Thụy My – RFI
Đăng ngày 28-08-2019
Giáo
sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales, Úc trong bài viết mang tựa đề
« Việt Nam, Biển Đông và cộng đồng quốc tế trong đó có Úc »,
đăng tải hồi cuối tháng 8/2019, đề nghị Việt Nam nên tham khảo các chuyên gia
pháp lý quốc tế, về tiến trình bắt giữ chiếc Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang
Dizhi 8), thông qua cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol.
Ông khuyến cáo cảnh sát biển Việt Nam cần phải tiếp
tục duy trì sự hiện diện ở bãi Tư Chính để bảo vệ chủ quyền. Song song đó, Việt
Nam cần tiếp tục phản đối về mặt ngoại giao ở mọi cấp độ : đại sứ quán Trung Quốc
ở Hà Nội, bộ Ngoại Giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, các lãnh đạo cao cấp của đảng và
chính quyền, quân đội Trung Quốc.
Việt Nam cũng phải tiếp tục vận động các nước ASEAN
và cộng đồng quốc tế để tìm kiếm sự hỗ trợ trước các hành động bức hiếp của
Trung Quốc. Cần nói rõ với các nước ASEAN là không thể chấp nhận một bộ quy tắc
ứng xử không bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS.
Giáo sư Thayer đề nghị Việt Nam tích cực hơn, rõ
ràng và kịp thời hơn trong thông tin về các hành vi phi pháp của Trung Quốc tại
vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Chẳng hạn mời báo chí nước
ngoài đến quan sát trên thực địa, đưa thiết bị bay không người lái đến bãi Tư
Chính để cung cấp cho báo chí các bằng chứng sống động.
Bên cạnh đó, đại sứ quán Việt Nam tại Washington nên
thông tin kịp thời về hành động bức hiếp của Trung Quốc cho Ủy ban Đối ngoại
Thượng Viện Mỹ, vận động thông qua dự luật trừng phạt về Biển Đông và Biển Hoa
Đông.
Cuối cùng, Việt Nam cần duy trì khả năng kiện Trung
Quốc theo Phụ lục VII của UNCLOS như Philippines đã làm năm 2013.
Được biết cơ quan cảnh sát quốc tế có trụ sở tại
Lyon, Pháp, được phát hành các thông báo liên quan đến các nghi can bị truy nã
vì những tội nghiêm trọng, người mất tích, các mối đe dọa tiềm tàng…Tuy nhiên
các « thông báo đỏ » của Interpol không thể thay thế các phán quyết của Tòa Án
Hình Sự Quốc Tế (ICC) hoặc các tòa án mang tính quốc tế khác.
---------------------------------
Thụy My - RFI
Đăng ngày 28-08-2019
Tàu
Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) hôm nay 28/08/2019 đến gần khu vực bãi
Tư Chính, với mức độ khảo sát dày đặc hơn trước, theo quan sát của các nhà
chuyên môn.
Trang Đại sự ký Biển Đông cho biết trong hai ngày
qua, chiếc tàu này thay vì tiến sâu vào bờ biển Việt Nam theo kiểu zig zag, đã
đổi hướng đến gần bãi Tư Chính. Có lúc Hải Dương Địa Chất 8 cùng với các tàu hải
cảnh « chỉ cách vị trí giàn khoan Hakuryu 5 tại lô 06.1 (mỏ Lan Tây -
Lan Đỏ) và chân đế Sao Vàng tại mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt khoảng 55 hải lý ».
Đây là hai nơi đang diễn ra các hoạt động dầu khí
liên doanh Việt Nam và một số nước đối tác. Mật độ các vòng khảo sát cũng dày đặc
hơn.
Trên Twitter, tài khoản South China Sea News dẫn nguồn
từ Marine Traffic và giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Hoa Kỳ, cũng có
cùng nhận định về hướng hoạt động của chiếc tàu khảo sát Trung Quốc.
Cũng theo Đại sự ký Biển Đông, hiện nay hai tàu hải
cảnh hộ tống 46111 và 31302 của Trung Quốc đã rời đi về hướng khu vực Đá Chữ Thập
(Fiery Cross Reef) và Đá Subi (Subi Reef). Tuy nhiên tàu hải cảnh 46301 vẫn
luôn quanh quẩn gần lô 06.1, và luôn ở khoảng cách rất gần với các tàu bảo vệ
giàn khoan của Việt Nam.
Đối với thông tin về sự hiện diện của chiến hạm
Quang Trung tại bãi Tư Chính, nhà báo James Pearson của hãng tin Reuters đăng một
ảnh vệ tinh từ trang Planet Labs cho thấy, cả bốn tàu hộ vệ tên lửa của Việt
Nam đều đang nằm tại cảng Cam Ranh. Trong lúc đó dữ liệu của Marine Traffic khẳng
định chiếc tàu mang tên VNPS Quang Trung vẫn đang trên đường di chuyển. Như vậy
có thể kết luận đây là tàu cảnh sát biển chứ không phải chiếc tàu hộ vệ tên lửa
Quang Trung thuộc lớp Gepard của Hải quân Việt Nam.
Việt Nam tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Biển Đông
Việt Nam sẽ hợp tác với các láng giềng Đông Nam Á để
tìm kiếm một giải pháp hòa bình trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Thủ
tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm qua 27/08/2019 tuyên bố như trên sau cuộc gặp
với đồng nhiệm Malaysia Mahathir Mohamad.
Báo Nhật Nikkei ghi nhận, tuyên bố này được đưa ra một
ngày sau khi bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ ra thông cáo cho biết « cực kỳ quan
ngại » trước việc Bắc Kinh leo thang bức hiếp nhắm vào hoạt động dầu
khí đã có từ lâu của Việt Nam trên Biển Đông, tố cáo « chiến lược bắt nạt »
của Trung Quốc.
----------------------------
RFI
.
RFI
No comments:
Post a Comment