27/08/2019
Bài viết của dân biểu Andrew William Hastie “Chúng
ta phải nhìn thấy Trung Quốc … bằng cặp mắt sáng suốt” đăng trên báo The
Sydney Morning Herald vào ngày 8 tháng Tám vừa qua tiếp tục gây tranh cãi tại
Úc trong những ngày qua khi ông so sánh mối đe dọa từ sự trổi dạy của Trung Quốc
với Đức Quốc Xã.
Nhưng Hastie không phải là một
dân biểu bình thường. Sinh ngày 30 tháng Chín năm 1982, tính ra Hastie
sắp sửa 37 tuổi, tức vẫn còn là một chính trị gia rất trẻ. Lúc 19 tuổi, khi vẫn
còn đang theo đuổi bằng cử nhân nghệ thuật nghiên về lịch sử, chính trị và triết
học, Hastie đã tình nguyện gia nhập Học viện Quốc phòng Úc, cho nên cuộc đời của
Hastie kể từ đó dính liền với lĩnh vực quân sự, từ năm 2001 đến 2015. Hastie từng
phục vụ cho quân đội Úc tại Trung Đông, kể cả Afghanistan, chống lại Nhà nước Hồi
giáo (ISIL) trước khi từ nhiệm vào tháng Tám năm 2015, để theo đuổi con đường
chính trị. Hastie chính thức trở thành dân biểu đại diện cho vùng Canning, Tây
Úc, vào tháng Chín năm 2015, và tiếp tục được tín nhiệm trong hai kỳ bầu cử
liên bang Úc năm 2016 và 2019. Hastie được mời tham gia Ủy
ban Tình báo và An ninh của quốc hội Úc ngày 15 tháng Chín năm 2016,
và được bầu chọn làm Chủ tịch/chủ tọa của Ủy ban này từ ngày 8 tháng Hai năm
2017, tức chưa đầy nửa năm sau. Ủy ban này có 11 thành viên, gồm các chính trị
gia gạo cội của cả hạ viện lẫn thượng viện, nhiều kinh nghiệm, và xu hướng
chính trị khác nhau, với chức
năng duyệt xét hoạt động của các cơ quan tình báo Úc, cũng như đề nghị
điều chỉnh các luật pháp liên hệ, để bảo đảm tính hiệu quả và cần thiết của nó.
Điều này cho thấy được tầm quan trọng của Hastie trên bình diện tình báo và an
ninh quốc gia. Trong cương vị này, Hastie hiển nhiên tiếp cận được các luồng
thông tin mật hàng đầu của giới tình báo Úc cũng như của Năm
Mắt qua các chuyến công tác đặc biệt của ông trong vai trò này.
Cũng vì tư thế quan trọng của Hastie mà bài viết của
ông vừa qua gây nhiều tranh cãi hơn bình thường, làm cho Bắc Kinh thêm phẫn nộ,
và qua đó mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Úc, vốn đang phức tạp và căng thẳng, tiếp
tục leo thang trong bối cảnh ngày càng u ám trên bình diện chính trị quyền lực
của vùng và thế giới. Trước đó Hastie cũng từng tố
cáo tỷ phú Chau Chak Wing tại quốc hội Úc, qua tình báo từ Hoa Kỳ mà
ông thu thập được, là đồng phạm của vụ hối lộ 200 trăm ngàn đô Mỹ với Chủ tịch
Đại Hội đồng LHQ John Ashe vào năm 2013.
Trước khi lên tiếng về Tập Cận Bình và các hiểm họa
từ Trung Quốc này, Hastie quan tâm đến các vấn đề khác, nào là khủng bố do Nhà
nước Hồi giáo, một trong những nguyên do chính để Hastie quyết định gia nhập
quân đội Úc sau sự kiện 11 tháng Chín (năm 2001), hay các vấn đề nóng trong nền
chính trị Úc. Trong những năm đầu tham chính, Hastie bắt đầu để ý đến dự án hạ
tầng cơ sở toàn cầu của Trung Quốc có tên Vành đai Con đường đi qua 68 quốc
gia. Theo biên tập viên Peter Hartcher trách nhiệm các vấn đề chính trị và thế
giới của báo The Sydney Morning Herald, thì ngay cả lúc đó Hastie cũng không
nghĩ rằng đây chỉ là một
phần nhỏ trong mục tiêu/chiến lược đại lớn của Trung Quốc. Cho đến khi
Hastie mở một điện thư đến từ ký giả John Garnaut.
Như đã trình bày trong bài trước, Garnaut là một ký
giả chuyên về Trung Quốc, từng được mời làm cố vấn cho Thủ tướng Malcolm
Turnbull và văn phòng thủ tướng từ năm 2015 đến 2017. Sau đó Garnaut được ông
Turnbull giữ lại với nhiệm vụ viết một báo cáo mật về các hoạt động của Trung
Quốc tại Úc. (Cũng xin mở ngoặc ở đây để chia sẻ rằng cựu Thủ tướng Turnbull là
một trong những người cấp tiến nhất còn lại trong đảng Cấp tiến, nay chủ yếu là
bảo thủ, có con
dâu là người gốc Hoa, và ông là người có thể nói không có máu kỳ thị trong
người, nhất là người Hoa). Báo cáo mật này làm cho chính quyền Úc quan tâm đến
độ họ đã lập tức duyệt
xét lại chính sách và tu chính lại các bộ luật về tình báo và an ninh
quốc phòng, và cũng như luật về can thiệp nước ngoài (foreign interference).
