Wednesday, 28 August 2019

HOA KỲ CÓ THỂ TẤN CÔNG BẮC KINH Ở NGÃ KHÁC (Nguyễn Xuân Nghĩa)




Nguyễn Xuân Nghĩa
28/08/2019

Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cân Bình tham dự cuộc họp song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka vào ngày 28 Tháng Sáu đã tạo cơ hội đình chiến nhưng chỉ được có 33 ngày.  AFP

Hôm Thứ Sáu 23, Tổng thống Donald Trum “ra lệnh” cho các doanh nghiệp Mỹ ra khỏi Trung Quốc. Sau đó, ông giải thích cơ sở của quyết định này là Đạo luật Ban bố Tình trạng Khẩn cấp Kinh tế Quốc tế đã có từ năm 1977. Đạo luật ấy là gì, có thể ảnh hưởng thế nào đển trận thương chiến với Bắc Kinh và đến luồng giao dịch kinh tế của các nước khác? Diễn đàn Kinh tế xin tìm hiểu sau đây.

Đạo luật IEEP

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Chiều Thứ Sáu 23, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump quyết định tăng thuế nhập nội trên hàng hóa Trung Quốc và còn báo trên Twitter rằng ông “ra lệnh” cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ triệt thoái khỏi thị trường Trung Quốc. Thưa ông, Tổng thống Hoa Kỳ có cái quyền đó hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nói về bối cảnh trước, may ra chúng ta thấu hiểu vấn đề. Trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xảy ra từ 18 tháng qua mà chỉ là một mặt của nhiều mâu thuẫn đa diện giữa hai nước, kể cả an ninh chiến lược. Về mặt thương chiến, tình hình gay go do hai bên quyết định áp thuế nhập nội trên hàng hóa của nhau để trả đòn. Việc lãnh tụ hai nước gặp nhau trong Thượng đỉnh của Nhóm G-20 tại Osaka vào ngày 28 Tháng Sáu đã tạo cơ hội đình chiến nhưng chỉ được có 33 ngày. Sau đó, ngày một Tháng Tám, Hoa Kỳ quyết định tăng thuế nhập nội thêm 10% trên một lượng hàng của Trung Quốc trị giá khoảng 300 tỷ đô la. Qua ngày 13 thì Mỹ hòa hoãn điều chỉnh lại quyết định này trong khi đôi bên cố đàm phán. Hôm Thứ Năm 22, Cố vấn Kinh tế của ông Trump còn cho báo chí biết việc thương thảo qua điện đàm đã có tinh thần tích cực xây dựng và phái bộ đôi bên có thể gặp nhau vào Tháng Chín. Điều bất ngờ là trước khi các thị trường tài chính của Mỹ mở cửa vào sáng hôm sau, Bắc Kinh lại công bố quyết định tăng thuế trên 75 tỷ hàng của Mỹ. Quyết định ấy mới khiến ông Trump nổi đóa sau khi ông đã tỏ thiện chí trước đó ba tuần. Vì vậy, chiều Thứ Sáu, ông Trump mới ra quyết định áp thuế và đòi doanh nghiệp Mỹ rút khỏi thị trường Trung Quốc.

.
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, căn cứ vào đâu mà Tổng thống Mỹ đòi ra lệnh cho doanh nghiệp Hoa Kỳ rút khỏi thị trường Trung Quốc, là điều thiệt ra cũng khó và có lẽ đòi hỏi thời gian chuẩn bị?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau đó ông Trump giải thích thêm là Hành pháp có quyền áp dụng một Đạo luật năm 1977 là Ban bố Tình trạng Khẩn cấp Kinh tế Quốc tế, hay International Emergency Economic Powers Act, viết tắt là IEEPA. Đạo luật cho phép Tổng thống tuyên bố là có một mối đe dọa bất thường và nghiêm trọng cho nền an ninh quốc gia, ngoại giao và kinh tế của Hoa Kỳ và sau khi tuyên bố, Tổng thống Mỹ được quyền ngăn cấm việc giao dịch và phong tỏa tài sản để đối phó với mối nguy đó. Trong trường hợp Hoa Kỳ bị tấn công, Tổng thống cũng có thể tịch thu tài sản liên hệ với một quốc gia, một nhóm người hay một cá nhân đã giúp đỡ việc tấn công đó. Từ khi đạo luật ra đời. Hoa Kỳ áp dụng 30 lần tất cả. Bây giờ ông Trump hăm dọa sẽ áp dụng đạo luật này với Bắc Kinh.

