại Washington.

Nhưng vài tuần sau đó, Bộ Ngoại giao đã hủy bỏ đề nghị trao giải. Một số quan chức Mỹ và bản thân cô Aro biết rõ sự tình từ các cuộc thảo luận với những người trong cuộc cho hay Bộ Ngoại giao quyết định thu hồi giải thưởng của cô Aro sau khi các quan chức di trú xem qua các bài đăng trên mạng xã hội của Aro và thấy rằng cô thường xuyên chỉ trích Donald Trump.

Thấy gì qua 2 câu chuyện trên?

Thấy đầu tiên là bất kỳ ai, trừ công dân Mỹ, đều có thể trở thành nạn nhân giống cậu sinh viên Ajjawi và cô nhà báo Aro. Điều đáng nói là cậu Ajjawi không hề click like, hay share các bài viết phê bình nước Mỹ mà là những người bạn trong friendlist của cậu ta.

Thứ hai, quyền tự do chỉ trích lãnh đạo (Trump) và bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa đã bị chính phủ Trump quy là “phản động”. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của độc tài chuyên chế là sợ hãi bị chỉ trích và tìm mọi cách để bịt mồm những tiếng nói bất đồng ôn hòa. Đảng cộng sản VN chẳng phải liên tục đàn áp, thậm chí tống giam những ai dám “nói xấu đảng” hay sao?

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2015, Tổng thống Obama đã phát biểu trước giới trẻ: “Tôi nghe chỉ trích mỗi ngày… nhưng nhờ các cuộc tranh luận chỉ ra các khiếm khuyết của chính phủ đã tạo điều kiện cho mọi người đóng góp ý kiến, đã giúp nước Mỹ lớn mạnh, thịnh vượng và công bằng hơn”.

Obama khuyến khích chỉ trích và xem đó như một cơ hội để hoàn thiện trách nhiệm phục vụ nước Mỹ. Ngược lại, Trump lại căm ghét sự chỉ trích và sẵn sàng chụp chiếc mũ “không yêu nước Mỹ” cho những ai lên tiếng phản đối mình. Đọc thêm ở đây để biết Trump và DLV giống nhau ở chỗ nào.

Vì căm ghét bị chỉ trích, nên Trump luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ và khen ngợi các lãnh đạo độc tài như Tập Cận Bình và Kim Jong-un là “rất tài năng” và “yêu nước”. Có thể nói, Trump khao khát và tìm mọi cách để được như bọn chúng: bịt miệng bất đồng chính kiến.

Không phải người Mỹ thì đừng chỉ trích Trump?

Nhiều người cuồng Trump thường dùng ngụy biện này để tấn công quyền tự do ngôn luận của người khác. Ngụy biện này cũng khác gì với ngụy biện thường thấy của DLV: Không phải người Việt thì đừng chỉ trích đảng cộng sản Việt Nam. Không cần phải sống ở Mỹ, hoặc là công dân Mỹ mới có quyền chỉ trích Trump. Bởi lên tiếng phê bình sự dối trá, sai trái, và vô đạo đức của lãnh đạo dựa trên dẫn chứng thuyết phục là quyền tự nhiên “bất khả xâm phạm”, mà mọi người sinh ra đều có.

131 quốc gia công nhận quyền tự do ngôn luận được quy định tại Khoản 2, Điều 19 Luật Công ước quốc tế về Nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận.”


NGẪM: Có thể nói, những lời nói lẫn chính sách mà Trump và thuộc hạ đã và đang thực hiện, đang biến nước Mỹ trở thành chuyên chế như các nước cộng sản.

Ngày mỗi ngày trôi qua tôi càng không nhận ra được nước Mỹ của tự do – dân chủ – nhân quyền. Không được phép chỉ trích lãnh đạo vô đạo đức, dối trá, vô liêm sĩ, thì có khác gì chế độ cộng sản? Đau xót và giận dữ vô cùng. Nhiều khi nghẹn lời chỉ muốn gào hét thật to.

Sau thời trump, nước Mỹ phải mất ít nhất 4 năm để xây dựng lại chuẩn mực tôn trọng nhân quyền – đề cao dân chủ là giá trị đạo đức và cao quý của Mỹ.

Phá hại dân chủ thì rất dễ. Xây dựng và bảo tồn mới khó.







No comments:

Post a Comment

View My Stats