Nhưng ngoài báo cáo này, Garnaut cũng gửi cho Hastie một tài liệu khác mà sau
khi đọc xong nó giống như một tiếng sét ngang tai đối với Hastie.
Tựa đề của bài viết đó có tên “Những nhà thiết
kế tâm hồn: những gì nước Úc cần biết về ý thức hệ ở Trung Quốc của Tập Cận
Bình”. Đây là bài nói chuyện của Garnaut dành riêng cho một số công chức chọn
lọc và quan trọng trong chính quyền Úc vào tháng Tám năm 2017. Hastie không
tham dự buổi nói chuyện này, nên khi đọc xong, dù đã nắm giữ vai trò Chủ tịch của
Ủy ban Tình báo và An ninh khoảng một năm và nắm bắt nhiều thông tin mật quan
trọng hàng đầu, Hastie mới nhận thức rõ ràng hơn và đầy đủ hơn về mối đe dọa lớn
lao từ Trung Quốc mà Úc, và nhân loại, đang và sẽ phải đối phó với trong các thập
niên tới. Cũng từ đó Hastie đóng phần quan trọng trong việc duyệt xét các chính
sách, luật pháp và tài chánh liên quan đến sự can thiệp của nước ngoài. Ngoài
ra trong vai trò quan trọng tại quốc hội Úc hiện nay, nhưng chưa giữ ghế bộ trưởng
nào trong chính quyền Úc (không ngồi ở hàng ghế đầu, nên được gọi là người ngồi
ở hàng ghế sau, backbenchers),
Hastie dễ dàng lên tiếng mạnh mẽ về mọi vấn đề về an ninh quốc phòng, trực tiếp
liên quan đến vai trò của ông trong quốc hội. Bởi vì một khi đã giữ ghế bộ trưởng
thì tiếng nói nên dè dặt hơn vì vấn đề ngoại giao, với Trung Quốc hay các quốc
gia khác.
Tóm lại, có thể nói không ai ở trong địa vị tốt hơn
Andrew Hastie để giúp cho người dân Úc nhận thức rõ về mối đe dọa và hiểm họa
mà Úc và nhân loại phải đối diện trong những thập niên tới. Hastie cô đơn lên
tiếng một mình, hay thật ra phần lớn chính quyền Úc và cả đảng đối lập Lao Động
đứng sau ông, dù có phê
bình hay cảnh
báo đối với các phát biểu trước đây hay bài viết vừa qua của
Hastie?!?!?! Đó là tùy theo nhận định của mỗi người. Thủ tướng Scott Morrison
thì cho
rằng là người ngồi ở hàng ghế sau, Hastie có quyền bày tỏ các quan điểm
của mình. Thật ra ở trong cương vị của mình, Morrison không nói được những gì
Hastie đã trình bày. Và ông Morrison chắc hẳn hiểu rằng cho dầu các quan điểm của
Hastie có làm phức tạp thêm mối quan hệ với Trung Quốc, sự chuẩn bị ý thức và
tư duy để người dân hiểu rõ vấn đề vào thời điểm hiện nay cho các thử thách
tương lai là thật sự cần thiết.
Đây là điểm mạnh và tích cực của nền dân chủ, trong
đó các tiếng nói khác biệt là để bổ túc cho những vấn đề hay quan điểm tế nhị,
khó khăn và phức tạp mà những người lãnh đạo tối cao của một quốc gia không thể,
và không nên, trình bày vì có thể ảnh hưởng tiêu cực lên mối bang giao với các
quốc gia khác.
Ảnh hưởng của ký giả John Garnaut lên dân biểu
Andrew Hastie, như đã trình bày trên, cũng như lên giới truyền thông và tinh
hoa Úc, và cộng đồng người Hoa tự do, là rất lớn. Lớn đến độ Bắc Kinh đã tìm đủ
mọi cách để lấy thông tin về Garnaut, kể cả việc giam
cầm một thời gian hai trí thức công dân Úc gốc Hoa: tiến sĩ Feng
Chongyi (nguyên
một tuần) và nhà văn và blogger tiến sĩ Yang Hengjun (hiện vẫn còn đang bị
giam cầm từ ngày 18 tháng Giêng năm 2019) khi hai ông này về thăm Trung Quốc. Họ
tra vấn hai người này, một phần là để hỏi về Garnaut và mối quan hệ của họ với
Garnaut. Hastie đã mạnh
mẽ lên án Trung Quốc về hành động này và yêu cầu trả tự do ngay lập tức
cho ông Yang.
Tại sao Bắc Kinh quan ngại đến ảnh hưởng của John
Garnaut như thế, cho dù ông không còn giữ vai trò nào trong chính quyền Úc?
Muốn biết cặn kẽ nguyên do thì người đọc nên tìm hiểu
bài phát biểu “Những nhà thiết kế tâm hồn…” của John Garnaut với giới tinh hoa
Úc.
Phạm
Khú Khải
Úc Châu, 18/08/2019
No comments:
Post a Comment