.
Nguyên Lam: Theo như ông nghĩ thì đây chỉ là một lời hăm dọa để gây sức ép hay ông Trump sẽ làm thật?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta chưa biết được rằng đó chỉ là lời dọa hay sẽ thành sự thật. Thiển ý của tôi là trận thương chiến bằng thuế nhập nội đã đi gần tới tối đa và mất dần sự công hiệu nên ông Trump có thể mở ra một trận tuyến khác với Trung Quốc đễ lãnh đạo Bắc Kinh phải thay đổi. Khi ra tranh cử vào năm 2016, ông Trump đã than về Trung Quốc và dọa tăng thuế nhập nội tới 45%. Bây giờ, mức thuế dọa nạt ấy đã lên tới 30%, nếu có tăng hơn chưa chắc là đã có tác dụng mong muốn, mà Bắc Kinh lại có thái độ cứng rắn hơn. Ông Trump và ban tham mưu có thể nghĩ ra một ngón võ khác là đòi doanh nghiệp Mỹ giải tư, tức ra rút đầu tư ra khỏi thị trường của Tầu, để gây thêm thiệt hại cho Bắc Kinh.

.
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, liệu rằng việc ấy có khả thi hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta cần ước đoán tính chất khả thi từ nhiều giác độ. Về pháp chế thì Tổng thống có quyền đó. Về chính trị thì Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ tại Hạ viện và đảng Cộng Hòa tại Thượng viện đều có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Đảng Dân Chủ còn mong ông Trump gây chiến để sẽ lãnh hậu quả chính trị bất lợi trong cuộc bầu cử năm tới khi các doanh nghiệp và giới tiêu thụ Mỹ bị thiệt hại do trận thương chiến mở rộng. Vả lại cả hai đảng lại chưa đủ túc số hai phần ba để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống nếu họ không cho ông Trump sử dụng ngón võ ấy.

- Có một khía cạnh cần chú ý là Đạo luật Khẩn cấp Kinh tế cho phép Tổng thống can thiệp vào việc giao dịch với một số quốc gia, đấy là cơ sở của lệnh cấm vận hay ngăn cản việc mua hàng của Trung Quốc hay của các nước bán hàng có nhập liệu của Trung Quốc ở trong. Việt Nam có thể bị bất lợi khi xuất khẩu vào Mỹ loại hàng hóa bên trong có những sản phẩm của Trung Quốc nếu Mỹ ban hành tình trạng khẩn cấp kinh tế rắc rối ấy.

.
Nguyên Lam: Thưa ông, còn lập trường của các doanh nghiệp Mỹ thì sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc từ lâu vì không còn có lời như xưa. Nhưng chưa chắc họ đã muốn Tổng thống nóng nẩy ra lệnh như vậy vì thứ nhất, việc giải tư là tiến trình lâu công và tốn kém chứ không thể giải quyết vài tuần là xong; thứ hai, nhiều doanh nghiệp đã hội nhập quá sâu vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc nên bị thiệt hại nặng và họ sẽ chống; thứ ba, nếu phải đi thì họ đi đâu? Chúng ta trở lại chuyện Việt Nam khi xứ này chưa có hạ tầng tiếp vận khả dĩ thay thế trị trường Trung Quốc, như báo chí quốc tế đã tường thuật.

- Thành thử mình có thể đoán nếu ông Trump áp dụng đạo luật này thì cũng chả dại gì mà khai triển tối đa và lập tức. Cụ thể thì sẽ cho các doanh nghiệp một thời gian ân hạn là nhiều năm và tùy theo từng loại xí nghiệp. Lý luận của ông là Mỹ phải cố tách rời khỏi kinh tế Trung Quốc và đấy là điều đúng hầu tránh được nạn “nuôi ong tay áo” khi Bắc Kinh trục lợi của Mỹ để đòi vượt mặt Hoa Kỳ trong một trật tự mới do Trung Quốc lãnh đạo. Ta cũng đừng quên rằng hai quốc gia bạn hàng mua bán nhiều nhất với Mỹ chính là Mexico rồi Canada, chứ Trung Quốc chỉ đứng hạng ba mà thôi.


Chiến lược hay chiến thuật?

Nguyên Lam: Nếu như vậy, sự hăm dọa của ông Trump là một quyết định chiến lược hay chỉ là một chiến thuật thương thuyết với Bắc Kinh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho là cả hai! Về chiến thuật, ông dọa để Bắc Kinh phải nhượng bộ. Về chiến lược, ông muốn các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ rà soát lại kế hoạch làm ăn trong lâu dài chứ không để bị Trung Quốc lợi dụng.

- Nhược điểm của ông Trump là cứ trực tiếp nhảy vào cuộc qua những lời đốp chát mà chẳng trình bày cho quốc dân một chiến lược trường kỳ và toàn diện chống lại mối nguy của Trung Quốc, trong khi lãnh đạo Bắc Kinh thường xuyên nói về các mục tiêu và chiến lược lâu dài của họ để huy động quần chúng.

- Sau cùng, chúng ta nên chú ý tới một chuyện khác là Hoa Kỳ có lệnh cấm vận với nhiều xứ khác, như Iran hay Venezuela, và sẽ trừng phạt các doanh nghiệp vi phạm lệnh cấm vận này. Thí dụ điển hình là hãng Hoa Vi của Trung Quốc vì làm ăn với Iran. Nói chung, các tập đoàn lớn của Trung Quốc đang giao dịch với Mỹ đều tôn trọng lệnh cấm vận đó. Tức là sự hăm dọa của Hoa Kỳ cũng hiệu quả.

- Nếu nhìn vào chiến lược lâu dài thì Hoa Kỳ không nên chỉ tập trung vào trận thương chiến rồi ban hành tình trạng khẩn cấp với Trung Quốc mà còn gia tăng yểm trợ các nước bị Bắc Kinh uy hiếp, như Đài Loan hay các quốc gia Đông Nam Á. Và nếu lệnh khẩn cấp được ban hành, Hoa Kỳ cũng có thể trừng phạt viên chức nào của Hong Kong đã đàn áp dân biểu tình. Chúng ta không quên rằng ông Trump cũng đã gài chuyện Hong Kong vào trận thương chiến với Trung Quốc.

.
Nguyên Lam: Vì thời lượng có hạn, Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra vài kết luận cho đề tài ly kỳ này cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dưới sự lãnh đạo của ông Trump, người ta thấy Hoa Kỳ có vẻ muốn gây chiến tranh thương mại với mọi quốc gia từ Âu sang Á. Sự thật thì đấy chỉ là đòn dứ, chứ sau cùng Mỹ vẫn thỏa hiệp với các nước đồng minh, như Canada hay Mexico và gần đây nhất là Nhật Bản, sau này có thể là Liên Âu.

- Ngược lại, Hoa Kỳ mở cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc và Liên bang Nga. Lời hăm dọa ban bố tình trạng khẩn cấp kinh tế chống Bắc Kinh nằm trong hướng đó. Và đấy là quyết định sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Hoa Kỳ mau ra khỏi bóng rợp Trung Quốc nhưng cũng gây rủi ro chính trị lớn cho ông Trump. Chúng ta nên chờ xem ông khai triển và áp dụng chuyện này ra sao thì mới có thể kết luận.
.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.







No comments:

Post a Comment

View My Stats